top of page

Người lao động da Đen bị hành hạ bởi đại dịch và bị bỏ rơi khi kinh tế hồi phục

Có thể thấy, sự bất bình đẳng có cơ cấu của thị trường lao động Mỹ, cũng như sự phân biệt đối xử trong quá trình tuyển dụng đã ít nhiều khiến cho người lao động da Đen và gốc Mỹ Latin gặp không ít chướng ngại để thăng tiến khỏi những công việc thu nhập thấp.


By Megan Cassella, on 23-03-2021, 14:00:00

Có thể thấy, sự bất bình đẳng có cơ cấu của thị trường lao động Mỹ, cũng như sự phân biệt đối xử trong quá trình tuyển dụng đã ít nhiều khiến cho người lao động da Đen và gốc Mỹ Latin gặp không ít chướng ngại để thăng tiến khỏi những công việc thu nhập thấp. Người Mỹ da Đen, một trong những nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt sa thải mùa dịch, giờ đây lại hồi phục với tốc độ chậm chạp nhất; điều này như hai cú đấm liên tiếp khiến cho chênh lệch thu nhập và khoảng cách giàu - nghèo vốn dĩ đã rất lớn của nước Mỹ có nguy cơ ngày càng tồi tệ hơn ngay cả khi đại dịch đã chấm dứt một thời gian dài. Khi các doanh nghiệp bắt đầu ngừng hoạt động vào mùa xuân vừa rồi, dù công nhân gốc Mỹ Latin là nhóm lập tức chịu cảnh thất nghiệp rõ rệt nhất, nhưng số liệu chính phủ và các phân tích kinh tế cho thấy người da Đen quay lại công việc trước dịch bệnh chậm nhất, ngay cả khi nền kinh tế được dự đoán sẽ hồi phục vững chắc. Khi tỉ lệ thất nghiệp tổng thể đi xuống, công nhân da Đen là nhóm duy nhất có tỉ lệ thất nghiệp gia tăng (+0.7%). Số người Mỹ da Đen có công ăn việc làm cũng đã giảm trong tháng qua, trong khi số liệu của những chủng tộc và sắc dân khác tiếp tục tăng. Năm vừa qua, người Mỹ da trắng, gốc Á, và Mỹ Latin đã khôi phục được khoảng hai phần ba số công việc họ có trước đại dịch, xét theo phần dân số đi làm của mỗi nhóm. Đây là một thước đo quan trọng của lao động và thất nghiệp, còn được biết đến là “tỷ lệ lao động trên tổng dân số" (employment-population ratio). Người lao động da Đen chỉ lấy lại được chừng hơn nửa số việc làm trước đó. Dữ liệu trên đã dấy lên nỗi lo âu rằng kinh tế sẽ không được khôi phục đồng đều, một mối tương quan không những làm cho chênh lệch thu nhập và của cải thêm trầm trọng, mà còn trì hoãn khôi phục toàn dụng lao động. Khuynh hướng này gợi nhớ tới Đại Suy Thoái (2007-2008), khi lao động da Đen cũng chứng kiến sự suy sụp nặng nề hơn và tốc độ khôi phục chậm hơn. Lần này thì các nhà hoạch định chính sách dưới chính quyền Biden cũng như trong Quốc hội đã không bỏ sót điều đó. “Chúng tôi đang cố gắng để bảo đảm lần này sẽ không như những lần khôi phục kinh tế trước đó,” theo phát biểu của phó thủ lĩnh phe đa số trong Hạ viện Jim Clyburn (Dân Chủ - South Carolina), nhà lập pháp người da Đen lão làng nhất trong Quốc hội và cũng là chủ tịch Tiểu ban Đặc biệt về Khủng hoảng Coronavirus (Select Subcommittee on the Coronavirus Crisis). “[Những lần trước là] từ từ với mọi người, và chậm như sên với cộng đồng người da Đen và da màu." Người lao động da Đen phải đương đầu với vô số chướng ngại, tuy một số trong đó chỉ xuất hiện do suy thoái coronavirus, nhưng còn lại là kết quả của sự bất bình đẳng có cơ cấu mà từ lâu đã góp phần vào mức độ thất nghiệp cao ngất ngưỡng của người da Đen - thông thường gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp của lao động da trắng thậm chí cả khi