top of page

Mục tiêu tiếp theo của Bee Nguyễn: Đắc cử Ngoại Trưởng Georgia!


By Anne Branigin, on 12-05-2021


Bee Nguyen. Hình: (Kevin Lowery; từ Washington Post illustration)

Bee Nguyễn thông báo kế hoạch tranh cử cho chức Ngoại trưởng bang Georgia vào ngày 04/05, trở thành thành viên đảng Dân chủ có tiếng đầu tiên bước chân vào cuộc đua năm 2022. Bee Nguyễn khá bận rộn trong những năm vừa qua. Từ vị trí giám đốc một tổ chức phi lợi nhuận, cô bước vào chính trường năm 2017, sau khi Stacy Abrams, dân biểu bấy giờ, bỏ trống vị trí của mình để bắt đầu tranh cử chức Thống đốc bang Georgia. Bee giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đặc biệt vào hội đồng dân biểu tiểu bang đại diện Quận 89, một khu dân cư đa chủng tộc nằm trong khu đô thị trung tâm Atlanta. Từ đó, cô đã luôn đứng đầu những nỗ lực vận động bầu cử cho chức Tổng thống và hai vòng loại trực tiếp cho các vị trí lớn tại Thượng viện tiểu bang. Trong vài tháng gần đây, cô đã đấu tranh chống lại một dự luật do đảng Cộng hòa đề cử và lên tiếngvề bạo lực chống lại người châu Á sau các vụ vụ xả súng nhắm vào các spa của cộng đồng này tại khu vực Atlanta. “Tôi nghĩ những sự kiện diễn ra gần đây để lại rất nhiều xúc cảm phức tạp, nhưng chúng ta lại không có đủ thời gian để nghiền ngẫm nó,” Bee nói. “Nên tôi chỉ tập trung vào làm việc hiệu quả hết mức có thể.” Bee vừa đặt thêm cho mình một mục tiêu mới - tranh cử vào một ví trị ở chính quyền tiểu bang. Vào ngày 04/05, cô thông báo việc tham gia tranh cử cho vị trí Ngoại trưởng bang Georgia, trở thành thành viên tiêu biểu đầu tiên của đảng Dân chủ bước chân vào cuộc đua năm 2022. Vị trí này sẽ giám sát việc bỏ phiếu tại 'tiểu bang chiến trường' (swing state) này , vốn là một chủ đề nóng trong các cuộc tranh luận giữa các đảng trong những năm gần đây. Một số cử tri đảng Cộng hòa cũng đã thông báo dự định tranh cử của mình. Dư luận cho rằng ngoại trưởng đương nhiệm, Brad Raffensperger, cũng sẽ tham gia. Trong số các ứng viên, có Jody Hice (Cộng Hòa-Ga.) - một nhân vật trung thành với Donald Trump và nắm chắc sự ủng hộ từ cựu tổng thống. Raffensperger và Hice không đưa ra lời phản hồi nào khi được hỏi về chủ đề này. Các cuộc tranh cử cho vị trí ngoại trưởng ở các tiểu bang thường không được chú ý, nhưng đây là Georgia, nơi mà quyền bầu cử là một vấn đề nhức nhối kể từ thất bại gây tranh cãi của Abrams trước cửu Ngoại trưởng Brian Kemp. Abrams chưa từng công nhận kết quả của cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi mà Kemp là người giám sát. Tiếp đó, Abrams lập ra Fair Fight, tổ chức chống lại sự áp bức cử tri trên toàn nước Mỹ. Bà và cộng sự đã góp phần nâng số lượng cử tri đảng Dân chủ, giúp Tổng thống Biden dành được Georgia và đưa hai thượng nghị sĩ vào Thượng viện ở Washington nhằm giành thế kiểm soát cho đang Dân chủ. Trump và những người ủng hộ đáp trả bằng cách cáo buộc bang này xuất hiện gian lận. Đầu năm nay, các cử tri Cộng hòa đã thông qua dự luật mới mà các chuyên gia đánh giá rằng sẽ hạn chế quyền bầu cử của các cử tri thuộc hai nhóm nghèo và da màu. Nse Ufot, thủ lĩnh nhóm đấu tranh vì cử tri cấp tiến New Georgia Project, tán dương quyết định của Bee Nguyễn. “Chúng tôi rất háo hức sẽ có tiếng nói của một người đấu tranh cho quyền bầu cử như Bee trong cuộc chạy đua tối quan trọng này,” Ufot bày tỏ qua email. “Chúng ta cần một ngoại trưởng sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ sự tự do bầu cử và đảm bảo quyền lợi tham gia xây dựng nền dân chủ của mọi người.” Nếu đắc cử, Bee Nguyễn, 39 tuổi, sẽ là người Mỹ gốc Á đầu tiên giữ vị trí này tại Georgia và người phụ nữ da màu thứ hai giữ chức vụ ngoại trưởng tiểu bang. Một trong những điều đầu tiên Bee Nguyễn hứa sẽ thực hiện nếu được bầu là cung cấp thêm các tài liệu bằng nhiều thứ tiếng để người dân Georgia từ mọi tầng lớp đều nắm được thông tin về bầu cử, các khoản vay kinh doanh, bảo hiểm và bồi dưỡng nghiệp vụ tại chỗ làm. Cô nói rằng những giá trị này