Translated from AP's article Thousands flee Hong Kong for UK, fearing China crackdown
Kể từ khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia nghiêm ngặt trên toàn lãnh thổ Trung Quốc vào mùa hè năm ngoái, hàng ngàn người Hồng Kông đã đưa ra quyết định, đôi lúc đau lòng với họ, là rời bỏ quê hương để đến Anh sinh sống.
By ZEN SOO, SYLVIA HUI, on 31-01-2021, 03:00:00
HONG KONG (AP) - Kể từ khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia nghiêm ngặt trên toàn lãnh thổ Trung Quốc vào mùa hè năm ngoái, hàng ngàn người Hồng Kông đã đưa ra quyết định, đôi lúc đau lòng với họ, là rời bỏ quê hương để đến Anh sinh sống. Số lượng người dự kiến sẽ tăng lên đến hàng trăm ngàn.
Một số ra đi do lo sợ trừng phạt vì đã hưởng ứng các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tràn ngập mảnh đất thuộc địa cũ này của Anh vào năm 2019. Những người khác nói rằng sự xâm phạm của Trung Quốc đối với lối sống và quyền tự do dân sự của họ đã quá mức chịu đựng, và họ muốn tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái họ ở nước ngoài. Hầu hết nói rằng họ dự định sẽ không bao giờ trở về.
Sự di cư này dự kiến là sẽ tăng mạnh khi hiện đang có 5 triệu người Hồng Kông đủ điều kiện nộp đơn xin thị thực vào Anh, cho phép họ sinh sống, làm việc và học tập tại đó và một lúc nào đó nộp hồ sơ để xin trở thành công dân Anh. Hồ sơ xin thị thực Anh ở nước ngoài đã chính thức mở vào Chủ nhật, nhưng nhiều người đã đến đất Anh trước đó nhằm bảo đảm có một sự khởi đầu thuận lợi. Chính phủ Anh cho biết khoảng 7,000 người có hộ chiếu hải ngoại Anh (một loại giấy thông hành mà cư dân Hồng Kông có thể xin trước khi thành phố này chuyển giao cho Trung Quốc kiểm soát vào năm 1997) đã đến Anh từ tháng Bảy với thị thực cho phép nhập cư 6 tháng. Ước tính hơn 300,000 người sẽ gia hạn quyền cư trú trong năm năm tới. “Trước khi có công bố về hộ chiếu hải ngoại Anh vào tháng Bảy, chúng tôi ít khi nhận được câu hỏi về nhập cư vào Anh, có thể ít hơn 10 lần một tháng,” Andrew Lo, người sáng lập Anlex Immigration Consultants tại Hồng Kông, cho biết. “Bây giờ chúng tôi nhận được khoảng 10 đến 15 cuộc gọi mỗi ngày về việc đó.” Mike, một phóng viên ảnh, cho biết anh dự định sẽ nộp đơn xin thị thực và chuyển đến sống ở Leeds cùng vợ và con gái nhỏ vào tháng Tư. Động lực khiến anh muốn rời Hồng Kông là do tình hình chính trị của thành phố xấu đi sau các cuộc biểu tình chống chính phủ và anh nhận ra rằng lực lượng cảnh sát của thành phố không trung lập về mặt chính trị. Cảnh sát đã bị những người ủng hộ dân chủ chỉ trích vì sự tàn bạo và sử dụng bạo lực quá mức.
Mike cho biết di cư sang Anh là rất quan trọng vì anh tin rằng hệ thống giáo dục ở Hồng Kông sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị, do đó cho con gái anh học ở Anh sẽ tốt hơn. Mike đồng ý nói chuyện với điều kiện chỉ nêu tên anh (không có tiết lộ họ của anh) vì sợ bị chính quyền trả thù.
Ông Andew Lo nói rằng với thị thực mới, rào cản nhập cảnh vào Vương quốc Anh trở nên cực kỳ thấp, không có yêu cầu về trình độ ngôn ngữ hoặc giáo dục. Theo chính phủ Anh, những người mang hộ chiếu hải ngoại Anh cần chứng minh rằng họ có đủ tài chính để tự nuôi sống bản thân trong sáu tháng và không mắc bệnh lao. Hiện tại, mỗi tuần ông Andrew giúp ba đến bốn gia đình trong việc di cư đến Vương quốc Anh. Khoảng 60% trong số đó là các gia đình có con nhỏ, trong khi số còn lại là các cặp vợ chồng trẻ hoặc các chuyên gia trẻ.
Cindy, một nữ doanh nhân Hồng Kông và là mẹ của hai đứa con nhỏ, đã đến Luân Đôn vào tuần trước.
Ở Hồng Kông, cô có một cuộc sống thoải mái. Cô sở hữu một số tài sản với chồng và công việc kinh doanh do cô điều hành đang diễn ra tốt đẹp. Nhưng cô quyết định bỏ lại tất cả vì cô cảm thấy rằng các quyền tự do của thành phố đang bị xói mòn và cô muốn đảm bảo một tương lai tốt đẹp cho con mình.
Cindy, người đồng ý nói chuyện với điều kiện chỉ được nêu tên cô (mà không tiết lộ họ của cô) vì lo ngại chính quyền trả đũa, nói rằng điều quan trọng là phải hành động nhanh chóng vì cô sợ Bắc Kinh sẽ sớm ra tay ngăn chặn cuộc di cư.
Thủ tướng Boris Johnson trong tuần này cho biết việc cung cấp thị thực cho thấy Anh đang tôn vinh “mối quan hệ lịch sử sâu sắc” với Hồng Kông, nơi Anh đã chuyển giao cho Trung Quốc với thỏa thuận rằng Hồng Kông sẽ được giữ các quyền tự do kiểu phương Tây và phần lớn quyền tự chủ chính trị, điều hiện không tồn tại ở Trung Quốc đại lục. Hôm thứ Sáu, Bắc Kinh cho biết họ sẽ không còn công nhận hộ chiếu hải ngoại Anh như là giấy thông hành hoặc một dạng chứng minh thư, và chỉ trích việc cấp quốc tịch của Anh là một động thái "vi phạm nghiêm trọng" chủ quyền của Trung Quốc. Không rõ là thông báo đó sẽ có tác dụng như thế nào vì nhiều cư dân Hồng Kông mang nhiều hộ chiếu.
Bắc Kinh quyết liệt áp dụng lập trường cứng rắn đối với Hồng Kông sau khi các cuộc biểu tình năm 2019 trở thành bạo động và đẩy thành phố vào cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng. Kể từ khi luật an ninh được ban hành, hàng chục nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã bị bắt, và các nhà lãnh đạo trẻ của phong trào này đã bị bỏ tù hoặc phải bỏ trốn ra nước ngoài.
Bởi vì đạo luật mới quy định một cách bao quát và chung chung các hành vi lật đổ, ly khai, cấu kết với nước ngoài và khủng bố, nhiều cư dân Hồng Kông lo ngại rằng việc thể hiện bất kỳ hình thức chống đối chính trị nào, thậm chí đăng thông điệp trên mạng xã hội, có thể khiến họ gặp rắc rối.
“Đây là một làn sóng di cư thực sự khác biệt - một số người không có thời gian để thực sự đến thăm quốc gia mà họ sẽ định cư. Nhiều người không có kinh nghiệm sống ở nước ngoài, ”Miriam Lo, người điều hành Excelsior UK, một cơ quan tái định cư, cho biết. “Và vì đại dịch, họ thậm chí không thể đến xem ngôi nhà trước khi quyết định mua." Hui báo cáo từ Luân Đôn.
Người dịch: Derek Phan
Biên tập: Le Tran
Comments