top of page

Joe Biden có thể cứu hàng chục ngàn đồng minh Afghanistan thế nào?

Updated: Aug 16, 2021

Translated from The New Yorker's article How Joe Biden Could Save Tens of Thousands of Afghan Allies

By Kirk Wallace Johnson, on 09-08-2021

Trước ngày Sài Gòn thất thủ, hai nhà ngoại giao người Mỹ đã đánh cược cả sự nghiệp của mình để cứu mạng những người Việt bị bộ máy chính quyền chậm chạp đặt vào thế nguy hiểm.


Vào ngày 20 tháng 4 năm 1975, Lionel Rosenblatt và L. Craig Johnstone, hai cán bộ ngoại giao ngoài mới ngoài 30, xin nghỉ phép với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và bí mật bay từ Washington, D.C., đến Sài Gòn. Họ đang ấp ủ một kế hoạch bén lửa từ sự tuyệt vọng và tức giận, đồng thời cũng luôn lo lắng sẽ bị bắt trước khi kịp thực hiện. Hàng tuần liên tiếp, họ đọc những tin nhắn từ quan chức Hoa Kỳ ở Việt Nam về một cuộc khủng hoảng người tị nạn chắc chắn xảy ra khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Đã có hàng ngàn người tị nạn ở Việt Nam, nhưng Rosenblatt và Johnstone cảm thấy bộ máy chính quyền Hoa Kỳ vẫn còn quá chậm chạp. Họ đặc biệt lo lắng về những người Việt đã đánh đổi mạng sống để làm việc cho chính quyền Nam Việt Nam hoặc làm thông dịch viên và cán bộ Đại sứ quán trong hai thập kỷ Hoa Kỳ tranh chiến tại đây.


Ngoại trưởng Henry Kisinger nói rằng có “một danh sách bắt buộc” gồm 174 ngàn người miền Nam Việt Nam có liên quan đến Đại sứ quán Mỹ hoặc quân đội đang gặp nguy hiểm cận kề. Tuy nhiên, khi ông giao mục tiêu sơ tán cho Đại sứ quán ở Sài Gòn, Đại sứ Graham Martin lại vô cùng trì trệ. Đối với Martin, động thái này sẽ dấy lên trong Sài Gòn chính làn sóng khủng hoảng ở mà danh sách này được lập ra để ngăn chặn. Martin cũng từ chối đốn những cây me lớn ở trung tâm đại sứ quán để lấy đất làm sân hạ cánh khẩn cấp cho máy bay trực thăng với lí do tương tự: hành động này sẽ báo hiệu cho người miên Nam Việt Nam và cả thế giới rằng Mỹ chuẩn bị rời khỏi Việt Nam.


Khi quân đội Bắc Việt Nam bủa vây Sài Gòn, nhiều máy bay quân sự Hoa Kỳ cất cánh từ Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất gần đó hầu như không có hành khách. Johnstone và Rosenblatt dự định di rời nhiều người Việt Nam liên quan đến Hoa Kỳ nhất có thể trước khi quá muộn. Khi họ đến Sài Gòn, họ dừng chân ở một quan vỉa hè và ăn vội, sau đó mượn một chiếc xe Citroën đen đời 1940, và tiến hành kế hoạch. Đó là bữa ăn tử tế duy nhất của họ trong suốt 5 ngày sau đó. Họ cải trang thành những thương gia người Pháp và trả tiền hối lộ để đưa những đồng minh Việt Nam qua các trạm kiểm soát trong một chiếc xe tải đến sân bay. Hai người đều làm việc không ngừng nghỉ. Họ điền giấy tờ dưới ánh đèn của máy chơi bóng ở sân bowling tại sân bay. Mỗi ngày, họ tìm cách đưa thêm nhiều gia đình rời đi trên các chuyến bay quân sự của Hoa Kỳ.


Khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát hiện việc bọn họ đang làm, Đại sứ quán đã điều lệnh cho cảnh sát Nam Việt Nam truy bắt họ. Rosenblatt và Johnstone, khi biết rằng họ không còn nhiều thời gian nữa, đã lái xe thẳng đến nhà của những công chức người Việt và cho họ vài phút quyết định có muốn nhận trợ giúp di tản hay không. Trong túi hai người chất đầy tiền hối lộ để đưa những người này qua trạm kiểm soát. Vào ngày 25 tháng 4, họ lên máy bay về nước sau khi giúp khoảng 200 người Việt Nam. Johnstone đã sụt 4kg trong vài ngày đó và chỉ ngủ được vài tiếng trong một máy lắp pin ở sân chơi bowling.


