top of page

Kiểm tin: Thuyết âm mưu của Tucker Carlson về FBI và sự kiện ngày 6 tháng Giêng không chính xác.

TranTranTranTranTranslated from PolitiFact's article Tucker Carlson’s conspiracy theory about FBI and Jan. 6 continues to be wrong

By Samantha Putterman, on 03-11-2021




Tóm tắt: Chúng tôi không có bằng chứng nào đáng tin cậy về thuyết âm mưu này, và bộ phim của Carlson cũng không dẫn bất cứ bằng chứng nào. Bộ phim tài liệu này chỉ dựa trên những ý kiến đơn lẻ, chưa được xác thực và suy đoán dựa trên tình huống. Các nguồn cho bài kiểm tin được dẫn ở đây. Một thuyết âm mưu đã được vạch trần cho rằng các đặc vụ liên bang đã kích động cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Giêng ở tòa nhà Capitol, nay lại xuất hiện trong bộ phim tài liệu 3 tập của người dẫn chương trình Tucker Carlson của Fox News. Bộ phim này tên là “Patriot Purge” (tạm dịch: Cuộc thanh trừng những người yêu nước).

Loạt phim gây tranh cãi đã được phát vào ngày 1 tháng Mười Một vừa rồi, trình bày ý kiến cho rằng vụ bạo loạn là một chiến dịch “tung hoả mù” được dàn xếp bởi các cơ quan liên bang để gài bẫy những công dân Mỹ ủng hộ Donald Trump. Bộ phim này được phát trên dịch vụ streaming có tính phí tên “Fox Nation”, nhưng không được phát trên kênh Fox News chính thức.

“Đa số người Mỹ có thể nghĩ rằng sự hỗn loạn đã diễn ra vào ngày 6 tháng Một là kết quả của sự thất bại trong việc thu thập tin tình báo hoặc là do sự bất lực của chính quyền. Nhưng liệu các cơ quan liên bang có phải là nguồn khiêu khích? Ta đã tính tới việc cố tình khép tội cho các công dân Mỹ hay chưa? Không người bình thường nào muốn tin những điều đó cả. Nhưng càng ngày, càng có nhiều bằng chứng khẳng định điều trên là sự thật.” Carlson nói trong đoạn kết tập phim đầu tiên.

Kết luận của Carlson là SAI. Không có manh mối đáng tin cậy nào để chứng minh giả thuyết trên, và bộ phim của Carlson cũng không dẫn ra bằng chứng nào cả. PolitiFact đã liên lạc với Fox News nhưng không nhận được hồi đáp. FBI cũng đã từ chối bình luận.

Luận điểm của bộ phim:

Lần đầu tiên chúng tôi nghe được lời tuyên bố của Carlson, ông lấy thông tin dựa trên bản tin của Revolver News, một trang tin cánh hữu. Bản tin được xuất bản vào ngày 14 tháng Sáu, lấy tựa đề “Những kẻ đồng loã trong ngày 6 tháng Giêng không bị truy tố. Dấy lên câu hỏi đáng ngờ về liệu chính quyền liên bang có biết trước sự kiện này?”. Theo Revolver, bởi vì có một số người (ẩn danh) không bị truy tố trong hồ sơ buộc tội liên bang, việc cho rằng những người này là nguồn tin ("informant") hay đặc vụ của FBI là điều hợp lý. Carlson sử dụng Revolver làm nguồn tin cho loạt phim của mình, phỏng vấn Darren Beattie, người điều hành Revolver News và từng là người viết diễn văn cho Nhà Trắng dưới thời Trump. Beattie đã bị sa thải vào năm 2018 khi ông ta xuất hiện trong cuộc hội đàm với một nhân vật theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Trong bộ phim này, Beattie đã nói vụ bắt cóc Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer bất thành năm 2020 có bàn tay của FBI nhúng vào, với lý do nguồn tin và mật vụ ngầm của FBI có can thiệp vào sự kiện này.

Beattie nhắc tới Steven D’Antuono, cựu giám đốc bộ phận Detroit của FBI, người đã được thăng chức để lãnh đạo bộ phận Washington D.C. sau khi đội ngũ của ông thành công triệt phá được âm mưu bắt cóc bà Whitmer. D’Antuono hiện đang điều tra về vụ bạo loạn tại toà nhà Capitol. Bộ phim cho rằng điều này rất đáng nghi, và Beattie liên tục nhắc lại trên website của mình rằng D'Antuono được thăng chức “một cách kín đáo.” Ẩn ý này đã lờ đi việc FBI đã đăng thông cáo chính thức, cũng như truyền thông địa phương đã viết bài về việc D'Antuono được thăng chức.

