Translated from nbcnews's article How to talk to your Asian immigrant parents about racism while considering their lived experiences
“Trong các gia đình gốc Á châu, có rất nhiều luận điểm kiểu “Đừng gây sóng gió” và “Hãy tôn trọng người lớn tuổi.”
By Sakshi Venkatraman, on 11-06-2020, 06:00:00
“Trong các gia đình gốc Á châu, có rất nhiều luận điểm kiểu “Đừng gây sóng gió” và “Hãy tôn trọng người lớn tuổi.” Khởi đầu một cuộc đối thoại bằng cách gây sóng gió và thách thức người lớn là rào cản đầu tiên.”
Kat, một cư dân 24 tuổi ở New York, đã nói chuyện với ba mẹ về nạn phân biệt chủng tộc từ khi cô 11 tuổi. Trong quá trình trưởng thành và kết bạn từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, Kat nói rằng cô nhận thức sâu sắc hơn về những lời chỉ trích chống lại người da đen nói riêng và người da màu nói chung.
“Điều này thực sự làm tôi tổn thương” Kat chia sẻ với NBC Asian America. Tên nhân vật đã được thay đổi cho bài viết.
Sau những cuộc trò chuyện đầy nước mắt và sự ức chế, Kat nhận ra rằng mình cần phải có một cách tiếp cận khác. Cô nhận ra rằng ba mẹ cô, những người di dân gốc Hoa đến Malaysia chưa học hết phổ thông, có thể không ý thức được về chủ nghĩa da trắng thượng đẳng đã ngự trị trong suốt cuộc đời của họ. Vì vậy, cô đã tự giáo dục bản thân về nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống và về lai lịch của ba mẹ mình. Mặc dù mọi thứ không hoàn hảo nhưng Kat nói cô ấy đang tiến bộ.
“Thật là mệt mỏi, nhưng tôi cảm nhận chúng tôi sắp đạt tới đó rồi,” cô nói.
Trong hai tuần qua, các cuộc biểu tình và sự phẫn nộ chung về cái chết của George Floyd khi bị cảnh sát Minneapolis giam giữ là cơ hội đối với người Mỹ gốc Á trên khắp đất nước phản tỉnh. Các cuộc tranh luận bùng lên vì một trong những viên cảnh sát bị bắt do cái chết của Floyd là người Mỹ gốc Á. Nhiều người đang tuần hành, quyên góp và phát biểu trên mạng xã hội nhận ra rằng để ủng hộ cộng đồng da Đen thì họ cần phải tháo gỡ sự kỳ thị đa Đen ăn sâu trong tiềm thức họ. Và bây giờ những người Mỹ gốc Á trẻ tuổi đang hoạt động tích cực trong phong trào có một lời cầu khẩn: Hãy nói chuyện với gia đình của bạn.
Deepa Iyer, một luật sư và nhà hoạt động, cho biết: “Chúng ta có trách nhiệm đấu tranh chống lại sự kỳ thị da Đen trong nội bộ cộng đồng của chúng ta. "Chúng ta phải có những cuộc trò chuyện với cô dì chú bác của mình trong nhóm chat WhatsApp."
Mặc dù bắt đầu một cuộc trò chuyện ở bàn ăn có vẻ là một bước đi tốt, nhưng những người Mỹ gốc Á trẻ tuổi đang cố gắng xóa bỏ những thiên kiến truyền đời thường gặp phải trở ngại.
Yuki Yamazaki, nhà trị liệu tâm lý chuyên về người Mỹ gốc Á và chủ nghĩa da màu tại Đại học Fordham, cho biết: “Trong các gia đình gốc Á châu, có rất nhiều luận điểm kiểu “Đừng gây sóng gió” và “Hãy tôn trọng người lớn tuổi.” Khởi đầu một cuộc đối thoại bằng cách gây sóng gió và thách thức người lớn là rào cản đầu tiên.”
Yamazaki và các chuyên gia khác cho biết những người trẻ muốn thách thức định kiến trong gia đình và cộng đồng của họ phải đối mặt với những niềm tin được hình thành từ hàng thế hệ trước, đôi khi dưới sự ảnh hưởng của chủ nghĩa đế quốc da trắng trên quê hương tổ tiên họ.
