top of page

Mối nghi ngại từ công chúng, rắc rối trước mắt cho Toà án Tối cao

By Robert Barnes, Seung Min Kim, on 25-09-2021, 13:00:00

Tỉ lệ ủng hộ Toà án Tối cao đang tụt dốc không phanh, những nhà phê bình thì đay nghiến hơn, còn các thẩm phán cảm thấy áp lực phải thuyết phục công chúng rằng họ là những nhà triết học tư pháp, không phải chính trị gia khoác áo choàng. Tất cả hiện tượng này bủa vây ngày 4 tháng 10, khi toà án bước vào một nhiệm kì có thể nói là chia rẽ gay gắt nhất trong nhiều năm nay. Những vụ án được ghi chép liên quan tới quyền kiểm soát súng, sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước, và cuộc chiến quy mô lớn nhất trong hàng thập kỷ qua về tương lai của vụ Roe v. Wade và tính hợp hiến của quyền phá thai. Cùng lúc đó, một uỷ ban dưới quyền tổng thống nhằm nghiên cứu toà án đang phải hứng chỉ trích nặng nề từ cánh tả, và đôi lúc là cánh hữu, rằng các thẩm phán đang quá nặng chính trị, quá quyền lực, và đã nắm giữ chức vụ quá lâu. Tới cả những người đánh giá cao toà án cũng thấy rắc rối đợi chờ trước mắt. Tổng giám đốc điều hành VIện Toà án Tối cao Georgetown, Irv Gornstein, đã chia sẻ tại một buổi duyệt trước nhiệm kỳ tiếp theo của toà án: “Từ thời Bush v. Gore, cảm quan của công chúng về tính chính đáng của toà án chưa bao giờ trong vị trí đáng lo ngại như thế này,” Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski (R-Alaska) nói rằng bà có nhiều lo ngại đáng kể về toà án, và cả chính phủ nói chung. Bà nói thêm: “Tôi lo lắng rất nhiều về chuyện này, vì khi công chúng bắt đầu thắc mắc và nghi ngờ tính độc lập của nhánh chính phủ thứ ba tách biệt nhưng bình đẳng này, đó là vấn đề với họ. Tôi nghĩ công chúng cần phải tin được rằng bộ máy tư pháp sẽ là cơ quan kiểm chứng độc lập và không thiên kiến [cho những nhánh chính trị khác]." Theo một cuộc khảo sát của Gallup gần đây, ý kiến của dân Mỹ về Toà án Tối cao đã tụt xuống mức thấp nhất chưa từng có, chỉ có 40% là ủng hộ chất lượng công việc của các thẩm phaán. Đã theo dõi xu hướng này từ năm 2000, Gallup nhận xét rằng: “Tới thời điểm này, người ủng hộ chất lượng toà án ở cả đảng Cộng hoà, Dân chủ, và tự do, đều ít hơn đại đa số.” Một cuộc khảo sát gần đây của Trường Luật Đại học Marquette cũng ghi lại hiện tượng giảm mạnh này. Số liệu của khảo sát cho thấy sự ủng hộ của công chúng đã rơi từ 60% vào tháng 7 xuống 49% vào tháng 9. Những tuần tháng 7 tới tháng 9 ở toà án thường khá nhẹ nhàng khi các thẩm phán đang nghỉ hè. Nhưng với các phiên toà khẩn cấp vào tháng 8 và tháng 9, toà án đã xét xử chống lại hai chương trình do chính quyền Biden khởi xướng, kết thúc lệnh cấm trục xuất toàn quốc và tái lập một chính sách di cư từng bị bỏ lửng. Và trong một quyết định nảy lửa gay gắt với tỉ lệ 5-4 gây tranh cãi và khiến quốc hội phải hành động, toà án đã cho phép ban hành một định luật ở Texas nghiêm cấm hầu hết các hành vi phá thai sau sáu tuần mang thai trong khi các thách thức pháp lý vẫn đang tiếp diễn. Toà án dường như đang phải trả giá cho những xét xử cuối hè vừa rồi. Charles Franklin, giám đốc khảo sát Marquette, giải thích