top of page

Nghiên cứu về các thuyết âm mưu bằng lòng trắc ẩn

Translated from Nature's article Study conspiracy theories with compassion

By Elżbieta Drążkiewicz, on 28-03-2022, 13:00:00

Những nhân tố xã hội đẩy con người vào những hệ thống niềm tin quan trọng hơn là tin vào những thứ cụ thể. Năm 2019, một đồng nghiệp cấp cao của tôi có cảnh báo rằng nghiên cứu của tôi tập trung vào một phân khúc rất hạn hẹp thuộc một chủ đề khá phù phiếm: các thuyết âm mưu liên quan đến sự do dự trong việc tiêm vaccine của các bậc cha mẹ ở Ireland. Phân khúc nghiên cứu của tôi không còn phù hợp nữa. Với mong muốn chấm dứt đại dịch và khuyến khích được mọi người tiêm chủng cũng như tham gia vào các hành vi nâng cao sức khỏe khác, nhiều nhà nghiên cứu mới tiếp cận với chủ đề này đang muốn biết cách tốt nhất để 'đối đầu' hoặc 'chống lại' các thuyết âm mưu và cách đặc tả những người e ngại với công nghệ y tế. Nhưng hàng thập niên qua, lĩnh vực tôi đang làm việc đã nỗ lực chống lại khuynh hướng bệnh hóa việc một cá nhân lỡ tin vào thuyết âm mưu. Dù những nhà nghiên cứu có đang cố hiểu các quan niệm khác nhau xoay quanh việc tiêm vaccine hoặc các giả thiết về NATO, Nga và các phòng thí nghiệm vũ khí sinh học hay không, thì những cách nhìn nhận đó giới hạn những gì chúng ta có thể học hỏi được. Các thuyết âm mưu thiên về các giá trị hơn là về thông tin. Việc bóc trần những tuyên bố sai trái đôi khi có tác dụng, nhưng không giúp gì nhiều trong việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ của chúng. Khi các điều tra viên chỉ hỏi các câu hỏi đơn thuần về mặt kiến thức, họ thường chỉ thấy “sự thờ ơ” là gốc rễ của vấn đề. Tôi xin nói rõ: Tôi không hề nói rằng các thuyết âm mưu vô hại. Chính vì chúng rất nguy hiểm nên điều quan trọng là phải hiểu được nguyên nhân gốc rễ của chúng. Nghiên cứu về cá nhân và suy nghĩ của họ là chưa đủ: chúng ta phải xem xét các cấu trúc xã hội và bối cảnh văn hóa và lịch sử đã tạo ra và tuyên truyền các thuyết âm mưu. Đầu tiên, một số điều cơ bản. Các thuyết âm mưu không tự nhiên tồn tại. Chúng khuếch đại những nỗi sợ hãi và quan niệm hiện có về vị trí của con người trên thế giới. Các nhà nghiên cứu nên cân nhắc về hậu quả của việc ủng hộ những giả thiết liên quan đến nỗi lo sợ về sự đấu tranh quyền lực toàn cầu, về sự tiến bộ khoa học, về sự phẫn nộ về những hiện trạng hoặc những thay đổi trong xã hội. Sẽ chẳng có tác dụng gì nếu chỉ đơn giản nói rằng, "Chỉ những người cảm thấy bất lực mới chấp nhận các thuyết âm mưu." Các nhà nghiên cứu phải tìm hiểu tại sao mọi người lại cảm thấy như vậy. Thông thường, đó là do bị ngược đãi từ người khác hoặc thể chế hiện hành. Những phụ nữ từng trải qua chế độ sinh sản áp bức, chẳng hạn như ở Romania dưới chế độ Nicolae Ceauşescu, thường từ chối tiêm chủng. Những người chịu đi tiêm chủng nói chung không phải vì họ hiểu biết về miễn dịch học, mà vì niềm tin vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe và khả năng tiếp cận đến các cơ sở đó.

