top of page

Joe Biden: Chính sách của sự tử tế

Translated from The New York Times article The Decency Agenda


The Editorial Board, ngày 5 tháng 12, 2020

Ảnh: Damon Winter/The New York Times


Joe Biden thắng cử tổng thống vì, khi đã có quá nhiều người Mỹ đã phát mệt với sự hỗn loạn và bẩn tưởi của thời Trump, ông hứa hẹn sự bình ổn, tử tế, và chữa lành. Cốt lõi cuộc tranh cử của ông là lời thề sẽ trở thành “vị tổng thống cho tất cả người dân Mỹ” và dốc sức “khôi phục linh hồn của đất nước.”


“Chức vị tổng thống không phải một thể chế bè phái,” ông Biden nhấn mạnh sau ngày bầu cử. “Đây là chức vụ duy nhất tại đất nước này đại diện cho tất cả mọi người, và có nghĩa vụ chăm sóc tất cả người dân Mỹ. Đó chính là điều tôi sẽ làm.”


Một lời cổ vũ nhẹ nhàng. Nhưng nó thực sự có ý nghĩa gì, với tình trạng đất nước chia rẽ sâu sắc như thế này? Dù phiếu bầu cho ông Biden đạt kỷ lục 81 triệu, đã có 74 triệu người bỏ phiếu để Tổng thống Trump có thêm bốn năm nữa trong Nhà trắng. Giá trị chung gì ở đây, khi chính dân Mỹ còn không thể chấp nhận một thực tế chung. Quá nhiều người chúng ta sống trong thế giới tách biệt của riêng mình, tiếp cận thông tin đã được sàng lọc để củng cố những thành kiến ta đã có sẵn. Chiến tranh bè phái thúc đẩy ta chối bỏ tính hợp pháp, thậm chí cả nhân tính, của những người với quan điểm khác ta. Vị tổng thống, dù là ai đi chăng nữa, sẽ hàn gắn lại đất nước thế nào đây?


Ông Biden có thể cân nhắc tiếp cận với ba phương hướng chính. Tạm gọi là Kế hoạch Đứng đắn. Yếu tố đầu tiên là giảm nhiệt các tranh cãi văn hóa đang khi các cuộc tranh cãi ấy có liên quan với chính trị. Các cuộc tranh cãi thường xuyên gây rúng động dư luận hơn các sự tiến bộ.

Thứ hai là tìm kiếm điểm chung về mặt chính sách có khả năng thúc đẩy đất nước lớn mạnh, dù đó có là xử lý những bất bình đẳng và chia rẽ sâu sắc đi chăng nữa. Liệu rốt cuộc chúng ta cũng có được một “tuần cơ sở hạ tầng” nghiêm túc?


Yếu tố thứ ba là trách nhiệm. Một uỷ ban không phải được lập ra từ sự hờn ghét, hay tìm kiếm công lý để báo thù. Mà là một biện pháp tìm ra thực hư về những gì đã xảy ra trong chính quyền Trump, cùng nỗ lực khôi phục một số rào chắn trước đây đã không đủ để kiềm chế những cơn bốc đồng tệ nhất của ông Trump.


Trong những tuần tới, chúng tôi sẽ có thêm dữ liệu để miêu tả chi tiết phần hai và ba của chủ trương này hơn.


***


Nếu vị tổng thống mới chỉ cần làm ngược lại những gì vị cựu tổng thống đã làm để giải quyết các cuộc chiến văn hóa gay gắt của nước Mỹ thì mọi chuyện đã quá đơn giản. Nhưng, về những phương diện chủ chốt, con đường trên cũng không hề sai. Cách giải quyết không hẳn cần đến chính sách, nhưng soạn được một nghị trình có sức hấp dẫn rộng rãi và sự ủng hộ lưỡng đảng sẽ là một thử thách lớn cho ông Biden. Vấn đề này cần đến một yếu tố cốt lõi hơn, đó là quan điểm của tân tổng thống về sự lãnh đạo.


Kiểu lãnh đạo hiện tại đang dần đầu độc bộ máy nhà nước theo từng ngày. Mỗi vị tổng thống là một tấm gương. Lời nói và cách ứng xử của họ có sức ảnh hưởng với người ủng hộ họ, và, nhìn chung, định hình thái độ phát ngôn của quốc gia đó. Ông Trump không chỉ bình thường hóa những hành động nhẫn tâm và thô lỗ, mà còn dùng Phòng Bầu dục phê chuẩn cho thái độ này.


