top of page

Hy Lạp thả trôi biển người tị nạn

Patrick Kingsley and Karam Shoumali, ngày 14 tháng 8, 2020

Migrants aboard an inflatable boat heading to the Greek island of Lesbos. Aris Messinis/Agence France-Presse — Getty Images


Chính quyền Hy Lạp đã bí mật trục xuất hơn 1000 người tị nạn khỏi biên giới châu Âu trong nhiều tháng gần đây, đưa nhiều người ra sát hải giới Hy Lạp và bỏ rơi họ trên xuồng cứu sinh bơm hơi đôi khi với số người quá tải.


Từ tháng Ba, trong 31 chuyến trục xuất, ít nhất 1072 người xin tị nạn đã bị chính quyền Hy Lạp bỏ rơi ngoài biển. Những thông tin này được cung cấp bởi một phân tích bằng chứng của tờ The New York Times từ ba cơ quan giám sát độc lập, hai nhà nghiên cứu hàn lâm và Tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ. Tờ The Times đã phỏng vấn những người sống sót từ năm chuyến trục xuất vào số đó và đã xem xét bằng chứng qua hình ảnh hoặc video của cả 31 chuyến này.


“Thật vô nhân đạo,” Najma al-Khatib, một giáo viên người Syria 50 tuổi, phát biểu về các viên chức Hy Lạp che mặt. Họ đã đem bà và 22 người khác, bao gồm hai trẻ sơ sinh, lúc tối trời từ một trung tâm giam giữ trên đảo Rhodes hôm 26/07 và bỏ rơi cả nhóm trên một xuồng cứu sinh không có bánh lái và động cơ trước khi họ được Tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ cứu vớt.


“Tôi bỏ Syria ra đi vì sợ bom đạn – nhưng khi điều này xảy ra, tôi thà chết dưới bom đạn còn hơn,” bà nói với The Times.


Theo luật quốc tế, những cuộc trục xuất bất hợp pháp này là nỗ lực trực tiếp và lâu dài nhất của một quốc gia châu Âu nhằm ngăn chặn di dân theo đường biển. Họ sử dụng lực lượng vũ trang của mình từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng di dân năm 2015, khi Hy Lạp là con đường chủ đạo cho di dân và người tị nạn tìm cách vào châu Âu.

Chính quyền Hy Lạp phủ nhận bất cứ sự bất hợp pháp nào.


“Nhà chức trách Hy Lạp không tham gia vào các hoạt động lén lút,” phát ngôn viên chính phủ, Stelios Petsas, nói. “Hy Lạp có thành tích đã được chứng minh là tuân thủ luật pháp, công ước và thông lệ quốc tế. Điều này gồm cả việc đối xử với người tị nạn và di dân.”


Từ 2015, các nước châu Âu như Hy Lạp và Ý chủ yếu dựa vào những chính phủ được ủy nhiệm, như chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Libya để ngăn chặn nạn di dân bằng đường biển. Điều khác biệt hiện nay là chính phủ Hy Lạp ngày càng phải tự tay giải quyết vấn đề.

Trong vài trường hợp, di dân bị buộc phải lên những chiếc xuồng cứu sinh bị rò rỉ và bị thả trôi tại hải giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi những di dân khác bị thả trôi ngay trong tàu của họ sau khi bị các viên chức Hy Lạp phá hủy máy tàu.


“Việc đẩy ngược người ra biển này là hoàn toàn bất hợp pháp trong mọi khía cạnh, trong luật quốc tế cũng như luật châu Âu,” giáo sư François Crépeau, chuyên gia về luật quốc tế và cựu đặc phái viên của Liên hiệp quốc về nhân quyền của di dân, nói.


“Đây là một thảm họa về nhân quyền và tính nhân đạo,” giáo sư Crépeau nói thêm.

Người Hy Lạp đã từng thấu hiểu hơn ai hết hoàn cảnh khốn cùng của di dân. Tuy nhiên, nhiều người đã trở nên thất vọng và giận dữ sau nửa thập kỷ mà các quốc gia châu Âu khác chỉ cung cấp cho Hy Lạp sự trợ giúp nghèo nàn. Hiện tại, Hy Lạp không còn có khả năng giúp đỡ hàng chục nghìn người xin tị nạn đã mòn mỏi đợi chờ trong các trại tồi tàn.

Kể từ khi chính phủ bảo thủ mới dưới thời thủ tướng Kyriakos Mitsotakis thắng cử vào năm ngoái, Hy Lạp đã có một đường lối cứng rắn hơn đối với vấn đề di dân, đặc biệt là người Syria.


Cách giải quyết khắc nghiệt này được tiến hành khi các căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ tăng lên. Thổ Nhĩ Kỳ đã phải gánh 3,6 triệu người tị nạn từ cuộc chiến Syria, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác.


