Translated from The Atlantic's article Joe Biden Worries That China Might Win
Vị Tổng thống đã bắt đầu nhúng tay vào cuộc đua địa chính trị quan trọng.
By Thomas Wright, on 09-06-2021, 03:00:00
Vị Tổng thống đã bắt đầu nhúng tay vào cuộc đua địa chính trị quan trọng. Một vài tháng đã trôi qua trong nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden, và có vẻ như chính sách đối nội đang được ưu tiên hơn so với chính sách đối ngoại. Mối quan tâm hàng đầu của Tổng thống tất nhiên là việc giải quyết đại dịch và thông qua các dự luật cơ sở hạ tầng hàng ngàn triệu USD cùng với các kế hoạch kích thích lại nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có sự chuyển dịch rõ rệt trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Biden. Sự thay đổi này không chỉ xét trong thời tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, mà còn cả dưới thời “sếp cũ” của ông, tổng thống Barack Obama. Những yếu tố then chốt trong quan điểm đối ngoại của Biden rất dễ thấy, không cần phải tìm trong tài liệu mật hay sách cấm nào cả. Chỉ cần nghe những gì Tổng thống nói vào tháng Hai vừa rồi: “Chúng ta đang ở điểm giao nhau giữa những người nói rằng chủ nghĩa chuyên quyền là cách tốt nhất để tiến lên và những người hiểu rằng dân chủ là thứ cần thiết". Tháng tiếp theo, ông nói với các phóng viên rằng, “Dưới thời tôi”, Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu “trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới, quốc gia giàu nhất thế giới và quốc gia mạnh nhất thế giới". Vào tháng Tư, ông lặp lại luận điểm này, nói rằng thế giới đang ở điểm giao nhau để quyết định rằng “nền dân chủ còn vận hành ở thế kỷ 21 hay không”. Tháng trước ông còn đi vào chi tiết hơn, nói với David Brooks của tờ The New York Times rằng, “Chúng ta đang ở vị thế mà cả thế giới đang bắt đầu dõi mắt về Trung Quốc”. Ông không chỉ đề cập tới chuyện này trong những bài phát biểu chính thức, mà còn nhắc lại vấn đề này một cách thường xuyên. Dưới góc nhìn của Biden, Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ đang cạnh tranh với Trung Quốc và các thể chế toàn trị khác. Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tạo điều kiện cho Trung Quốc vượt mặt Mỹ trong một số lĩnh vực. Biden thường xuyên nhắc lại về các cuộc hội đàm của ông với Tập Cận Bình để làm ví dụ cho sự cam kết của Tập đối với chủ nghĩa chuyên chế. Cố vấn về châu Á của Biden, Kurt M. Campbell nhắc lại quan điểm đó, nói rằng Chủ tịch Tập đã “gần như vứt tung cơ cấu lãnh đạo tập thể ở Trung Quốc trong tầm 40 năm qua” và Tập “là nhân vật chủ chốt trong một chính sách ngoại giao nhiều yêu sách hơn”. Chính quyền Biden đang làm việc với Quốc hội để thông qua đạo luật Endless Frontier Act (tạm dịch Đạo luật Biên giới không giới hạn) nhằm phản ứng lại với tham vọng kinh tế và địa chính trị của nước này đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Đạo luật này sẽ ưu tiên các mối quan hệ của Hoa Kỳ đối với các đồng minh Châu Á, thay cho quan hệ ngoại giao song phương với Bắc Kinh như trước đó. Hơn thế nữa, đạo luật này cũng thúc đẩy Châu Âu "mạnh tay" với chính quyền Bắc Kinh. Tới được đây đã là một quãng đường dài với Tổng thống Biden. Chỉ mới hai năm trước, ông đã nói vì sao ông nghĩ mối e ngại về sự phát triển của Trung Quốc là “cường điệu”, và phát biểu câu nói mà phía Cộng Hoà đã dùng để chống lại ông trong cuộc bầu cử 2020: “Trung Quốc mà dám lấy phần chúng ta ư? Thôi nào. Bọn họ đâu tới . Mọi người nghĩ thử xem - bọn họ đâu thể cạnh tranh với chúng ta được.” Còn bây giờ ông đã biết Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của Mỹ, và hơn nữa có cơ hội chiến thắng. Mối bận tâm này là cốt lõi trong sách lược của Biden.