kinh tế thịnh vượng. Một lý do nữa là: đa số các ngành công nghiệp với đông đảo lao động da Đen không hồi phục nhanh bằng các ngành khác khi kinh tế mở cửa lại - hay thậm chí là tiếp tục tụt lại. Chính quyền tiểu bang và địa phương từ lâu đã là nguồn tuyển dụng lao động người Mỹ gốc Phi chủ yếu. Nhưng trong khi thị trường lao động tháng vừa qua có cải thiện rõ rệt, chính quyền các địa phương và tiểu bang lại bỏ thêm 83000 công việc và tiếp tục có ít hơn 1.4 triệu nhân viên so với năm ngoái. “Những lĩnh vực không có dấu hiệu vực dậy, hoặc không vực dậy đáng kể, gần như trùng với hầu hết các ngành công nghiệp có số lượng lớn người Mỹ gốc châu Phi,” theo nhận định của Michelle Holder, một nhà kinh tế lao động tại trường Cao đẳng Tư pháp Hình sự John Jay, New York. Bà lấy ví dụ về ngành giao thông vận tải, một ngành lao động chính của đàn ông da Đen, và ngành dịch vụ y tế, ngành có đông đảo phụ nữ da Đen làm việc, là hai trong số những ngành phải mất nhiều thời gian hơn khôi phục, khiến cho tỉ lệ thất nghiệp vẫn cao. Lĩnh vực chăm sóc trẻ em cũng bị thiệt hại đáng kể trong lúc đóng cửa mùa dịch, ảnh hưởng trầm trọng đối với phụ nữ da Đen và gốc Mỹ Latin, phần nhiều trong số họ làm việc tại các trung tâm trông trẻ và phụ thuộc vào nó để có thể đi làm việc chỗ khác. Và trong khi công ăn việc làm của các lĩnh vực thu nhập cao gần như hoàn toàn hồi phục, các ngành thu nhập thấp vẫn đang tụt lại 28% so với năm ngoái, theo quan sát của Harvard's Opportunity Insights - một sự chênh lệch bất lợi khôn kể cho công nhân người da màu. Có thể thấy, sự bất bình đẳng có cơ cấu của thị trường lao động Mỹ, cũng như sự phân biệt đối xử trong quá trình tuyển dụng đã ít nhiều khiến cho lao động người da Đen và gốc Mỹ Latin gặp không ít chướng ngại để thay đổi khỏi công việc thu nhập thấp, theo nhận xét của một số nhà kinh tế. Khi tình trạng thất nghiệp leo thang hồi tháng 4, khoảng cách giữa tỉ lệ không việc làm giữa người da Đen và da trắng thu hẹp thấy rõ, cho thấy đây là xu hướng chung. Nhưng từ đó trở đi, khoảng cách này chỉ tăng chứ không giảm vì lao động da trắng đã có thể đi làm lại nhanh hơn - William Spriggs, chuyên gia kinh tế trưởng của AFL-CIO, quả quyết đây là “bằng chứng” cho thấy hệ quả của quá trình tuyển dụng phân biệt đối xử. Spriggs cũng bổ sung rằng, trong hầu như cả năm vừa qua, xác suất thất nghiệp của người da Đen là rất cao, ngay cả với những ai có bằng đại học, so với người có trình độ dưới trung học cấp 3 của các sắc dân khác. “Đây không phải là vấn đề kỹ năng,” Spriggs bày tỏ. “mà là vấn đề phân biệt đối xử diễn ra trong lúc khôi phục kinh tế.” Những người ủng hộ nói rằng cách để giải quyết sự phục hồi của người lao động da màu là đảm bảo chính sách hỗ trợ của liên bang vẫn được duy trì miễn là tỷ lệ thất nghiệp của người da Đen và gốc Tây Ban Nha vẫn còn tăng cao, thay vì cắt bỏ khi mức độ thất nghiệp trở lại bình thường. Do những người lao động này thất nghiệp trong thời gian dài nên Tổng thống Joe Biden sẽ cần sự phục hồi kinh tế kéo dài mới có thể đảm bảo thị trường lao động đủ chặt chẽ để giúp họ trở lại quỹ đạo. Dân biểu Clyburn tập trung vấn đề từ hai phía: theo dõi số tiền cứu trợ của Covid khi được chuyển đến người dân để đảm bảo rằng số tiền này được chi tiêu một cách công bằng. Từ đó thúc đẩy chính quyền Biden đầu tư mạnh mẽ vào gói kích thích thứ hai tập trung vào cơ sở hạ tầng, nhằm thúc đẩy tạo việc làm trên khắp đất nước. Clyburn cho biết ông đã nói với Biden và bà Susan Rice, cố vấn hàng đầu về chính sách quốc nội, về sự cần thiết giải quyết sự phục hồi không đồng đều. Ông nói thêm rằng Biden đã nêu rõ “ông ấy có kế hoạch làm điều đúng đắn.” Đã có những dấu hiệu cho thấy chính quyền đang tập trung vào sự chênh lệch. Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng nhấn mạnh tỷ lệ thất nghiệp đã được điều chỉnh, bao gồm những người đã từ bỏ việc tìm kiếm việc làm bị chia nhỏ theo chủng tộc và giới tính sau khi dữ liệu mới nhất về việc làm được công bố vào tháng Hai. Báo cáo cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của người da Đen đứng ở mức gần 15% - ảnh hưởng đến gần 1/6 công nhân - so với tỷ lệ chung là 9,5%. Tỷ lệ thất nghiệp ở người gốc Tây Ban Nha được điều chỉnh là 12,4%. Tại Bộ Lao động, nhà kinh tế trưởng Janelle Jones đã viết một bài đăng trên blog vào tháng trước nhấn mạnh tác động kinh tế không cân xứng từ đại dịch ảnh hưởng đến người Mỹ da màu, đặc biệt là phụ nữ. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết ông đang theo dõi tỷ lệ thất nghiệp của người da Đen và gốc Tây Ban Nha ở các số liệu thống kê khác. Bởi vì tỷ lệ thất nghiệp gia tăng báo hiệu sự suy yếu trong thị trường lao động rộng lớn hơn. “Tất nhiên sự suy thoái đặc biệt này chỉ tác động đến một phần của nền kinh tế được sử dụng bởi sắc dân thiểu số và người lao động được trả lương thấp… và đó là phần chậm nhất trong sự phục hồi nền kinh tế,” Powell nói trong cuộc họp báo ngày 17 tháng 3. “Chúng tôi muốn thấy những người đó tiếp tục nhận được sự hỗ trợ khi nền kinh tế khôi phục, như điều đó hiện đang làm rất nhiều”. Tốc độ phục hồi của người lao động da Đen tụt hậu càng lâu thì càng có nhiều khả năng ảnh hưởng lâu dài. Người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp dài hạn - được định nghĩa là mất việc làm từ sáu tháng trở lên - mất nhiều thời gian hơn để trở lại làm việc và có nhiều khả năng rời khỏi thị trường lao động hoàn toàn. Người lao động da Đen cũng ít có khả năng có tiền tiết kiệm để vượt qua thời gian thất nghiệp kéo dài. Giá trị tài sản ròng của một gia đình da Đen trung bình chỉ bằng một phần mười của một gia đình da trắng. Do đó họ dễ bị rơi vào cảnh nợ nần hoặc mất nhà. Và một đợt phục hồi kinh tế khác kéo dài đối với người Mỹ da Đen có thể làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu nghèo giữa các chủng tộc vốn đã suy tổn, đặc biệt là khi nó kéo theo cả tiền tiết kiệm cá nhân và thu nhập trong tương lai. Các nhà kinh tế cho rằng chìa khóa để giải quyết bất bình đẳng nằm ở việc thúc đẩy sự phục hồi kinh tế một cách mạnh mẽ, đồng thời thừa nhận rằng một số cộng đồng và người lao động sẽ mất nhiều thời gian hơn để trở lại bình thường và cần nhiều sự giúp đỡ hơn từ những cộng đồng khác Clyburn nói rằng: “Mọi người rất thích câu nói của cựu tổng thống John F. Kennedy, 'Thủy triều dâng sẽ nâng tất cả các con thuyền.'" Vị dân biểu nói tiếp: "Nó nâng tất cả những con thuyền có đáy vững chắc. Nếu đáy có lỗ thủng hoặc nếu thuyền bị hư hỏng, thủy triều sẽ không thể nâng chúng lên."

Người dịch: An Nguyen & Quyen Tran

Biên tập: Khoa Le


Commentaires


bottom of page