top of page

‘Người Da Màu’ không thuộc về Đảng Dân chủ

Translated from The New York Times article ‘People of Color’ Do Not Belong to the Democratic Party


Đã đến lúc phải nhìn nhận cử tri theo đúng cách mà họ nhìn nhận chính mình.


Jay Caspian Kang, ngày 20 tháng 11, 2020

Đông Harlem năm 2016. Đa phần cư dân ở đây không phải người da trắng, nhưng họ có lẽ cũng không coi mình là “người da màu.” Joseph Michael Lopez


Mỗi người nhập cư đều mang trên mình một món nợ ngầm khi đặt chân đến mảnh đất này. Quốc gia này đã tử tế chấp nhận bạn, trao cho bạn hàng tá quyền và để cho bạn một mình để làm giàu kiếm sống. Dù cho phe tả và hữu có bất đồng về số người được phép nhập cư hay cách tiếp đãi họ , tựu chung cả hai bên đều mong muốn được đền đáp xứng đáng cho thiện chí của mình.

Họ đều đồng ý rằng nước Mỹ là nơi bạn có thể đảm bảo một chỗ đứng vững vàng nếu bạn làm việc chăm chỉ khi có cơ hộ. Đổi lại,, dù bạn ủng hộ vô điều kiện những lý tưởng của Mỹ hay ý thức được rằng có những người với đầu óc cởi mở và hào phóng đã kiên trì đấu tranh chống lại phân biệt chủng tộc và bài ngoại, họ vẫn đòi hỏi lòng trung thành, của bạn, một người nhập cư bị áp bức, và đừng bao giờ được quên những người bảo vệ quyền tự do theo đuổi giấc mơ Mỹ của bạn.

Sau cuộc bầu cử, đang có nhiều kêu gọi ngừng đối xử với những người Mỹ La-tinh, và hẹp hơn là cộng đồng người Mỹ gốc Á, như một khối đồng nhất. Nhận thức này mặc dù hơi trễ nhưng hoàn toàn cần thiết. Cơ bản là người Mỹ gốc Cuba ở Nam Florida có rất ít điểm giống với cộng đồng ngư dân gốc Guatemala ở New Bedford, Massachusett - những người này cũng không tự nhận mình là thế hệ thứ năm của những người Texas sống dọc Thung lũng Rio Grande.

Tương tự, những người Việt Nam tị nạn cũ ở Quận Cam, California, sẽ có mức độ nhạy cảm khác với các cáo buộc “Chủ nghĩa Cộng sản” với nhóm nhập cư thế hệ thứ hai Mỹ gốc Ấn có trình độ đại học của Ivy League, sống ở ngoại ô Los Angeles. Dù cho hình ảnh tổng quát về cử tri vẫn chưa rõ ràng, người ta cũng không quá ngạc nhiên khi có vài cộng đồng phớt lờ hay thậm chí tôn sùng sự bài ngoại của chính quyền Trump trong khi những nhóm khác lại cảm thấy ghê tởm vì nó đi ngược lại với lợi ích cụ thể của họ. Điều này nên được coi là khá hiển nhiên - những người khác nhau từ các nơi khác nhau trên thế giới có những suy nghĩ khác nhau, nhất là qua nhiều thế hệ - nhưng tựu chung lại thì ý tưởng về món nợ nhóm nhập cư Mỹ mang trên lưng có thể san bằng khác biệt và được xếp vào một số nhóm cố định. Những tiêu chí này có thể giúp sắp xếp dữ liệu, nhưng chưa thực sự giúp tóm tắt được ý nghĩa sâu xa vì sao họ lại bỏ phiếu như vậy.

Đây chính là lý do vì sao nhóm cánh hữu chẳng thể hiểu nổi vì sao những cặn bã trong xã hội của các nước “nhược tiểu” lại có thể phàn nàn về nước Mỹ. Cũng giống như nhóm cấp tiến, những người dựng biển “Người nhập cư được chào đón ở đây” trong quán của họ, trân trọng những tinh hoa của ẩm thực nước ngoài, không thể hiểu vì sao những kẻ ngoại lai kia lại có thể bỏ phiếu chống lại những người bảo vệ họ. Tất cả đều mang chung một món nợ đó.

