top of page

Một người tị nạn Việt Nam bị chia cách khỏi gia đình sau hàng thập kỷ ở Mỹ

Updated: Oct 2, 2021


Ghi chú: Nội dung và tiêu đề của bài báo này đã được biên tập lại để truyền đạt thông tin một cách xác thực hơn.


Tien Pham, 38 tuổi, người rời Việt Nam khi còn nhỏ vì bạo lực, bị gửi trả về đất nước xa lạ vì một tiền án thời niên thiếu: “Nước Mỹ là nhà tôi”

By Sam Levin, on 03-05-2021, 07:00:00

Những hành khách trên chuyến bay hôm 15 tháng 3 cùng Tien Pham đều sợ hãi và hoang mang. Một số tuyệt vọng hay vẫn còn chưa thể tin được. Một số có vẻ lạc lõng. Trong một vài tháng trước khi bị trục xuất, Pham, cư dân California 38 tuổi, đã nuôi hy vọng sẽ được ở lại đất nước mà gia đình mình đã coi là nhà kể từ năm 13 tuổi. Nhưng khi thấy 30 người Mỹ gốc Việt khác cùng chung chuyến bay từ Texas đến Việt Nam hôm đó, anh biết tất cả đã kết thúc. Tại nhà người em họ ở thành phố Hồ Chí Minh sau đó 3 tuần, Pham hồi tưởng lại: “Tôi cố chấp nhận sự thật. Tôi tự nhủ phải tiến về phía trước, đừng ôm lấy quá khứ nữa.” Pham là một trong hàng ngàn người bị trục xuất bởi chính quyền Joe Biden. Ông Biden đã hứa sẽ đảo ngược một số chính sách chống người nhập cư cũng như bộ máy trục xuất của Donald Trump, ông cũng ban hành một số luật hành pháp để siết chặt Sở Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE). Nhưng trong 100 ngày đầu tiên, ông vẫn duy trì một điều luật luật gây tranh cãi dưới thời Trump đó chính là ngay lập tức trục xuất phần lớn những người đang bị giữ lại ở biên giới và ẩn ý rằng mình cũng sẽ duy trì mức chỉ tiêu số người tị nạn thấp lịch sử, trước khi lại tuyên bố nâng cao con số này do phản ứng mạnh mẽ từ công chúng. Các chính sách trục xuất của ông, tập trung vào những người bị coi là “mối nguy” cho cộng đồng, đã tiếp tục hướng đến những người nhập cư có tiền án tiền sự như Pham, kể cả khi tiểu bang của họ đã ra phán quyết rằng những người này sẽ không gây hại cho cộng đồng. Sống sót qua bạo lực thời thơ ấu Những ký ức về Việt Nam của Pham phần nhiều là bạo lực. Pham sinh năm 1983 trong bối cảnh hậu chiến. Cha anh phục vụ trong quân đội miền Nam Việt Nam cùng người Mỹ, và sau đó bị bắt đị trại cải tạo, nơi ông phải sống kham khổ để tồn tại. Vốn là người gốc Bắc, gia đình anh di cư vào thành phố Hồ Chí Minh. Cha mẹ anh luôn cảnh báo con mình ở nhà nhiều nhất có thể: “Mỗi khi tôi ra ngoài hay đến trường, tôi đều trở thành mục tiêu. Môi trường lúc đó rất bạo lực và suy đồi." Năm 12 tuổi, Pham bị cướp và đánh đập dã man. Pham thở phào khi gia đình đặt chân đến California năm 1996 dưới dạng tị nạn, ổn định dần trong khu nhà ở thu nhập thấp ở San Jose. Nhưng anh gặp trở ngại với tiếng Anh và không theo kịp các bạn trên lớp, cho dù từng học xuất sắc ở Việt Nam. Hồi tưởng lại, anh nói: “Tôi thấy nhục nhã và xấu hổ.” Đối mặt với bạo lực và bắt nạt ở trường học cũng như nơi ở, Pham dính líu đến những băng nhóm đường phố để tìm kiếm bảo kê - một câu chuyện thường thấy của những người nhập cư Đông Nam Á lớn lên trong nghèo khó ở California. Cha mẹ anh vất vả mưu sinh bằng những đồng lương ít ỏi, và cũng chẳng hay những nỗi khổ của con trai, bao gồm cả việc rượu chè khi còn trẻ. Năm 2000, ở tuổi 17, Pham cùng bạn mình, tham gia vào một vụ ẩu đả những thanh niên khác, bị buộc tội đâm trọng thương một người. Pham bị bắt, kết án như người lớn với tội danh mưu sát. Dưới luật lệ hà khắc thời đó, Pham bị kết án 28 năm tù. Chanthon Bun, một người nhập cư gốc Campuchia cũng bị giam 20 năm trước cùng nơi với Pham và sau đó trở thành người anh cả kết nghĩa với anh, nhớ lại: “Nó hồi đó nhìn trẻ lắm. Cũng sợ hãi lắm. Tôi phải chỉ nó biết đường đi lối lại trong tù, chỉ sao để giữ an toàn.” Bun và Pham đã động viên nhau trong những năm trong tù cùng cố gắng, và mở lòng về tuổi thơ nhiều điểm chung của mình. Bun kể: “Chúng tôi giành nhiều thời gian để mở lòng về những khúc mắc. Chúng tôi trưởng thành cùng nhau trong trại.” Bộ đôi thường xuyên cười đùa xua tan đi không khí tù. Pham cũng nhận được nhiều chứng chỉ và bằng cấp giáo dục, hỗ trợ giảng dạy một chương trình nghiên cứu chủng tộc và làm cho một tờ báo điều hành bởi tù nhân. Pham được ân xá cuối tháng Sáu năm ngoái sau khi bộ luật mới được thông qua ghi nhận những tổn thương do án tù dài hạn gây ra với trẻ em. Nhiều nhóm cộng đồng đã hứa sẽ ủng hộ anh tái hòa nhập, các nhân viên nhà tù cũng ủng hộ mạnh mẽ và thống đốc cũng đã chấp thuận tha bổng. Vào buổi sáng ngày 31 tháng 8, cái ngày anh đáng lẽ được thả, gia đình Pham chờ anh bên ngoài nhà giam San Quentin phía bắc San Franciso, sẵn sàng đưa con em mình về nhà lần đầu tiên sau hai thập kỷ. Nhưng Pham không xuất hiện. Ông Tu Pham, người cha 74 tuổi của Tien, trong một bức email tiếng Việt được con gái dịch lại, viết: “Chúng tôi tưởng cuối cùng gia đình cũng có thể đoàn tụ bên mâm cơm tối. Chúng tôi đã luôn tin nước Mỹ là mảnh đất của hy vọng… cho đến cái ngày chúng tôi chờ Tien ở cánh cổng ”tự do" chỉ để nhận ra không thấy con mình đâu." “Chúng tôi từng nghĩ nước Mỹ là mảnh đất của hy vọng” Pham là một trong số khoảng 1400 người được trại giam California chuyển trực tiếp đến cho cơ quan ICE khi mãn hạn tù năm ngoái. Gavin Newsom, thống đốc Dân chủ, đã đối mặt với sự theo dõi gắt gao với chính sách tự nguyên giao nộp những tù nhân gốc ngoại đến cho ICE trục xuất, hành động mà những người ủng hộ gọi là trừng phạt kép. Pham cũng được thả ra khi San Quentin phải đối phó với đợt bùng phát Covid-19 kinh hoàng, và anh cùng gia đình đã mong sẽ được trở về nhà, chứ không phải mạo hiểm truyền nhiễm Covid trong trại của ICE. Họ đã lạc quan bởi Bun, cũng là một người tị nạn, đã được San Quentin trả tự do 2 tháng trước Pham, và không bị chuyển đến ICE.

