Translated from NBC News's article Viral images show people of color as anti-Asian perpetrators. That misses the big picture.
Một bài phân tích mới đây đã hé lộ nhiều hiểu lầm về thủ phạm, nạn nhân và bối cảnh chung xung quanh các vụ tấn công do thù ghét nhắm vào người châu Á.
By Kimmy Yam, on 15-06-2021, 13:01:47
Một bài phân tích mới đây đã hé lộ nhiều hiểu lầm về thủ phạm, nạn nhân và bối cảnh chung xung quanh các vụ tấn công do thù ghét nhắm vào người châu Á. Những điều này, theo nhà nghiên cứu Janelle Wong, có thể gây ra “tổn hại lâu dài cho sự đoàn kết giữa các sắc dân” Trong khi các bài báo và mạng xã hội đang cài cắm suy nghĩ rằng bạo lực nhằm vào người châu Á xuất phát chủ yếu từ người da màu, một phân tích mới chỉ ra rằng phần lớn những kẻ tấn công là người da trắng. Mới đây, Janelle Wong, giáo sư ngành Hoa Kỳ Học tại Đại học Maryland, College Park, đã giới thiệu bài phân tích tập trung vào các nghiên cứu trước đó về khuynh hướng thù ghét người châu Á. Từ các số liệu chính thức về tội phạm và nhiều báo cáo khác, cô phát hiện ra hơn ¾ số vụ án và vụ việc xuất phát từ sự thù ghét chủng tộc này, trước và trong đại dịch, là do người da trắng gây ra, trái ngược với những hình ảnh tràn lan trên mạng. Wong chia sẻ với NBC Asian America rằng những hiểu lầm nguy hiểm về thủ phạm gây ra những vụ thù ghét chống người châu Á có thể dẫn tới “tổn hại lâu dài cho sự đoàn kết giữa các chủng tộc”. “Trên nhiều phương diện, cách truyền thông đang đưa tin, cũng như hiểu biết của mọi người về nạn thù ghét người châu Á ở thời điểm hiện tại, đã hướng sự chú ý tới những khuynh hướng phân biệt người gốc Á vốn tồn tại từ lâu trong xã hội Mỹ,” Wong nói, “Nhưng những dụ pháp đi kèm với nó – nhất là quan niệm cho rằng “phần đông người tấn công những người Mỹ gốc Á lớn tuổi là người da đen” – lại chẳng có chút căn cứ nào.” Wong đã tham khảo chín nguồn và bốn loại dữ liệu về các sự việc chống người châu Á, trong đó có Stop AAPI Hate, Pew Research và các thống kê chính thức từ cơ quan hành pháp, hầu hết trong khoảng một năm rưỡi tính từ khi từ khóa #StopAAPIHate được chú ý. Cô nhận ra những sự mâu thuẫn trong cách người ta thường khắc hoạ kẻ thủ ác, nạn nhân, và bối cảnh nói chung của tình trạng phân biệt chủng tộc nhắm vào người Mỹ gốc Á trong mùa đại dịch. Cô chỉ ra rằng nguyên nhân của hàng loạt qui kết dễ gây hiểu nhầm này có thể là hệ quả của những tấm hình thiếu ngữ cảnh, của việc thiếu suy xét đầy đủ mọi khía cạnh của dữ liệu, cũng như diễn giải kết quả nghiên cứu một cách sai lạc. Việc hiểu sai một nghiên cứu được trích dẫn thường xuyên trong năm nay, đăng tải trên American Journal of Criminal Justice, rất có thể đã góp phần vào sự phát tán thông tin sai lệch, Wong nói. Bài nghiên cứu, vốn để theo dõi dữ liệu về tội ác do thù ghét từ năm 1992 tới năm 2014, chỉ ra rằng so với số lượng những vụ chống lại người da đen hay người La-tinh, tỉ lệ người da màu phạm tội chống người Châu Á cao hơn. Tuy nhiên, 75% số thủ phạm vẫn là người da trắng. Các nghiên cứu khác đã xác nhận thông tin trên, Wong viết. Cô liên hệ tới các nghiên cứu riêng biệt từ dự án University of Michigan Virulent Hate Project, chuyên theo dõi các báo cáo truyền thông về các vụ tấn công người Châu Á trong năm ngoái và tìm ra rằng trên 75% các bài báo xác nhận kẻ tấn công là nam và da trắng trong các vụ quấy rối bằng hành động hoặc lời nói. Wong cho rằng đây có thể vẫn chưa phải số liệu đầy đủ. “Đây là cách người ta qui chụp về tình hình tội phạm tại Mỹ - mọi tội trạng đều bắt nguồn từ người da đen,” Wong nói. Karthick Ramakrishnan, người