top of page

Mất quyền phá thai, Mỹ không chỉ lùi về thời kỳ đen tối trước Roe, mà sẽ đối mặt thực tế tệ hơn thế.

Translated from Slate's article We’re Not Going Back to “Before Roe”

By Dahlia Lithwick, on 08-12-2021, 03:00:00

Phụ nữ giờ đây được xem như những cá nhân tự chủ đạo đức, đồng nghĩa họ bị ràng buộc pháp lý đối với hành vi gây nguy hiểm đến đứa trẻ trong bụng mình, nhưng vì vậy họ cũng đối mặt với án phạt như người trưởng thành. Nghịch lý ở chỗ - phụ nữ bị xem là trẻ con cho mục đích mang thai và sinh con, nhưng lại là người lớn cho mục đích chịu trách nhiệm hình sự.

Nhiều khả năng chúng ta đang hướng đến một chế độ tôn giáo độc tài, khiến cuộc sống trước Roe thậm chí còn nhẹ nhàng hơn viễn cảnh một thế giới mà phụ nữ là mục tiêu của các cáo buộc sặc mùi phục thù tôn giáo Từ khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đưa ra dấu hiệu rõ ràng cho thấy tòa sẽ đưa ra phán quyết bảo vệ luật cấm phá thai vi hiến của bang Mississippi hoặc hoàn toàn đảo ngược án lệ Roe v. Wade (cũng là quyết định đã hợp pháp hóa việc phá thai toàn Hoa Kỳ), có dư luận cho rằng Hoa Kỳ sẽ quay lại thời kỳ trước án lệ này. Suy nghĩ trên dựa vào giả định chúng ta sẽ trở về thời kỳ chấp vá luật lệ tại các tiểu bang, cũng là khoảng thời gian đen tối khi nhiều phụ nữ bị dồn đến bước đường cùng phải tự dùng các phương pháp phá thai nguy hiểm chết người, bao gồm các phòng khám phá thai chui bất hợp pháp - những việc đã trở thành thông lệ trong thòi kỳ đó. Tuy nhiên, cái nhìn này chưa hẳn là chính xác: Nếu các tiếng nói cực đoan nhất của phong trào chống pháp thai được toại nguyện, Hoa Kỳ sẽ không đơn thuần lùi về thời kỳ “tiền Roe,” mà có thể trượt dài vào một viễn cảnh còn tồi tệ hơn thế. Nhà bình luận Michelle Goldberg tờ New York Times đã đưa ra lập luận này hai năm trước sau khi các bang Alabama, Georgia, và Missouri thông qua luật chống phá thai hà khắc đến mức khó tưởng tượng được ngay sau khi Brett Kavanaugh ngồi vào ghế thẩm phán Tối cao Pháp viện. Bà viết, “cần hiểu rằng chúng ta không nhất thiết chỉ đơn giản là quay ngược thời gian [trước án lệ]. Làn sóng luật chống phá thai cho thấy một Hoa Kỳ ‘tiền Roe’ sẽ không như trước 1973, khi phán quyết trong vụ kiện đó được đưa ra. Có khả năng sẽ còn tồi tệ hơn thế.” Những ai chú ý thật kỹ những góc nhìn chiếm ưu thế của phe chống phá thai sẽ nhìn ra nó - khái niệm pháp lý “nhân vị tính của bào thai”việc trừng phạt người mẹ khi họ gây nguy hiểm cho phôi thai đưa chúng ta đến một giới hạn mang tính thần học chưa từng tồn tại ngay cả trong thời kỳ trước án lệ Roe v. Wade. Giờ đây, chúng ta liên tục nghe phía chống phá thai đưa ra những lời sáo rỗng về sự cần thiết của các lưới an sinh xã hội tốt hơn (làm như các chương trình này chưa từng được cần tới một cách khẩn thiết nhiều thập kỷ qua). Nhưng một hệ thống an sinh xã hội tốt hơn để giúp các bà mẹ mang thai, sinh con, và nuôi dưỡng những đứa trẻ ngoài ý muốn, thực tế không phải là những gì mà chùng ta đang hướng đến. Trước án lệ Roe v. Wade, các nhóm tín ngưỡng từng không nhất quán trong quan điểm chống phá thai của mình. Nhiều lãnh đạo tôn giáo từng cương quyết đứng về phía sức khỏe và lợi ích của người mẹ. Hiệp hội Phúc âm Quốc gia (The National Association of Evangelicals) thông nghị quyết năm 1971 công nhận “sự cần thiết của việc phá thai trị liệu nhằm bảo vệ sức khỏe và mạng sống của người mẹ, như các trường hợp thai ngoài tử cung” và thừa nhận việc mang thai “do hiếp dâm hoặc loạn luân … có thể cần dừng mang thai có chủ ý, nhưng quyết định cuối cùng chỉ nên được đưa ra sau khi đã qua tư vấn y khoa, tâm lý, và tôn giáo nhạy cảm nhất.” Hội Tin lành Baptist Miền Nam (The Southern Baptist Convention) đã thông qua nghị quyết năm 1971, 1974, và 1976, khẳng định con người nên được tiếp cận phá thai vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng vào nhiều thập kỷ sau đó, phía tôn giáo cứng rắn chống đối việc phá thai có từ án lệ Roe v. Wade càng củng cố và dầng trở nên hà khắc hơn trong mục tiêu của mình. Tử năm 1984, cương lĩnh Đảng Cộng hòa đã kêu gọi sửa đổi hiến pháp để hoàn toàn cấm phá thai cấp liên bang. So với trước án lệ Roe v. Wade, phong trào chống pha thai đã thay đổi sâu sắc. Nói cách khác, chúng ta không nhất thiết chỉ dừng lại ở việc “trả vấn đề phá thai về lại cấp tiểu bang.” Trong thảo luận với Issac Chotiner của tờ New Yorker tuần này, Marjorie Dannenfelser, chủ tịch tổ chức Susan B. Anthony List, đã đề cập đến kế hoạch trong vài năm tới cho một lệnh cấm phá thai 15-tuần toàn quốc. Các nhóm tôn giáo chống phá thai giờ đây đang công khai nói về một dự án bởi học giả như John Finnis, giáo sư danh dự Đại học Notre Dame. Trong tờ báo Công giáo First Things, ông này lập luận rằng các nhà lập pháp và tác giả của Tu chính án thứ 14 đã xem trẻ em chưa sinh ra là con người cần được đảm bảo quy trình và bảo vệ bình đẳng trước pháp luật dưới Tu chính án thứ 14.