Việc so sánh giữa sự kiện ngày 6 tháng Giêng và âm mưu bắt cóc Whitmer sai hoàn toàn. Kế hoạch ở Michigan chưa bao giờ được thực hiện cũng như rất nhiều ca phạm pháp đã bị buộc tội vì có sự can thiệp của mật vụ ngầm khác.

Carlson trích dẫn nguồn tin từ ký giả Trevor Aaronson cho rằng FBI đã dùng những chiến dịch “ngầm” (sting operation) để dẫn dụ dân Hồi giáo sau sự kiện 11 tháng Chín để củng cổ cho luận điểm của ông ta, rằng chiến thuật này được sử dụng lên người ủng hộ Trump tại Điện Capitol. Nhưng vào tháng Sáu, khi Carlson lần đầu tiên lấy dữ liệu nghiên cứu của Aaronson đưa vào một chương trình của ông ta, Aaronson đã phản hồi rằng Carlson “bóp méo bản tin của mình”.

“Đúng thật là sau vụ 11 tháng Chín, FBI đã dùng nhiều thủ thuật ngầm để gài tội cho hàng trăm người Hồi giáo trong các chiến dịch chống khủng bố, đồng thời cung cấp vũ khí và đôi khi là ý tưởng cho các âm mưu này. Thế nhưng không có bằng chứng nào cho tôi thấy rằng vụ 6 tháng Giêng có bàn tay của FBI can thiệp.” Aaronson nói với PolitiFact qua email. “Hợn nữa, với quy mô của vụ Capitol dính líu tới hàng trăm người khắp nước Mỹ, việc cho rằng đây là một âm mưu náo đó của FBI thật là ngớ ngẩn.”

Carlson cũng cho rằng một cựu đặc vụ DEA tên Mark Ibrahim đã được “cổ vũ mạnh mẽ” tiến vào trong Điện Capitol bởi một người bạn giấu tên (cũng là mật vụ FBI), người đã mời anh tới cuộc biểu tình. Carlson không hề đưa bất cứ bằng chứng nào cho cáo buộc này, và hồ sơ của toà án cho thấy người bạn này phủ nhận việc thúc giục Ibrahim hãy vào trong trụ sở Quốc hội. Người bạn nói với các nhà điều tra rằng Ibrahim đã thêu dệt câu chuyện trên và việc ông này tham gia vào cuộc biểu tình nhằm nâng cao vị trí bản thân sau khi đệ đơn từ chức lên DEA. Nhân chứng này cũng nói với các đặc vụ liên bang rằng họ không ở toà nhà Quốc hội với tư cách nhân viên chính thức của FBI.

Trên thực tế thì Ibrahim không bị truy tố vì tội “tiếp cận Điện Capitol” như Carlson đã đề cập trong loạt phim. Hồ sơ của toà cho thấy Ibrahim bị buộc tội mang súng đạn vào khu vực cấm và vì không trung thực với nhà chức trách liên bang.

Những nhân vật khác trong loạt phim đã nói rằng những “kẻ kích động chuyên nghiệp” ("professional agitators") đã thay quần áo và có mặt ở Capitol để dẫn mọi chuyện vào cơn hỗn loạn. Họ dẫn trường hợp của John Sullivan, một người bị truy tố vì có liên quan tới vụ bạo loạn, vì ông này là bị cáo duy nhất bày tỏ sự ủng hộ với một số chính sách cánh tả. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Sullivan có dính dáng tới antifa, FBI hay bất cứ cơ quan liên bang nào khác, và cũng không có bằng chứng rằng chính ông ta là người duy nhất gây nên cuộc bạo loạn.

Đúng là có một vài cá nhân tham dự cuộc bạo loạn với mục đích cá nhân, nhưng hàng trăm đơn kiện đã cho ta thấy những kẻ xúi giục bạo lực chủ yếu là người ủng hộ Trump.

Tin này được PolitiFact đánh giá là “False”/"Sai hoàn toàn."

Trong bộ phim, Carlson dùng nhiều người (trong đó có nhiều trường hợp đã bị truy tố vì liên quan tới cuộc bạo loạn) để ủng hộ luận điểm của mình. Một nhân vật cho rằng cảnh sát Capitol đã “mở cửa” cho mọi người vào trụ sở Quốc hội với mục đích gài bẫy họ. Nhưng bộ phim không nhắc tới thực tế là lực lượng chấp pháp đã lép vế trước số đông bạo loạn hôm đó. Một sĩ quan đã hy sinh, và bốn sĩ quan khác đã ra đi vì tự sát.

