top of page

Mâu thuẫn sắc tộc trong đại dịch đòi hỏi hành động từ Chính phủ

Updated: Jul 5, 2020

Khi cha mẹ tôi lần đầu đến Mỹ từ Việt Nam, hi vọng về cơ hội làm lại cuộc đời mới tại đây để hỗ trợ gia đình đã giúp khích lệ họ.


Vanuyen Pham, ngày 1 tháng 7, 2020



Sự bon chen chợ đời với tư cách là một người tị nạn, có nghĩa là họ đã mở một tiệm làm móng và làm việc bảy ngày mỗi tuần để các anh chị em và tôi có thể vào đại học. Đó là tài sản tôi mang theo bên mình khi tiến lên nhận bằng tốt nghiệp từ Stanford. Nhưng giấc mơ Mỹ này đã không nhìn sâu đến việc làm người Mỹ gốc Á/ Thái Bình Dương có nghĩa là phải đối mặt với sự bài ngoại và phân biệt chủng tộc - ngay cả khi chúng tôi sống ở vùng Bay Area.


COVID-19 đã không chỉ làm dấy lên sự phân biệt đối xử này, mà còn làm nổi bật những bất bình đẳng khác trong cộng đồng người Mỹ gốc Á. Trong thời điểm hiện tại khi chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và bài ngoại một cách kỷ lục giữa đại dịch, tôi nghĩ đến tác hại của sự ngộ nhận phổ biến về mô hình thiểu số kiểu mẫu đã gây ra để che giấu sự bất bình đẳng về thu nhập và chênh lệch sức khỏe đối với người Mỹ gốc Á và người dân đảo Hawaii và Thái Bình Dương (gọi tắt là AANHPIs), và những gì mà một khoản thu nhập đảm bảo có thể đem lại cho cộng đồng của chúng tôi.


Chúng tôi đã ở đây lâu rồi. Những tội ác căm thù đã được gây ra trong những tháng qua đã nhắc nhở tôi về việc Vincent Chin đã bị sát hại như thế nào vào năm 1982 do ông bị nhầm là người Nhật, và sự việc đó bị đổ lỗi là vì nền kinh tế Nhật đang thành công trong khi Detroit phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục và sự thất bại của ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Thỉnh thoảng, bất ổn kinh tế là vỏ bọc cho vấn nạn bài ngoại ăn sâu vào gốc rễ, áp lên cả người Mỹ gốc Á và người Mỹ gốc Thái Bình Dương.


Các xảo ngôn chính trị và hành động tai hại của chính phủ hôm nay nhắc nhở tôi về việc vào đầu những năm 1900, các quan chức chính phủ đã phủ nhận sự xuất hiện của bệnh dịch ở khu phố Tàu tại San Francisco vì sợ ảnh hưởng kinh tế, và thay vào đó họ lại dựa theo những rập khuôn kỳ thị chủng tộc với người Trung Quốc, chỉ cách ly những cư dân của khu phố Tàu trong những khu nhà ở tồi tàn, làm trầm trọng thêm sự lây lan của bệnh dịch.


Những sự việc về phân biệt chủng tộc và các phản ứng về chính sách kém hiệu quả do lo ngại hậu quả kinh tế phản ánh những gì đang xảy ra ngày hôm nay ở một “nước Mỹ hậu chủng tộc” (khái niệm của vài người lãnh đạo rằng sự kỳ thị chủng tộc không còn hiện hữu trong xã hội). Cho đến nay, gia đình tôi vẫn ổn, nhưng không thể không lo ngại, đặc biệt là với nhận xét gần đây của Thống đốc Newsom rằng một tiệm làm móng là nguồn lây lan COVID ở California, thông tin đó có thể sẽ khiến cho người khác trả thù những nhân viên tiệm nail người Mỹ gốc Á.


Thật khó để không nhìn nhận được rằng sức khỏe gắn liền với thu nhập và công việc tại thời điểm này, đặc biệt là với cha mẹ tôi và tiệm làm móng của họ. Việc cha mẹ tôi không có bảo hiểm thường trực trước khi Đạo luật chăm sóc sức khỏe của tổng thống Obama (Affordable Care Act) được thông qua và họ phải trông cậy vào anh chị em chúng tôi làm phiên dịch cho các buổi hẹn gặp bác sĩ đã phản ánh chi phí chăm sóc sức khỏe đắt đỏ như thế nào, kết hợp với các rào cản về văn hóa và ngôn ngữ, ngăn chặn nhiều AANHPIs tiếp cận với bảo hiểm y tế đầy đủ và sự chăm sóc y tế dự phòng.


Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, các nhân viên của tiệm làm móng - nhiều người trong số họ là người Mỹ gốc Việt - đã gặp khó khăn trong việc hít thở vì khói độc ở nơi làm việc và phải đối mặt với các nguy cơ về sức khỏe như hen suyễn, sảy thai, giảm chức năng phổi và ung thư. Bây giờ, tình trạng sức khỏe của họ trong môi trường làm việc hiện tại càng khiến họ có nguy cơ cao mắc phải COVID chết người.

“Tôi cảm thấy có hy vọng khi thấy các cộng đồng đang nắm mọi thứ trong tay họ, [như] một quỹ hợp tác của tiệm làm móng để hỗ trợ những người lao động đã mất thu nhập,” Pham viết. “Nhưng chúng tôi cũng cần chính sách như một nguồn thu nhập đảm bảo và thay đổi có kết cấu để chắc rằng những điều này sẽ kéo dài.” (Ben Piven/ Flickr)



Nhưng cha mẹ tôi và những người Mỹ gốc Việt khác không đơn độc trong việc này. COVID-19 chỉ nêu bật lên những bất bình đẳng về thu nhập và sức khỏe đã tồn tại từ lâu, đặc biệt là trong cộng đồng AANHPI.


Trải nghiệm nhập cư và tái định cư khác nhau, trong một số trường hợp do hậu quả của chiến tranh, diệt chủng và thực dân, đã dẫn đến việc chúng tôi là nhóm chủng tộc bị chia rẽ kinh tế nhất. Ví dụ, 24% người Mỹ gốc Lào có thu nhập thấp, một tỷ lệ gần với các cộng đồng người da màu khác - như 24% cộng đồng da đen và 28% cộng đồng Latinx - so với mức trung bình được coi là thu nhập thấp của người Mỹ gốc Á.


Khi các mức thu nhập này được xem xét song song với kết quả sức khỏe trước đại dịch, tỷ lệ ung thư gan ở nam giới Lào là 66%, so với 6% đối với nam giới da trắng. Giờ đây, người Mỹ gốc Lào làm việc trong ngành công nghiệp đóng gói thịt phải đối mặt với nguy cơ bị nhiễm COVID cao hơn do điều kiện làm việc nguy hiểm.


Tương tự, những người Mỹ gốc Thái Bình Dương như người Tongan - nhóm có tỷ lệ nghèo ở mức gần 20% và tỷ lệ không có bảo hiểm ở mức 22%, cả hai đều cao hơn nhiều so với mức bình thường - đã nhận ra mình có nhiều nguy cơ mắc COVID hơn do các tình trạng sẵn có như tăng huyết áp và tiểu đường. Ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Thái Bình Dương chết vì COVID ở California so với các nhóm chủng tộc khác, với tỷ lệ 14%, cho dùchỉ chiếm chưa đến 1% dân số cả bang.


Đây là một câu hỏi khó mà các nhân viên tiệm làm móng người Việt Nam như bố mẹ tôi, công nhân Lào trong các nhà máy đóng gói thịt, công nhân Tongan và những người khác phải đối mặt với việc chọn sức khỏe hoặc việc kiếm sống trong điều kiện những hệ lụy khủng khiếp đến sức khỏe của họ đã chực chờ. Khi họ làm việc trong các ngành nghề đòi hỏi phải tiếp xúc gần gũi với khách hàng, sức khỏe của họ không nên phụ thuộc vào sự may mắn tại nơi họ đang sống và các chính sách khác nhau của từng chính phủ tiểu bang khi mở cửa trở lại.


Khác xa với định kiến ​​rằng tất cả những người dân Châu Á/Thái Bình Dương đều là nhân viên văn phòng và ổn định về kinh tế, cộng đồng chúng tôi có công nhân không có giấy tờ, người giúp việc gia đình, tù nhân hoặc đã bị đưa vào trại giam của ICE theo lộ trình từ trường học đến nhà tù và cuối cùng là bị trục xuất, và các chủ doanh nghiệp nhỏ như cha mẹ tôi. Tất cả bọn họ đang vật lộn để chống lại sự sụp đổ kinh tế, rủi ro về sức khỏe thể chất và rủi ro về sức khỏe tinh thần từ đại dịch, cũng như nỗi sợ hãi đang lớn dần rằng họ có thể trở thành mục tiêu của sự kỳ thị do chủng tộc của họ.