Ông Finnis và Robert George cũng đã đệ đơn amicus đến Tối cao Pháp viện nhằm nêu ý kiến pháp lý của mình trong vụ kiện Dobbs v. Jackson Women’s Health Organization (Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson), thôi thúc tòa án phải ngăn cấm hoàn toàn việc phá thai. Như Garrett Epps chỉ ra, đơn của hai ông này cho rằng việc ra “luật cấm” phá thai là “việc phải làm theo hiến pháp” vì trẻ em chưa sinh là con người trong định nghĩa thông thường tại thời điểm đó của Điều khoản đảm bảo quy trình và bảo vệ bình đẳng trước pháp luật của Tu chính án 14. Đúng vậy, họ đang cho rằng khái niệm bất kể trứng nào đã được thụ tinh đều được là con người hoàn chỉnh, và là trong khuôn khổ “định nghĩa thông thường” tại thời điểm của Tu chính án 14. Tuy được cho là khá cực đoan, nổ lực để thúc đẩy việc bảo vệ đó có thể được thấy qua sự hăng hái của Thẩm phán Tối cao Pháp viện Clarence Thomas với việc bảo vệ bình đẳng những gì chưa sinh ra, chắc chắn bao gồm sự cần thiết phải trừng phạt những phụ nữ gây nguy hiểm cho thai của mình.

