top of page

Một năm nhìn lại: Chính quyền Biden có hành động dựa trên khoa học hay không?

By Jeff Tollefson, Max Kozlov, Amy Maxmen & Alexandra Witze, on 20-01-2022, 01:00:00

Sau một năm tổng thống Mỹ tại vị, tạp chí Nature đang xem liệu ông có giữ đúng lời hứa sẽ hành động dựa trên các bằng chứng thực tế.

Khi bắt đầu nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng ông và cộng sự sẽ dẫn dắt đất nước với các chính sách dựa trên khoa học và sự thật. Trong quá trình tranh cử tổng thống Mỹ, Joe Biden đã hứa rằng ông sẽ "hành động theo khoa học". Nhiều nhà khoa học đã trao đổi với Nature cho rằng ông đã thực hiện phần lớn lời hứa đó: Nhà Trắng không còn ‘lăn tăn’ về các mối nguy như dịch COVID-19 và sự nóng lên toàn cầu như trong nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Donald Trump. Nhưng khi năm tại vị đầu tiên của Biden đang gần kết thúc, các nhà nghiên cứu cho rằng việc vị tổng thống này muốn làm theo khoa học không có nghĩa là chính quyền của ông đã hành động một cách nhanh chóng và hợp lý. Andrew Rosenberg, người đứng đầu Trung tâm Khoa học và Dân chủ tại Union of Concerned Scientists, một nhóm vận động có trụ sở tại Cambridge, Massachusetts, cho biết, “Chính quyền đang nói chính xác những điều cần nói và đang huy động các chương trình làm những điều cần làm để giải quyết nhiều vấn đề. Tuy nhiên, vẫn còn rất có nhiều thứ phải làm.” Biden đã gây ấn tượng tốt với các nhà khoa học khi đưa cố vấn khoa học của mình, nhà di truyền học Eric Lander, vào ban cố vấn của Nhà Trắng và nhanh chóng đảo ngược nhiều chính sách phản khoa học tiêu cực nhất do Trump thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều những thất vọng khi chính quyền Biden chưa thực sự hoàn thành mục tiêu của mình: do dự vaccine, thông tin sai lệch và sự thiếu tin tưởng của người dân với chính phủ đã gây khó khăn cho công tác phòng ngừa dịch. Kế hoạch khí hậu đầy tham vọng cũng đình trệ khi gặp phải sự phản đối chính trị trong Quốc hội. Susan Hyde, một nhà khoa học chính trị tại Đại học California, Berkeley cho biết Biden đang làm việc trong một môi trường chính trị đầy trở ngại khi khi mức độ hoài nghi của các tổ chức chính phủ cho ông đang ở ngưỡng cao nhất trong lịch sử. Cô cho biết thêm, chỉ cần bổ nhiệm đúng người vào đúng vị trí sẽ không giải quyết được vấn đề. “Làm sao để bạn khôi phục lòng tin khi mà bộ máy hành chính đã bị chính trị hóa? Đó vẫn là một trận chiến lớn đối với bất kỳ ai.” Bảo vệ tính nhất quán của khoa học Biden đã sớm nhắm tới việc tách biệt các chính sách khoa học của mình và Trump. Ví dụ, chỉ một tuần sau khi Biden nhậm chức, ông đã phát hành một bản ghi nhớ về việc “khôi phục lòng tin của dân vào chính phủ bằng cách đưa ra các chính sách dựa vào bằng chức thực tế và cơ sở khoa học.” Tuy nhiên, Biden mất nhiều hơn dự kiến vài tháng để đạt được mục tiêu cơ bản nhất của bản ghi nhớ - hình thành một lực lượng đặc nhiệm nhằm kiểm chứng sự toàn vẹn mặt khoa học của các chính sách chính phủ và đề xuất cách cải cách nhằm chống lại sự can thiệp chính trị. Tuần trước, lực lượng đặc nhiệm cuối cùng đã công bố bản báo cáo. Bản báo cáo này phân tích một số vi phạm nghiêm trọng nhất về tính nhất quán của khoa học dưới chính quyền Trump, tại các tổ chức như Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia. Họ kết luận rằng chính phủ Hoa Kỳ cần phải tiêu chuẩn hóa các chính sách của mình giữa các cơ quan và đưa ra nhiều trách nhiệm hơn đối với những người bị phát hiện vi phạm quy định. Bản báo cáo khuyến nghị thành lập một hội đồng liên ngành về tính nhất quán khoa học để giúp điều tra các vi phạm.


Tháng 10 năm 2020, Tổng thống đương thời Donald Trump khi đó đã thách thức tháo khẩu trang khi trở lại Nhà Trắng, sau khi nhập viện vì COVID-19. Trước khi bị nhiễm, Trump đã nghi ngờ mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này.