Một trong những công việc cơ bản nhất của ông Biden là làm một tấm gương lãnh đạo khác — định nghĩa lại tư chất tổng thống theo hướng khôi phục nhân phẩm và lòng nhân đạo cho Phòng Bầu dục. Một số yêu cầu cho công việc này khá rõ ràng: Đừng chế giễu đối thủ chính trị hoặc các lãnh tụ thế giới. Đừng sỉ nhục thành viên trong chính chính quyền của mình. Đừng kết tội những người chỉ đang bất đồng với ông là phản quốc. Đừng xả giận trên Twitter mỗi lần bị tổn thương. Hoặc, có khi, đừng dùng Twitter nữa.


Cụ thể hơn, ông Biden sẽ cần khôi phục và củng cố một số rào chắn và quy tắc ông Trump đã xé tan, ghi nhận rằng đến cả tổng thống cũng không đứng trên luật pháp. Ông đã công khai lịch sử khai thuế của mình, một bước đi đáng hoan nghênh chứng tỏ tính trách nhiệm. Trong thời gian tới, ông sẽ cần làm rõ rằng những cơ quan chủ chốt sẽ không dính líu đến bè phái - bắt đầu từ Bộ Tư pháp, cộng đồng tình báo và quân đội. Các tổng thanh tra của chính quyền ông phải được coi như người bảo hộ, không phải kẻ phản bội, và có thể họ sẽ cần được bảo vệ chặt chẽ hơn. Ông sẽ cần công nhận rằng giám sát ngành hành pháp là một chức năng hợp pháp của Quốc hội, không phải để gạt đi ngoài tầm kiểm soát.


Đối mặt những quan ngại của người ủng hộ ông Trump mà không tỏ ý chê trách hay khinh thường mang tính then chốt trong nỗ lực hàn gắn của ông Biden. May mắn thay, sức hấp dẫn từ sự mộc mạc và tài năng kết nối chân thành với từng cá nhân giúp ông không trở thành một kẻ hợm hĩnh thuộc giới tinh hoa. Đức tin Công giáo của ông đóng vai trò lớn trong cuộc sống của ông, và điều này sẽ lắng đọng với nhiều nhóm người. Khi theo đuổi chủ trương quản trị của ông, sẽ có bất đồng về những đức tin sâu sắc, và các tranh cãi chắc chắn sẽ trở nên gay gắt. Nhưng, khác với tổng thống tiền nhiệm, ông Biden hiểu sự khác biệt giữa đối thủ và kẻ thù.


Ông Trump đã thêm dầu vào lửa sự xung đột văn hoá — ví dụ như, khai chiến với các cầu thủ N.F.L. quỳ gối khi đang hát quốc ca. Ông Biden có lẽ sẽ tận dụng thời gian và năng lượng của ông tốt hơn. Không phải mọi cuộc giao tranh văn hóa đều cần sự tham gia của tổng thống, và nhiều cuộc giao tranh sẽ được giải quyết tốt hơn nếu không có sự can thiệp này. QAnon có thể là một dấu hiệu đáng lo ngại cho giai đoạn này, nhưng nó vẫn đến mức phải để tổng thống lo ngại. Hay là cờ “vạch xanh lam mỏng,” biểu tượng cho sự đoàn kết của cảnh sát và, tùy thuộc vào đối tượng được hỏi, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.


Với coronavirus ở tâm, ngay cả những vấn đề cốt lõi của chiến tranh văn hóa — phá thai, quyền L.G.B.T.Q., tự do tôn giáo, vũ khí tấn công — có thể sẽ bị đẩy thành hậu cảnh. Sẽ có phong trào về tất cả những vấn đề này ngoài tầm kiểm soát của ông Biden, ở Quốc hội hoặc tòa án. Nhưng ông không cần phải ăn mừng hay thương tiếc mỗi sự kiện như một chiến thắng hay thất bại hiện sinh. Không phải vì chúng không quan trọng, mà chính vì chúng kích động được niềm đam mê và sự giận dữ sâu sắc như vậy. Tất cả những câu hiỏ sẽ gây tranh cãi một thời gian dài sau nhiệm kỳ của ông Biden. Những thử thách âm ỉ kéo dài này sẽ vẫn còn đó, chờ đợi, khi những chấn thương nặng nề của đại dịch đã qua đi và đất nước bắt đầu phục hồi.


Ông Biden có tính khí và công cụ để xoa dịu thay vì làm tăng xung đột. Khi cái chết của George Floyd vào mùa xuân năm nay làm dấy lên các cuộc biểu tình toàn quốc về bất công chủng tộc và nạn cảnh sát bạo hành, đẩy mạnh những vấn đề đó thành mối quan tâm hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống, ông Trump đã tìm cách làm kích động căng thẳng. Ai có thể quên lời kích động trên Twitter của ông về cụm từ thời đại dân quyền, "Khi cướp bóc bắt đầu, nổ súng bắt đầu"?