Kabab Kinh tại Diversity Plaza, vùng dân cư Jackson Heights thuộc Queens hôm thứ Năm. Với khoảng phần ba số phiếu bầu còn lại cần kiểm đếm, có vẻ như Joe Biden không được nhiều phiếu bằng Hillary Clinton. Joseph Michael Lopez/ New York Times. Cuộc bầu cử năm 2020 hứa hẹn sẽ thức tỉnh mọi người khỏi những phân nhóm sai lầm. Các cuộc khảo sát tiền bầu cử và hậu bầu cử cho thấy sự chuyển hướng phân hóa rõ nét dù mang tính địa phương, thiên về Đảng Cộng hòa trong các nhóm nhập cư, đặc biệt là ở Nam Florida và Thung lũng Rio Grande; nhóm cử tri gốc Á cũng có xu hướng thiên hữu. Dù cho số liệu vẫn còn sơ khai, lộn xộn và khó để có thể khái quát ở thời điểm hiện tại, đặc biệt là với số lượng chưa từng có cử tri bầu qua thư, có vẻ như không có bằng chứng cho thấy những chính sách nhập cư khắc nghiệt của Tổng thống Trump cùng với việc nhấn mạnh lặp đi lặp lại “virus Trung Quốc” (China virus) thúc đẩy một làn sóng xanh.

Dù các kết quả khảo sát trên được thu thập sớm trước bầu cử, , nhận định sự hướng hữu của dân nhập cư làm cho Đảng Dân chủ choáng váng và dẫn đến câu hỏi là họ cần phải làm gì để giải quyết vấn đề đó. 65% người La-tinh và 61% người Mỹ gốc Á bầu cho ông Joe Biden, nhưng đảng này cũng không thể để tuột mất họ. Cách dễ nhất và có lẽ có hợp lý nhất là tách nhỏ nhóm “La-tinh” và “gốc Á” - và ngừng đối xử với họ như thể là một cộng đồng hợp nhất với cách bỏ phiếu có thể được giải thích qua các cuộc khảo sát bình thường và có thể được tiếp cận qua thông điệp tổng quát của Đảng Dân chủ.

Đây có vẻ như là bước đầu thận trọng và cần thiết đã được dùng ở một vài cuộc bầu cử địa phương và tiểu bang. Một đầu báo gần đây của New Yorker của Hua Hsu giải thích năm 2018 Gil Cisneros - ứng cử viên Đảng Dân chủ người La-tinh cạnh tranh với ứng cử viên Đảng Cộng hòa gốc Hàn Young Kim, trong cuộc đua vào Quốc hội của một khu vực ở California có dân số chia đều trong các nhóm da Trắng, La-tinh và gốc Á - đã dùng chiến dịch kỹ thuật số nhắm vào nhóm dân nhập cư qua các ứng dụng truyền thông xã hội họ sử dụng. Trong khi nhóm cử tri gốc Hoa được tiếp cận qua WeChat, phương tiện chủ đạo mà cộng đồng này dùng để giao tiếp, thì nhóm cử tri gốc Hàn được tiếp cận qua KakaoTalk, ứng dụng phổ biến để kết nối với những người thân ở quê nhà.

Ông Cisneros không trau chuốt thông điệp riêng biệt cho mỗi nhóm - chỉ đơn giản là dùng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mỗi cộng đồng ở các ứng dụng khác nhau đã giúp ông thắng cử với cách biệt 3 điểm. (Có lẽ một bằng chứng cho thấy xu hướng thiên hữu trong lá phiếu của dân nhập cư đó là năm nay trong cuộc tái bầu cử, Bà Kim đã đánh bại Ông Cisneros với kết quả sát sao.)


Khách du lịch tại nhà ga 103 St-Corona Plaza hôm thứ Năm. Có lẽ Đảng Dân chủ đã sai khi tin rằng cộng đồng La-tinh và gốc Á sẽ tự động bỏ phiếu cho họ. Joseph Michael Lopes/ The New York Times.