Monisha Bajaj, giáo sư giáo dục quốc tế và đa văn hóa tại Đại học San Francisco cho biết: “Khi chúng ta nhìn vào lịch sử của những người nhập cư gốc Nam Á, bạn thấy rằng chủ nghĩa thực dân và những di sản lâu đời của quan niệm về vẻ đẹp và giá trị bị gắn liền với màu da.
Ngay cả những người đã trải qua thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên ở Hoa Kỳ cũng gián tiếp tiếp thu tư tưởng kỳ thị người da Đen vì “chúng ta đang sống trong một hệ thống phân biệt chủng tộc,” Yamazaki nói.
Iyer nói: “Ngôn ngữ mà những thanh thiếu niên đang dùng cũng ngầm thể hiện những thành kiến. Ví dụ “Ồ, tôi sẽ không đi vào khu phố đó vì nó nguy hiểm” thì thường được nói giảm rằng “Đó là một khu phố người da Đen.”
Các cuộc thảo luận này có thể khó khăn. Vì vậy ba chuyên gia và một người trẻ sau đây sẽ chia sẻ cách để khởi đầu, và đồng thời cân nhắc kinh nghiệm sống của các gia đình ở quê hương họ và ở Hoa Kỳ.
Hãy khiêm tốn và nhận ra rằng bạn cần phải tự giáo dục bản thân mình trước.
Không có ích gì khi nói chuyện với các thành viên trong gia đình mà bản thân bạn không có đầy đủ thông tin. Đừng chỉ nói “phân biệt chủng tộc có hệ thống” mà không hiểu ý nghĩa của nó. Trình bày bằng chứng cụ thể về cấu trúc phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát sẽ làm cho các câu chuyện, video và bài báo dễ hiểu theo nghĩa rộng hơn. Hãy đọc, nghiên cứu và trang bị kiến thức về những gì bạn sắp nói trước khi bước vào cuộc đối thoại. Hãy cân nhắc rằng ba mẹ và gia đình của bạn có thể không biết nhiều về lịch sử Hoa Kỳ và lịch sử chống người da Đen kéo dài hàng thế kỷ nếu họ không được học tại Hoa Kỳ.
“Nó giống như bào chữa trước toà vậy,” Iyer nói
Nhận ra rằng mình có thể đang thay đổi thế giới quan của ai đó
Nên phản ứng một cách phẫn nộ trước sự kỳ thị chủng tộc, và nhìn thấy biểu hiện kỳ thị da Đen công khai từ gia đình là một điều đáng giận. Nhưng gạt cảm xúc của bạn sang một bên trong khi cố gắng giúp họ hiểu có thể là cách tiếp cận hiệu quả nhất. Khi đó, "bạn là người kiểm soát,” Yamazaki nói.
Theo Kat, việc nói chuyện với cha mẹ trở nên dễ dàng hơn khi cô gạt cơn giận dữ sang một bên.
“Khi mọi người cảm thấy như các giá trị đạo đức của họ đang bị đánh giá và các niềm tin bị xâm phạm, họ sẽ tự động chuyển sang chế độ phòng thủ và ngừng cố gắng hiểu và học hỏi,” cô nói.
Yamazaki nói rằng bạo lực cảnh sát và chủ nghĩa da trắng thượng đẳng có thể khó nuốt với phụ huynh là người nhập cư châu Á bởi vì họ chưa bao giờ trực tiếp trải qua điều đó. Trải nghiệm là người da Đen có thể hoàn toàn không nằm trong thế giới quan của họ. Hiểu được những ẩn ức của họ có thể giúp bạn dễ dàng giao tiếp với họ bằng lòng trắc ẩn hơn.
“Bạn đang nói về những điều vốn dĩ sẽ làm thay đổi thế giới quan của ai đó,” cô nói.
Hỏi về kinh nghiệm của họ về sự đàn áp và phân biệt đối xử ở đất nước của họ và ở Hoa Kỳ.
Đối với nhiều phụ huynh nhập cư, quan điểm về thể chế chính phủ, phân biệt chủng tộc và da trắng thượng đẳng đã được định hình bởi kinh nghiệm của họ trên quê hương. Hãy nỗ lực để hiểu hoàn cảnh xã hội chính trị mà họ lớn lên và cách họ vẫn đang mang theo những điều đó đến bây giờ.
