Translated from NBC News's article Asian elders are less happy, get less support than elders of other races, study shows By Claire Wang, on 28-03-2022, 04:30:00
Theo trưởng nhóm nghiên cứu, “Vẫn còn nhiều điều ta chưa biết về người cao tuổi trong cộng đồng chúng ta, nhưng những kết quả này cho thấy tình hình của họ không lạc quan như mọi người tưởng.”
Ngày 19 tháng 3, một ông cụ ngồi trước một quán trà sữa ở Chinatown của San Francisco. Nguồn: Wu Xiaoling/Tân Hoa Xã qua Getty Images Theo một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y học Gia đình Hoa Kỳ vào tháng 1, so với các sắc tộc khác, người gốc Á cao tuổi ở Mỹ có mức độ hài lòng với cuộc sống thấp hơn, và họ cũng ít nhận được sự hỗ trợ tinh thần hơn. Nghiên cứu này dựa trên những số liệu năm 2018 của California Health Interview Survey, chương trình khảo sát sức khỏe cấp tiểu bang lớn nhất Hoa Kỳ do bang California thực hiện. Mẫu khảo sát bao gồm gần 8,200 người ở độ tuổi 65 trở lên gốc Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam. “Chúng ta đều biết về quan niệm sai lầm phổ biến là người gốc Á có đời sống tốt hơn so với những nhóm sắc dân khác.” Riti Shimkhada - nhà nghiên cứu khoa học cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Y tế UCLA, nghiên cứu trưởng của cuộc khảo sát - chia sẻ với NBC Asian America. “Vẫn còn nhiều điều ta chưa biết về người cao tuổi trong cộng đồng chúng ta, nhưng những kết quả này cho thấy tình hình của họ không lạc quan như mọi người tưởng.” Trong số những người Mỹ gốc Á cao tuổi được phỏng vấn, chỉ có 54% cảm thấy hài lòng với cuộc sống, trong khi tới 80% người khảo sát từ những chủng tộc và sắc dân khác cảm thấy hài lòng. Tương tự, có 56% người cao tuổi gốc Á thường xuyên nhận được sự hỗ trợ xã hội và tinh thần — một con số thấp đáng kể so với 80% những nhóm khác. Mức thu nhập hoặc quy mô hộ gia đình không hề dẫn đến khác biệt đáng kể. Người cao tuổi gốc Hàn có mức độ hài lòng cuộc sống thấp nhất trong số người Mỹ gốc Á, chỉ 40%. Chưa đến 1/3 những người gốc Hàn tham gia khảo sát nhận được hỗ trợ về mặt xã hội và tinh thần, so với gần 2/3 người Trung Quốc và Philippines. DJ Ida, giám đốc điều hành của Hiệp hội Sức khỏe Tâm lý Người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương Quốc gia, cho biết có một vài yếu tố văn hóa và xã hội khiến cho tuổi già trở thành một quá trình vô cùng chật vật đối với người trong những cộng đồng thiểu số. “Nhìn chung, khi con người ta càng già thì các nhu cầu sức khỏe tâm lý cũng càng tăng,” Tiến sĩ Ida nói. Bà cũng lưu ý rằng sự kiệt quệ trong thể chất và cảm xúc, cũng như “cảm giác bất an về ý nghĩa của cuộc sống,” tất cả đều ngày một cận kề hơn với tuổi già. “Nhưng hệ thống cơ sở chăm sóc y tế của chúng ta không đủ để đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng người Á châu.” Ví dụ, theo một báo cáo của Trung tâm Tuổi già Châu Á - Thái Bình Dương Quốc gia thì hơn một nửa các cụ già người Mỹ gốc Á không thành thạo tiếng Anh, và hiếm có nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm lý nào hỗ trợ ngôn ngữ cho họ. Theo Tiến sĩ Shimkhada, giới hạn lớn nhất trong nghiên cứu này là thời gian – nhóm nghiên cứu chỉ có dữ liệu về mức hài lòng cuộc sống và hỗ trợ cảm xúc của một năm. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi những xu hướng lâu dài hoặc tầm ảnh hưởng của đại dịch. Thêm vào đó, những phân tích này không bao gồm người gốc Nam Á vì số người Nam Á tham gia nghiên cứu là qua ít. Do đại dịch, người già càng bị cô đơn và tách biệt với xã hội hơn, và điều này có thể khiến họ ít hài lòng với cuộc sống hơn. Theo một báo cáo mới của Liên đoàn người Mỹ gốc Á, 75% người châu Á lớn tuổi ở New York sợ ra khỏi nhà sau các vụ bạo lực nhằm vào người gốc Á. Tuy nhiên, Tiến sĩ Shimkhada cho biết, những vụ tấn công này cũng thôi thúc nhiều hoạt động cộng đồng chăm sóc người cao tuổi giúp quảng bá tinh thần tương trợ, điển hình như là các nhóm tuần tra tự nguyện. Các chuyên viên y tế gia đình cũng nắm vai trò chủ chốt, vì họ thường là mối liên lạc xã hội đầu tiên, hay thậm chí là duy nhất đối với nhiều người già. Tiến sĩ Shimkhada nói: “Chính sách có thể hỗ trợ cho lĩnh vực này, bằng cách đào tạo các y bác sĩ nhận biết sự lo âu và cô đơn ở bệnh nhân lớn tuổi và giúp đỡ họ.” Winnie Yu nói rằng đối với những người già phải chịu cảnh nghèo đói kéo dài, họ thường sống trong sợ hãi và lo lắng do nhiều trải nghiệm đau thương. Self-Help for the Elderly (Tạm dịch: Tự Giúp Cho Người Cao Tuổi - ND), tổ chức phi lợi nhuận do bà Yu phụ trách, chuyên cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế và xã hội cho hơn 40,000 người lớn tuổi có thu nhập thấp tại vùng vịnh San Francisco.
Nhằm đáp ứng những nhu cầu quan hệ xã hội trong mùa dịch, Self-Help for the Elderly đã tài trợ cho một loạt các hoạt động gặp gỡ qua mạng lẫn trực tiếp, bao gồm nhiều buổi hội thảo dạy yoga, dinh dưỡng, hướng dẫn phương pháp điều tiết căng thẳng, cũng như các lớp dạy lịch sử và máy tính. Kết quả của nghiên cứu trùng với những gì bà Yu quan sát được trong cộng đồng của mình, nhưng bà cũng e rằng những số liệu thu được là quá thấp so với thực tế vì văn hóa người Á châu thường có thành kiến với việc chia sẻ và tìm kiếm hỗ trợ cho bệnh tâm lý. “Tôi sợ là rất nhiều người già đang phải âm thầm chịu đựng," bà Yu nói. “Họ nghĩ họ có thể tự mình lo liệu và sẽ làm mọi cách thay vì tìm người giúp đỡ.”
Người dịch: Vũ Yên
Biên tập: Ren Dinh
Comments