Một phần thành công của Đảng Cộng hòa tại Nam Florida và Nam Texas cũng có thể quy cho cách tiếp cận tách biệt này. Những thông điệp hung hăng chống cộng bằng tiếng Tây Ban Nha trên đài radio cũng như những chiến dịch nhiễu thông tin qua mạng xã hội đã được thổi lên ở Nam Florida hàng tuần trước cuộc bầu cử. Chúng không chỉ nhắm đến nhóm người Mỹ gốc Cuba có lịch sử thiên hữu, mà hiện tại còn đặc biệt nhắm đến nhóm gốc NicaraguaVenezuela. Theo lời Chuck Rocha, chiến lược gia giúp Thượng nghị sĩ Bernie Sanders chiếm được cảm tình nhóm cử tri gốc La-tinh trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ, những nỗ lực trên sẽ không bao giờ có hiệu quả nếu thực hiện bởi phe Dân chủ.

Greg Abbott, thống đốc đương nhiệm của Đảng Cộng hòa Texas, đã tích cực lôi kéo nhóm cử tri gốc Mexico tại Rio Grande từ 2014 và còn thiết lập cơ sở hạ tầng của các nhóm cộng đồng chuyển hóa thành “Đoàn Tàu Trump” - những đoàn xe tải chạy qua các hạt Dân chủ lâu đời và chào đón những người đổi đảng trên đường đi.

Ngược lại, chiến dịch của ông Biden chỉ có những nỗ lực sơ sài và chậm trễ ở Nam Texas và hoàn toàn thất bại để tiếp cận cử tri ở Nam Florida. Dù nêu ra lý do chính xác tại sao điều này lại xảy ra hay ảnh hưởng chính xác có thể xảy ra ở các cuộc thăm dò thì hơi thừa , nhưng sự chuyển hướng về Đảng Cộng hòa cùng giúp mang lại chiến thắng cho ông Trump ở cả hai bang này.

Tôi chắc chắn trong tương lai phe Dân chủ sẽ cố gắng hết mình để giải quyết sự chuyển hướng nàyở cấp địa phương và quốc gia. Tuy nhiên, nếu họ vẫn tin rằng nhóm La-tinh, nhóm dân số bỏ phiếu lớn thứ hai trong cuộc bầu cử này, và cộng đồng Mỹ gốc Á, nhóm phát triển nhanh nhất trong nước, sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ bởi họ quan tâm sâu sắc đến vấn đề phân biệt sắc tộc và tin tưởng mù quáng vào phe cánh tả, Đảng này sẽ tiếp tục đánh giá sai lầm về sự phức tạp của hai nhóm này vì họ chủ yếu không cho rằng mình là “người La-tinh” hay “người Mỹ gốc Á.”

Theo Zhou Ming, một lao động nhập cư làm nghề chuyển phát ở thành phố New York, cụm “người Mỹ gốc Á” chẳng có nghĩa lý gì với anh ấy. Aaron Cheung/ The New York TimesViệc phân tách và nhắm cụ thể vào từng nhóm chắc chắn sẽ vẽ nên một bức tranh rõ ràng hơn cho phe Dân chủ, nhưng cũng chưa rõ là điều này có đồng nghĩa với việc đảng nên tự động chuyển sang thực hiện các chiến dịch nhỏ nhắm đến từng đối tượng cụ thể và những nguyện vọng của họ. Công cụ chẩn đoán không phải lúc nào cũng là công cụ giải quyết vấn đề.

Năm nay, tôi đã thực hiện nhiều cuộc đối thoại - thông qua người phiên dịch - với ông Zhou Ming, nhân viên giao hàng ở thành phố New York, người di cư từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ để mở một doanh nghiệp nhỏ. Việc không thành, và ông bước chân vào một ngành sẵn sàng nhận một nhân viên 54 tuổi không có chút vốn tiếng Anh. Như nhiều người nhập cư khác, ông Zhou đặt chân lên đất Mỹ mà gần như không có chút khái niệm nào về những mối quan hệ sắc tộc ở đất nước này - ông hiểu đại khái rằng người Da Đen bị đối xử tồi tệ và cho rằng người Mỹ gốc Hoa sẽ đoàn kết và hỗ trợ đùm bọc vì lợi ích của nhau.

