top of page

Lịch sử lâu đời và kì lạ đằng sau xu hướng chống vaccine (P.3)

Updated: Apr 7, 2022

Translated from Vox's article The long, strange history of anti-vaccination movements By Anna North, on 04-03-2022, 01:00:00

Để giải toả sự dè dặt trước vaccine, chúng ta phải hiểu rõ tâm lí đó từ đâu mà có.


Để có thể tiếp cận những người vẫn còn tâm lý hoài nghi, chúng ta có thể phải ôn lại những bài học từ quá khứ. Một điểm mấu chốt là xem xét nguồn gốc của việc dè dặt trước vaccine. “Thái độ của mọi người về vaccine thường phản ánh những gì họ nghĩ về các cơ cấu quản lý nhà nước xung quanh họ,” Goldenberg nhận xét. Các tư tưởng chống vaccine thường “bắt nguồn từ một số suy nghĩ cho rằng lợi ích cá nhân hoặc lợi ích của cộng đồng không được xử lý thích đáng” bởi chính quyền.

Hãy nghĩ về tầng lớp lao động ở Anh khi họ bị yêu cầu phải tiêm vaccine nhưng không được trao cho quyền bầu cử. Những cá nhân không tin vào hay hoàn toàn chống lại vaccine ngày nay trải rộng ở nhiều nhóm nhân khẩu và chủng tộc khác nhau, và trải nghiệm của họ với chính quyền rất đa dạng. Tuy nhiên, dường như có điểm chung trong quyết định không tiêm vaccine của họ ở chỗ chính phủ đòi hỏi một thứ gì đó nhưng không trả lại lợi ích gì đáng kể. Dù sao, nước Mỹ cũng không có một Dịch Vụ Sức Khoẻ Toàn Quốc như Anh đã làm sau Thế chiến thứ hai - và nhiều người Mỹ đã trải qua việc chính phủ không thực sự cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ họ cần. Điều đó đặc biệt đúng với người Mỹ da đen và các nhóm người da màu khác, những người đã đối mặt với sự phân biệt đối xử từ cả các cơ quan nhà nước và các nhà cung cấp dịch vụ y tế. Phân biệt chủng tộc trong y tế ở Mỹ bắt nguồn từ rất lâu trước nghiên cứu Tuskegee, và nó tiếp diễn đến tận ngày nay.

Để hiểu rõ hơn tâm lý dè dặt và không tin tưởng vào các cơ quan y tế trong cộng đồng người da đen, bạn cần nhận thấy rằng “họ là những người ngày nay phải trải qua những việc như không được quan tâm, bị chẩn đoán nhẹ hay nặng hơn bệnh tình, không được chăm sóc đầy đủ, thiếu cơ hội tiếp cận, phải sống ở những khu vực khan hiếm nhà thuốc và các nhà cung cấp dịch vụ y tế. Những nơi mà chất lượng chăm sóc tồi tàn, và cơ hội tiếp cận thì ít vì dịch vụ họ nhận được hoặc không có, hoặc có chất lượng kém, và những người cung cấp nó lại thiếu hiểu biết để đồng cảm và chăm sóc cộng đồng người Mỹ gốc Phi,” giáo sư Lincoln của đại học USC cho biết. Lincoln nói thêm rằng, để thay đổi điều đó, không những cần cải thiện cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, mà chúng ta cũng phải thay đổi cách thức tuyển dụng, hỗ trợ và đào tạo nhân viên y tế. Việc thành lập một lực lượng nhân viên y tế thực sự đại diện cho Hoa Kỳ sẽ đòi hỏi việc tạo nên các con đường để mọi người có thể trở thành bác sĩ mà không phải gánh các khoản nợ khổng lồ. Thêm vào đó, những người cung cấp dịch vụ phải được đào tạo để nhận thức về sức khoẻ ở mức độ cộng đồng, chứ không phải chỉ cấp độ cá nhân. Họ cần nắm bắt và giải quyết những vấn đề có thể khiến mọi người không tuân theo các chỉ dẫn y tế. Lincoln nói: “Nếu không có một lăng kính rộng hơn, và không tập trung vào phần lớn các yếu tố giúp ta hiểu hơn về sự khác biệt về sức khoẻ, chúng ta sẽ đi chệch hướng.” Giáo sư Durbach của trường đại học Utah nói: Ngoài việc giải quyết các vấn đề xoay quanh sự dè dặt và phản kháng với vaccine, còn có những chính sách về vaccine cần được xem xét. Ví dụ như chỉ thị tiêm vaccine đã thành công trong quá khứ - với bệnh đậu mùa chẳng hạn, nó đã tăng lượng người tiêm vaccine và giảm số ca tử vong. Tuy vậy, những chỉ thị này cần đi đôi với việc xem xét các trường hợp ngoại lệ để ngăn chặn những phản ứng dữ dội. Các trường hợp miễn tiêm phải được tính toán kĩ càng để chúng không quá dễ dàng đạt được - họ phải có quyết định chắc chắn và bỏ ra nỗ lực để đạt được nó. Durbach nói, khi được thực hiện đúng, việc miễn tiêm có thể có hiệu quả vì “bạn đang loại bỏ vấn đề mà những người có thuyết âm mưu dựa vào."