Ông Biden đã có một cách tiếp cận khác. Ông thừa nhận chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ăn sâu vào nước Mỹ và nhấn mạnh sự ủng hộ của ông với cải cách cảnh sát, ngay cả khi ông từ chối một cách chính đáng những lời kêu gọi táo bạo hơn là “khai trừ cảnh sát.” Ông đã liên hệ với các nạn nhân và các gia đình bị ảnh hưởng bởi bạo lực từ cảnh sát, mang tới cho họ sự an ủi và thấu hiểu. Đồng thời, ông cũng thông cảm với sự thất vọng và tức giận của những người biểu tình. Nhưng ông cũng lên án các nhóm nhỏ bạo động trong một số cuộc biểu tình. Mục tiêu của ông không phải là hạ thấp vấn đề mà là hạ nhiệt một cuộc khủng hoảng đang đe dọa nuốt chửng đất nước.


Cuộc chiến văn hóa biến thành chính trị trở nên tàn khốc nhất trong một hoàn cảnh mà lẽ ra nên hoàn toàn phi chính trị: việc xử lý đại dịch coronavirus. Các nhà sử học sẽ bối rối khi đọc rằng việc đeo khẩu trang để bảo vệ mọi công dân bị nhiều người coi là dấu hiệu của sự áp bức. Hãy tưởng tượng những người ủng hộ thương mại tự do hoặc Chính sách kinh tế xanh mới quyết định không thắt dây an toàn như một tuyên bố chính trị xem.


Đại dịch là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần sự đề phòng và hy sinh. Vậy mà người Mỹ cũng mệt mỏi với những hy sinh đó, chán nản và thất vọng với cuộc sống bị đảo lộn. Với tư cách là tổng thống, ông Biden có thể vừa bày tỏ sự đồng cảm với sự kiệt sức ấy, vừa kiên định về sự cần thiết của các biện pháp an toàn đang được thực thi. Ông có thể tiếp tục làm gương những hành vi tốt, như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Ông có thể từ chối tổ chức các sự kiện có tiềm năng siêu lây lan trong Vườn Hồng. Các thành viên khác trong chính quyền của ông có thể được hướng dẫn làm theo. Vào thời điểm này, chỉ thị đeo mặt nạ quốc gia có thể không còn khả thi, nhưng tổng thống hoàn toàn có thẩm quyền kêu gọi nhân viên chính phủ tuân thủ các biện pháp an toàn cơ bản. Nếu người Mỹ thấy các nhà lãnh đạo của họ làm việc để giữ an toàn cho công chúng, có thể họ sẽ sẵn sàng làm phần việc của mình hơn.


Nếu tổng thống mới đang kế thừa một chính phủ bị chia rẽ, một số tham vọng lớn hơn trong danh sách nguyện vọng của người ủng hộ ông sẽ phải tạm gác lại. Khi còn là một ứng cử viên, ông Biden đã giành được nhiều lời khen về kỹ năng lắng nghe và đã tiếp cận với các đối thủ cũ. Khi nhậm chức, ông sẽ cần phải giữ các mối quan hệ rộng mở và đảm bảo rằng nhóm người ủng hộ trung thành của ông không cảm giác mình bị lợi dụng.


Hầu như tất cả động thái từ ông Biden sẽ khiến một số cử tri thất vọng. Đó là bản chất của công việc tổng thống. Thách thức dai dẳng của ông sẽ là đối phó với tất cả các bên với sự tôn trọng, mana mọi người vào cuộc trò chuyện và khiến họ cảm thấy được lắng nghe. Ngay cả khi nỗ lực tiếp cận của anh ấy thất bại, những hành động này sẽ thể hiện cách ông nhìn nhận công việc của ông.


“Hãy cho nhau một cơ hội,” ông Biden cầu xin trong bài phát biểu chiến thắng vào ngày 7 tháng 11. “Đã đến lúc dẹp bỏ những lời nió gay gắt. Hạ nhiệt, gặp lại nhau, lại lắng nghe nhau. Và để bước tiếp, chúng ta phải ngừng coi đối thủ là kẻ thù của mình. Họ không phải là kẻ thù. Họ là người Mỹ.”


Sự chia rẽ của nước Mỹ có trước ông Trump, và sẽ tồn tại lâu hơn ông Biden. Nhưng chúng ta cần bước tiếp. Và chính hành động cố gắng cũng có giá trị.


Người dịch: Ren Dinh

Biên tập: Khanh Doan

Comments


bottom of page