Hy Lạp cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã vũ trang hóa dân tị nạn để gia tăng áp lực lên châu Âu về viện trợ trong Cuộc chiến Syria. Nó cũng gây thêm áp lực cho Hy Lạp vào thời điểm tranh chấp về các mỏ khí đốt ở phía đông Địa Trung Hải.


Trong nhiều ngày liền từ cuối tháng hai đến đầu tháng ba, nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai chuyên chở hàng nghìn di dân lên lãnh thổ Hy Lạp nhằm gây ra cuộc đối đầu, dẫn đến bắn chết ít nhất một di dân Syria và trục xuất ngoại tụng ngay lập tức hàng trăm di dân đã vào lãnh thổ Hy Lạp.


Nhiều năm qua, nhà chức trách Hy Lạp đã bị lên án vì đã ngăn chặn và trục xuất nhiều di dân, rải rác và không thường xuyên, thường là trước khi các di dân cập bến trên đất Hy Lạp.


Các chuyên gia nói rằng hành vi của Hy Lạp trong đại dịch càng có hệ thống và được điều phối hơn nhiều. Hàng trăm di dân bị từ chối tị nạn ngay cả sau khi đặt chân lên lãnh thổ Hy Lạp, và bị cấm khiếu nại việc trục xuất thông qua hệ thống pháp lý.

“Hy Lạp đã nắm bắt được thời cơ,” giáo sư Crépeau nói. “[Coronavirus] đã cho họ cơ hội để đóng cửa biên giới quốc gia đối với bất cứ ai họ không muốn.”


Vì không bị Liên minh châu Âu chỉ trích liên tục, Hy Lạp đưa ra đường lối cứng rắn ở phía đông Địa Trung Hải trong nhiều tháng gần đây.


Di dân từ Thổ Nhĩ Kỳ đổ bộ lên các đảo Hy Lạp thường bị buộc phải lên các xuồng cứu sinh bơm hơi thi thoảng bị rò rỉ, thả ở hải giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, và để cho trôi dạt đến khi được Tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện và cứu vớt.


“Hành động này hoàn toàn chưa từng có ở Hy Lạp,” Niamh Keady-Tabbal, nghiên cứu sinh Trung tâm Nhân quyền Irish, và là một trong những người đầu tiên lập hồ sơ hiện tượng này, nói.


“Nhà chức trách Hy Lạp hiện đang trang bị những thiết bị cứu sinh để trục xuất người tị nạn một cách bất hợp pháp một cách bạo lực từ các đảo khu vực Aegean,” Keady-Tabbal nói.


Bà al-Khatib kể lại chi tiết nỗi truân chuyên cho The Times rằng bà đã vào Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng mười một năm ngoái với hai con trai, 14 và 12 tuổi, trong khi chạy trốn khỏi sự tiến công của quân đội Syria. Chồng bà, sau khi vào Thổ Nhĩ Kỳ trước bà nhiều tuần, đã sớm qua đời vì ung thư.


Với chút hy vọng ở Thổ Nhĩ Kỳ, gia đình đã cố gắng vào Hy Lạp bằng thuyền đến ba lần trong hè này. Tháng năm, họ không thành công vì tay buôn người của họ không xuất hiện. Lần thứ hai vào tháng sáu, họ bị kéo ngược về phía hải giới của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi tàu bị chặn lại trong hải phận Hy Lạp.


Trong lần thứ ba, hôm 23/07 lúc 7 giờ sáng, họ cập vào đảo Rhodes của Hy Lạp. Bà al-Khatib tường thuật những bất công nêu trên và được bốn người cùng đi khác chứng thực trong cuộc phỏng vấn với The Times. Họ bị cảnh sát Hy Lạp bắt giữ và đưa đến một cơ sở tạm giam nhỏ sau khi bị thu giữ giấy tờ tùy thân.


Khi quan sát cảnh tượng hai người vượt biển ghi hình lại, một phóng viên của The Times có thể xác định được vị trí của cơ sở tạm giam này là ở cạnh bến phà chính của đảo và đến thăm khu trại.


Một viên chức Tuần duyên và một viên chức của thị trưởng hòn đảo đều nói rằng cơ sở này dưới quyền quản lý của Cảnh sát Cảng, một chi nhánh của lực lượng tuần duyên Hellenic.


Một người tị nạn Palestine tạm trú trong lò mổ bỏ hoang bên cạnh trại giam này xác nhận rằng bà al-Khatib đã ở đó. Anh ta đã nói chuyện với bà qua hàng rào trại giam và mua thuốc trị cao huyết áp cho bà vì các viên chức Hy Lạp từ chối cung cấp thuốc.