“Ở những thế hệ đi trước cho tới thế hệ cha mẹ tôi, những chuyện kiểu rối loạn chính phủ, biến loạn chính trị, thực dân hóa, phi thực dân hóa, chính quyền bất ổn xảy ra như cơm bữa," Yamazaki chia sẻ. “Cứ nhìn vào lịch sử chính gia đình mình thế này, [ta có thể thấy] cái cách chính quyền chọn thi hành hay không thi hành an ninh, hoặc thậm chí là gây hoang mang.”
Kat thổ lộ, được học hỏi về những sự đàn áp mà cha mẹ cô phải đối mặt ở quê nhà Malaysia đã giúp cô hiểu thêm tư tưởng của phụ huynh đối với các khái niệm trừu tượng như sắc da trắng và thể chế cai trị tại Hoa Kỳ.
“Sau khi đọc qua cái cách họ được nuôi dạy, cái cách thực dân Anh áp dụng chính sách chia để trị … tôi càng thêm hiểu và thông cảm với cha mẹ mình,” cô bộc bạch.
Nếu cội nguồn của các gia đình di dân là nơi đầy rẫy rành rành những sự thối nát lụi bại, bản năng của họ sẽ có khuynh hướng phó thác cho một nhà nước cũng như một lực lượng cảnh sát đã bảo vệ họ hầu hết thời gian tại Hoa Kỳ.
Dù ở quê hương hay ở Hoa Kỳ thì những phụ huynh di dân đều có thể đã trải qua nạn phân biệt đối xử theo cách này hay cách khác. Dù cho họ không tài nào hiểu nổi sự áp bức có hệ thống mà người Mỹ da Đen đã phải đối mặt, hãy dùng trải nghiệm của chính họ để hướng họ tới việc cảm thông.
“Gia đình mọi người đa số đều có thành viên thuộc thế hệ đi trước nào đó đã phải trải qua ít nhiều gian khó, và đối với đại đa số gia đình gốc Á, nó thường là vì vấn đề chủng tộc, văn hóa, tiếng mẹ đẻ, hoặc vị họ thuộc dân tộc cụ thể nào đó,” Yamazaki nói. “Họ nghĩ gì về vấn đề đó? Cái cảm giác bị tước đoạt [những gì là bản chất con người mình] nó như thế nào?”
Với Kat, các trải nghiệm bị bài ngoại ở Hoa Kỳ của chính mẹ cô đã rất có ích trong việc giải thích trải nghiệm của những nhóm người thiểu số khác.
“Lúc ở Chicago, một người đàn ông da trắng cằn nhằn tôi với mẹ ‘đây không phải là Trung Quốc’ khi chúng tôi trò chuyện với nhau bằng tiếng Quảng Đông,” cô kể. “Mẹ tôi đã thấy rất bất an và bị phân biệt đối xử, và tôi nói ‘cảm giác mẹ đang có ngay bây giờ, cái cảm giác bị công kích chỉ vì chính bản thân mẹ, chính là thứ những nhóm người thiểu số khác phải chịu đựng.’ Mẹ gật đầu đồng tình và tôi thấy được bước tiến của chúng tôi.”
Giải mã truyền thuyết “nhóm thiểu số gương mẫu”
Đây có thể sẽ không phải là công việc đầu tiên trong cuộc thảo luận về vấn đề chủng tộc tại Hoa Kỳ đầu tiên của bạn với gia đình, nhưng việc cố gắng phản biện lại lập luận hư cấu “nhóm thiểu số gương mẫu” sẽ giúp họ hiểu thêm về nguồn cơn các thành kiến có sẵn của chính bản thân mình.
“Người Mỹ gốc Á bị nhồi sọ luận điệu này,” Yamazaki nói. “'Hãy nhìn người châu Á kìa, xem các bạn đã làm tốt như thế nào.' Cái nhận định ấy được người da trắng tuyên truyền lặp đi lặp lại, và người châu Á thì lại đem nó thuộc nằm lòng.”
Mặc dù từ trước đến nay cũng có vài người gốc Á được hưởng lợi từ ý nghĩ này, đây vốn dĩ là một câu chuyện, một nhận định sinh ra là để khiến các nhóm người thiểu số chia rẽ, tương tàn lẫn nhau, theo ý kiến của Iyer.
Định kiến này được tạo ra để trục lợi địa chính trị từ số lượng nhập cư gốc Á ngày một lớn mạnh tại Hoa Kỳ, cũng như nhằm để ngăn chặn các phong trào xã hội của người da Đen, Ellen Wu, một sử gia và tác giả của cuốn “The Color of Success: Asian Americans and the Origins of the Model Minority" (Màu của Thành Công: Người Mỹ Á và Nguồn Gốc Nhóm Thiểu Số Gương Mẫu), nói với NBC Asian America hồi tuần trước.
