top of page

Giữa làn sóng tranh cãi, Nghị sĩ gốc Lào muốn đưa lịch sử người Mỹ gốc Á vào trường học ở Ohio

Translated from NBC News's article Amid critical race theory fight, Laotian American senator pushes Asian American studies in Ohio By Claire Wang, on 11-10-2021

[Nếu được thông qua], dự luật mới mà Tina Maharath ủng hộ sẽ khiến Ohio trở thành tiểu bang thứ hai với hệ thống trường công lập giảng dạy lịch sử người Mỹ gốc Á. Năm 2018, lúc Tina Maharath trở thành người phụ nữ gốc Á đầu tiên được bầu vào Thượng viện Ohio, một tiểu bang với 80% dân số là người da trắng, cô đã thề sẽ đấu tranh cho tiếng nói của cộng đồng mình. Giờ đây, khi nạn phân biệt chủng tộc nhằm vào người Á châu được chú ý rộng rãi vì đại dịch Covid, vị Thượng nghị sĩ Dân chủ từ Canal Winchester đang xúc tiến một dự luật có thể giúp Ohio trở thành tiểu bang thứ hai với hệ thống trường công lập giảng dạy lịch sử người Mỹ gốc Á. Ngoài các sự kiện trọng yếu như Đạo luật Bài trừ người Hoa (Chinese Exclusion Act) và việc chính phủ bắt giữ người Mỹ gốc Nhật vào Thế chiến thứ Hai, dự luật còn yêu cầu giáo viên phải dạy cả lịch sử của người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương tại Ohio nói riêng và miền Trung Tây Hoa Kỳ nói chung. “Đây là cơ hội để cho các học sinh Mỹ gốc Á ở Ohio có thể học về những câu chuyện tương đồng với trải nghiệm của chính các em,” Thượng nghị sĩ 30 tuổi nói với NBC Asian American. “Thông thường, [sự tồn tại của] chúng ta là một câu chuyện bỏ ngỏ.” Dự luật này dựa trên đạo luật lịch sử được thông qua hồi tháng 7 của Illinois. Luật Illinois quy định rằng bắt đầu từ năm học tới trở đi, các trường học phải dành riêng ra một chương để dạy về lịch sử người Mỹ gốc Á. Theo đạo luật trên, thanh tra bộ giáo dục tiểu bang sẽ lên kế hoạch phác thảo cho nội dung giáo trình, nhưng phòng giáo dục của các quận có toàn quyền quyết định quãng thời gian giảng dạy tối thiểu. Trong năm rồi, phong trào kêu gọi trường phổ thông giảng dạy về lịch sử người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương đã có những bước tiến đáng kể, nó cũng là động lực thúc đẩy cho các dự luật tương tự ở New YorkWisconsin. Đối với Maharath, chiến dịch lần này còn mang ý nghĩa riêng. Vì có bố mẹ là người Lào tị nạn, cô thường bị bảo là hãy cút về đất nước của mình. Cô chia sẻ, mãi cho đến những năm sau, khi cô bắt đầu vận động tranh cử Thượng viện, cô vẫn thường bị nhầm lẫn là một nhân viên và thường nghe người ta bảo cô không giống một “chính trị gia điển hình.” Cô nói, những đứa trẻ như cô sẽ hiểu rõ hơn về nguồn gốc di cư của mình khi được học về hành động can thiệp quân sự của Mỹ ở vùng Đông Nam Á và chiến tranh bí mật ở Lào. “Bố mẹ tôi đến đây dưới tư cách người tị nạn chứ không phải người nhập cư,” cô nói. “Hành trình đến Mỹ của chúng tôi không êm ả như của một người nhập cư.” Dự luật mà Maharath ủng hộ (cùng với Kenny Yuko, Lãnh đạo [phe] Thiểu số Thượng viện) sẽ không dễ dàng được thông qua. Đảng Cộng hoà nắm quyền kiểm soát ở cả hai viện lập pháp của Ohio . Trong những tháng gần đây, phía Cộng hòa Ohio còn đẩy mạnh chiến dịch phản đối việc giảng dạy lý thuyết chủng tộc phê phán (critical race theory), một học thuyết xoay quanh luận đề rằng sự phân biệt chủng tộc là thứ vốn dĩ đã ăn sâu bám rễ vào pháp luật và hệ thống tổ chức của Hoa Kỳ. Maharath đã từng lật ngược tình thế. Là một nhà