Giữa tình trạng chông chênh này, chúng tôi có trách nhiệm phải hành động. Chúng tôi cần đảm bảo có sẵn dữ liệu cụ thể của cộng đồng để có kiến thức về sự chênh lệch trong cộng đồng AANHPI, điền vào cuộc điều tra dân số để đảm bảo tất cả chúng ta đều được tính đến để nhận được tài trợ cho các nguồn lực y tế, giáo dục và tiền mặt và để có một vị thế thông qua đại diện chính trị.


Chúng tôi cần nghiên cứu thêm về kinh nghiệm của công nhân AANHPI ở cấp tiểu bang và địa phương, cần xây dựng các chính sách hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề bất bình đẳng thu nhập và sức khỏe, chẳng hạn như nghỉ ốm được trả lương. Nhưng chúng tôi cũng có thể vượt xa những gì chúng tôi đã làm trước đây và đưa ra các phản hồi chính sách mới, ví dụ như thu nhập đảm bảo.


“Ở trong tâm dịch, tại trung tâm của thảm họa, con người - đặc biệt là những người đã từng chịu đựng - nhìn thấy một cơ hội để phát triển tới một bước mới của nhân loại.” - Grace Lee Boggs

Grace Lee Boggs là một trong những nhà hoạt động người Mỹ gốc Á đầu tiên tôi thấy có những trăn trở về thu nhập đảm bảo, và phát biểu trên đây của bà gợi ý về cơ hội chúng tôi có để thay đổi triệt để các hệ thống và chuẩn mực mà chúng tôi chấp nhận. Thu nhập đảm bảo sẽ cung cấp cho mọi người sự an toàn mà họ cần, đặc biệt là ngay trong đại dịch này.


Thu nhập đảm bảo được hình dung như thế nào trong thời điểm này không chỉ nằm ở việc có một tờ check $1,200, mà bao gồm cả các khoản tiền trợ cấp định kỳ sẽ trở nên rất quan trọng đối với cộng đồng của chúng tôi. Đối với cha mẹ tôi, thu nhập đảm bảo này sẽ không là “thần dược” để xóa đi những mối lo lắng về sức khỏe khi họ trở lại với công việc, nhưng nó có thể giúp tạo một bước đệm bảo vệ kinh tế cần thiết trong lúc họ tính toán chi phí cho việc mở cửa lại (kinh doanh) một cách an toàn.


Tôi cảm có hy vọng khi thấy các cộng đồng đang chủ động thực hiện nhiều việc , như lập một quỹ hợp tác của tiệm làm móng để hỗ trợ những người lao động bị mất thu nhập, trợ giúp đa ngôn ngữ để điền vào các hình thức hỗ trợ thất nghiệp và cho vay, chuyển tải thông tin y tế chính xác bằng các ngôn ngữ khác nhau, và tiếp tục làm việc để cung cấp sự quan tâm về vấn đề văn hóa nhạy cảm. Nhưng chúng tôi cũng cần các chính sách vềthu nhập đảm bảo và sự thay cách thức tổ chức để đảm bảo những điều này có thể kéo dài.


Đáng lẽ chúng ta không phải đợi đến sự bài ngoại ra mặt và phân biệt chủng tộc vì COVID-19 để nhắc nhở chúng ta về những việc cần làm, nhưng vì điều đó giờ đã trở nên quan trọng hàng đầu, việc tìm ra các giải pháp để kéo giảm sự bất bình đẳng về thu nhập và sức khỏe trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chúng tôi cần tiếp tục tuyên truyền rằng AAPIs là #EssentialNotExpendable (tạm dịch là Thiết Yếu Không Dễ Bỏ), để làm nổi bật những rủi ro mà nhiều người lao động trong các lĩnh vực thiết yếu phải nhận lãnh trong cuộc mưu sinh nhằm có được những điều tốt hơn về kinh tế, thể chất và sức khỏe trong khi vẫn phải chống chọi với sự phân biệt đối xử.


không phải bổn phận của chúng tôi để trở thành “người Mỹ” thật sự. Bổn phận của chúng tôi là xác nhận giá trị của mình và ý thức rằng cộng đồng của chúng tôi xứng đáng được nhiều thứ tốt đẹp hơn.


Translation by Ha Vi Nguyen

Copy edits by Jessie Le and Cookie Duong


Comments


bottom of page