Người da trắng theo chủ nghĩa tự do (white liberal) ở thập niên 60 đã vũ trang hóa trải nghiệm của người Mỹ gốc Nhật hậu trại giam giữ thời chiến, cộp mác đó là “câu chuyện thành công” và là minh chứng rằng người da màu có cơ hội tương đương. Chiến thuật này được áp dụng nhằm làm suy yếu phong trào dân quyền, Wu giải thích. Mặc dù chuyện này giúp người Mỹ gốc Á có nhiều khả năng tiến thân xã hội hơn người Mỹ da đen, cơ cấu này chỉ càng củng cố cho một hệ thống da trắng thượng đẳng.
Trò chuyện dưới cương vị cá nhân và lấy đồng cảm làm đầu
“Mọi cuộc đối thoại đều có hai yếu tố: bản thân nội dung và phương pháp giao tiếp,” Yamazaki nói. “Sự khác biệt trong việc nói như thế nào còn tùy vào đối tượng: ông hay mẹ hay chị hay bố. Biết được mình đang nói chuyện với ai và mình đang nói về cái gì là những yếu tố then chốt.”
Gia đình bạn rất lo cho bạn, thế nên hãy giải thích cho họ hiểu tại sao ủng hộ biểu tình và học hỏi về sự bài xích người da đen là thứ vô cùng quan trọng với bạn.
“Tôi nhận ra rằng mỗi lần tôi nhắc tới trải nghiệm phân biệt chủng tộc của bản thân, họ thường chịu nghe tôi nói từ đầu đến cuối hơn. Tôi nhận ra để khiến ba mẹ mình thông cảm và quan tâm người khác thì khó như lên trời, nhưng để họ quan tâm tới những gì tôi chịu đựng thì lại dễ như trở bàn tay, bởi vì họ lo cho tôi,” Kat nhận xét.
Nói một lần sẽ không xong. Cứ tiếp tục nói
“Chúng ta rất cần phải tập hợp, trấn tĩnh lại bản thân và tự nhủ ‘lần đầu sẽ rất khó khăn,'” Yamazaki nói. “Biết trước là vậy rồi thì khi nhập cuộc bạn sẽ đại khái mường tượng ra được mình sẽ nói cái gì.”
Bước từng bước nhỏ. Hàng thế kỷ của nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống không thể bị đánh đổ chỉ ngày một ngày hai. Ngay cả đơn giản là đề cập nhẹ đến chủ đề này thôi và tại sao lại là lúc này cũng đã là một bước ngoặt quan trọng.
“Một cuộc đối thoại, hay một dòng tin nhắn WhatsApp không làm nên gì nhiều,” Iyer cho biết. “Cái sẽ làm nên chuyện là một chuỗi các cuộc đối thoại, và để có thể đầu tư cam đoan cho chuyện này sẽ cần kha khá thời gian.”
Nhớ thường xuyên gửi những bài báo, video, sách vở, v.v. để giúp họ hiểu thêm.
Chăm sóc bản thân và hiểu rõ giới hạn của mình
Nhiều khả năng bạn không phải là bác sĩ trị liệu hay chuyên gia gì cả, và việc tháo dỡ hết những định kiến đã ăn sâu bám rễ vào tâm khảm của người thân trong gia đình bạn là một công trình mà diễn tiến của nó bạn chưa chắc hình dung ra nổi. Phải nhận thức lấy giới hạn trong hiểu biết cũng như trong khả năng thuyết phục người thân của mình. Nếu căng thẳng lên mức cao trào và cuộc đối thoại chuyển biến dần tồi tệ, hãy ngừng lại và trở lại câu chuyện vào một dịp khác. Và nếu người thân nào đó nhất mực cự tuyệt tiếp thu, đó là dịp để ta tự phản tỉnh.
“Nếu đụng trúng tình huống gây gổ cãi cọ, bạn cũng phải chăm sóc cho bản thân mình trước,” Bajaj nói. “Nếu chả có lý do gì để tiếp tục giữ mối quan hệ này vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của bạn, vậy thì cắt đứt nó cũng là điều chính đáng.”
Người dịch: An Nguyen & Quyen Tran
Biên tập: Khoa Le
Comments