Rosenblatt và Johnstone nghĩ rằng sự nghiệp của họ ở Bộ Ngoại giao coi như đã chấm dứt. Khi họ đến Foggy Bottom, họ được triệu tập đến văn phòng của Kissinger. Sau khi bị chỉ trích nặng nề về những hành động liều lĩnh và “thiếu trách nhiệm,” bộ trưởng Mỹ lại ngả lưng và mỉm cười. Sau vài ngày họ có nguy cơ bị bắt theo lệnh từ Bộ Ngoại giao, Kissinger nói với họ rằng ông mong mình đã có thể dũng cảm như thế nếu ở trong vị trí của họ. Họ bị luận tội chính thức, nhưng được khen thưởng cá nhân.


Lên đến 400 ngàn người Việt Nam, trong đó rất nhiều người có liên kết với miền Nam, đã thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng người tị nạn sau đó. Khoảng 300 ngàn người đã được đưa đến các trại cưỡng bức lao động. Hải quân Mỹ tập hợp những người tị nạn trên những con thuyền mục nát trôi dạt trên biển Đông, đưa họ đến căn cứ Hoa Kỳ ở đảo Guam, nơi sớm thành khu lưu trú của hàng ngàn người tị nạn. Công chúng Mỹ đã không đón nhận những người Việt Nam (theo một cuộc khảo sát, chỉ một phần ba ủng hộ quan điểm mở cửa đất nước), nhưng Tổng thống Ford phớt lờ ý kiến công chúng và ra lệnh một cuộc tái định cư lớn. Ông nói với nước Mỹ rằng “bất cứ đền đắp nào nhẹ hơn sẽ là sự hổ thẹn về mặt đạo đức trên sự nhục nhã mà nước Mỹ đang gánh chịu.” Trong vòng vài tháng, bộ máy chính quyền đã từng phản ứng trì trệ với cuộc khủng hoảng nhân đạo đã tái định cư 130 ngàn người Việt tại Mỹ. Hóa ra bộ máy chính quyền bang hoạt động vô cùng hiệu quả khi được Tổng thống chống lưng về mặt chính trị.


Mười năm trước, tôi từng làm việc cho U.S.A.I.D. ở Iraq và sáng lập một tổ chức cứu hộ những người Iraq đồng minh Mỹ gặp nguy hiểm. Sau đó, bài báo cáo tôi viết đã dẫn đến các cuộc điều trần trên Quốc hội về những nguy hiểm mà những người Iraq này phải đối mặt trước khi Mỹ rút quân khỏi Iraq. Hàng chục ngàn thị thực đã được hứa hẹn, nhưng phải mất hàng năm trời để những người ứng viên thị thực lần mò được cách vận hành của bộ máy chính quyền Mỹ. Trong lời khai của tôi, tôi chỉ có một khuyến cáo duy nhất: sử dụng máy bay quân sự để sơ tán những cá nhân ưu tiên cao tới đảo Guam có thể cứu rất nhiều mạng sống mà không đe dọa đến an ninh. Bởi lẽ, bất cứ người sơ tán nào không qua nổi quá trình sàng lọc đều sẽ bị kẹt ở giữa Thái Bình Dương do quân đội Mỹ bao vây. Ngồi cạnh tôi ở bàn nhân chứng là L. Craig Johnstone. Chính quyền Obama đã phớt lờ những cuộc gọi của chúng tôi. Khi lệnh rút được thực thi, tôi đã trình ra hàng danh sách với hàng trăm cái tên (trong đó có một vài đồng nghiệp cũ của tôi) đến Bộ Ngoại giao, nhưng nhiều máy bay quân sự đã cất cánh trong tình trạng trống khách, còn những đồng minh Mỹ người Iraq đã thiệt mạng trong khi chờ thị thực.