Với nhiều đảng viên Dân Chủ, sự thay đổi nhanh chóng của Biden là điều bất ngờ. Một vài nhà ngoại giao ôn hoà của đảng mong rằng góc nhìn về Trung Quốc của Biden chưa chín muồi, và ông sẽ xuống giọng từ từ, bớt nhấn mạnh về cuộc giao tranh giữa chế độ dân chủ và chủ nghĩa toàn trị. Họ sợ rằng Hoa Kỳ có thể đâm vào một cuộc chiến ý thức hệ với Trung Quốc như thời Chiến tranh Lạnh vậy. Như Biden năm 2019, họ nghĩ rằng sức mạnh của cường quốc châu Á đang bị nói quá lên, và Hoa Kỳ chỉ cần bình tĩnh và dè dặt là được. Họ tin rằng Washington vừa có thể bảo vệ lợi ích của mình, vừa có thể chung sống hoà bình với Trung Quốc - về cơ bản là hướng tiếp cận của cựu Tổng thống Obama. Một viên chức chính quyền Biden giấu tên đã nói tôi rằng trong khi các quan chức cấp cao trong ngành ngoại giao đã đồng ý với góc nhìn của Tổng thống, một vài vị khác vẫn còn những mối lo ngại của giới ôn hoà, và thêm một số vị vẫn chưa hiểu được hết tầm quan trọng về sách lược của Biden. Đồng minh của Mỹ ở Châu Âu, đặc biệt là Đức, cũng lo ngại về khả năng phải đối mặt với Trung Quốc. Không phải là điều ngẫu nhiên khi Biden đã viết một bài báo ít nhấn mạnh về sự cạnh tranh với các thể chế toàn trị, thay vào đó lại tập trung vào sự hiệu quả của nền dân chủ. Nhưng những lo ngại này đã quên đi một phần quan trọng trong góc nhìn địa chính trị của Biden. Trật tự thế giới cũ, luật chơi cũ đang dần bị xoá đi, và hai nhóm quốc gia mới dần hình thành: một dân chủ, một toàn trị. Hai bên đều dựa trên sự lo âu của mình mà phát triển. Tập và những lãnh đạo độc đoán khác ngại tự do thông tin và tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế cũng như những thứ hấp dẫn khác của một nền dân chủ sẽ làm suy yếu chế độ của họ. Biden và các đồng minh của Mỹ quan ngại cách Tập làm thế giới chấp nhận Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ xói mòn dân chủ và tự do, đẩy lề lối quốc tế theo hướng phi tự do hơn và tạo động lực cho những chính quyền độc đoán toàn cầu. Cách nhìn của cả hai bên đều không sai. Hoa Kỳ thời hậu Chiến tranh Lạnh đã trở thành mối đe doạ (dù là gián tiếp) cho chủ nghĩa toàn trị khắp thế giới. Vào những năm 1990 và 2000, Mỹ và Châu Âu xem đó là một kết quả đáng mừng của toàn cầu hoá. Dành cho những người nào vẫn chưa xem chế độ Tập Cận Bình đang tạo sức ép lên các quốc gia dân chủ, hãy nhìn sang Úc, nơi Bắc Kinh đang dùng cấm vận kinh tế và các biện pháp khác để trừng phạt đất nước chỉ đơn giản là chống can thiệp ngoại bang và kêu gọi điều tra nguồn gốc của virus COVID-19. Biden hiểu rằng cơn khủng hoảng về nền dân chủ tại Hoa Kỳ vừa xuất phát trong lòng nước Mỹ cũng là một phần trong cuộc khủng hoảng lớn hơn đang bao trùm toàn cầu. Cơn khủng hoảng này chỉ xong khi các hệ quả của sự toàn cầu hoá không kiếm soát, can thiệp nước ngoài vào các đợt bầu cử, nạn tham nhũng được giải quyết. Câu hỏi lớn nhất vẫn là “điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?”