phân tích tài chính với kinh nghiệm chính trị bằng con số 0, cô đã phải đối mặt với chiến dịch bôi nhọ trị giá hơn triệu đô trong cuộc đua giành chiếc ghế Thượng viện ở quận thứ ba, nơi từng là thành trì kiên cố của bên Cộng hòa. Tại phiên bầu cử sơ bộ, đảng Dân chủ còn bỏ qua cô để ủng hộ một ứng cử viên không có tên trên lá phiếu chính thức (write-in candidate). Trong suốt một năm rưỡi trước khi cuộc bầu cử diễn ra, cô đã gõ cửa nhà hàng trăm hộ dân và trực tiếp thuyết phục các cử tri trong quận, để rồi giành được thắng lợi suýt soát chỉ bằng 705 lá phiếu chênh lệch. Kể từ đó, cô trở thành “phó tướng” của phe thiểu số (minority whip) và bắt đầu đề xuất một loạt các dự luật cấp tiến dưới sự ủng hộ từ cả hai phía, trong đó có dự luật bảo vệ sản phụ khỏi sự phân biệt đối xử ở nơi làm việc và dự luật tài trợ bảo hiểm Medicaid cho các dịch vụ hộ sinh. Theo cô, việc xây dựng mối quan hệ xã hội tốt đẹp với đồng nghiệp là điều thiết yếu trong sự nghiệp chính trị của mình. “Trước đây, họ không biết đến sự tồn tại của những phụ nữ gốc Á - Thái Bình Dương như tôi ở tiểu bang Ohio,” cô nói. “Bằng cách trò chuyện và chia sẻ các trải nghiệm sống của chính mình với họ, tôi có thể thu hẹp khoảng cách này.” Maharath vốn lớn lên ở cô nhi viện. Cô cho biết, cô tranh cử là để thiết lập các chính sách giúp đỡ những cộng đồng yếu thế, những người mà từ lâu đã bị hệ thống tư bản này trục lợi và xử ép. Cô xem mình là một thành viên của nhóm này: mặc dù bản thân có bằng đại học và công việc ở JPMorgan, cô cho biết mẹ con cô vẫn phải sống trong tình cảnh thiếu trước hụt sau. Vài năm trước, sau khi trải qua cuộc chiến giành quyền nuôi con, cô đã phải nộp đơn xin phá sản. “Hoàn cảnh lớn lên của tôi không được tốt cho lắm,” cô chia sẻ. “Tôi không có của cải do thế hệ trước để lại. Tôi làm mọi thứ như xã hội dạy bảo mà vẫn chật vật với tiền mua tã cho con trai mình.” Ngoài ra, cô đẩy mạnh công tác đấu tranh cho người Mỹ gốc Á cũng vì nhiều chuyện buồn hồi năm ngoái. Tháng 8 năm rồi, 33 thành viên trong gia đình cô đã bị nhiễm Covid sau khi tham dự đám tang của một người thân. Bốn người đã qua đời. Nhằm giải quyết tình trạng bạo lực đáng báo động nhằm vào người gốc Á, Maharath đề xuất tiểu bang thành lập một Ủy ban người Mỹ gốc Á để thu thập các dữ liệu về cư dân gốc Á - Thái Bình Dương của Ohio, đồng thời hỗ trợ các tổ chức địa phương cung cấp tài nguyên văn hoá phù hợp và dịch vụ ngôn ngữ cho thành viên trong cộng đồng. (Người gốc Á chỉ chiếm 3% dân số của Ohio, là cộng đồng thiểu số duy nhất không có uỷ ban đại diện để vận động cho các nhu cầu của mình.) Maharath nói, mục tiêu trước nhất của cô là kêu gọi sự ủng hộ cho dự luật mới này. Sắp tới, dự luật sẽ được tranh luận trước Uỷ ban Giáo dục khối Tiểu học và Trung học ở Thượng viện. Cô nói, điểm mấu chốt là bên phía cô phải thuyết phục được các đồng nghiệp khác rằng trải nghiệm của người Mỹ gốc Á, ở cấp địa phương lẫn quốc gia, sẽ góp phần tạo nên “một bức tranh toàn cảnh chân thật về nước Mỹ”. “Chúng ta luôn bị xem là kẻ ngoài cuộc trong chính tiểu bang và đất nước của mình. Chính điều này đã châm ngòi các vụ tấn công và tội ác kỳ thị nhằm vào chúng ta," cô nói. “Chương trình giảng dạy sẽ đề cao những thành tựu văn hóa và kinh tế mà chúng ta đã đóng góp cho đất nước này.”


Người dịch: Phuong Anh

Biên tập: Bảo Trân & Vũ Yên

Comments


bottom of page