top of page

Mỹ đã cho gia đình tôi một mái nhà sau chiến tranh Việt Nam. Họ phải làm như vậy cho dân Afghanistan


Những hình ảnh và câu chuyện đã quá đỗi quen thuộc. Quân đội Mỹ rút quân sau khi đã chinh chiến một vài thập kỷ, những thành phố sụp đổ, tổng thống chạy trốn, sân bay hỗn loạn, trực thăng bay trên tòa nhà đại sứ quán, những gia đình tìm mọi cách để trốn chạy trong tuyệt vọng.

By Aimee Phan, on 16-08-2021, 13:00:00

Những hình ảnh và câu chuyện đã quá đỗi quen thuộc. Quân đội Mỹ rút quân sau khi đã chinh chiến một vài thập kỷ, những thành phố sụp đổ, tổng thống chạy trốn, sân bay hỗn loạn, trực thăng bay trên tòa nhà đại sứ quán, những gia đình tìm mọi cách để trốn chạy trong tuyệt vọng. 46 năm trước, chiến trường là Sài Gòn. Bây giờ, đó là Kabul. Suốt cả đời, tôi đã chứng kiến gia đình mình thương tiếc sự tàn lụi của quê hương mình. Mặc dù họ đã sống trên đất Mỹ hơn 40 năm, bi kịch mất đi nơi chôn rau cắt rốn vẫn ám ảnh gia đình tôi. Họ vẫn nhớ khoảnh khắc nghe tin Sài Gòn sụp đổ khi họ đang tụ tập ở Đại sứ quán Mỹ, đang cố gắng chen vào một chuyến bay chật cứng ở sân bay Tân Sơn Nhất, hoặc đang ngồi bên chiếc radio trong một trại tị nạn ở Philippines. Sau khi Đảng Cộng sản lên cầm quyền, rất nhiều người ở miền Nam Việt Nam, trong đó có gia đình tôi, lo sợ bị hành xử bởi có liên kết với bộ máy chính phủ vừa sụp đổ và tín ngưỡng của họ. Cha mẹ tôi rời đi trước khi chiến tranh kết thúc với thị thực học sinh để đi học tại Philippines và sau đó là Mỹ. Cô, chú, và ông bà của tôi hoặc sơ tán bằng máy bay hoặc trốn thoát bằng thuyền vài năm sau đó. Mặc dù tôi được sinh ra ở miền Nam California 2 năm sau khi Sài Gòn thất thủ, tôi như kế thừa cả nỗi đau buồn mà gia đình mình đã mang sang nước Mỹ. Nỗi buồn đau của họ ngấm sâu vào con người tôi qua những bản nhạc trữ tình Việt bâng khuâng mà cha mẹ chơi trên băng cassette, và những câu chuyện mà họ hàng tôi kể về căn nhà thời thơ ấu mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy. Có rất nhiều người tị nạn Việt Nam đã tới Mỹ sau khi Quốc Hội thông qua Đạo luật Di cư và Tị nạn Đông Dương năm 1975 và Đạo luật Người tị nạn năm 1980, mở đầu cho đợt tiếp nhận người nhập cư diện rộng cuối cùng vào đất nước này. Những người định cư bao gồm đồng minh Đông Nam Á và con cái của quân đội Mỹ. Việc tái định cư của họ được xem như Mỹ hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với đồng minh lâu năm miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến. Giờ đây mạng sống của những người tị nạn Afghanistan cũng vậy, phụ thuộc vào sự sẵn sàng chịu trách nhiệm và lòng trắc ẩn của Mỹ. Kể từ cuộc xâm chiến do Mỹ dẫn đầu giành quyền kiểm soát đất nước từ tay Taliban năm 2001, người dân Afghanistan đã có quyền tự do trong vấn đề xã hội và chính trị. Đời sống cộng đồng được gây đựng trong hai thập kỷ qua chắc chắn sẽ bị tàn phá, bởi Taliban là mối đe dọa kinh hoàng đối với người dân Afghanistan, đặc biệt với là phụ nữ và các bé gái. Xuyên suốt những cuộc chiếm đóng trong quá khứ, Taliban đã thực thi nghiêm ngặt luật Hồi giáo Sharia, nghiêm cấm phụ nữ đi làm, đi học hoặc ra đường mà không có đàn ông giám hộ. Chúng ta chắc chắn biết Taliban sẽ phạt những người bất đồng chính kiến chính trị ra sao. Chúng ta đều đã chứng kiến cảnh tượng ấy. Như với Việt Nam thời xưa, Mỹ đã chọn can thiệp vào Afghanistan. Và quyết định rút quân Mỹ khỏi Afghanistan một lần nữa gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo mà Mỹ có nghĩa vụ đạo đức phải giải quyết. Quốc hội nên thông qua đạo luật cho phép tái định cư khẩn cấp và nhân từ cho những người tị nạn Afghanistan tại Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng nên quy nạp các đồng minh hứa thực hiện cam kết tương tự và hối thúc các quốc gia giáp biên giới với Afghanistan nhập cảnh những người tị nạn đang bỏ trốn để họ được xử lý hồ sơ xin tái định cư ở một nước thứ ba. Mạng sống của hàng trăm ngàn người đang bị đe dọa, và việc đảm bảo an toàn cho người dân Afghanistan phải là ưu tiên hàng đầu. Ta cũng có một bài học khác cần rút ra sau Chiến tranh Việt Nam. Những người tị nạn Việt Nam định cư ở Mỹ thường xuyên phải chịu đựng nạn kì thị. Họ bị nói là những người con trai Mỹ (lính Mỹ - ND) đã hy sinh vì họ. Họ bị buộc tội là đánh cắp công việc của người Mỹ. Họ phải chịu đựng sự quấy rối bài xích người Châu Á đã có từ lâu ở đất nước này và tăng cao đỉnh điểm trong đại dịch COVID-19. Bố mẹ tôi nhiều lần bị bắt nói tiếng Anh hoặc đuổi về nước đến nỗi họ đã học cách bỏ ngoài tai những lời xúc phạm sáo mòn đó. Những người nhập cư Việt Nam đã xây dựng lại cuộc sống của họ ở Mỹ, thành lập cộng đồng và đóng góp vào sự đa dạng cùng những thành tựu cho quốc gia này. Họ đã làm điều đó trong khi chịu đựng những sang chấn tâm lý, phân biệt chủng tộc và xáo trộn chỗ tại đất nước có lịch sử đối đãi tệ mạt với người da màu này.