được tạo thành không chỉ bởi trải nghiệm trong một gia đình người Việt Nam sang tị nạn mà còn từ quãng thời gian làm việc trong ngành giáo dục và đấu tranh trong các trường công thông qua tổ chức định hướng Athena's Warehouse. Con đường làm chính trị của Bee thật ra bắt đầu từ chiếc váy phù dâu. Lúc đó cô mới hơn 20 tuổi. Bạn bè xung quanh rất nhiều người kết hôn, đồng nghĩa với việc cô phải sắm thêm nhiều chiếc váy phù dâu xinh đẹp mà cô biết sẽ không mặc tới lần hai. Bee muốn quyên góp những chiếc váy này cho những nữ sinh cấp ba không đủ tiền mua váy cho các dịp dạ hội, nhưng cô cũng muốn bỏ đi hình ảnh “công chúa” gắn với những sự kiện này. Cô kết nối các các nữ sinh này với mentor (tạm dịch: người định hướng): Đổi lại việc nhận váy miễn phí là ba giờ đồng hồ làm tình nguyện, sau đó là một buổi mua sắm cùng người định hướng. Buổi mua sắm là một cách ăn mừng, một cơ hội để những thiếu nữ này “cảm thấy đặc biệt và xây dựng một mối liên kết với một người phụ nữ khác trong cộng đồng.” Nhưng cô sớm nhận ra rằng những cô gái trẻ tìm tới Athena’s Warehouse cần sự giúp đỡ bền vững hơn, vậy nên cô đã mở rộng việc định hướng thành các chương trình hỗ trợ sau giờ học. Trong 10 năm, cô đã làm việc với các nữ sinh sau giờ học. Cô bày tỏ rằng công việc này “vô cùng khó khăn" và có những lúc cô đã tự vấn về việc những gì tổ chức đang làm có đủ cho các học viên hay không. Nhưng đây cũng là một khoảng thời gian quý giá với Bee, mở rộng tầm mắt của cô về mức độ ảnh hưởng của các chính sách công lên trải nghiệm của đối tượng này. “Công việc đó giúp tôi chuẩn bị cho chính trường tốt hơn bất kì thứ gì tôi đã làm trong đời,” cô nhìn nhận. “Khi ngồi trong lớp học với các bạn trẻ mỗi tuần, tôi thực sự hiểu được việc phải sống trong một cộng đồng thiếu thốn tài nguyên, nơi trường công lập của bạn không có đủ nguồn lực tài chính,” cô nhớ lại. “Những nhu cầu như chăm sóc sức khỏe, đi lại, ăn uống, vv. đều thiếu thốn, có quá nhiều người trở thành nạn nhân, đối diện với bạo lực gia đình và bạo lực hẹn hò. Hơn nữa, còn có thêm một gánh nặng là người nhập cư trên vai một số học viên của tôi.” Cô mường tưởng lại một ký ức trong lớp học khi Tổng thống Barack Obama thúc đẩy chính sách DACA, cho phép một số người nhập cư không có giấy tờ được đưa tới Mỹ từ nhỏ có quyền tạm trú hợp pháp tại đây. Ảnh hưởng của chính sách này tới đám trẻ để lại dấu ấn sâu đậm trong cô. “Thay vì nói với tôi rằng điều quan trọng nhất với các em là "có thể đi học đại học rồi,” các em lại nói, “Cuối cùng em cũng có thể lấy bằng lái xe để chở ba mẹ tới chỗ làm mà không lo rằng họ sẽ bị cảnh sát chặn lại vì cái đèn hỏng và sẽ lập tức bị trục xuất (vì nhập cư bất hợp pháp),” . “Nó khiến tôi hiểu ra chính xác vì sao các chính sách nhập cư của khu vực, tiểu bang và liên bang lại quan trọng tới vậy trong việc giúp một người tạo dựng cuộc sống trên đất nước này.” Cô kể rằng mình vẫn giữ liên lạc với các cựu định hướng viên (mentor), những người với tầm nhìn và hi vọng dành cho bang cũng như quốc gia mà Bee coi như kim chỉ nam cho đạo đức lập pháp của mình. Dù cô tự tin với mục đích vì “những điều đúng đắn”, cô vẫn có nhiều e ngại về việc tranh cử cho một vị trí cấp cao ở tiểu bang, đặc biệc với tư cách là một người châu Á. Cô chia sẻ rằng mình đã tìm tới Abrams, một trong những người định hướng của cô, với những do dự của mình. “Bà ấy chỉ ra rằng, ”Thì, em vẫn luôn là người châu Á mà, đúng không? Và em vẫn sẽ như vậy tại Georgia." Và bà ấy cũng khuyên rằng đôi khi mọi người cần phải thấy một gương mẫu trước khi tưởng tượng ra một việc gì đó, và đây chính là tầm quan trọng của việc giới thiệu mình với công chúng." Với Bee Nguyễn, Abrams là một gương mẫu quan trọng cho việc mở rộng trí tưởng tượng của cộng đồng trong lãnh vực chính trị. “Tôi vẫn nhớ năm 2018, ai cũng hoài nghi về khả năng tranh cử [của Abrams], vì họ đều quá quen với khuôn mẫu của các ứng cử viên đi trước. Và bà ấy thì không tuân theo những khuôn mẫu đó.”