. Chính quyền Biden đã xong bước đầu tiên đầy quan trọng, đó là nhìn thấy được thách thức chiến lược nước Mỹ phải đối mặt. Cũng như Harry Truman vào đầu Chiến tranh Lạnh và George H.W. Bush vào cuối cuộc chiến kể trên, Biden đang nắm cơ hội tạo nên một thời kỳ mới. Tuy vậy, điều này không dễ chút nào. Trong lúc còn tranh cử, Biden hứa rằng ông sẽ tập hợp các quốc gia dân chủ lại với nhau. Điều này rất hứa hẹn vào thời điểm đó vì nó theo đuổi chính sách ngoại giao dựa trên những giá trị tốt đẹp chung. Tuy vậy, một viên chức cấp cao của chính quyền Biden nói tôi rằng cách tiếp cận này cũng có những giới hạn của nó. Các quốc gia dân chủ rất đa dạng, và mỗi nước đều có thách thức và cách nhận định riêng. Thay vào đó, chính quyền sẽ hợp tác với từng đồng minh một và các nhóm nhỏ, không chính thức. Các quan chức cấp cao tin này rằng việc lãnh đạo bằng hành động, không có nghĩa là thành lập ra các thiết chế quốc tế rườm rà - hoặc ít nhất là không phải bây giờ. Biden đã có bước khởi đầu khá tốt ở Châu Á, nơi Mỹ sẽ thắt chặt hợp tác với bộ tứ Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc trong việc phân phối vaccine và cơ sở hạ tầng. Ông vẫn chưa dồn tham vọng và sức lực với Châu Âu, khi Thủ tướng Đức Angela Merkel có góc nhìn chiến lược khác hẳn với Trung Quốc, đó là tránh cạnh tranh trực tiếp mà thay vào đó là đối thoại. Những khác biệt này âu là không dễ giải quyết.
Các đồng minh cũng hỏi ý Biden là gì khi nhắc tới chính sách ngoại giao vì giới trung lưu và những chính sách này sẽ làm gì tới sự thịnh vượng chung của cả thế giới tự do. Một vài người quan ngại rằng đây chỉ là phiên bản mềm dẻo hơn của chính sách bảo hộ thời Trump, hoài nghi các hiệp định mậu dịch và thiên vị các loại thuế quan. Các quan chức Biden cũng phải thừa nhận đây sẽ là vấn đề đầy nan giải cần giải quyết. Tuy vậy, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã nói cuối tuần vừa qua rằng việc khối G7 ủng hộ áp một mức thuế tối thiểu lên các tập đoàn đa quốc gia sẽ là thành công lớn, có lợi cho tầng lớp trung lưu mọi nơi chứ không riêng gì Mỹ.
Điều làm cho công việc của Biden trở nên phức tạp hơn nữa là khác với thời Chiến tranh Lạnh, hiện giờ các quốc gia dân chủ và toàn trị phải phụ thuộc lẫn nhau, đặc biệt là sự phụ thuộc qua lại với Trung Quốc như hiện nay. Biden phải lãnh đạo “thế giới tự do” trong việc thương thảo “có giới hạn” với Trung Quốc. Điều này bao gồm những thứ như cắt giảm hợp tác ở lĩnh vực công nghệ có thể sử dụng với mục đích quân sự lẫn dân sự (dual-use technologies) mà có thể giúp Trung Quốc hiện đại hoá quân đội hay về vấn đề vi phạm nhân quyền. Nhưng chủ yếu sẽ là giảm thiểu nguy cơ và thuyết phục các đồng minh đoàn kết với nhau khi bị các thể chế toàn trị lấn lướt, như trường hợp một máy bay dân sự bị ép hạ cánh chỉ vì trên chuyến bay có một nhà bất đồng chính kiến, hay như những thứ thuế quan hà khắc áp lên rượu sản xuất tại Úc, hay như sự bắt bớ vô lý đối với công dân nước ngoài.