Sự sụp đổ tức thời của chính quyền Afghanistan là hiển nhiên. Vào ngày 14 tháng 7, chính quyền Biden đã công bố Chiến dịch cứu trợ Đồng minh tị nạn để cung cấp máy bay cứu trợ cho những thông dịch viên Afghanistan và những người làm cho quân đội Mỹ. Ước tính có 18 ngàn người Afghanistan làm việc cho quân đội Mỹ trong chiến tranh được coi là đủ tiêu chuẩn; tính cả gia đình của những người này, số lượng những người sắp được sơ tán lên đến 70 ngàn người. Quan chức Bộ Ngoại giao lên tiếng rằng họ đang chuẩn bị triển khai kế hoạch này. Họ đã làm việc không ngừng để bí mật soạn ra danh sách những người Afghanistan, đề xuất rằng họ có thể chạy trốn sang Tajikistan, Uzbekistan hoặc Kazakhstan để nộp đơn xin thị thực tại Đại sứ quán Mỹ ở đó.


Một trường hợp tôi từng đẩy lên Bộ Ngoại giao là hồ sơ của một người đàn ông Afghanistan bốn mươi bốn tuổi. Để đảm bảo an toàn cho anh, tôi sẽ gọi người này là Sultan. Anh ta bắt đầu làm việc cho quân đội Hoa Kỳ và U.S.A.I.D. từ những ngày đầu cuộc chiến vào năm 2002. Anh đã sống sót cuộc tấn công I.E.D năm 2004, và vụ ám sát có chủ đích của Taliban năm 2007 trong đó anh trai anh đã thiệt mạng. Người anh để lại một đứa bé sơ sinh và Sultan đã nhận trách nhiệm nuôi đứa bé ấy cùng với 5 đứa con của mình. Sau đó, anh quay trở lại làm việc với cán bộ người Mỹ. Năm 2010, anh ấy đã nộp đơn xin thị thực Hoa Kỳ. Nhưng khi anh đi phỏng vấn thị thực vào 17 tháng sau, mọi thứ lập tức đổ bể. Người phiên dịch của nhân viên kiểm định trung thực gặp rắc rối với việc giải thích nghề nghiệp của Sultan. Khi Sultan xen vào nói tiếng Anh một cách trôi chảy, nhân viên này trở nên tức giận và yêu cầu anh trả lời bằng tiếng Pashto. Giữa chừng, nhân viên này thốt lên, "Đây không phải là công việc của tôi!" và nói với Sultan rằng anh đã trượt bài kiểm tra nói dối.


Hai tháng sau, đơn kiến nghị của anh bị từ chối. Anh nộp đơn yêu cầu xem xét lại kèm một loạt đơn giới thiệu từ các nhân viên cứu trợ Mỹ, các sĩ quan Bộ Ngoại giao và binh lính để làm chứng cho anh, nhưng anh vẫn bị từ chối. Anh đệ trình đơn kháng cáo thêm hai lần nữa, nhưng lần nào cũng bị từ chối. Xuyên suốt một thập kỉ nỗ lực lấy thị thực, anh vẫn làm việc cho các chương trình do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ. Công việc hiện tại của anh sẽ kết thúc khi nguồn quỹ hết hạn vào tháng 9. Anh nói: “Tôi không hối hận những gì tôi đã làm… nhưng những gì tôi nhận lại là hành vi vô nhân đạo từ những người chẳng khác nào những con robot làm việc trong hệ thống.” Sultan đã làm việc cho Hoa Kỳ được 18 năm, đủ để anh được coi là một trong những nhân viên địa phương lâu năm nhất xuyên suốt cuộc chiến chống khủng bố. Thế nhưng, anh gần như không được chiếc ghế trống trên bất cứ chuyến bay nào.


Vào ngày 30 tháng 7, chuyến bay đầu tiên chở các phiên dịch viên Afghanistan hạ cánh tại Virginia. Một cảnh tượng hạnh phúc gợi lên nhiều nghi vấn cũng như câu trả lời. Chuyến bay chở 200 phiên dịch viên Afghanistan. Các quan chức Hoa Kỳ hiện có kế hoạch sơ tán một nhóm khoảng 750 người trực tiếp đến Hoa Kỳ cùng gia đình của họ. Có khoảng 20,000 phiên dịch viên Afghanistan, tức gấp 25 lần con số đó, đã nộp đơn xin thị thực Hoa Kì và đang đợi kết quả. Các thành viên trong gia đình họ cũng vậy. Tại sao cuộc sơ tán chưa được mở rộng? Dường như chính quyền vẫn chưa có câu trả lời.