Các nhà phê bình cho rằng bản báo cáo này chưa thực sự đi sâu vào vấn đề. Lauren Kurtz, giám đốc điều hành của Quỹ Bảo vệ Pháp lý Khoa học Khí hậu ở Thành phố New York cho biết: “Mặc dù báo cáo này làm rất tốt việc tạo tiền đề, nhưng còn nhiều việc cần phải làm để thực sự đảm bảo các biện pháp bảo vệ cho khoa học liên bang.” Ví dụ, không hề có chi tiết nào nói rõ về hình phạt đối với người bị tố cáo vi phạm tính nhất quán khoa học. Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng dẫn đầu báo cáo nói rằng họ sẽ làm việc để giúp thực hiện các khuyến nghị trong vài tháng tới. Các cơ quan giám sát khoa học sẽ theo dõi cách Nhà Trắng xử lý vấn đề này và một loạt các vấn đề khác, bao gồm công lý môi trường, vũ khí hạt nhân và những câu hỏi nhạy cảm về sự can thiệp nước ngoài vào nghiên cứu của Mỹ. Họ cũng sẽ theo dõi các nỗ lực nhằm tái biên chế nhân sự vào các cơ quan chính phủ đã bị mất hàng nghìn nhà khoa học dưới chính quyền Trump. Cho đến nay, những nỗ lực đó đã thành công đáng kể tại các cơ quan của Hoa Kỳ như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), theo một phân tích của Union of Concerned Scientists. Nhưng các cơ quan khác như Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), nơi có 700 nhà khoa học dưới chính quyền Trump đã ra đi, đang vật lộn để vực lại sau khó khăn. Bỏ kiểm duyệt các thông tin sức khỏe cộng đồng Những lời hứa của Biden rằng sẽ khôi phục lòng tin vào chính phủ và lắng nghe các nhà khoa học là những mục tiêu được hoan nghênh vào tháng 1 năm 2021, khi làn sóng nhiễm COVID-19 đang tấn công mạnh vào Hoa Kỳ. Năm trước, Trump đã làm trái với các khuyến nghị của các nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại CDC, và chính quyền của ông đã gạt cơ quan này sang một bên và can thiệp vào các báo cáo khoa học của họ. Sam Groseclose, cựu phó giám đốc khoa học của CDC, người đã nghỉ hưu vào tháng 12 năm 2018, cho biết các nhà nghiên cứu ở CDC sẽ không còn bị cản trở nữa. Ông cho biết, “Họ được khuyến khích sử dụng khoa học, vì vậy đó là một môi trường làm việc tốt hơn nhiều.” Song, một số nhà nghiên cứu cho rằng khi đưa ra các quyết định, CDC đã bỏ qua những gì các nhà nghiên cứu học được từ khoa học xã hội và khoa học triển khai, hai lĩnh vực mà nghiên cứu cách các can thiệp sức khỏe được áp dụng tốt nhất trong cộng đồng. Helen Chu, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Washington ở Seattle, cho ví dụ: CDC đã phạm phải một sai lầm vào tháng 5 khi khuyến cáo những người được tiêm chủng không cần đeo khẩu trang ở những nơi công cộng. Chu nói, vào thời điểm đó, lời khuyên nghe rất hợp lí nếu bạn xem xét dữ liệu virus học trong môi trường chân không, nhưng nó “đã bỏ qua những gì chúng ta biết về hành vi của con người”. Như nhiều nhà nghiên cứu dự đoán, những người không được tiêm chủng cũng ngừng đeo khẩu trang trong nhà, và các ca nhiễm COVID-19 đã tăng lên trước khi CDC đảo ngược quyết định của mình vào cuối tháng Bảy. Nhiều nhà nghiên cứu cũng nói rằng CDC đã làm xáo trộn sự tách biệt giữa khoa học và chính sách. Kenneth Bernard, một nhà dịch tễ học và là cố vấn về an toàn sinh học hàng đầu của các cựu tổng thống Bill Clinton và George W. Bush, cho biết: “Dữ liệu có thể giúp các lãnh đạo hoạch định chính sách, nhưng các chính sách thường dựa trên các yếu tố khác, chẳng hạn như giữ trẻ em ở trường và hoạt động kinh doanh”. Ông nói, đôi khi, giám đốc CDC Rochelle Walensky đã không thể hiện rõ sự khác biệt này với cộng đồng, dẫn tới làm suy giảm lòng tin.


Giám đốc CDC Rochelle Walensky đã bị chỉ trích về cách cơ quan truyền đạt một số khuyến nghị COVID-19 đến cộng đồng.