Sự phức tạp đó không phải là thách thức duy nhất của Biden. Nếu muốn có hệ quả dài lâu, những nhóm họp phi chính thức và các khối liên kết lúc hợp lúc tan là chưa đủ. Chính sách ngoại giao của Biden cuối cùng cũng cần các thoả thuận quốc tế giữa các nước đồng tư tưởng – không dễ dàng gì với sự phân cực chính trị trên đồi Capitol hiện nay. Những thoả thuận này có thể bao gồm ngăn chặn và trừ khử nạn áp bức kinh tế, tạo những chuỗi cung ứng minh bạch, hay củng cố quyền con người và dân chủ.
Để thực thi sách lược của mình, Biden phải mềm mỏng hơn về mặt chính trị. Giới cấp tiến đã chỉ trích chính sách Trung Quốc của ông, nói rằng luận điểm này làm gia tăng nạn kỳ thị châu Á tại Mỹ. Thế nhưng đây chỉ là những lời chỉ trích suông. Nên nhớ rằng, Bernie Sanders từng đưa ra một bài phát biểu ở Fulton, Missouri mà phản đối kịch liệt chủ nghĩa toàn trị mang hơi hướm bài diễn văn năm 1946 của Winston Churchill về Bức tường Sắt. Và Elizabeth Warren đã đưa việc chống đối nạn độc tài làm một phần quan trọng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của bà. Nếu Biden muốn đi theo con đường đó, ông nên kêu gọi hai Thượng nghị sĩ vào hàng ngũ của mình. Hơn nữa, Biden nên chú ý cho phái cấp tiến rằng nếu cuộc cạnh tranh với Trung Quốc không phải là giữa các giá trị tốt đẹp và dân chủ toàn cầu, thì còn sót lại âu là giọng điệu bài Hoa – bước đệm cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Phía bên kia nghị trường, giới bảo thủ sẽ không bao giờ đồng ý với toàn bộ góc nhìn của Biden về chính sách ngoại giao, nhưng một vài vị đang hợp tác với ông về những chính sách liên quan tới Trung Quốc. Nhiều Thượng nghị sĩ Cộng Hoà đảm bảo rằng sẽ thúc đẩy các liên mình của Mỹ và tập trung ủng hộ dân chủ và nhân quyền toàn cầu, dù Trump và người ủng hộ không đồng ý với cách nhìn đó. Một vài dân cử còn cho hay họ sẽ chống lưng cho các tổ chức đa phương nếu điều đó là cần thiết để chống lại Trung Quốc. Biden có thể tận dụng góc nhìn này từ các Thượng nghị sĩ Cộng Hoà để đảm bảo hợp tác lưỡng đảng trong vấn đề ngoại giao
Một vài vị Tổng thống chưa bao giờ tìm được một sách lược nào. Nhưng Biden đã tìm được. Dưới góc nhìn của ông, Hoa Kỳ đang ở giữa một cuộc cạnh tranh với hệ thống cầm quyền Trung Quốc. Và lối chơi của ông không phải “ban phát dân chủ” với súng đạn và bom mìn hay tuyên truyền dân chủ toàn cầu, mà cho thấy nền dân chủ có thể mang lại gì – trong nước và hải ngoại. Câu hỏi hiện giờ là liệu Biden có thể đưa chính quyền của ông, đất nước của ông, và đồng minh nước Mỹ để đưa sách lược này vào chính sách ngoại giao Mỹ.
Người dịch: Sam Tran
Biên tập: Khanh Doan Nguyen
Commenti