sáng lập AAPI Data, một nhóm phi lợi nhuận về dữ liệu và hòa nhập cộng đồng, cũng là nơi Wong đang làm việc, nhận xét rằng góc nhìn của công chúng về thủ phạm và nạn nhân chủ yếu được nhào nặn bởi những hình ảnh phát tán trên mạng – nhưng không đại diện hết những vụ tấn công nhắm vào người gốc Á. Ví dụ, những đoạn video được nhiều người chú ý thường tới từ những khu xóm nghèo tại các thành phố lớn, nơi mà các phương tiện giám sát sẵn có hơn, anh cho biết. “Ở một số khu, máy quay an ninh sẵn có hơn nhiều. Đây trở thành nguồn chính để mọi người chia sẻ,” Ramakrishnan giải thích. “Các video sẽ được phát tán nhanh hơn nhiều những sự việc không đi kèm bằng chứng, chẳng hạn như những vụ xảy ra ở ngoại ô.” Khi phát tán, video thường không kèm âm thanh. Dù bản thân video không cung cấp nhiều chi tiết về sự kiện đang diễn ra, chúng vẫn ảnh hưởng tới cách nhìn nhận của chúng ta, Ramakrishnan nói. “Những hình ảnh trực quan có tác động mạnh mẽ, vậy nên dù khoa học nói sao, công chúng cũng tin vào mắt mình hơn – đặc biệt là những hình ảnh đang liên tục xuất hiện lúc này,” anh nhận định. Ramakrishnan cũng cho biết tư tưởng thù ghét người da đen của người Mỹ gốc Á và con cháu họ cũng ảnh hưởng tới cách những hình ảnh trên được lan tỏa. Những video thể hiện sự kỳ thị thường không chỉ được chia sẻ trên các mạng xã hội của Mỹ mà còn tại các ứng dụng nhắn tin toàn cầu. “Những hình ảnh và góc nhìn về những căng thẳng sắc tộc – bạo lực của người da đen nhắm vào người châu Á – cũng đang được chia sẻ tại chính châu lục này. Vấn đề này có yếu tố đa quốc gia ở trong đó,” anh cho biết. “Tư tưởng kỳ thị người da đen hay định kiến về chủng tộc của một bộ phận người Mỹ gốc Á có sức nặng trong việc quyết định luận điểm nào nổi bật hơn, vì những nội dung này sẽ được đăng lên các trang mạng xã hội, đặc biệt là qua các ứng dụng.” Wong cho rằng nhiều qui chụp sai lệch về danh tính của nạn nhân cũng như các hình thức tấn công họ gặp phải. Cô nói nhiều người vẫn tin rằng tất cả các sự việc đều bị đẩy tới mức bạo lực, trong khi các nghiên cứu đều chỉ ra rằng hầu hết các vụ phân biệt người châu Á do dịch bệnh chỉ dừng lại ở việc quấy rối bằng lời nói hoặc lảng tránh. Wong cũng cung cấp thêm rằng mặc dù nạn nhân của những vụ việc trên thường được cho là phụ nữ châu Á lớn tuổi, nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ khoảng 7% các vụ được báo cáo liên quan tới người trên 60. Wong khẳng định dù bất kỳ vụ việc liên quan tới thù ghét nào cũng không thể chấp nhận được, song mức độ tăng vọt trên các tít báo không phản ánh được bức tranh toàn cảnh về làn sóng tấn công người châu Á. Số vụ án do thù ghét người gốc Á vốn khá thấp – đồng nghĩa với việc chỉ cần tăng nhẹ cũng có thể khiến tỉ lệ phần trăm trở nên cao ngất ngưởng. Ví dụ, dữ liệu cho thấy khu vực xảy ra nhiều vụ nhất là thành phố New York, từ ba lên 28 vụ trong khoảng 2019 – 2020, tỉ lệ tăng lên tới 388%. Trong khi đó, Sacramento & California tăng từ một lên tám vụ tấn công trong cùng giai đọan – một thay đổi nhỏ tương đương với chênh lệch kỉ lục ở mức 700%. “Ngay cả khi cơ quan có thẩm quyền báo cáo về mức tăng đột biến của số vụ tấn công liên quan tới thù ghét tính theo năm, như với thành phố New York, tỉ lệ đó cũng thấp hơn tỉ lệ người Mỹ gốc Á trên toàn bộ dân số,” Wong dẫn ra. Người Mỹ gốc Á không phải nhóm thiểu số duy nhất gặp phải khó khăn giữa thời điểm đại dịch. Wong diễn giải rằng các thống kê từ cơ quan hành pháp cho thấy tại 26 khu vực tư pháp lớn, bao gồm những nơi như New York, nạn nhân châu Á chỉ chiếm 6,3% trong tổng số vụ án gây ra do thù ghét.
