top of page

Nâng mức lương tối thiểu liệu có giết chết công ăn việc làm? Câu trả lời nằm ở số liệu.


By Veronika Dolar, on 18-10-2021, 08:19:00

Trong hàng thập kỷ, quan niệm nâng mức lương tối thiểu sẽ làm giảm số lượng công ăn việc làm đã trở nên vô cùng phổ biến trong lĩnh vực kinh tế.


Góp phần lớn nhất trong quan niệm đó chính là Quy luật cung cầu, một trong những lý thuyết kinh tế nổi tiếng nhất. Mặc dù được cho là “quy luật” nhưng nó cũng chỉ là lý thuyết tiên đoán rằng nếu giá trị của một thứ gì đó tăng, ở đây là lương, thì cầu sẽ giảm - trong trường hợp này là nhân công. Trong khi đó, nguồn cung nhân công cũng sẽ tăng. Vì thế việc nâng mức lương tối thiểu sẽ khiến nguồn cung nhân công vượt quá nhu cầu của thị trường khiến gia tăng tình trạng thất nghiệp.


Nhưng đây cũng chỉ là một lý thuyết đi kèm nhiều giả định.


Vì thế, năm 1994, David Card, một nhà kinh tế học thuộc Đại học California, Berkely, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm nay, và giáo sư Alan Krueger quá cố đã thực hiện một thí nghiệm tự nhiên để chứng minh rằng trong thực tế điều này không xảy ra. Năm 1992, New Jersey tăng mức thu nhập tối thiểu nhưng tiểu bang kế đó là Pennsylvania thì không. Và điều đó chẳng gây nên một sự thay đổi đáng kể nào đến tình trạng công ăn việc làm.


Khi tôi thảo luận về thí nghiệm của họ trong lớp kinh tế của mình, thay vì xem nó như một câu trả lời cho câu hỏi liệu mức lương tối thiểu có đang giết chết việc làm hay không thì tôi thách thức sinh viên của mình nghĩ về tất cả những câu trả lời, một điều rõ ràng không thể thuyết phục tôi chỉ bằng mỗi niềm tin cá nhân. Mà thay vào đó, câu trả lời cần có số liệu, thứ rất khó để có trong Kinh tế học.


Sử dụng mô hình để nghiên cứu về hành vi con người

Kinh tế học nghiên cứu về sự sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ. Cũng giống như nhiều ngành khoa học xã hội khác, kinh tế học có quan hệ mật thiết với hành vi con người.


Tuy nhiên hành vi của con người rất khó để dự đoán cùng nhiều hệ lụy sâu sắc. Để cho ra kết quả, các nhà kinh tế thường phải dựa vào những lý thuyết và dữ liệu đã được trừu tượng hoá để tạo ra những mô hình mong rằng nó có thể dại diện và giải thích cho cái thế giới phức tạp họ đang nghiên cứu. Tầm quan trọng của những mô hình toán học, lý thuyết và các khái niệm trừu tượng phức tạp khiến cho kinh tế học khó tiếp cận với đại chúng hơn các ngành khoa học xã hội khác như tâm lý học hay xã hội học.


Những nhà kinh tế cũng dùng những mô hình này để trả lời cho những câu hỏi quan trọng như “Mức lương tối thiểu có gia tăng tình trạng thất nghiệp hay không?". Trong thực tế, đây là một trong những vấn đề được nghiên cứu nhiều nhất trong ngành từ năm 1912 khi mà Massachusetts là bang đầu tiên thiết lập cái gọi là mức lương tối thiểu. Mức lương sàn liên bang thành hiện thực vào năm 1938 khi Dự luật Tiêu chuẩn Công bằng trong Lao động được thông qua.


Kể từ đó vấn đề này luôn được tranh luận sôi nổi. Những người ủng hộ cho rằng với một múc lương tối thiểu cao hơn công ăn việc làm sẽ được tạo ra, thúc đẩy phát triển kinh tế, xoá đói nghèo và giảm mức chênh lệch trong thu nhập.


Trong khi đó, những người chỉ trích lại cho rằng mức lương tối thiểu cao sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp, ảnh hưởng xấu tới cả nền kinh tế và cuối cùng sẽ hại những người thu nhập thấp, những người mà dự luật muốn bảo vệ.