“Và rồi chúng ta thấy được cách bà ấy thay đổi tình hình chính trị ở cả Georgia lẫn toàn quốc.” Người phát ngôn của Abrams nói rằng bà “đánh giá rất cao Dân biểu Nguyễn, nguyên tắc làm việc, khả năng lãnh đạo và danh tiếng cô tạo dựng nên." Điểm cốt lõi trong tầm nhìn của Nguyen chính là sự nhận thức về Georgia của hiện tại: một cộng đồng được tạo ra bởi cả những người nhập cư và di cư. Cô còn bày tỏ niềm tin về việc chính quyền vẫn chưa khai mở được tiềm năng về sự đa dạng bản sắc trong cộng đồng ở Georgia và nói rằng “có rất nhiều thứ mà một ngoại trưởng có thể thực hiện độc lập.” Ngoài việc kiểm soát việc bầu cử, văn phòng ngoại trưởng tiểu bang có vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp và người lao động trong việc cấp giấy tờ, cho vay vốn và cứu trợ. Bee Nguyễn chỉ ra sự bất công trong việc nhận các gói cứu trợ doanh nghiệp quy mô nhỏ trong dịch bệnh vừa qua - rất nhiều các thương nhân thuộc nhóm thiểu số bị bỏ lại, đơn giản vì không có ai tìm tới họ, cô thuật lại. Nhưng đương nhiên, Bee cũng biết rằng những chính sách mình đã đưa ra không thể thành hiện thực nếu cộng đồng không tin rằng lá phiếu của họ có giá trị. Cô nhớ lại phản ứng của cử tri Cộng hòa khi Trump tiếp tục lên tiếng phản đối kết quả bầu cử tại Georgia: họ cho rằng một cuộc bầu cử với số lượng lá phiếu kỉ lục từ người da màu chỉ có thể là gian lận. Bee coi những lời buộc tội đó là hành động nhằm phá hủy nền dân chủ, tại Georgia và xa hơn thế. “Đây sẽ là một cuộc đua sống còn.”


Người dịch: Phuong Dang

Biên tập: Khanh Tran

Comments


bottom of page