Hiểu biết của ông về xứ sở mới của mình hoàn toàn là từ truyền hình và mạng xã hội tiếng Trung - đi làm về, ông leo lên giường và nghe các bản dịch về những gì đang diễn ra xung quanh mình qua điện thoại. Ông biết rằng ông Trump đang reo rắc tư tưởng bài Trung xoay quanh coronavirus, nhưng ông hầu như không biết đến các chiến dịch chống phân biệt chủng tộc nổi lên sau đó, bởi lẽ phần lớn các chiến dịch này là bằng tiếng Anh và hướng đến những người Mỹ gốc Á vốn đang có vị trí khá vững chắc trong nước. Thực tế thì cụm từ “người Mỹ gốc Á” không có ý nghĩa gì với ông. Nếu chính người Hoa ở Mỹ còn không hành động được cùng nhau như một thể thống nhất thì có hy vọng gì cho “người gốc Á?”

Trong đợt biểu tình vì George Floyd tại New York, ông Zhou, cũng như nhiều người làm nghề giao hàng khác, hứng chịu lệnh giới nghiêm toàn thành phố ban hành bởi chính quyền Thị trưởng de Blasio. Ông đã xem video về cái chết của George Floyd và nhận thấy đó là bất công, nhưng không thấy có lý do gì để cầm bảng hiệu đi biểu tình. Ông Floyd dù sao cũng không phải người Hoa.

Ông Zhou cũng có những lần gặp rắc rối với cảnh sát, nhưng ông không cho rằng vấn đề của nhân viên giao hàng có liên hệ gì với chuyện xảy ra với ông George Floyd. Ông nói cuộc biểu tình rất truyền cảm hứng, đặc biệt là ngưỡng mộ cách mà người Da Đen cùng xuống đường biểu tình chống sự bất công đối với những người anh em của họ, nhưng ông không thấy điều này có can hệ gì tới mình. Cuộc tranh đấu của họ không phải là của ông, và ông chẳng mấy quan tâm đến các thông điệp từ phe Dân chủ về cảnh sát và bài trừ phân biệt, không những bởi ông không được tiếp xúc qua truyền thông tiếng Trung, mà còn bởi ông không cảm thấy quan hệ gần gũi máu mủ gì với những người anh em thiểu số, hay da màu, hay bất cứ cách phân loại nào nhằm gộp chung lợi ích của người Hoa và người Da Đen.

Ai có góc nhìn thực tế sẽ nhìn vào người mới nhập cư như ông Zhou và kết luận rằng không có cách nào để tranh thủ một người không cảm thấy gắn bó với quốc gia này và không coi số phận mình phụ thuộc vào nước Mỹ. Tuy nhiên, cách nhìn này cũng có vấn đề: Quan điểm của ông Zhou là khá phổ biến với người nhập cư thế hệ đầu, và mặc dù nhiều người chọn tư tưởng phi chính trị, gần đây đã có những nỗ lực nhằm vận động những người như ông, dù là qua phong trào bài trừ affirmative action (tạm dịch: chính sách nâng đỡ) đang rộ lên trên mạng xã hội Trung Quốc, hay qua các phong trào địa phương và tổ chức lao động.

Có bằng chứng cho thấy những nỗ lực này đang mang lại hiệu quả: Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ bầu cử của người Mỹ gốc Ágốc Mỹ Latinh tăng lên trong đợt bầu cử năm nay. Ông Zhou thậm chí cũng bắt đầu tham gia hoạt động chính trị trong thời gian ở Mỹ. Năm 2018, ông tham gia một buổi đại hội, gặp gỡ các nhà tổ chức người gốc Hoa và biểu tình kế bên những người nhập cư Da Đen và gốc Mỹ Latinh làm nghề giao hàng để phản đối chính quyền de Blasio cấm xe đạp điện.

Với sự hoài nghi vốn có, ông Zhou nói trào lưu đa sắc tộc này được thúc đẩy hoàn toàn bởi lợi ích riêng - nếu những người nhập cư Mỹ Latinh và Da Đen không phải chịu hậu quả của dự luật cấm này, ông cho rằng họ sẽ chẳng thèm tới các buổi vận động tổ chức bởi nhân công gốc Hoa.


Một cuộc biểu tình Black Lives Matter ở Brooklyn vào tháng Sáu năm 2020. Tương lai của Đảng Dân chủ phải được xây dựng trên sự đoàn kết đến từ lợi ích chung.