sự ủng hộ tụt dốc như sau: “Dù trong năm vừa qua có thể mọi người thấy toà án vẫn khá ôn hoà, nhưng ngay sau đó là ba quyết định kia nối tiếp nhau, lại không cách nhau mấy về mặt thời gian, và tất cả đều nghiêng về phía bảo thủ.” Trong những tuần vừa rồi, ba thẩm phán - mới nhất là Amy Coney Barett, lâu năm nhất là Clarence Thomas thuộc phe bảo thủ và Stephen G. Breyer thuộc phe tự do - đều đã bảo vệ quá trình quyết định và tính độc lập của toà án trong các bài diễn văn và phỏng vấn. “Mục tiêu của tôi hôm nay là để cho các bạn thấy toà án này không phải là một đám vẹt chia bè kết phái,” Barett phát biểu ở Kentucky, kiên quyết rằng thứ chi phối quyết định của toà án không phải xu hướng bè phái, mà là triết lý tư pháp. Trong một bài phát biểu tại Đại học Notre Dame, Thomas nói rằng các thẩm phán không xét xử dựa trên “sở thích cá nhân” và đề xuất rằng những nhà lãnh đạo quốc gia không nên “cho phép kẻ khác thao túng những thể chế của nước nhà khi kết quả không được như ta mong muốn.” Bryer càng lúc càng thấy bất bình, đặc biệt trong những vụ khẩn cấp không có buổi báo cáo hay tranh biện thông thường của toà án. Nhưng trong một buổi quảng bá tựa sách mới xoay quanh cảnh báo việc tái cơ cấu toà án sẽ được coi như hành động bè phái nhằm suy giảm quyền lực của toà, ông đã chỉ ra những vấn đề dễ gây tranh cãi đã được thống nhất giữa các thẩm phán tự do và bảo thủ. Những vấn đề này bao gồm chấp thuận Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền lần thứ ba, và không dính líu tới những thách thức liên quan đến cuộc bầu cử do cựu tổng thống Donald Trump và đồng minh của ông khởi kiện. Những phản đối này vẫn chưa có tác động lớn như mong muốn, ít nhất là đối với một số đảng viên Dân chủ và đảng tự do. Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal (D-Conn.), từng là thư ký Toà án Tối cao cho Thẩm phán Harry A. Blackmun, nói rằng: “Tôi nghĩ những năm vừa qua đã đem lại nhiều mối đe doạ và thậm chí có thể tàn phá uy tín của Toà án Tối cao vì công chúng đang thấy toà án trở nên ngày một chính trị hoá, và công chúng không sai. Những lời phát biểu của Thomas, Barrett, Bryer, trời ạ… hoàn toàn không đáng tin cậy chút nào.” Đảng viên Dân chủ vẫn tức giận vì Trump đã có thể thay áo cho Toà án Tối cao, với sự hỗ trợ đắc lực của Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell (R-Ky.). Năm 2016, McConnell đã từ chối cho phép mở phiên điều trần cho Merrick Garland, ứng viên cho Toà án Tối cao của Tổng thống Barack Obama, vì lí do không phù hợp trong năm bầu cử. Rồi ông lại nhanh chống thông qua xác nhận cho Barrett thay thế Thẩm phán quá cố Ruth Bader Ginsburg ngay trước Ngày Bầu cử, sau khi cử tri bắt đầu bỏ phiếu sớm chống lại nhiệm kỳ thứ hai của Trump. Cùng việc thay thế Thẩm phán Anthony M. Kennedy, Trump đã đề cử rồi Thượng viện do đảng Cộng hoà chiếm đa số của McConnell đã xác nhận Barrett và Thẩm phán Neil M. Gorsuch và Brett M. Kavanaugh. Những gương mặt này tác nghiệp theo hệ tư tưởng của đảng mình, mang lại tỉ lệ 6-3 với đại đa số bảo thủ, con số khả năng cao sẽ giữ nguyên trong những năm sau này.