Người Mỹ gốc Phi từ lâu đã phải đối mặt với tỉ lệ bị tấn công cao hơn rất nhiều. Mặc dù số liệu năm 2019 từ các cơ quan chức năng cho thấy sự sụt giảm trong số lượng các vụ án được báo cáo, người da đen tới nay vẫn là chủng tộc bị nhắm tới nhiều nhất, theo lời Wong. Năm đó, 58% số vụ phạm tội có động cơ bài người da đen, trong khi tỉ lệ này ở người Châu Á thấp hơn rất nhiều – chỉ 4%. Khoảng 14% vụ án xuất phát từ khuynh hướng thù ghét người Mỹ - La-tinh.
Năm ngoái, khi người Mỹ gốc Á đang đương đầu với những định kiến liên quan tới virus Corona, 27% số người trong cộng đồng này cho biết từng phải đối mặt với các vụ án hay sự việc bắt nguồn từ tư tưởng thù ghét, trong khi con số này đối với người Mỹ gốc Phi là 34%, trích từ khảo sát của AAPI Data.
“Chúng ta đã thổi phồng khả năng một người có thể trở thành một nạn nhân của những vụ việc như thế này. Có thể thấy hiện tại, do ảnh hưởng của truyền thông – dù chỉ một số ít người gốc Á thật sự là nạn nhân, bất luận nhìn theo hướng nào – thì họ cũng vẫn cho rằng bản thân là đối tượng dễ bị tấn công nhất,” cô kết luận.
Điều này không có nghĩa là không có thêm nhiều vụ việc mới hay những lời lăng mạ và các vụ việc tương tự không đáng quan ngại, Wong nói thêm. Sự gia tăng trong chiều hướng phân biệt người gốc Á đáng nhận được sự quan tâm, tuy vậy việc chỉ nhấn mạnh một số khía cạnh hay bỏ qua ngữ cảnh có thể tiếp tay cho những định kiến nguy hiểm và phá hỏng nhiều cơ hội gắn kết những sắc dân thiểu số, cô bày tỏ. Ramakrishnan nói thêm rằng nếu vạch ra giải pháp dựa trên những thông tin chưa đầy đủ, vấn đề sẽ không thể được giải quyết.
Ramakrishnan kêu gọi giới truyền thông và nhiều đơn vị khác không chỉ cung cấp thêm ngữ cảnh cho thông tin đưa ra mà còn cần đúc rút những kết luận hợp lý từ các dữ liệu. Anh còn nhấn mạnh rằng trong khi báo giới quá tập trung vào các vụ tấn công, người Mỹ gốc Á và người dân quần đảo Thái Bình Dương vẫn đang gặp vô vàn khó khăn khác, bao gồm rào cản về ngôn ngữ và nhập cư – những điều chưa nhận đủ sự quan tâm giữa tâm điểm về nạn phân biệt chủng tộc trong đại dịch.
“Thật khó để mọi người cùng tập trung sự chú ý tới những sự khác biệt nhỏ. Người ta thích những thứ giật gân. Nhưng hi vọng rằng, chính sự khác biệt là thứ giữ người ta lại để khiến họ muốn tìm hiểu sâu hơn,” Ramakrishnan bày tỏ. “Tôi có niềm tin vào việc những cuộc tấn công và nhiều vụ việc khủng khiếp là thứ khiến dư luận quan tâm [tới làn sóng này], nhưng thứ duy trì sự quan tâm này chính là hiểu biết về những vấn đề vĩ mô đang ảnh hưởng tới những người Mỹ gốc đảo Thái Bình Dương này."
Người dịch: Phuong Dang
Biên tập: Đông Phong & Bảo Trân
Comments