Jamel Toppin

Nhưng họ đã ở có mặt ở đó. Nếu Đảng Dân chủ muốn chia tách rõ rệt các nhóm người nhập cư, họ sẽ phải nhìn nhận thẳng thắn về quan hệ giữa các nhóm này và đưa ra một thông điệp chung nhắm đến các mối lợi ích chung. Thông điệp chung chung về bài trừ phân biệt chủng tộc hay chống phân biệt đối xử sẽ không hiệu quả với những người cho rằng mình nằm ngoài hệ thứ bậc sắc tộc ở Mỹ, hoặc thậm chí cho rằng lợi ích của mình gần gũi hơn với cử tri trung lưu da trắng.

Câu trả lời có thể đến từ việc từ bỏ hẳn những khái niệm “người Mỹ gốc Á” hay “người gốc Mỹ Latinh” và thay vào đó chỉ là “người nhập cư.” Trước đây, những thông điệp bài trừ phân biệt chủng thường nhắm vào các nhóm người như người gốc Á, gốc Mỹ Latinh hay cụm từ bao trùm “người da màu.” Những cách gọi trên đều chỉ là những khái niệm xa rời với thực tiễn cuộc sống hàng ngày của người nhập cư. Chú tôi đã sống tại Los Angeles 40 năm qua, mà có lẽ mới đây mới nhận thức sơ qua rằng ông là người “gốc Á,” nhưng ông cười vào cái khái niệm “người da màu.” Sự tiếp xúc giữa ông và những “người da màu” anh em khác hầu như đều là trong những căn bếp nơi ông làm đầu bếp chánh và nói một thứ tiếng lai giữa tiếng Hàn và Tây Ban Nha với những người đồng nghiệp gốc Mỹ Latinh.

“Mỉa mai thay,” chiến lược gia chính trị David Shor gần đây phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, “Đảng Cộng hòa đang thật sự xây dựng được liên minh đa sắc tộc trong tầng lớp lao động mà cánh tả vẫn hằng mơ mộng tới.” Là một người nhiều năm làm việc trong các khu người nhập cư, tôi có chung mối lo ngại với ông Shor. Thông điệp của Đảng Cộng hòa là sự lao động chăm chỉ, chủ nghĩa tư bản và tự do hợp lý hơn với phần lớn người nhập cư - trên thực tế, đây là lý do nhiều người trong số họ, bao gồm cả ông chú tôi và những đồng nghiệp làm bếp, quyết tâm bám trụ ở đất nước này.

Đảng Dân chủ cần tận dụng một nền tảng rộng rãi tương tự và nhấn mạnh vào nhu cầu của người lao động nhập cư như chăm sóc y tế, giáo dục tốt và các chương trình phổ cập. Nếu phe Dân chủ muốn tiếp tục giành thắng lợi ở các tiểu bang đông dân nhập cư, mà nay bao gồm cả những bang chiến trường như Georgia, North Carolina và Arizona, họ phải đưa ra được một thông điệp thống nhất và cao cả hơn so với “phe bên kia phân biệt chủng tộc.” Nếu thông điệp kiểu này không thành công sau đợt cấm cửa người Hồi giáo, “virus Tàu” và sự đối xử phi nhân đạo đối với những gia đình ở biên giới, thì còn mong đợi gì ở nó trong tương lai?


Khu Hoa kiều ở thành phố New York hôm thứ Năm. Aaron Cheung

Nếu khái niệm “người da màu” nghe có vẻ trống rỗng hoặc thậm chí tối nghĩa, người nhập cư ở mọi thế hệ ít nhất đều có chung trải nghiệm xây dựng cuộc sống ở một đất nước xa lạ. Nói cách khác, họ phải tách biệt ra rồi tổ chức lại thành một phong trào lớn hơn và có thể được bồi đắp lên từ những tổ chức tương đồng đang tồn tại ở địa phương, ví như các tổ chức nảy nở sau chiến dịch tranh cử của ông Bernie Sanders tại Nevada hay các công đoàn cho người lao động nhập cư ở khắp New York và California, và xây dựng tinh thần đoàn kết, không quan trọng gốc gác, quốc tịch hay những định nghĩa nhóm mơ hồ, mà tập trung vào những trải nghiệm mà người lao động nhập cư cùng sẻ chia ở Hoa Kỳ và cả ở quê hương.