Một số người đảng bảo thủ cho rằng thắc mắc về sự minh bạch của toà án đang bị đảng Dân chủ và tự do phóng đại lên, biến mọi quyết định không vừa lòng thành lời kêu gọi tăng số lượng thẩm phán trong khi đảng Dân chủ kiểm soát cả Nhà Trắng và Thượng viện. Roman Martinez, một luật sư ở Washington từng làm thư ký cho Kavanaugh và Thẩm phán trưởng John Roberts Jr., chia sẻ tại một sự kiện ở Georgetown rằng “ngôn ngữ khiêu khích” là một tác nhân khiến công chúng không còn ủng hộ toà án. Khen ngợi Breyer đã “dũng cảm” lên tiếng, Martinez nói: “Tôi nghĩ có rất nhiều nỗ lực để suy giảm niềm tin vào toà án đang được cánh tả chắp cánh. Ông cho rằng ngay từ đầu, đảng Dân chủ ở Thượng viện và các nhóm tự do có hứng thú đã cố gắng dán mác bè phái và thiên vị cho những người được Trump đề cử. Martinez nói những nhà phê bình đã tranh luận rằng “lý do những cá nhân này được đề cử lên toà án vì họ sẽ trao cuộc bầu cử vào tay Donald Trump, che chở ông ta trước những cuộc điều tra, và lật ngược Obamacare." “Và mấy chuyện đó có thành thật đâu.” Tất nhiên, bản thân Trump cũng là cội nguồn cho một vài kỳ vọng kia. Ông nói cần Barrett để đội ngũ toà án đầy đủ xử lý kiện tụng bầu cử, và ông đã tuyên bố rằng những người ông đề cử lên toà án cao cấp sẽ lật đổ Roe. Phong cách tiền trao cháo múc của ông với các đơn cử tư pháp hiện rõ khi Roberts quở trách ông đã gọi một thẩm phán liên bang là “thẩm phán Obama.” Trước đó, Trump đã đăng tweet: “Xin lỗi Thẩm phán trưởng John Roberts chứ chắc chắn ông có ‘thẩm phán Obama,’ và họ có góc nhìn hoàn toàn khác hẳn những người chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh nước nhà.” Xuất hiện gần đây của các thẩm phán cho thấy những chỉ trích như trên chắc chắn không dễ chịu gì, dù là từ cánh tả hay hữu. Nhưng phản hồi của các thẩm phán cũng làm dấy lên phản hồi gay gắt. Barrett đưa ra nhận xét trên trong một lần xuất hiện cùng McConnell tại một trung tâm của Đại học Louisville cùng tên thượng nghị sĩ. Barrett trở thành mục tiêu dễ dàng khi ông phản bác lại cáo buộc rằng toà án đang chia bè kết phái sau khi được một nhân vật bè phái đình đám giới thiệu - McConnell vẫn hời hợt về câu hỏi liệu Thượng viện do đảng Cộng hoà dẫn dắt có nhận đề cử Toà án Tối cao từ Tổng thống Biden. Tháng 10, McConnell sẽ xuất hiện cùng Thomas với tư cách là diễn giả chính khi Tổ chức Di sản tổ chức kỷ niệm ba thập kỷ phục vụ Toà án Tối cao của Thomas. Tương tự như chỉ trích của Roberts, Breyer đã phàn nàn rằng truyền thông hay chỉ ra đảng chính trị của vị tổng thống đề cử thẩm phán khi viết bài quan điểm. Barrett và Thomas đã chỉ trích cách đưa tin mà họ cho là chỉ tập trung vào kết quả thay vì nhấn mạnh quá trình lập luận của toà án. Nhưng có nhiều chứng cứ cho thấy truyền thông có đưa tin chi tiết lập luận của các thẩm phán. Dù gì đi nữa, điều này cũng không thể giải thích hiện tượng tỉ lệ ủng hộ giảm mạnh, cụ thể là đã suy yếu từ 66% trong năm 2020 theo các cuộc khảo sát Marquette. Thượng nghị sĩ Chris Murphy (D-Conn.) nói ông đồng tình với nhìn nhận rằng toà án “đang nhanh chóng trở thành một thể chế chính trị.” Nhưng ông cũng cho rằng Quốc hội không phải vô tội. “Chúng ta cho toà án cơ hội bị nhìn nhận là cơ quan chính trị vì chúng ta không tiến hành lập pháp,” Murphy nói. “Vì vậy mà toà án bất đắc dĩ phải can thiệp vào những mảng rất quan trọng trong luật pháp vì Quốc hội đã để lại nhiều khoảng trống lớn trong chính sách di cư và viễn thông. Nên nếu lập pháp hiệu quả hơn, chúng ta sẽ xoá nhoà được rất nhiều sự mơ hồ mà toà án có thể lợi dụng.” Murkowski cho rằng quan điểm của toà án đang phản ánh một xu hướng xã hội lớn hơn. Bà nói thêm: “Tôi không nghĩ rằng các thẩm phán đang trở nên chính trị hơn. Có lẽ là do tất cả mọi thứ bây giờ đều trở nên chính trị hơn.” Một điểm sáng cho toà án: Franklin từ trường Marquette nói rằng dù sự ủng hộ của công chúng dành cho toà án đã suy giảm, họ vẫn duy trì niềm tin vào thể chế này. Gornstein từ trường Georgetown đặt ra câu hỏi về tính bền vững. “Các thẩm phán nói với công chúng rằng quyết định của họ phản ánh triết lý tư pháp chứ không phải bè phái chính trị của họ cũng tốt thôi,” ông nói. “Nếu triết lý tư pháp của cánh hữu luôn cho ra kết quả mà đảng Cộng hoà thích và triết lý tư pháp của cánh tả luôn cho ra kết quả mà đảng Dân chủ thích, thì chẳng có cơ sở nào để thuyết phục công chúng rằng hai khái niệm này là tách biệt.”


Người dịch: Ren Dinh

Biên tập: Đông Phong & Bảo Trân


Comments


bottom of page