Translated from Vox's article The long, strange history of anti-vaccination movements By Anna North, on 04-03-2022, 01:00:00
Đây là những gì quá khứ có thể cho chúng ta biết về tương lai của đại dịch. Ngay khi việc tiêm vaccine trở nên bắt buộc, nhiều người bắt đầu phản kháng. Một số thì coi đó là việc xâm phạm quyền công dân của chính phủ - những người cầm quyền ở xa tít tắp thì lấy quyền gì để ra lệnh cho người khác phải làm gì với cơ thể của họ?
Một số khác thì lo lắng rằng vaccine có khả năng gây nguy hại, hoặc họ được đem ra làm chuột bạch - có bằng chứng gì để chứng minh liều thuốc này có tác dụng? Các cuộc biểu tình nổ ra, các bài xã luận ra đời và các bậc cha mẹ chực chờ kiếm cớ để không phải cho con trẻ được tiêm vaccine - họ đổi địa chỉ để làm rối công tác hành chính, làm giả giấy chứng nhận tiêm vaccine và thậm chí cố gắng đảo ngược tình trạng sức khỏe một khi con của họ đã được tiêm.
Nghe có vẻ như đây là một câu chuyện thời Covid-19, với sự ồn ào từ thiểu số chống đối vaccine ở những cuộc biểu tình công cộng và những nỗ lực kiện cáo trải dài khắp nước Mỹ. Nhưng tất cả điều đó đã xảy ra vào thế kỷ thứ 19 tại nước Anh, khi chính phủ bắt buộc người dân phải tiêm vaccine chống đậu mùa cho trẻ em. “Ngay khi luật được ban bố, chúng ta lập tức có một sự chống đối vaccine có tổ chức,” theo Nadja Durbach, một giáo sư Sử học tại Đại học Utah. “Đó là lúc mà mọi người phản ứng kiểu, 'Ôi trời ơi, đừng hòng dạy tôi phải làm gì với con của tôi.'" Lịch sử của tiêm chủng đậu mùa là một sự nhắc nhở rằng, dù trông có vẻ mới, nhưng hành động chống lại vaccine (anti-vaccination) đã có từ lâu như chính sự tồn tại của vaccine vậy. Những lý do người ta đưa ra để chống đối vaccine - lo ngại về tác dụng phụ ngoài ý muốn, ưu tiên phương thuốc tự nhiên, lo sợ sự xâm phạm của chính phủ - thì chả thay đổi gì nhiều. Hành động hiện nay của chúng ta thực ra chỉ là một chương nữa trong câu chuyện vaccines và bệnh truyền nhiễm mà đã tồn tại hàng trăm năm.
Giá như các nhà cầm quyền và những người ở vị thế cao hơn trong xã hội có thể nhận ra rằng, họ có thể tìm các cách tốt hơn để thuyết phục những người còn do dự, chống trả lại các thuyết âm mưu và lấy lại niềm tin từ cộng đồng mà đã phải gánh chịu sự phân biệt hay ngược đãi từ chính những người đang muốn bảo vệ sức khỏe của họ. Công tác này đã đang diễn ra, với bác sĩ, với những người đứng đầu các tôn giáo và những người đang xây dựng mối quan hệ với những bệnh nhân để tìm ra bối cảnh và nhu cầu riêng của mỗi người trước khi họ có thể đề cập đến vaccine.
“Nếu bạn thực sự muốn mọi người nhất trí về sức khỏe cộng đồng và các phương pháp giữ gìn sức khỏe cộng đồng, bạn phải nêu ra được gốc rễ của sự hồ nghi,” theo Maya Goldenberg, một giáo sư Triết học tại Đại học Guelph và tác giả của cuốn sách “Vaccine Hesitancy: Public Trust, Expertise, and the War on Science” (Sự do dự Vaccine: sự tín nhiệm của nhân dân, đánh giá chuyên môn và Cuộc chiến của khoa học).
Vaccine không còn mới. Sự do dự vaccine cũng vậy.
Giáo sư Durbach nói khái niệm vaccine bắt nguồn từ cách phòng tránh có từ hàng thế kỉ trước, được gọi là inoculation hay variolation (tiêm một lượng nhỏ dịch thể có lẫn virus đậu mùa cho người lành). Mục đích của việc này là lây nhiễm đậu mùa cho bạn ở mức độ mà bạn có thể kiểm soát được độ nghiêm trọng và thời gian phát bệnh. Tiêm virus sống đã có mặt tại Trung Đông, Trung Quốc và vài nơi khác hàng trăm năm trước khi nó cập bến châu Âu và cuối cùng đến được tay người Anh bởi Quý bà Mary Wortley Montagu, vợ của Đại sứ Anh tại Thổ Nhĩ Kỳ, vào thế kỷ thứ 18.
Cách tiêm chủng thì vô vàn - thường thì, bác sĩ sẽ tiêm dưới da một lượng nhỏ mày đóng từ mụn nước đậu mùa cho một người khỏe mạnh để lây cho người này một lượng virus được kiểm soát. Durbach nhận xét phương pháp này thật ra khá hiệu quả, đặc biệt đối với những người giàu có có khả năng nhận sự hỗ trợ đặc biệt mà ở đó họ có thể “được theo dõi và chăm sóc và sinh hoạt tùy thích” trong khi chờ đợi bệnh thuyên giảm. Tuy nhiên, thi thoảng sẽ có người nhiễm đậu mùa thể nặng và tử vong vì tiêm chủng. Ngoài ra, đậu mùa có được từ tiêm chủng vẫn lây nhiễm được nên hành vi này có thể làm bùng dịch ngoài ý muốn.
