top of page

Lịch sử phía sau một ngày lễ - và cuộc đời tôi


By Lisa Ling, on 10-9-2021

Chưa đầy một năm sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi được tặng một cuốn sách chấn động và thôi thúc tôi không ngừng đặt câu hỏi về kiến thức sử Mỹ mà tôi đã được học. Đó là cuốn “Lịch sử con người tại nước Mỹ” của Howard Zinn.


Ngay trang đầu tiên của cuốn sách, Zinn kể lại những gì Christopher Columbus đã viết trong nhật ký về những người Arawak ông gặp khi đến thế giới mới:


“Họ… mang theo vẹt, bông gòn, giáo thương và nhiều thứ khác nữa để đổi lấy những hạt thủy tinh và chuông diều hâu. Họ sẵn sàng trao đổi những gì họ có… Họ vạm vỡ, đô con và điển trai… Họ không mang theo vũ khí và cũng không biết đó là gì bởi lúc tôi cho họ xem thanh gươm, họ đã cầm vào cạnh sắt và vô tình làm thương bản thân. Họ cũng không có sắt. Thứ gọi là thanh giáo thực ra làm từ sợi mây… Họ sẽ là những người hầu giỏi giang… Chỉ cần năm mươi người đàn ông là có thể khuất phục họ và bắt họ làm mọi thứ ta muốn.”


Trước đó, đối với tôi, Ngày Columbus - ngày thứ Hai thứ hai của tháng 10 - là ngày của những cuộc diễu hành và tiệc nướng – ngày để ăn mừng cội nguồn của nước Mỹ. Sau khi đọc xong cuốn sách của Zinn, ngày lễ này mang trên mình ý nghĩa khác: một lời nhắc nhở về cuộc chinh phục, sự di dời và thậm chí là nguồn gốc diệt chủng của nước ta. Điều này đã thôi thúc tôi muốn khám phá nhiều hơn và thậm chí đấu tranh cho những người thổ dân bị hung bạo đuổi khỏi vùng đất nơi mà ta gọi là nhà.


Không lâu sau khi đọc cuốn sách của Zinn, tôi biết được một thời kì đen tối khác trong lịch sử Mỹ gắn liền với những người trông giống tôi, diễn ra trong Thế chiến II. Sau khi chính phủ Nhật Bản đánh bom Trân Châu Cảng năm 1941, tổng thống Franklin Delano Roosevelt đã kí sắc lệnh 9066 buộc những người Mỹ gốc Nhật vào các trại tù.


Sắc lệnh này đã bỏ tù 120,000 người, bao gồm 17,000 trẻ em, trong nhiều năm. Nỗi sợ hãi bao trùm khắp nước Mỹ vì bất kì ai dù chỉ mang trong mình 1/16 dòng máu Nhật Bản đều có thể bị kết tội gián điệp chống lại chính phủ Mỹ.