Những thông điệp nhắm đến các nhóm này hướng quá nhiều tới những hậu duệ đời thứ hai, thứ ba của người nhập cư vốn đang trên đà đi lên và quan tâm nhiều hơn tới mức độ đại diện ở các tổ chức hàng đầu. Nếu phe Dân chủ muốn phá bỏ hình ảnh “chủ nghĩa xã hội,” điều sẽ đặc biệt hiệu quả đối với người di cư từ i các nước cộng sản hay chủ nghĩa xã hội, họ sẽ phải quên đi suy nghĩ rằng một người nhập cư bước chân vào nước Mỹ sẽ lo nghĩ ngay đến những việc như có bao nhiêu diễn viên gốc Á hay Mỹ Latinh xuất hiện trong bộ phim chuyển thể truyện tranh mới nhất.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là Đảng Dân chủ phải từ bỏ hoàn toàn thông điệp bài trừ phân biệt chủng tộc. Một phần của nỗ lực này là việc phân biệt rõ ràng nhu cầu thực sự của người Da Đen và người nhập cư gốc Á và Mỹ Latin; điều này sẽ chấm dứt sự lẫn lộn rắc rối và nguy hại giữa hai nhóm với những lợi ích và hành động nhiều khi đối nghịch nhau.

Chúng ta cũng không nên nghiêng hẳn về hướng bỏ qua hoàn toàn mọi sự khác biệt. Phần nào đó bên trong mỗi người nhập cư vẫn còn gắn bó với quê hương, qua ngôn ngữ, đồ ăn và văn hóa. Hướng đi tốt nhất lúc này là xây dựng một khối liên minh có ý nghĩa, không chỉ cho người nhập cư mà còn liên quan tới những mối quan hệ giữa họ với tầng lớp lao động Da Trắng và Da Đen.

Chiến lược như vậy sẽ cần đến những người nhập cư thế hệ thứ hai có chí hướng- những người gần như chắc chắn sẽ mang trọng trách lan truyền thông điệp này ra công chúng - làm một việc mà tưởng chừng như nghịch lý và mâu thuẫn. Nhưng chúng ta phải bãi bỏ kiểu chính trị chung chung về sự đa dạng mà trước nay vẫn quy ta về cái gọi là “người da màu.” Phân loại nhóm kiểu này có lẽ sẽ giúp ta hiểu định hướng trong giới học thuật và nơi công sở, nhưng nó chỉ có ý nghĩa với một bộ phận nhỏ và tương đối khá giả trong cộng đồng chúng ta.

Cố sử gia Noel Ignatiev lý luận rằng nạn phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ chỉ có thể được giải quyết khi người da trắng phản bội lại chính chủng tộc da trắng - khi họ nhận ra rằng kẻ phản diện trong cuộc đời họ không phải người Da Đen, mà chính là giới thượng lưu lợi dụng phân biệt chủng tộc để chia tách người lao động theo lợi ích nhóm.

Tương tự với ý tưởng đó, những người trong chúng ta đang hòa nhập vào tầng lớp lao động trí óc cần phải phản bội lại “người da màu” và góp phần xây dựng khối liên minh tầng lớp lao động nhập cư, từ người thợ gốc Guatemala trong xưởng cá và anh lái taxi người Bangladesh cho đến những người phục vụ quán gốc Hoa và Việt và những người nông dân gốc Mexico.

Nếu không làm vậy vì tương lai của Đảng Dân chủ, chúng ta cũng nên làm vậy vì chính mình. Sau đó có lẽ ta sẽ thật sự cảm thấy như một phần của một phong trào rộng lớn và đa sắc tộc, không ngần ngại lên tiếng vì lợi ích của gia đình mình.


The Bronx vào tháng Tư. Joseph Michael Lopez


Khu Tây Bắc vào tháng Tư. Joseph Michael Lopez


Người dịch: Duong Nguyen, Tom Nguyen

Biên tập: Paul Nguyen

Comments


bottom of page