Translated from FiveThirtyEight's article Why Republicans Don’t Fear An Electoral Backlash For Opposing Really Popular Parts Of Biden’s Agenda
Các nhà hoạt động cách mạng bên ngoài khu phức hợp Điện Capitol vào ngày 25 tháng 2 năm 2021, kêu gọi Quốc hội thông qua mức lương tối thiểu liên bang 15 đô la như một phần của dự luật cứu trợ COVID-19.
By Perry Bacon Jr., on 02-03-2021, 01:00:00
Các nhà hoạt động cách mạng bên ngoài khu phức hợp Điện Capitol vào ngày 25 tháng 2 năm 2021, kêu gọi Quốc hội thông qua mức lương tối thiểu liên bang 15 đô la như một phần của dự luật cứu trợ COVID-19. Tuần trước, các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí phản đối dự luật kích thích kinh tế của Tổng thống Biden, mặc dù các cuộc thăm dò cho thấy đạo luật này được công chúng mong đợi. Thượng viện Hoa Kỳ sẽ sớm xem xét dự luật - và có vẻ như đa số nghị sĩ Cộng hòa cũng sẽ phản đối nó. Dự luật này không chỉ gói kích thích kinh tế. Các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện tuần trước cũng phản đối kịch liệt dự luật cấm phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng tính dục và nhận dạng giới tính. Và GOP dường như đã sẵn sàng phản đối các dự luật sắp tới của Đảng Dân chủ nhằm giúp việc bỏ phiếu dễ dàng hơn và chi hàng trăm tỷ đồng để cải thiện cơ sở hạ tầng của quốc gia. Tất cả những ý tưởng đó cũng được dân chúng mong chờ. Tất nhiên, bạn có thể nói Đảng ‘yếu thế’ hơn thường phản đối chương trình nghị sự của Đảng cầm quyền. Ví dụ Đảng Dân chủ đã làm điều đó trong bốn năm của cựu Tổng thống Donald Trump. Đảng Cộng hòa đã làm điều đó trong hai nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama. Các bên chỉ bất đồng về nhiều vấn đề lớn. Kịch bản này đã quá quen thuộc. Nhưng thật ra, hệ quả lần này có chút khác biệt. Dự luật sức khoẻ của Obama chỉ vừa đủ vé vớt để thông qua Quốc hội. Còn đề xuất của Trump để loại bỏ Obamacare và cắt giảm thuế doanh nghiệp hoàn toàn bị phản đối. Ngược lại, Biden và những thành tố chính trong kế hoạch hành động của ông lại được ủng hộ cao. Trong khi đó Đảng Cộng hoà thì không được như vậy. Điều này giúp giải thích cho những thất bại liên tiếp trong hai cuộc bầu cử 2018 và 2020. Cho nên, nếu đảng thiểu số cứ tiếp tục phản đối những chính sách đang được mong đợi trong kỳ chạy đua bầu cử 2022 và 2024, thì liệu họ có tìm được tấm vé để tiến vào vòng xoáy chính trị hay không? Điều này không hẳn đơn giản như vậy. Có vài lý do để nghĩ đến việc phản đối những chính sách được nhiều người ủng hộ này sẽ không làm phương hại gì đến cuộc bầu cử cho đảng viên cộng hoà, và ngược lại, việc thực thi những chính sách đó cũng không chắc sẽ giúp Biden tiến xa thêm. Lý do đầu tiên mà các đảng viên Cộng hòa trong quốc hội có thể có đủ khả năng để phản đối những ý tưởng được nhiều người ủng hộ là vì một lý do mà bạn có thể đã đọc rất nhiều trong vài năm qua: GOP có một số lợi thế lớn về cấu trúc trong hệ thống bầu cử của Mỹ. Nhờ vào Đại cử tri đoàn, Trump đã có thể thắng cử tổng thống với khoảng 257.000 phiếu bầu nữa ở Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, mặc dù ông thua trên toàn quốc hơn 7 triệu phiếu. Thượng viện có quyền cân đối dân cư tại các bang ít dân như Wyoming và những bang lớn đông dân như California, do đó, 50 thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ đại diện hiệu quả cho khoảng 185 triệu người Mỹ, trong khi 50 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đại diện cho khoảng 143 triệu người, theo tính toán của Vox’s Ian Millhiser gần đây. Sự phân chia lại khu vực bầu cử