Luận điểm của Carlson được phân tích:

Jesse Norris, giáo sư ngành tư pháp hình sự (criminal justice) tại Đại học bang New York tại Fredonia (SUNY Fredonia), chuyên nghiên cứu về các vụ gài bẫy trong truy tố khủng bố, nói với chúng tôi rằng để chứng tỏ những bị cáo trong vụ 6 tháng Giêng bị “gài” hay bị ai xúi giục, Carlson cần phải có bằng chứng cho thấy cảnh sát chìm hay các nguồn tin – những người đang làm việc cho lực lượng chấp pháp – có dính líu tới việc lên kế hoạch sử dụng bạo lực ở đồi Capitol.

Norris thêm rằng Carlson cũng cần phải chứng minh các bị cáo sẽ không thực hiện hành động bạo lực nếu không bị những “đặc vụ ngầm” thao túng.

“Theo lý lẽ mà nói, những người này chỉ bị gài bẫy khi họ bị thao túng làm điều gì đó mà họ sẽ không dám làm lúc bình thường." Norris nói.

Norris thêm rằng: “Định nghĩa pháp lý còn hẹp hơn thế. Theo luật liên bang, một người chỉ bị ”gài bẫy" khi một, kẻ gài bẫy thúc ép bị cáo gây tội, và sự thúc ép này không chỉ bao gồm tạo nên “cơ hội" (opportunity) gây án mà còn thêm yếu tố gây áp lực nữa, và hai là khi bị cáo không có ý định gây tội trước khi gặp kẻ gài bẫy." Một số nhân tố được toà án và bồi thẩm đoàn cân nhắc liệu bị cáo có bị ảnh hưởng không bao gồm: lịch sử tiền án của bị cáo, bị cáo có ngập ngừng khi bị thúc ép hay không, ý đồ gây án có bắt nguồn từ kẻ gài bẫy hay không, và điều nào đã thuyết phục được bị cáo gây án.

Ira Robbins, một giáo sư luật và tư pháp tại Đại học American (American University) đã nghiên cứu và xuất bản nhiều tác phẩm về việc đồng phạm không bị kết án (unindicted con-conspirator), cho rằng phát ngôn của Carlson nếu được phân tích thì không hợp lý chút nào.

“Bằng chứng cho thấy yếu tố gài bẫy đâu? Các đặc vụ liên bang có dựng kế hoạch cho vụ Capitol không? Họ có ảnh hưởng tới người dân vô tội, những người vốn dĩ không tham gia vào hành vị phạm pháp không? Không có bằng chứng cho các yếu tố này, lời của Carlson chỉ là lời nói ngoài miệng. Những gì trên TV ta thấy sẽ không phải là những gì toà sẽ cân nhắc trong các vụ kiện cáo đâu.”

Trong khi đó, ngay cả ký giả của Fox News cũng tranh cãi thuyết âm mưu cho rằng FBI đã kích động vụ bạo loạn.

Vài ngày trước khi bộ phim được phát hành, một phân đoạn trên Fox News nói về cuộc điều tra của Quốc Hội về sự kiện 6 tháng Giêng đã được phát trên chương trình “Special Report With Bret Baier”. Trong chương trình này có phỏng vấn cựu sĩ quan CIA Marc Polymeropoulos, ông phủ nhận vụ 6 tháng Giêng là một chiến dịch “cờ giả” (False flag). “Một trong những lý do các chiến dịch cờ giả được nhắc tới, đó là chúng được các tay thuyết âm mưu sử dụng để che đi sự thật. Nói vụ 6 tháng Giêng là chiến dịch cờ giả là đi hơi xa rồi, không cách nào như vậy được." Ông nói

Kết luận của chúng tôi.

Carlson nói rằng đặc vụ liên bang đã trực tiếp kích động người dân trong vụ 6 tháng Một và “cố tình gài bẫy” công dân Mỹ.

Không có bằng chứng nào chứng tỏ FBI hay bất cứ cơ quan liên bang nào khác, đã lãnh đạo hoặc điều phối vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng. Vì lẽ đó, phát biểu này là SAI.

Người dịch: Sam Tran

Biên tập: Le

Comments


bottom of page