Nước Mỹ vẫn đang tự vấn với xu hướng bài ngoại của mình sau khi bầu cử một ông Tổng thống hứa sẽ dựng một bức tượng dọc biên giới phía Namgiảm quyết liệt số lượng người tị nạn. Bài hùng biện chống người nhập cư của Donald Trump và bè phái của ông đã đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Giờ đây chúng ta vẫn đang chữa lành vết thương do các chính sách nhập cư tàn khốc của chính quyền cũ. Danh tiếng của Mỹ đã bị bôi nhọ trên đấu trường quốc tế, việc rút quân khỏi Afghanistan cũng đang đối mặt những chỉ trích nặng nề. Cách chính quyền Biden và thế hệ trẻ người Mỹ, những người không lớn lên trong thời kì hậu Chiến tranh Việt Nam, ứng phó với cơn ác mộng Afghanistan sắp ập tới là điều rất quan trọng. Đối với nhiều người nhập cư và tị nạn, nước Mỹ là biểu tượng của sự hy vọng. Mặc dù chúng ta đã chứng kiến sự xấu xí của nước Mỹ ​​trong vài năm gần đây, nhưng chúng ta vẫn có thể giành lại những lý tưởng mà ta đã từng tôn vinh. Tôi vô cùng biết ơn lòng trắc ẩn mà Mỹ đã dành cho người dân miền Nam Việt Nam. Và tôi nhận thức sâu sắc rằng mình sẽ không ở đây nếu không có hành động vì lương tâm này. Nhưng tôi cũng tin rằng ta có thể rút kinh nghiệm từ quá khứ và làm tốt hơn, đó là đối đãi những người hàng xóm mới một cách đàng hoàng và tôn trọng như mọi con người đều xứng đáng được đối xử. Chúng ta không thể trả lại quê hương cho người dân Afghanistan, nhưng chúng ta có thể nhường chỗ cho họ trên chính mảnh đất của mình.


Người dịch: Linh Nguyen & An Nguyen

Biên tập: Ren Dinh


Comments


bottom of page