Thế còn những người Afghanistan không thể đi qua lãnh thổ Taliban một cách an toàn khi họ cầm các giấy tờ Hoa Kỳ để lên máy bay thì sao? (Đã có một phiên dịch viên bị chặt đầu khi đi qua trạm kiểm soát Taliban.) Chẳng ai biết cả. Nếu như tình hình tại phi trường căng thẳng như miệng núi lửa thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nếu như Đại sứ quán bị tàn phá, chuyện gì sẽ xảy ra? Không ai biết cả. Chính quyền Biden càng trì hoãn giải quyết những vấn đề này, Chiến dịch Di tán Đồng minh càng dễ rơi vào tình huống trở thành một trò bịp công chúng: vài chiếc máy chở một số ít người Afghanistan may mắn bay lượn trước ống kính trước khi cất cánh, trong khi những người còn lại phải tự lo thân.


Cho đến nay, không có Rosenblatt hoặc Johnstone nào loanh quanh khu vực Kabul để cố gắng giải cứu những người Afghanistan. Kiểu suy nghĩ nhỏ nhen kia tương tự như việc cây me được giữ nguyên ở Sài Gòn, hành động phi lí như một siêu cường quốc khuyến khích những nhân viên đang gặp nguy của chính mình hãy bỏ trốn sang Tajikistan. Mới đây, khi tôi nói chuyện với Rosenblatt về Chiến dịch Di tản Đồng minh, anh đã chia sẻ một lo ngại cốt lõi: cho đến nay, không có lực lượng biệt phái liên ngành nào do Tổng thống triệu tập hoạt động ở cấp độ đủ cao để có thể nhanh chóng chấm dứt bộ máy quan liêu rối ren của Hoa Kỳ. Không có lực lượng biệt phái, việc giải quyết các vấn đề tác chiến sẽ mất nhiều thời gian hơn.


Nếu như các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan diễn ra trong 15 năm qua đã dạy tôi điều gì, thì đó là Hoa Kỳ có một thói quen vô cùng xấu xí: họ hứa hẹn giúp đỡ, tự vỗ vai mình, rồi sau đó ném lời hứa đó vào bãi cát lún mang tên bộ máy quan liêu được dựng lên để nói “không” với những người đang phải trải qua quãng thời gian đen tối nhất. Chúng ta không biết rõ sơ yếu lí lịch của mỗi công dân Việt Nam mà ta đã cứu vào năm 1975: những người tị nạn đã không phải gánh sự nghi hoặc từ nước Mỹ.Ngược lại, những người Afghanistan tìm kiếm sự giúp đỡ từ chúng ta đã phải trải qua xác nhận võng mạc và kiểm tra nói dối, trong đó có nhiều người còn sở hữu huy hiệu do chính phủ Hoa Kỳ cấp. Chúng ta hiểu rõ họ rất nhiều so với người Việt. Nhưng một lần nữa, đó là trước khi chiến tranh chống khủng bố bắt đầu. Cuộc chiến là một sự hổ thẹn trái đạo đức khi chối từ những người Hồi giáo như Sultan. Những người đáng chết cùng ta, nhưng không đủ tư cách để sống cùng ta.


Gần đây, Đại sứ quán đã thúc giục công dân Hoa Kỳ rời khỏi Afghanistan trên các chuyến bay thương mại, với lý do nguồn lực hỗ trợ họ đang "cực kỳ khan hiếm." Nếu đến cả công dân Hoa Kỳ cũng không được giúp đỡ, vậy còn đồng minh Afghanistan thì sao? Trong khi đó, người Taliban ở Helmand bắt đầu đi từng nhà để truy tìm các phiên dịch viên.


Tôi hỏi Rosenblatt rằng anh có lời khuyên nào cho Sultan không. “Nói ra thật nhục nhã, nhưng tôi nghĩ bạn không nên trông cậy vào Hoa Kỳ. Hãy cứ tiến hành kế hoạch của bạn.” Sultan biết rõ gốc gác của anh ta. Rosenblatt nói: “Có rất nhiều người Afghanistan biết tới bức ảnh máy bay trực thăng trên sân thượng được chụp ở Việt Nam.” Anh đang cố gắng bán nhà trong tuyệt vọng để cùng gia đình tháo chạy đến một nơi nào đó. Nhưng thị trường mua bán nhà hiện đang rất bấp bênh. Nếu mọi thứ đều đổ vỡ, Sultan sẽ chạy trốn khỏi Taliban cho đến khi họ tìm thấy anh. “Chúng tôi không còn thời gian nữa,” anh nói. “Chậm trễ chút thôi cũng sẽ quá muộn.”


Người dịch: An Nguyen & Linh Nguyen

Biên tập: Ren Dinh

Comments


bottom of page