Khi nhìn lại thời “tiền Roe,” đa số có thể chịu trách nhiệm hình sự là các bác sĩ thực hiện phá thai. Nhưng khi các bang tiếp tục áp dụng các điều luật về nhân vị tính của bào thai, chúng ta sẽ còn thấy nhiều hình phạt tàn bạo với những phụ nữ bị sẩy thai, dùng thuốc thông dụng khi có thai, cố tự tử khi mang thai, và cả khi đối mặt với các biến chứng trong sinh mổ. Trường hợp của Brittney Poolaw - một phụ nữ 19 tuổi ở Oklahoma nhận án bốn năm tù vì tội ngộ sát vì dùng thuốc khi cô đến cấp cứu tại bệnh viện Commache County Memorial do sẩy thai tại nhà - là minh chứng dự báo khá tốt cho viễn cảnh gì mà chúng ta đang hướng đến. Nếu bào thai hay phôi thai được xem là một con người dưới góc nhìn pháp lý, thì phụ nữ sẽ là người gánh chịu cả hai thứ “công lý” và “ân huệ” mà Dannenfelser đưa ra trong cuộc phỏng vấn với Chotiner. Một báo cáo của Hội Bảo vệ Phụ nữ mang thai Quốc gia và Hiệp hội Luật sư Bào chữa Hình sự Quốc gia cho thấy có “hơn 4,450 tội trong bộ luật hình sự liên bang, hàng chục ngàn tội trong quy định hình sự tiểu bang - bao gồm các luật phá thai hình sự, và các luật thành văn cấp tiểu bang về âm mưu, cố ý, và đồng phạm có thể buộc nhiều cá nhân vào các hình phạt hình sự nếu án lệ Roe v. Wade bị lật đổ.” Ngay cả nhiều luật hình sự dường như trên bề mặt chẳng liên quan gì đến phá thai - gồm các luật cấm tàn trữ “một loại thuốc nguy hiểm” - có thể, và đã từng, được sử dụng bởi các công tố viên mộ đạo nhằm trừng phạt bệnh nhân phá thai. Điều quan trọng để hiểu là bất kể một hiện thực “tiền Roe” ra sao, nó không duy nhất hoặc không cơ bản chỉ là sự phản đối mang tính thần học với sự tự chủ của phụ nữ. Vào thời đó, phong trào chống phá thai chủ yếu chỉ dựa vào khái niệm gia trưởng xem phụ nữ như trẻ con trong thân xác người lớn cần được bảo vệ khỏi nanh vuốt của các nơi cung cấp dịch vụ phá thai, và cả các luật lệ hà khắc cấp tiểu bang. Trong đơn amicus của ông Finnis và George, khi phá thai trở thành bất hợp pháp mọi nơi, họ đề xuất một giải pháp cho việc các phụ nữ lựa chọn sai lầm. Họ giải thích như sau: Tiểu bang có thể xem xét mức độ trách nhiệm như yếu tố giảm nhẹ hoặc cho phép những người tình nghi mang tội giết người tránh việc bị truy tố. Những chính sách như vậy nhằm phục vụ các mục đích chính đáng thông qua việc cân bằng giá trị nhân văn đối với đứa trẻ và sự lệ thuộc cơ thể và ảnh hưởng lên người mẹ. Và các quyền trong Hiến pháp của người mẹ có thể buộc tiểu bang cho phép can thiệp y khoa vào những trường hợp khẩn cấp hoặc nguy hiểm đến tính mạng, kể cả khi kết quả không tránh khỏi là cái chết của thai nhi. Tóm lại, tiểu bang không cần phải trừng phạt người mẹ khi họ dừng mang thai, dù cố ý hay vô ý. Với quyền phân phát “ân huệ” của mình, tiểu bang có thể cân nhắc tùy theo tình huống để khoan hồng những phụ nữ mang thai tìm đến “can thiệp y tế nhằm bảo đảm tính mạng của họ.” Giờ đây chúng ta có một thực tại với tất cả gánh nặng trong thời kỳ “tiền Roe” nhưng lại không còn sự bảo vệ (dù mang tính gia trưởng) nào: Phụ nữ giờ đây được xem như những cá nhân tự chủ đạo đức, đồng nghĩa họ bị ràng buộc pháp lý đối với hành vi gây nguy hiểm đến đứa trẻ trong bụng mình, nhưng vì vậy họ cũng đối mặt với án phạt như người trưởng thành. Nghịch lý ở chỗ - phụ nữ bị xem là trẻ con cho mục đích mang thai và sinh con, nhưng lại là người lớn cho mục đích chịu trách nhiệm hình sự. Thật dễ tự ru ngủ bản thân với niềm tin sai lầm rằng viễn cảnh “tiền Roe” chỉ đơn giản là phong trào tự do sinh sản chỉ phải nỗ lực gấp đôi để hỗ trợ chi phí và chuyển những cá nhân cần phá thai đến tiểu bang thân thiện hơn cho việc đó. Chúng ta nghĩ điều đó thật tệ hại, nhưng cũng chưa đến mức quá thảm hại. Tuy nhiên, như Goldberg cảnh báo năm 2019, “quá khứ đôi khi không đủ để ta hiểu hết thảm cảnh của hiện tại.” Chúng ta thực tế không “trở lại” cuộc sống trước thời Roe. Nhiều khả năng chúng ta đang hướng đến một chế độ tôn giáo độc tài, khiến cuộc sống trước Roe thậm chí còn nhẹ nhàng hơn viễn cảnh một thế giới mà phụ nữ là mục tiêu của các cáo buộc sặc mùi phục thù tôn giáo - những thứ hoàn toàn phi cơ sở trong Hiếp pháp - về các sinh mạng họ phải mang trong người, những tội danh không xác định được mà họ có thể phạm phải, và những lựa chọn họ không còn được phép có. Tác giả Dahlia Lithwick là một luật sư, tác giả, và nhà báo người Mỹ Canada. Bà cộng tác biên tập tại tờ Newsweek và là biên tập viên cấp cao của Slate, chuyên mảng luật và chính trị. Bà có bằng cử nhân Đại học Yale cùng bằng tiến sĩ luật Đại học Stanford và đã từng giảng dạy về Tối cao Pháp viện tại Trường Luật Đại học Virginia.

Người dịch: Derek

Biên tập: Derek

Comments


bottom of page