của đảng Cộng hòa, cũng như sự yếu thế của đảng Dân chủ ở các vùng nông thôn, khiến đảng Dân chủ khó giành chiến thắng và giữ quyền kiểm soát Hạ viện ngay cả khi có phần lớn cử tri ủng hộ các ứng cử viên Hạ viện. Đó là những gì đã xảy ra vào năm 2020. Tập hợp tất cả những điều đó lại với nhau, các đảng viên Cộng hòa của Quốc hội phần nào xa rời khỏi nguyện vọng của người dân. Lâu ngày, lợi thế của Biden và các đảng viên Dân chủ Quốc hội là gần gũi hơn với các ý kiến của công chúng cũng bị mất hiệu quả. Lý do thứ hai, chính trị và chính sách bầu cử ngày càng mất kết nối. Ngày càng có nhiều người Mỹ bỏ phiếu dựa trên tính đảng phái và không có khả năng tách khỏi đảng của họ cho dù nó có làm gì đi nữa. Một số học giả cho rằng sự gắn bó của cử tri với các đảng không liên kết chặt chẽ với các nền tảng chính sách của các đảng mà giống với lòng trung thành với một nhóm người hoặc một thương hiệu. Đảng phái và cách bỏ phiếu đang ngày càng có liên quan đến tinh thần sắc tộc, trái ngược hoàn toàn với chính sách. Vì vậy các cử tri nghiêng về GOP có thể ủng hộ một số chính sách của đảng Dân chủ nhưng vẫn bỏ phiếu cho các chính trị gia thuộc đảng Cộng hòa phản đối các chính sách đó. Lý do thứ ba, một số cuộc bầu cử giữa kỳ gần đây đều cho thấy sự quay lưng của cử tri chống lại tổng thống đương nhiệm. Bạn có thể tranh luận rằng không có gì là không thể tránh khỏi về điều này, và cựu Tổng thống George W. Bush (cải cách An sinh xã hội, Chiến tranh Iraq), Obama (Obamacare năm 2010 và triển khai sai sót của nó vào năm 2014) và Trump (bãi bỏ Obamacare) đều đã làm hoặc có đề xuất gây tranh cãi khiến cử tri bực mình. Có lẽ nếu Biden kiên trì thực hiện những chính sách có tính đại chúng thì ông ấy sẽ đi ngược xu hướng. Nhưng đôi khi, có thể xảy ra trường hợp cử tri từ đảng của tổng thống có xu hướng thỏa mãn giữa nhiệm kỳ, trong khi phe đối lập lại được truyền cảm hứng. Vì vậy, ngay cả khi Biden làm được việc, các cử tri GOP có thể có động lực hơn để bỏ phiếu vào tháng 11 năm 2022. Lý do thứ tư, cử tri có thể thích các chính sách tóm tắt của tổng thống nhưng vẫn cho rằng ông ấy không làm tốt công việc của mình hoặc các chính sách của ông ấy không hiệu quả nếu các chính sách đó không mang tính lưỡng đảng. Hãy coi đây là lý thuyết Mitch McConnell. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Obama, lần cuối cùng đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện- Thượng viện và tổng thống, thượng nghị sĩ Kentucky và những người khác trong ban lãnh đạo GOP đã đưa ra chiến lược hạn chế tối đa đảng viên Cộng hòa của Quốc hội ủng hộ ý tưởng của Tổng thống Obama. Như McConnell đã nói công khai hồi đó, ông xem các cử tri không đặc biệt quan tâm đến những diễn biến hàng ngày ở Washington. Thay vào đó, ông nói, họ đánh giá một tổng thống một phần dựa trên việc liệu chương trình nghị sự của ông ấy có gây chia rẽ hay không, đặc biệt là một tổng thống vận động thống nhất đất nước (như cả Obama và Biden đã làm). Điều đó cho phép đảng đối lập tạo ra nhận thức về sự chia rẽ chỉ đơn giản bằng cách bỏ phiếu chống lại chương trình nghị sự của tổng thống. Nói một cách khác: Đảng đối lập có thể đảm bảo thiếu sự ủng hộ của lưỡng đảng - và sau đó chỉ trích tổng thống vì thiếu sự ủng hộ của lưỡng đảng. Có thể lịch sử sẽ không lặp lại. Nhưng việc trở thành "Đảng luôn nói Không" trong những năm của Obama đã dẫn đến việc GOP giành được Hạ viện, Thượng viện và sau đó là tổng thống từ năm 2010 đến năm 2016. Hoàn toàn hợp lý khi một đảng vẫn được lãnh đạo bởi những nhân vật chủ chốt từ thời Obama (McConnell và Lãnh đạo Đa số tại Hạ viện Kevin McCarthy) sẽ nghĩ rằng sự phản đối hoàn toàn đối với một tổng thống Dân chủ sẽ vẫn có hiệu quả. Lý do thứ năm là một lý do phức tạp hơn: Những cử tri ủng hộ có thể không ủng hộ đảng có các chính sách được ủng hộ nhất - bởi vì họ không tham gia vào chính trị theo cách đó hoặc vì họ bị thúc đẩy bởi các mối quan tâm phi chính sách. Đảng Dân chủ và phần lớn các phương tiện truyền thông (dù ngầm hoặc rõ ràng) tiếp cận nền chính trị Hoa Kỳ bằng cách sử dụng mô hình thành công chính trị “cử tri trung bình”. Mô hình đó diễn ra như thế này: Một số cử tri chủ yếu giữ quan điểm tự do, một số chủ yếu giữ quan điểm bảo thủ và sau cùng là một số giữ quan điểm trung dung. Các ứng cử viên và đảng phái có quan điểm trung lập hơn sẽ hoạt động bầu cử tốt hơn bởi vì họ sẽ giành được sự ủng hộ của các cử tri theo ý thức hệ trung dung, cũng như những cử tri cánh tả hoặc cánh hữu. Theo cách tiếp cận cử tri trung bình này, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Biden đã dành năm 2019 và 2020 để thúc đẩy các ý tưởng phổ biến với cơ sở của đảng và cử tri ở giữa. Họ tránh các lập trường - chẳng hạn như cắt giảm chi phí cho cảnh sát hoặc Medicare cho Tất cả - không phổ biến bằng. Cách nhìn này có vẻ trực quan. Và thật khó để tranh luận rằng điều đó là sai - Đảng Dân chủ đã giành được Hạ viện, Thượng viện và tổng thống vào năm 2018 và 2020 theo cách tiếp cận này. Và có khả năng đảng Dân chủ sẽ còn tệ hơn nếu họ hoàn toàn chấp nhận những ý tưởng không được ưa chuộng. Điều này trở nên phức tạp hơn khi xem xét mức độ của phương pháp trung bình này. Rõ ràng là có một số lợi ích bầu cử khi theo đuổi một chương trình nghị sự được nhiều người quan tâm hơn, còn tất cả những điều khác đều như nhau. Nhưng lợi ích đó lớn đến mức nào? Hoàn toàn không thấy rõ Đảng Cộng hòa sẽ chịu thiệt hại từ việc phản đối những ý tưởng được ủng hộ cao hoặc đề xuất những ý tưởng được ủng hộ ít hơn. Và hoàn toàn không biết rõ Đảng Dân chủ có thu được lợi ích đáng kể từ việc thực hiện những điều được ủng hộ theo bảng thăm dò ý kiến. Trump không thực sự theo đuổi cử tri trung bình trong chu kỳ bầu cử 2020. Hãy nhớ về cách ông bày tỏ sự hoài nghi trong việc đeo khẩu trang vào năm ngoái, mâu thuẫn rõ ràng với quan điểm của đa số người Mỹ; hoặc cách ông thúc ép đưa Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao, ngay cả khi các cuộc thăm dò cho thấy rằng hầu hết người Mỹ muốn để người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống chọn người thay thế Ruth Bader Ginsburg quá cố. Không phải Trump chỉ làm những điều không được ưa chuộng, mà dường như ông không thu hút được phần lớn sự ủng hộ của công chúng đối với các động thái chính sách của mình trong suốt chiến dịch tranh cử hoặc phần lớn nhiệm kỳ của mình. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao nhiều người trong giới truyền thông và chính trị, bao gồm cả bản thân tôi, có xu hướng tin tưởng vào các cuộc thăm dò cho thấy Trump đang ở vị trí rất tệ xung quanh Ngày bầu cử. Nó phù hợp với mô hình cử tri trung bình chung này - Trump đã cai trị theo cách không được ưa chuộng, gây dấu ấn tồi tệ qua việc xử lý COVID-19 và thật hợp lý khi nghĩ rằng những cử tri ở giữa khu vực bầu cử sẽ trừng phạt ông ta một cách nghiêm khắc. Trump đã thua, nhưng thất bại ở 4,5% điểm trên toàn quốc là con số sát sao so với hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến đưa ra. Tại sao Trump không bị quay lưng triệt để hơn? Không nghi ngờ gì nữa, sự đảng phái của cử tri đóng một vai trò lớn. Có