Hai người đã lên kế hoạch cùng ăn thịt nướng Hàn, thăm bãi biển và đi câu cùng nhau một khi được tự do. Nhưng vào ngày Pham được thả, một chiếc xe van của ICE đã đến nhà tù. Pham nghĩ về câu chuyện anh nghe của những người mắc kẹt hàng năm trời tại trại ICE trong khi kiện tụng: “Tôi không muốn bị giam thêm bất cứ thời khắc nào nữa. Việc không biết phải ở đây đến bao giờ khiến tôi thấy bức bối.” Một khi bị giam bởi ICE, thẻ xanh của Pham bị tước. Sáu tháng tiếp theo, ICE đưa anh di chuyển liên tục khắp nước Mỹ, từ Colorado, trở về California, rồi đến Arizona, Louisiana và Texas. Đến tháng 2, dưới chính quyền mới, luật sư của Pham yêu cầu được tạm tha nhân đạo, nhưng ICE phản hồi lại bằng một lời từ chối phủ đầu. Bất chấp một chiến dịch công khai nhằm ngăn trục xuất Pham và những người Việt khác, mọi chuyện vẫn tiếp diễn khi đến tháng Ba. Hàng ngàn người đã bị trục xuất dưới thời Biden Trong tháng 2 và 3, hai tháng đầu trong nhiệm kỳ ông Biden, theo dữ liệu của ICE, cơ quan này đã trục xuất hơn 6,000 người. Con số này đánh dấu sự sụt giảm đáng kể so với chính quyền Trump, với số người bị trục xuất mỗi tháng ở vào khoảng gấp đôi số này, và việc truy xuất người ở trong nước bất hợp pháp. Biden ban đầu tuyên bố 100 ngày hoãn trục xuất, nhưng ngoại trừ những người được coi là “nguy hiểm” đến an ninh quốc gia. Một thẩm phán cuối cùng đã ra phán quyết chặn tuyên bố vài tuần sau đó. Trong một email, người phát ngôn đã viết: “Các ưu tiên chính sách của ICE sẽ tập trung vào các mối đe dọa đến an ninh quốc gia, an ninh biên giới, và an toàn công cộng.” Nhưng những ưu tiên này vẫn ảnh hưởng đến cộng đồng người nhập cư dễ bị tổn thương, bao gồm những người tị nạn bị truy tố ở tuổi vị thành niên dưới luật hình sự hà khắc lỗi thời được thượng nghĩ sĩ Biden lúc bấy giờ ủng hộ. Một vài người tị nạn cũng sẽ bị trả lại những nơi họ phải đối mặt với bạo lực nghiêm trọng. Asian Law Caucus (ALC) và các nhóm khác ở California đã đấu tranh cho Gabby Solano, một nạn nhân bạo lực gia đình đã phải ngồi tù 22 năm và bị chính quyền Biden tìm cách trục xuất sang Mexico. Các nhà hoạt động của ALC cho biết họ đặc biệt thất vọng khi thấy Biden trục xuất nhiều nhóm lớn người tị nạn châu Á trong cùng tuần mà ông lên án bạo lực chống người châu Á. Những người ủng hộ cũng lập luận rằng các trọng án không nên là lý do biện minh cho việc trục xuất. Anoop Prasad, luật sư của ALC đại diện cho Pham, phát biểu: “Họ đang định khung chính sách trục xuất như một chính sách an toàn cộng đồng - rằng họ đang trục xuất những người bị cho là “mối nguy hiểm tiềm tàng”. Nhưng chúng tôi thấy điều đó không đúng. California đang trả tự do cho những người được tạm tha khi nhận thấy rõ ràng họ không gây nguy hiểm… và sau đó vẫn giao họ cho ICE để trục xuất.” Trên chuyến bay trở lại Việt Nam, Pham đã cố xoa dịu mọi người xung quanh, bao gồm cả những người gần như không nói tiếng Việt và đã sống ở Mỹ hàng thập kỷ. Một vài người mới bị ICE bắt và vẫn còn đương cơn bàng hoàng. “Họ thực sự lạc lõng… Họ có gia đình và công chuyện và tài sản ở đó.” Tuy vậy, anh và một số người khác, thở phào khi không còn bị ICE giam, nơi mà anh nói rằng không có cơ hội để được tiêm vaccine và gần đây nhất còn có người mắc Covid.