Một ví dụ điển hình về việc này là hướng dẫn của CDC vào tháng trước rằng những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 chỉ cách ly trong 5 ngày (giảm từ 10) nếu họ không có các triệu chứng liên tục. Ban đầu, CDC cho rằng khuyến nghị này dựa trên bằng chứng về thời điểm dễ lây truyền virus nhất. Nhưng trong những ngày tiếp theo, Walensky giải thích rằng quyết định này dựa trên việc họ thấy người bệnh phải “chịu đựng”, và dựa trên nhu cầu duy trì hoạt động của đất nước khi đối mặt với sự gia tăng ca nhiễm COVID-19 chưa từng có. Angela Rasmussen, một nhà virus học tại Đại học Saskatchewan ở Canada, cho biết: “Đừng nói rằng bạn đang làm theo khoa học khi bạn không thể chỉ ra bằng chứng.” Cựu giám đốc CDC Tom Frieden đồng tình, cho rằng Biden gần như quá háo hức để chứng tỏ rằng ông không kiểm duyệt khoa học bằng cách cho phép CDC hoạt động độc lập. Frieden nói rằng Nhà Trắng và các cơ quan khác không nên can thiệp vào khoa học sức khỏe cộng đồng, nhưng họ nên giúp hình thành các chính sách và nên truyền đạt chúng một cách rõ ràng và thống nhất để tránh gây ra sự nhầm lẫn. CDC đã không trả lời yêu cầu bình luận từ Nature. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn tuần này với Wall Street Journal, Walensky cho biết bà đang được một nhà tư vấn truyền thông đào tạo để truyền đạt chính sách CDC rõ ràng hơn. Nếu CDC không cải thiện việc xử lý các đề xuất, các nhà nghiên cứu dự đoán rằng Biden sẽ không thể thực hiện lời hứa của mình về việc xây dựng lại lòng tin vào công tác phòng dịch của chính phủ và CDC. Đỉnh cao và vực thẳm của FDA Sau những năm Trump làm tổng thống, Biden hi vọng có thể sớm vực lại FDA sau khi bị các nhà khoa học chế nhạo vì quyết định dùng khẩn cấp hydroxychloroquine và huyết tương sau hồi phục làm phương pháp điều trị COVID-19. Peter Lurie, chủ tịch Trung tâm Khoa học vì Lợi ích Công cộng ở Washington DC, cho biết phần lớn, Biden đã đưa mọi thứ trở lại như trước đây. Kể từ khi Biden nhậm chức, việc đánh giá minh bạch của cơ quan này về các loại thuốc kháng virus dùng trong trường hợp khẩn cấp và tiếp tục cảnh giác giám sát các tác dụng phụ từ vaccine COVID-19 trở thành hình mẫu cho các cơ quan quản lý noi theo khi đối mặt với đại dịch toàn cầu, Lurie nói. Joshua Sharfstein, phó khoa tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore, Maryland, cho biết FDA có thể làm nhiều hơn nữa để chống lại thông tin sai lệch về vaccine và các sản phẩm khác trong phạm vi mục tiêu của cơ quan. Vì một lượng lớn thông tin sai lệch về tiêm chủng COVID-19, một phần ba người Mỹ chưa được tiêm chủng đầy đủ. "Cách truyền đạt thông tin của FDA bị lỗi thời". Đó là phát biểu của Sharfstein, người từng là phó ủy viên của cơ quan này dưới thời cựu tổng thống Barack Obama. Cơ quan này thường chỉ tương tác với công chúng khi và chỉ khi họ đưa ra một công bố chính thức và điều này, theo ông, là "một thời cơ bị bỏ lỡ." Erica Jefferson, phó ủy viên phụ trách các vấn đề đối ngoại tại FDA, trả lời rằng bất chấp nỗ lực của cơ quan này, “vẫn có nhiều người ở cả Hoa Kỳ và nước ngoài, tiếp tục tung thông tin sai lệch gây tổn hại đáng kể”. Nhưng các chuyên gia nói rằng FDA của Biden có thể sẽ được nhớ tới nhờ một sai lầm nghiêm trọng vào tháng 6 năm ngoái, khi họ phê duyệt sử dụng aducanumab cho những người bị bệnh Alzheimer - sau khi một hội đồng tư vấn độc lập đã khuyến cáo rằng loại thuốc này bị từ chối vì dữ liệu thử nghiệm lâm sàng đã không chứng minh rõ nó có thể làm chậm quá trình suy giảm nhận thức. Lurie nói rằng việc phê duyệt "vô cùng xấu hổ" này "cho thấy cơ quan này có khả năng mắc sai lầm, ngay cả khi không phải dưới chính quyền Trump.” Đáp lại, Jefferson chỉ ra rằng FDA đã sử dụng "lộ trình phê duyệt nhanh" cho aducanumab "để cho phép bệnh nhân được sử dụng sớm hơn trong khi chúng tôi còn tiếp tục thu thập dữ liệu về tác dụng của thuốc". Cơ quan này yêu cầu một thử nghiệm lâm sàng bổ sung (phải được hoàn thành trong vòng 9 năm) như