Hiểu biết về bệnh sử cũng giúp cung cấp thông tin trong những cuộc trò chuyện trực tiếp hằng ngày mà các bác sĩ, nhân viên tuyên truyền và người khác có với những người dân đang đắn đo hay hoàn toàn phản kháng trước vaccine. Aaron Richterman, bác sĩ bệnh truyền nhiễm ở Philadelphia đã chia sẻ: Bệnh sử của từng bệnh nhân tham gia các cuộc trò chuyện này rất đa dạng, từ tác dụng phụ với các loại vaccine trước hay “trải nghiệm cá nhân với dịch vụ y tế và các cơ quan y tế nói chung, từ hiểu biết của từng người thông qua những gì gia đình hay cộng đồng của họ đã trải qua,”. Những hiểu biết đó có từ việc họ phải đối mặt với phân biệt chủng tộc trong môi trường y tế, hay việc bị kỳ thị do tình trạng sức khoẻ hoặc dịch bệnh cụ thể. Với nhiều người Mỹ, “trong quá khứ, trải nghiệm của cộng đồng họ với các hệ thống y tế cho thấy hệ thống y tế không ở đó để sẵn sàng giúp đỡ họ." Quan trọng là chúng ta phải xử lý những trải nghiệm này bằng cách thật sự giúp đỡ, theo điều kiện của bệnh nhân. “Ta thường phải xây dựng một kết nối thật sự với họ, cho thấy rằng ta quan tâm đến họ và quan tâm đến những điều họ bận tâm,” Richterman cho biết. “Tôi cũng có mục tiêu của mình, nhưng đó là về mục tiêu của bệnh nhân.” Giúp đỡ người khác đạt được mục tiêu sức khoẻ của mình có thể giúp bác sĩ xây dựng lòng tin với bệnh nhân, một thứ rất quan trọng khi nói về các vấn đề như tiêm vaccine. Để trở một “người đưa tin được tin tưởng” với các vấn đề khó, “bạn phải cố đặt mình vào vị trí của bệnh nhân và thoả hiệp với họ,” Richterman nói. Nhưng rất tiếc rằng, trong hệ thống y tế ngày nay, nhiều người không có kết nối đó với “người đưa tin” - tỉ lệ người Mỹ có bác sĩ gia đình đang giảm dần trong những năm gần đây. Đảm bảo rằng mọi người thực sự có thể xây dựng một kết nối với người cung cấp dịch vụ y tế là một điểm thiết yếu trong việc khuyến khích tiêm phòng. “Một điểm thường bị bỏ qua trong các cuộc trò chuyện về vaccine là các mối quan hệ một đối một đó rất cần thiết,” Richterman nhận xét. “Người dân cần được chia sẻ về nó.” Nhưng không phải chỉ riêng bác sĩ mới có thể xây dựng các kết nối đó. Các nhóm cộng đồng và cửa hàng dịch vụ, từ nhà thờ đến tiệm cắt tóc, những chỗ đã có sự tin tưởng trong cộng đồng của họ, đã xây dựng thành công các chiến dịch tuyên truyền tiêm vaccine trong những tháng gần đây. “Tìm đến những đối tác trong cộng đồng đã có những kết nối lâu dài với mọi người rất quan trọng,” Rachel Villanueva, chủ tịch của Hiệp Hội Y Tế Quốc Gia, đã chia sẻ. Hiệp hội là nơi đại diện của các bác sĩ người Mỹ gốc Phi và bệnh nhân của họ. Dù là từ thế kỉ 19 hay ngày nay, không có gì bất ngờ khi vaccine đòi hỏi tin tưởng và trò chuyện nhiều hơn các quy trình y tế khác, thỉnh thoảng nó còn dấy lên phản kháng dữ dội. Colgrove nói: “Mọi người đang khoẻ mạnh khi ta tiêm cho họ, và vaccine đòi hỏi người dân phải chấp nhận rằng việc tiêm chủng sẽ bảo vệ họ khỏi một nguy hiểm mà có thể hoặc không xảy đến.” Về mặt nào đó, trao đổi về vaccine tóm gọn lại những vấn đề nói chung trong ngành sức khoẻ cộng đồng: “Những lợi ích nó hứa hẹn không thể thấy được,” Colgrove nói. “Và khi nó thành công, bạn cũng không hay biết.” Vì thế, điều khó khăn là phải thuyết phục người dân tin tưởng vào hệ thống y tế cộng đồng đủ để nhận một trị liệu mà lợi ích của nó không thể nhìn thấy ngay - hay sẽ không thấy được bao giờ. Lịch sử cho thấy rằng niềm tin như vậy là khả thi, nhưng nó sẽ cần có cố gắng để đạt được. Và khi lòng tin đó bị phá vỡ, có thể cần nhiều thế hệ để có thể xây dựng lại.

Nguoi dich: Phuong Huynh, Tran Tuan Hanh

Bien tap: Tran Tuan Hanh

Kommentare


bottom of page