Câu chuyện về hai lý thuyết

Hầu hết sinh viên trong lớp Nhập môn Kinh tế Vi mô của tôi đều có thể dễ dàng chỉ ra, nhờ sử dụng mô hình cung và cầu cơ bản, rằng khi mức lương tối thiểu tăng vượt mức mà thị trường đề ra thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng. Và trong thực tế, đây là một trong những ví dụ điển hình nhất trong những cuốn sách Kinh tế Nhập môn.


Tuy nhiên, kết quả này giả định một thế giới cạnh tranh hoàn hảo trong đó nhân công và công việc dư thừa mà con người có thể dễ dàng thay đổi công việc. Điều này không hề đúng trong thế giới thật, nơi mà chỉ một số ít công ty độc quyền chi phối các lĩnh vực.


Vì thế, có một số giả thuyết rằng vì những công ty độc quyền có sức mạnh tự thiết lập một mức lương thấp, có vẻ trái với suy nghĩ thông thường nhưng việc nâng mức lương tối thiểu sẽ thúc đẩy các công ty thuê nhiều nhân công hơn để bù lại phần lợi nhuận họ đã mất vì sự tăng giá của nhân công.


Làm sao để các nhà Kinh tế có thể chỉ ra một trong hai lý thuyết này là đúng? Họ cần số liệu.


Số liệu chiến thắng lý thuyết

Nghiên cứu về thế giới thật là một điều rất khó, nó luôn thay đổi không ngừng và không dễ dàng gì để thu được tất cả những dữ kiện liên quan tới nghiên cứu.


Không giống như Y học hay các ngành khoa học khác, các nhà Kinh tế không thể thực hiện các thí nghiệm lâm sàng được kiểm soát chặt chẽ, một phương pháp mà các nhà nghiên cứu vaccine sử dụng để thử nghiệm hiệu quả của vaccine Covid 19. Vì các lý do tài chính, đạo đức và các ràng buộc thực tế chúng ta không thể phân chia con người thành các nhóm thử nghiệm hay kiểm soát, một phương pháp thông dụng được sử dụng trong tâm lý học. Và chúng ta cũng không thể chọn ngẫu nhiên mức lương tối thiểu cho một nhóm và quan sát giống như các nhà Sinh Dược học khi nghiên cứu tác dụng của các biện pháp điều trị lên sức khoẻ của con người.


Trong nghiên cứu về mức lượng tối thiểu, chúng ta không đơn giản chỉ nhìn về quá khứ khi mà mức lương tối thiểu tăng và xem xét tình trạng thất nghiệp trong vài tuần hay vài tháng sau đó. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới thị trường lao động như là nhân công nước ngoài hay người nhập cư nên gần như không thể tách riêng và chỉ xem xét mỗi một yếu tố như sự tăng mức lương tối thiểu là nguyên do.


Đó là lúc mà công trình tiên phong như của Card và Kruger được ứng dụng hàng năm trời để nghiên cứu về ảnh hưởng của việc nâng mức lương tối thiểu và các chính sách thay đổi liên quan. Nó bắt đầu từ nghiên cứu vào năm 1994 của họ, nhưng họ tiếp tục tìm ra các kết quả tương tự qua các nghiên cứu sau đó, với số liệu phong phú hơn càng cho thấy lý thuyết về việc mức lượng tối thiểu làm giảm lượng việc làm có khả năng cao là sai.


Cách tiếp cận của họ tất nhiên là không hoàn hảo, phần lớn là về mặt chuyên môn, và trong thực tế các nhà Kinh tế học vẫn chưa có một câu trả lời chắc chắn cho vấn về mức lương tối thiểu mà tôi vừa trình bày trong bài báo này. Nhưng nhờ Card, Krueger và nghiên cứu của họ, các cuộc tranh luận về mức lương tối thiểu đã giảm bớt lý thuyết và nhiều hơn về mặt thực nghiệm.


Chỉ khi nghiên cứu về hành vi của con người thì những nhà kinh tế học mới có thể có khả năng dự đoán thực sự có ý nghĩa trong thay đổi chính sách như tăng mức lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng như thế nào với nền kinh tế và con người sống bên trong nó.




Derek

Translators: Duy Anh Tran

Comments


bottom of page