một điều kiện để loại thuốc này được phê duyệt. Cô cho biết thêm: “Quá trình xem xét của chúng tôi rất kỹ lưỡng.” Bảo vệ môi trường Về môi trường, Biden cam kết không chỉ thúc đẩy một chương trình nghị sự lớn về khí hậu mà còn xây dựng lại một EPA đang bị coi thường, (EPA là cái gai trong mắt trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump). Một trong những quyết định đầu tiên của quản trị viên EPA của Biden, Michael Regan, là giải tán và thành lập lại ban cố vấn khoa học chính của cơ quan. Ban này gồm các nhà khoa học lành nghề dưới chính quyền trước đây. Chris Zarba, người quản lý ban cố vấn trước khi nghỉ hưu vào năm 2018 và tham gia Mạng lưới Bảo vệ Môi trường, một nhóm vận động do các cựu nhân viên EPA tạo ra, cho biết đấy là một quyết định chưa từng có tiền lệ. "Họ tham gia vào và làm những gì cần phải làm." Sau khi phụ trách Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ dưới thời Biden, Michael Regan quyết định giải tán ban cố vấn khoa học chính của cơ quan và xây dựng lại. Chính quyền Biden hiện đang bận rộn với các quy tắc và luật lệ. Ví dụ, Regan đã đảo ngược quy tắc ‘khoa học bí mật’ (secret science) gây tranh cãi được đưa ra dưới thời Trump. Chính quyền này sẽ không xem xét dữ liệu không công khai khi soạn thảo các luật lệ. Dữ liệu sức khỏe, chẳng hạn như thông tin được thu thập khi nghiên cứu tác động của ô nhiễm không khí đối với con người, thường được bảo vệ vì lý do riêng tư. Nhiều nhà khoa học nói rằng quy tắc này sẽ có lợi cho những người gây ô nhiễm công nghiệp. Tuy vậy, còn rất nhiều vấn đề. Các nhà khoa học và các nhóm vận động nói rằng Regan vẫn phải đối mặt với những thách thức trong việc loại bỏ ảnh hưởng không tốt của ngành công nghiệp: những người tố giác gần đây lo ngại về những nỗ lực liên tục nhằm nói giảm độ nghiêm trọng của các bằng chứng về tác động nguy hiểm đến sức khỏe trong các thí nghiệm hóa học. Và cơ quan mới chỉ bắt đầu giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Mặc dù chính quyền đã công bố các quy định về ô tô và khí thải metan, nhưng EPA vẫn chưa giải quyết tác động của các nhà máy điện, vốn có thể rất quan trọng để đáp ứng các mục tiêu khí hậu của Biden. EPA đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Nature. Sau khi Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận khí hậu Paris 2015, Biden đã ký một lệnh vào ngày 19 tháng 2 để đưa đất nước trở lại và biến biến đổi khí hậu trở thành một phần quan trọng trong chương trình nghị sự về xã hội và khoa học của ông. Surabi Menon, một nhà khoa học khí hậu làm việc với ClimateWorks Foundation, một tổ chức từ thiện có trụ sở tại San Francisco, California, cho biết: Tại hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc ở Glasgow vào tháng 11, việc chính quyền nhấn mạnh về vấn đề khí hậu đã thúc đẩy các quốc gia khác cam kết cắt giảm khí thải sâu hơn. Việc thực hiện các mục tiêu khí hậu trong nước của Biden - bao gồm cam kết hạn chế phát thải khí nhà kính của Hoa Kỳ xuống 50% mức năm 2005 vào năm 2030 - đã trở nên khó khăn hơn. Dự luật chủ chốt về khí hậu của Đảng Dân chủ - một khoản chi tiêu trị giá 2 nghìn tỷ đô la bao gồm hàng trăm tỉ cho các khoản đầu tư liên quan đến khí hậu - đang nằm lay lắt ở Thượng viện Hoa Kỳ. Các nhà hoạt động môi trường đã bày tỏ sự thất vọng đối với sự đạo đức giả đến từ chính quyền tổng thống Biden khi phê chuẩn các việc thuê khu khai thác dầu khí ở Vịnh Mexico chỉ vài ngày sau khi hội nghị Glasgow kết thúc. Cũng như trường hợp xây dựng các chính sách đối phó đại dịch tại CDC, nhiều nhà khoa học và nhà quan sát thừa nhận rằng có sự khác biệt giữa việc quan tâm đến khoa học khí hậu và việc xây dựng các chính sách khí hậu khi phải đối mặt với nhiều ý kiến và áp lực chính trị. Menon nói: “Tôi thấy chính quyền Biden đang hành động theo cơ sở khoa học, nhưng để triển khai thành công, có lẽ cần mất thêm chút thời gian.”


Người dịch: Pham Khanh Linh

Biên tập: Chau Tran

Comments


bottom of page