Vào tối 26/07, al-Khatib và những người bị giam giữ khác nói rằng cảnh sát đã đưa họ lên một xe buýt và bảo họ được đưa vào một trại trên đảo khác, và sau đấy sẽ đến Athens. Thay vào đó, các viên chức che mặt chuyển họ lên hai tàu và đưa ra biển trước khi thả họ vào các xuồng cứu sinh trong hải giới Thổ Nhĩ Kỳ. Giữa những cơn sóng lớn, cả nhóm, gồm hai trẻ sơ sinh, buộc phải dùng tay tát nước khỏi xuồng cứu sinh khi nước tràn vào một bên xuồng. Cả nhóm được Tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ cứu lúc 04:30 sáng.

Bà al-Khatib lại cố vào Hy Lạp lần thứ tư, vào ngày 06/08, nhưng cho biết tàu của bà đã bị các viên chức Hy Lạp chặn lại ở ngoài khơi đảo Lesbos. Các viên chức này đã tháo bỏ nhiên liệu và lại kéo tàu trả lại vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ.


Một số nhóm di dân đã bị đưa sang các xuồng cứu sinh ngay cả trước khi đặt chân vào đất liền Hy Lạp.


Hôm 13/05, Amjad Naim, một sinh viên luật Palestine 24 tuổi trong nhóm 30 di dân bị giới chức Hy Lạp chặn lại ở bờ đảo Samos của Hy Lạp gần Thổ Nhĩ Kỳ.


Các di dân bị chuyển nhanh chóng sang hai xuồng cứu sinh nhỏ và họ bắt đầu chìm xuống dưới sức nặng của quá nhiều người. Sau khi được chuyển sang hai xuồng cứu sinh khác, họ lại bị dắt trở về Thổ Nhĩ Kỳ.


Đoạn phim do Naim quay bằng điện thoại di động cho thấy hai xuồng cứu sinh bị kéo bởi một chiếc tàu lớn màu trắng. Sau đó, một đoạn phim khác được Tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ công bố cho thấy hai xuồng cứu sinh này được các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cứu vớt cùng ngày.


Di dân cũng bị thả trôi biển trên các con tàu mà họ đến, sau khi các giới chức Hy Lạp phá hỏng máy tàu. Ít nhất hai lần, các di dân bị bỏ rơi trên Ciplak, một hòn đảo không có dân cư trong vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ, thay vì bị đưa lên xuồng cứu sinh.


“Cuối cùng thì Tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ cũng đến đón chúng tôi,” một người Palestine phát biểu sau khi bị bỏ rơi trên đảo Ciplak hôm đầu tháng bảy. Anh đã gửi đoạn phim về thời gian ở trên đảo này. Một báo cáo của Tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ chứng thực lời kể chi tiết của anh ta.


Song song đó, nhiều tổ chức nhân quyền, gồm Human Rights Watch, đã lập hồ sơ về việc chính quyền Hy Lạp vây bắt các di dân đang sống hợp pháp ở Hy Lạp và bí mật trục xuất họ mà không có quyền truy đòi hợp pháp qua ngả sông Evros, con sông chia đôi địa giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.


Feras Fattouh, một kỹ thuật viên X ray người Syria 30 tuổi, nói rằng đã bị cảnh sát Hy Lạp bắt hôm 24/07 ở Igoumenitsa, một cảng phía tây Hy Lạp. Fattouh đã sống hợp pháp ở Hy Lạp từ tháng 11/2019 với vợ và con trai, và đưa cho The Times xem hồ sơ để chứng minh điều đó.


Sau khi bị cảnh sát Igoumenitsa bắt, Fattouh nói rằng đã bị đánh cướp và chở đi khoảng 400 dặm về phía đông đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi bị bí mật đưa lên một chiếc xuồng hơi cùng 18 người khác và kéo qua sông đến Thổ Nhĩ Kỳ. Vợ con của Fattouh vẫn còn ở Hy Lạp.


“Người Syria đang chịu nhiều đau khổ ở Thổ Nhĩ Kỳ,” Fattouh nói. “Chúng tôi đang trải qua đau khổ ở Hy Lạp. Chúng tôi phải đi đâu bây giờ?”


Ylva Johansson, người giám sát chính sách di trú tại Ủy ban Châu Âu, cơ quan dân sự của Liên hiệp Châu Âu nói rằng rất quan ngại về những cáo buộc nhưng lại không có quyền hạn để điều tra.


“Chúng ta không thể bảo vệ biên giới châu Âu của chúng ta bằng cách vi phạm những giá trị của châu Âu và vi phạm quyền của người dân,” Johansson viết trong một email. “Kiểm soát biên giới phải đi đôi với việc tôn trọng các quyền cơ bản.”

Người dịch: Christine Nguyen

Biên tập: Khanh Le

Comments


bottom of page