Trong những tháng đầu tiên của đại dịch, tôi đã làm việc với nhà nhân chủng học Elisa Sobo tại Đại học Bang San Diego ở California để phân tích các bài đăng trên mạng xã hội liên quan đến thuyết âm mưu COVID-19 ở ba quốc gia (E. J. Sobo và E. Drążkiewicz trong Tải lượng virus (L. Manderson và cộng sự) Ch. 4; UCL Press, 2021). Mặc dù các thuyết nhìn chung có vẻ giống nhau (là "chính phủ đang che giấu sự thật về căn bệnh"), nguổn gốc văn hóa dẫn dắt đến hình thành các thuyết này lại khác nhau. Tại Hoa Kỳ, những trò lừa bịp âm mưu được mặc định như một cuộc tấn công vào sự thịnh vượng đang có sẵn. Ở Ba Lan, họ lo ngại rằng nhà nước đang che giấu những thất bại của mình. Tại Ireland, bài diễn văn xoay quanh nỗi sợ hãi gắn liền với ký ức thời hậu thuộc địa về sự cai trị của người Anh và sự nghi ngờ về ảnh hưởng của nước ngoài. Để có được sức hút, các thuyết âm mưu phải cộng hưởng với lịch sử bản địa. Để chống lại các thuyết âm mưu y tế, các tổ chức phải nhận thức được những lịch sử này và sẵn sàng đưa chúng (không chỉ sự kiện y tế) vào các chiến dịch. Không có một lời giải thích chung chung hoặc “một chiến lược kì diệu” nào mà có thể chống lại các thuyết âm mưu. Đây là một ví dụ từ nghiên cứu của tôi ở Ireland (E. Drążkiewicz Grodzicka J. Cult. Res. 25, 69–87; 2021). Trong nhiều thập kỷ, nhà nước và nhà thờ điều hành các tổ chức ‘từ thiện’ nuôi những ‘phụ nữ sa ngã’ mang thai ngoài hôn nhân. Tuy nhiên, những phụ nữ này bị cưỡng bức lao động, nhận con nuôi bất hợp pháp và đôi khi là vướng vào các vụ nghiên cứu lâm sàng phi pháp. Những tổ chức như “Tiệm giặt ủi Magdalene” và những nơi tương tự đại diện cho những vụ bê bối về phúc lợi. Vì các tai tiếng đó, người dân dễ tin vào những lời đồn đại rằng các chương trình ngăn ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục bằng vaccine HPV do chính phủ thực hiện “có âm mưu gây hại”. Tỷ lệ tiêm phòng HPV thấp của Ireland là do sự thiếu hụt về niềm tin chứ không phải kiến thức, và vì vậy giải pháp không phải là bóc trần những tin đồn cụ thể mà là làm cho các dịch vụ y tế đáng tin cậy hơn. Ireland đã thực hiện một chiến dịch "Bảo vệ tương lai của chúng ta" nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của thông tin đáng tin cậy, nhưng mục tiêu cuối cùng của chiến dịch này là thuyết phục mọi người rằng chính phủ không có gì phải che giấu và động lực chính của các bác sĩ là nghĩa vụ chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Tỷ lệ tiêm chủng đã tăng từ 56% trong năm 2016–17 lên 76% trong năm 2019–20. Theo quan điểm của tôi, một khuynh hướng phản tác dụng khác là tạo ra một hồ sơ về ‘những người’ có liên quan đến các thuyết âm mưu, nêu lên những đặc điểm khiến họ trở nên khác biệt. Điều này một phần là do ảnh hưởng của cách chọn mẫu nghiên cứu, những người bị thu hút bởi những câu chuyện tuyệt vời về các vụ bắt cóc người ngoài hành tinh chứ không phải là những niềm tin chính đáng hơn như các vụ bê bối tham nhũng. Nhưng phần lớn định kiến ‘ta so với họ’ này liên quan đến động cơ của các nhà nghiên cứu. Nhiều người, bao gồm cả bản thân tôi, muốn bảo vệ nền dân chủ và khoa học, vì vậy chúng ta thường xem những người theo thuyết âm mưu là mối đe dọa hay kẻ thù. Nhưng điều đó làm chệch hướng sự chú ý của các nhà nghiên cứu đối với các cá nhân và niềm tin của họ, đồng thời ngăn nhà nghiên cứu nhìn vào các hệ thống đẩy mọi người đến vòng tròn âm mưu. Tôi hiểu và có cùng nỗi lo ngại rằng cách tiếp cận thấu hiểu hơn sẽ mang lại rủi ro. Tôi từng bị cho là đã làm nhiều người biết đến những quan điểm mà tốt hơn hết nên bị bác bỏ. Nhưng điều quan trọng là phải xem xét các nhân tố làm cho các thuyết âm mưu trở nên hấp dẫn. Việc tập trung vào những khiếm khuyết trong nhận thức của các cá nhân sẽ làm chuyển hướng sự chú ý khỏi thực tế xã hội - sự luân chuyển, xa lánh, đàn áp - khiến những lý thuyết sai lầm tiếp tục có tầm ảnh hưởng.


Người dịch: Pham Khanh Linh & Ha Do Thanh

Biên tập: Ha Do Thanh

bottom of page