“Tôi chỉ muốn ôm bố mẹ” Pham có lẽ sẽ không bao giờ có thể quay lại Mỹ nữa. Lệnh trục xuất của anh, theo Prasad, sẽ có hiệu lực suốt đời, trừ khi thống dốc California ân xá. Trong khi đó, những người ủng hộ đang vận động cho một luật của bang California, được đề xuất để chấm dứt việc chuyển giao tù nhân từ các nhà tù đến ICE và cứu mọi người khỏi bị trục xuất - cũng như thúc giục Biden thực thi quyền quyết định của mình và không trục xuất mọi người dựa trên kết án. Ở thành phố Hồ Chí Minh, Pham cho biết mình cảm thấy choáng ngợp khi lần đầu tiên được tự do kể từ khi còn là một thiếu niên, đồng thời cũng phải xa gia đình hàng nghìn cây số. Anh đã đến thăm một số người thân ở Việt Nam, nhưng cho biết Thành phố Hồ Chí Minh giờ đây gần như xa lạ. Tuy nhiên, anh vẫn nhận ra góc đường nơi anh bị hành hung khi mới 12 tuổi. “Tôi cầu nguyện mỗi ngày để lệnh hạn chế Covid sẽ kết thúc và tôi có sức đẩy lùi bệnh tật và hy vọng được gặp Tien một lần nữa.” Tu Pham Pham có lẽ sẽ đi dạy tiếng Anh, dù cho giờ đây anh vẫn đang làm quen với những công nghệ mình chưa từng sử dụng trong tù. Gia đình Pham mong được đến Việt Nam, nhưng cha anh gần đây mới bị bệnh. Người cha trả lời tờ Guardian: “Tôi cầu nguyện mỗi ngày để lệnh hạn chế Covid sẽ kết thúc và tôi có thể đẩy lùi bệnh tật và hy vọng được gặp Tien một lần nữa.” Rồi ông thêm vào: “Giờ đây, chúng tôi sẽ tiếp tục gặp con qua màn hình.” Pham nói rằng khó để có thể chấp nhận rằng cuộc đoàn tụ gia đình ở California sẽ không bao giờ thành hiện thực. Anh nói: “Tôi đã mường tượng nó nhiều lần… tôi luôn nghĩ về nước Mỹ như nhà mình. Gia đình tôi, người thân tôi, bạn bè tôi, họ đều ở đó. Tôi chỉ muốn ôm cha mẹ mình và nói với họ là: ”Bố, mẹ, con về nhà rồi."

Người dịch: Duong Nguyen

Biên tập: Tung Nguyen

Comments


bottom of page