Thật vậy, từ 2 tới 3% số người được tiêm virus sống đậu mùa đã chết, khởi nguồn dịch bệnh hoặc bị nhiễm một bệnh khác như lao phổi vì tiêm chủng.
Giải pháp cho chuyện này chính là vaccine đậu mùa, được sáng chế bởi Edward Jenner vào những năm 90 của thế kỉ thứ 18. Jenner nhận thấy rằng người nào bị nhiễm bệnh đậu bò (cowpox), một virus lây lan qua gia súc, sẽ có miễn dịch với đậu mùa. Ông đã phát triển một vaccine có từ mủ của gia súc nhiễm bệnh - từ “vaccine” có nghĩa là “bò” trong tiếng Latin.
Đậu bò cực kì nhẹ nhàng ở người, điều này khiến vaccine mới (theo lý thuyết) ít nguy hiểm hơn nhiều so với việc lây nhiễm đậu mùa có chủ đích. Đậu bò cũng không lây từ người sang người, loại bỏ nguy cơ lây nhiễm hàng loạt.
Durbach cho biết, qua nhiều thập kỉ, các vaccine mới và vaccine được sản xuất theo cách truyền thống đã cùng tồn tại ở Anh. Sau đó, vào năm 1840, chính phủ chính thức đẩy mạnh chính sách tiêm phòng bằng cách cung cấp vaccine miễn phí tại những nơi làm việc công. Họ vấp phải sự phản đối dữ dội vì nơi ấy thường được xem như những chỗ nghèo nàn, thiếu thốn. Bà Durbach giải thích “Nó như đang ám chỉ: Vậy mọi người chỉ có được vaccine miễn phí khi đến văn phòng phúc lợi thôi ư?”
Đến năm 1853, chính quyền bắt đầu ra lệnh tiêm chủng bắt buộc. Theo Durbach, phong trào chống đối vaccine bắt đầu có tổ chức và hoạt động mạnh mẽ. Một số chống vaccine vì dựa trên tư tưởng tự do chủ nghĩa, tin rằng chính phủ không có quyền can thiệp vào chuyện sức khoẻ của cá nhân.
Còn số khác thì dựa trên nền tảng tôn giáo hoặc vì hệ tư tưởng. Một số tin rằng nên dùng các liệu pháp tự nhiên từ cây cỏ, nguồn nước để chữa trị giúp cơ thể “thanh lọc”. Họ chống đối các sản phầ̉m thuốc tây vì nhiều loại có độc tính. Họ cho rằng vaccine cũng là "một loại chất độc được đưa vào cơ thể", theo giáo sư Durbach.
Trong khi đó, nhóm người khác thì lại cho là chính phủ đang dùng họ như vật thử nghiệm. Giai cấp lao động ở Anh bấy giờ còn không có được quyền bầu cử nên họ nghi ngờ chính phủ ra quy định vaccine vì lợi ích của chính phủ mà thôi. Có rất nhiều phong trào chống đối lại các quy định của chính quyền khi người dân không thực sự bình đẳng và còn chưa được tự do. Phong trào phản đối vaccine lan rộng khắp nước với khẩu hiệu “Thà ở tù còn hơn bị đầu độc”. Họ còn phát các tờ bướm với tiêu đề “Vaccine là lời nguyền của quỷ”. Khi những người dân thường đã kết nối với các nền tảng chống đối vaccine, họ sẽ luôn tránh né tiêm phòng cho con họ. Họ thường bỏ đi vội vã sau khi sinh để các nhân viên y tế không thể truy vết, hoặc trả tiền cho bác sĩ mua giấy chứng nhận vaccine giả. Thậm chí, một số người còn cố hút vaccine ra khỏi người trẻ sau khi trẻ bị tiêm.
Theo lí thuyết, tiêm vaccine an toàn hơn khi ta bị nhiễm bệnh thực sự. Nhưng mọi người vẫn chưa tin tưởng vào vaccine. Sau nhiều năm áp dụng quy định bắt buộc tiêm phòng, tỉ lệ chết ở trẻ em vì bệnh đậu mùa đã giảm 50%, chứng tỏ vaccine có hiệu quả rất cao.
Tuy nhiên, cách thực hiện thao tác tiêm chủng khi xưa lại gây nên vấn đề nghiêm trọng khác. Các nhân viên dùng dụng cụ lancet-dao rất nhỏ hoặc những dụng cụ đáng sợ khác gây nhiều vết cắt cùng lúc. Và lúc đó, các bác sĩ vẫn chưa hiểu hết về tầm quan trọng của việc vô trùng dụng cụ. Họ dùng 1 dụng cụ tiêm vaccine cho nhiều trẻ khác nhau làm nhiễm trùng lây lan. “Thời đó nhiều trẻ đã chết hoặc tay bị sụi.” - giáo sư Durbach cho biết.
Tất cả những điều này làm cảm giác chống đối vaccine gia tăng ở Anh và Mỹ. Nhóm chống đối thường cử người đến các tiểu bang, nơi đang chuẩn bị cho các lệnh bắt buộc vaccine để thúc đẩy phong trào tương tự. Họ tìm thấy những “mảnh đất màu mỡ” để phát triển khi kết hợp với những tổ chức chống dùng thuốc từ công ty dược và một phong trào đang lên ở Mỹ trong việc giữ cơ thể thuần khiết, hạn chế đem “chất độc-thuốc” vào người. Thái độ này cũng lan rộng ở Pháp, Canada và nhiều nơi khác. Và phong một trào chống vaccine toàn cầu như thế đã được hình thành từ thế kỉ 19.
Người dịch: Kim Pham, Chau Tran
Biên tập: Kim Pham
Comments