rất nhiều cử tri không bao giờ ủng hộ đảng Dân chủ, bất kể ứng cử viên ôn hòa như thế nào hay Trump có bao nhiêu lập trường gây tranh cãi. Điều đó nói lên rằng, có thể khái niệm cử tri trung bình đã không phù hợp ngay từ đầu hoặc đang ngày càng lỗi thời. Như Lee Drutman, cộng tác viên của FiveThirtyEight đã viết, có những cử tri xoay vòng - nhưng họ không nhất thiết phải là những người theo chủ nghĩa trung lập, những người chọn ứng cử viên trung dung nhất. Những người bỏ phiếu ủng hộ thường có nhiều quan điểm (một số ở cánh tả, một số ở cánh hữu) và / hoặc hoàn toàn không có các quan điểm được xác định rõ ràng. Điều đó không có nghĩa là một trong hai bên nên đề cử một người theo chủ nghĩa cực đoan - có khả năng một người nào đó có quan điểm cực đoan sẽ khiến nhiều cử tri thất vọng hơn là một ứng cử viên trung dung hơn. Nhưng nó gợi ý rằng một ứng cử viên đặt mình ở vị trí trung lập có thể không thu được lợi ích bầu cử lớn. Will Stancil, một chuyên gia về dân quyền làm việc tại ĐH Minnesota cho biết: “Nếu những người theo chủ nghĩa tự do nói đúng về cách hoạt động của chính trị, thì Donald Trump sẽ không bao giờ có thể làm được, và đảng của ông ấy lẽ ra phải hứng chịu những thất bại tan nát, nhiều thế hệ sau cuộc bầu cử của ông ấy, đặc biệt là vào tháng 11 năm ngoái”. Ông nói thêm, “Chính trị là chủ nghĩa bè phái phi lý và dễ xúc động như bất cứ điều gì khác. Nhưng những người theo chủ nghĩa tự do dường như chỉ có khả năng hiểu nó như một thị trường ý tưởng có trật tự và sẽ tự biến mình thành những chiếc bánh vòng pretzel để cho là các cam kết của cử tri luôn hợp lý và máy móc." Hơn nữa, việc phát biểu trước công chúng có thể không quan trọng lắm nếu các cử tri không nghe về điều đó. Hoặc nếu họ không quan tâm đến cách họ bỏ phiếu. Vì vậy, có khả năng một số người Mỹ không biết về chính sách của Biden vào năm 2020 hoặc không tập trung vào chúng khi họ quyết định bỏ phiếu. Thay vào đó họ nghĩ nhiều hơn về những điều tiêu cực về Biden đang lan truyền trên các phương tiện truyền thông bảo thủ hoặc giữa những người tin tưởng QAnon. Biden và Trump không có tên trong cuộc bỏ phiếu vào năm 2022. Nhưng bạn có thể thấy cách Đảng Dân chủ có thể tiếp tục chạy đua bầu cử dựa trên một loạt các chính sách mà sẽ có được tỉ lệ đồng thuận cao trong bảng thăm dò ý kiến. Giả sử rằng họ đang tiếp cận một khối lớn cử tri theo ý thức hệ trung dung nhưng cuối cùng lại không làm các cử tri dễ dao động thay đổi nhiều. "Lập luận rằng việc Đảng Dân chủ thúc đẩy các chính sách được ủng hộ cao hoặc sự phản đối của Đảng Cộng hòa đối với chính sách đó sẽ làm đảo ngược quan điểm của cử tri về các đảng dựa trên một giả định bất thành văn rằng tin tức chính xác về ai đang ủng hộ cái gì thực sự sẽ đến được với cử tri" Lara Putnam, một nhà sử học tại Đại học Pittsburgh. “Nhưng đó là cách cánh hữu thống trị ‘ngõ ra thông tin’ đến từng ngôi nhà của hàng triệu người Mỹ: các memes được chia sẻ trong các nhóm Facebook, các nhân vật đài phát thanh được biết đến và tin cậy”, cô nói. Đảng Dân chủ có thể giành thêm ghế vào giữa nhiệm kỳ của năm tới và giành chức tổng thống vào năm 2024 vì họ đang chào hàng những ý tưởng được nhiều người ủng hộ trong khi GOP đang phản đối chúng. Chiến lược đó có thể phù hợp. Nhưng không có gì chắc chắn là cách tiếp cận đó sẽ hiệu quả. Đảng Cộng hòa đang liều lĩnh đặt cược rằng việc phản đối các dự luật được ủng hộ cao sẽ không khiến họ thất bại trong kỳ bầu cử - và có rất nhiều lý do chính đáng để nghĩ rằng họ đúng.
Người dịch: Quan Ly
Biên tập: Chau Tran
Commentaires