Không có từ ngữ nào diễn tả được tâm trạng tôi khi biết được thời kì lịch sử này. Là một thiếu niên người Mỹ gốc Á lớn lên tại Carmichael, California – vùng ngoại ô không quá đa dạng ở Sacramento – tôi thấy tự mâu thuẫn với danh tính của mình. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình hoàn toàn là người Mỹ vì tôi trông không giống với những người trong cộng đồng mình. Và tôi cũng không biết làm người Trung Quốc là như thế nào, vì tôi không đến từ Trung Quốc. Trong sách lịch sử của tôi không đề cập các kiến thức nào về sự đóng góp của người Mỹ gốc Á hay hiện tượng phân biệt chủng tộc và bạo lực nhắm vào người Châu Á trong 100 năm qua. Không có gì cả. Khi không có bất kì tài liệu nào đề cập đến việc hòa nhập cộng đồng của một nhóm người, giai đoạn ấy dễ bị đi vào quên lãng. Thậm chí cả thái độ vô nhận đạo với tất cả nhóm người đó cũng như lẽ tự nhiên. Một trong những lí do người Châu Á trở thành vật tế thần khi đại dịch xảy ra là vì có người cho rằng cộng đồng họ không thuộc về đất nước này. Vào tháng 6 năm 2020, tôi mở mạng xã hội và thấy các bài đăng về ngày lễ Juneteenth. Mặc dù trước đó tôi đã nghe qua cụm từ này, nhưng tôi không biết tầm cỡ quan trọng của ngày đó trong lịch sử Mỹ: dấu chấm chính thức kết thúc chế độ nô lệ. Tôi thấy xấu hổ vì đã không biết điều đó, nhưng tôi cũng không nhớ sách sử của tôi đã từng đề cập đến nó hay chưa. Gần đây. tác giả Isabel Wilkerson của cuốn sử thi bán chạy nhất, “Đẳng cấp: Nguồn gốc của sự bất mãn,” ("Caste: The Origins of Our Discontents") đã đăng một bài viết khiến tôi phải khựng lại suy ngẫm: “Phải đến năm 2111, quãng thời gian người Mỹ gốc Phi được tự do chừng mới bằng quãng thời gian họ từng bị bắt làm nô lệ. Không có người lớn hiện đang sống nào sẽ được chứng kiến người Mỹ gốc Phi đạt tới mức cân bằng giữa tự do và nô lệ.” Bài đăng trở thành nguồn cảm hứng cho chương trình “Đời là thế” ("This is Life") của tôi mùa này, hướng tới khám phá những sự kiện trong lịch sử Mỹ vẫn còn ảnh hưởng đến nước ta ngày nay mà không được đề cập tới trong sách sử. Động lực khiến tôi nhìn nhận lại những sự kiện lịch sử này là một lí do mà những phản đối việc dạy “Lí thuyết chủng tộc phê phán” khiến tôi thấy rất bối rối. Thuật ngữ này áp dụng cho một tập hợp các nguyên tắc học thuật sinh ra trong lý thuyết pháp lý. Và nó có ý nghĩa trong việc giảng dạy các vấn đề liên quan đến chủng tộc. Khi vấn đề nhập cư và chủng tộc đã mang vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, chuyện gì sẽ xảy ra khi ta không dám giải quyết những lỗi lầm trong quá khứ? Trải nghiệm của tôi khi học môn lịch sử cấp 3 có nhiều hạn chế. Chỉ là ngồi trong lớp học và nghe giáo viên giảng vài chương sử khô khan, rồi sau đó là được giao bài tập trả lời câu hỏi cuối chương. Đa phần những gì tôi học là đề cao những người mở đường của nước nhà, những người chiến thắng, các chính trị gia, những người đứng đầu ngành công nghiệp và các nhà phát minh. Không phải những nhân vật lịch sử này không xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa. Trên thực tế, khi viết những dòng này, tôi đang trên máy bay từ Bờ Tây sang Bờ Đông, thán phục trước sự diệu kì của phương tiện di chuyển này. Nhưng khi còn ở tuổi ăn tuổi học, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng những câu chuyện tôi học được trong lớp lịch sử lại ẩn chứa nhiều góc nhìn khác. Đó là những câu chuyện về người nô lệ, người nhập cư, những người bị bắt bỏ tù, và những người bị bóc lột. Là người Mỹ, ta phải luôn hỏi chính mình rằng: Trong công cuộc dân chủ hóa toàn quốc và thậm chí thống trị thế giới, những hy sinh nào đã rơi vào lãng quên? Và làm thế nào để đảm bảo những câu chuyện của họ không bị bỏ lại phía sau? Khi ta bỏ qua một khối lượng câu chuyện đồ sộ về những con người có gốc gác đa dạng - những người gọi đất nước chúng ta là quê hương - chúng ta đang xóa bỏ tất cả các đóng góp và khó khăn của họ. Qua đó, chúng ta sẽ không thể thoát khỏi vòng lặp những lỗi lầm muôn thuở.

Người dịch: An Nguyen

Biên tập: Ren Dinh & Bảo Trân


Comments


bottom of page