top of page

Một người Da Đen chịu án chung thân vì ăn trộm kéo tỉa cây. Tòa án Tối cao Louisiana cho là hợp lý.

Tuần vừa rồi, Tòa án Tối cao Louisiana bác đơn kháng cáo của một người đàn ông Da Đen bị lãnh án chung thân. Ông sẽ phải dành cả quãng đời còn lại trong tù vì ăn trộm một cặp kéo tỉa cây.


Teo Armus, ngày 5 tháng 8, 2020


Tòa nhà Tòa án Tối cao Louisiana đặt tại New Orleans Ảnh được chụp vào năm 2004. (Ảnh: Judi Bottoni/AP)

Hơn hai thập kỷ trước, cảnh sát chặn Fair Wayne Bryant, một người đàn ông Da Đen 38 tuổi, tại ngõ Shreveport vì cáo buộc ăn trộm một chiếc kéo tỉa cây. Trước khi bắt giữ ông, cảnh sát nói rằng xe của ông giống chiếc xe tải đã được sử dụng trong một vụ trộm nhà dân gần đây.


Bryant khẳng định chiếc kéo cảnh sát tìm thấy trong xe tải là của vợ ông, nhưng ông cũng thú nhận rằng: Lúc xe bị hỏng khi ông đang đi trên đường lạ, ông đã đi vào một nhà xe để tìm xăng.


Tiết lộ ấy khiến Bryant phải chịu án tù chung thân. Bản án này đã được thẩm quyền pháp lý cao nhất của bang đóng dấu đưa vào hiệu lực.


Tuần vừa qua, Tòa án Tối cao Louisiana đã từ chối yêu cầu được xét xử lại của Bryant. Trên tổng số bảy thẩm phán, sáu người ủng hộ quyết định này, theo The Lens NOLA, một trang tin tức phi lợi nhuận tại New Orleans.


Người duy nhất phản đối cũng chính là thẩm phán Da Đen duy nhất của tòa. Trong một bài phản đối nảy lửa, Chánh án Bernette Johnson nói rằng bản án của Bryant nghiêm khắc như vậy là do luật tái phạm quá khắc nghiệt của bang Louisiana. Bà cho rằng đây là một “hiện thân thời hiện đại” của “Luật Lợn” (“Pig Laws” - được đưa ra sau Nội chiến, nhằm xét phạt nặng nề người Mỹ gốc Phi nghèo vì những tội như ăn trộm gia súc - ND), vốn được đề ra để áp bức người Da Đen nghèo trong thời kỳ Tái thiết.


“Ông Bryant đã ở trong tù gần 23 năm và hiện ông đã hơn 60 tuổi,” bà viết. “Nếu ông sống tiếp 20 năm nữa, người đóng thuế của Louisiana sẽ đóng tổng cộng gần một triệu đô để trừng phạt ông Bryant vì đã ăn trộm không thành công một chiếc kéo tỉa cây.”


Nhiều người bắt đầu chia sẻ hành trình chống phân biệt chủng tộc tại nhà bằng việc đối diện những thành viên da trắng phân biệt chủng tộc trong gia đình mình. Nhưng đó không phải một chủ đề thảo luận dễ dàng. (Video: Maya Lin Sugarman/The Washington Post)

Quyết định của Tòa án Tối cao của bang không cho Bryant cơ hội nào được rời khỏi Trại giam bang Louisiana tại Angola, nhà tù an ninh cao lớn nhất quốc gia và cũng từng là một đồn điền nô lệ.

Trong bản phản đối, Johnson — Chánh án Da Đen đầu tiên của tòa — dẫn từ chế độ nô lệ tới thẳng những điều luật đã cho phép công tố viên Louisiana tống Bryant vào Angola đến cuối đời.

Theo bà, sau thời kỳ Tái thiết, các bang miền Nam đã đưa ra những bản án cực đoan cho những tội vặt như trộm gia súc và lợn, nhằm hình sự hoá người Mỹ gốc Phi mới được trả tự do và vẫn đang chật vật thoát nghèo.

Giống với Mã Đen (Black Codes) đã được thiết lập trước đó, các bang được quyền sử dụng lao động cưỡng bức để trừng phạt người phạm tội. Dưới những luật lệ này, số lượng tù nhân Da Đen ở vùng cực Nam nước Mỹ tăng vọt từ những năm 1870. “Luật Lợn phần lớn nhằm tái nô dịch hoá người Mỹ gốc Phi,” Johnson viết.

Bà tranh luận thêm rằng chính những luật lệ này đã biến thành bộ luật tái phạm của bang Louisiana, cho phép công tố viên xử phạt nặng hơn cho những vi phạm nhỏ hơn nếu bị cáo đã từng phạm tội.

Bộ luật này đã gây ra nhiều sự dò xét gay gắt bởi những bản án quá nặng nề góp phần vào tình trạng bỏ tù hàng loạt toàn quốc. Theo báo cáo của the Lens, gần 80% người bị bắt giam tại các nhà tù ở Louisiana dưới bộ luật tái phạm là người Da Đen.

Bryant là một trong số đó. Ông bị kết án lần đầu vào năm 1979, tù 10 năm vì cướp có vũ trang không thành một người lái taxi. Johnson chỉ ra rằng ba tiền án của ông đều không bạo lực: sở hữu một số mặt hàng trộm từ một cửa hàng Radio Shack; làm giả không thành một tấm séc $150; và vào năm 1992, đột nhập nhà dân và ăn trộm tài sản, với bản án bốn năm tù.

Năm năm sau, khi bồi thẩm đoàn kết tội Bryant trộm cắp không thành một chiếc kéo tỉa cây, công tố viên đã vận đến bộ luật tái phạm để đưa ra bản án chung thân không ân xá. Vì Bryant đã có tiền án như vậy, bản án của ông vẫn hợp pháp dưới đạo luật của bang Louisiana, theo lời công tố viên.

Dù Bryant đã kháng cáo rằng bản án là quá quắt so với hiến pháp, thẩm phán vẫn bác đơn của ông.

Năm 2000, Tòa phúc thẩm vòng hai của Louisiana kết luận rằng án chung thân là hợp lý vì thời gian Bryant ở trong tù sau khi đủ tuổi vốn đã quá dài.

“Với chuỗi tiền án và tổng thời gian bị cáo bị bắt giam dài như vậy,” tòa phúc thẩm viết, “bản án được đưa ra vô cùng phù hợp.”

Sau hai kháng cáo, Bryant được ban cơ hội ân xá. Ông lý luận rằng bản án của mình là bất hợp pháp, và ông nhẽ ra nên được chỉ định luật sư trong phiên tòa xét xử. Các tòa án cấp cao đều bác bỏ những đề nghị này của Bryant — và tuần vừa rồi, Tòa án Tối cao Louisiana cũng vậy.

Trừ bà Johnson - người đã tranh cãi rằng bản án này là một hình phạt ác độc và khắc nghiệt.

Bà viết, “Mức án chung thân cho tội trộm không thành một chiếc kéo tỉa cây là hết sức quá quắt và không phục vụ mục đích trừng phạt chính đáng nào cả.”


Translated by Ren Dinh

Copyedited by J. Le

Comments


bottom of page