top of page

Người mắc bệnh COVID-19 có thể dễ bị đái tháo đường về sau

Translated from NIH Directorblog's article How COVID-19 Can Lead to Diabetes


Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 thường dẫn đến những biến chứng viêm phổi, rối loạn đông máu, và những bệnh lý nghiêm trọng khác.


By Dr. Francis Collins, on 08-06-2021, 01:00:00

Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 thường dẫn đến những biến chứng viêm phổi, rối loạn đông máu, và những bệnh lý nghiêm trọng khác. Và sau khi nhiễm bệnh Covid-19 cấp tính, một số người lại có thể mắc bệnh đái tháo đường.

Hai nghiên cứu của NIH, hiện đã được xuất bản chưa qua hiệu chỉnh trên tạp chí Cell Metabolism, giúp trả lời câu hỏi quan trọng này, và xác nhận SARS-CoV-2 có thể tấn công và làm hư tổn các tế bào sản xuất insulin. Đái tháo đường loại 1 - Type 1 diabetes xảy ra khi tế bào beta của tuyến tụy không tiết ra đủ insulin để cơ thể chuyển hóa thức ăn tối ưu sau bữa ăn. Kết quả là đường huyết tăng cao, dẫn đến bệnh đái tháo đường. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trước đó cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể nhiễm vào tế bào beta, có thể sinh sản trong các tế bào ấy, và lây nhiễm những tế bào khác. Công trình nghiên cứu gần đây nhất dựa trên những khám phá trước về sự tương quan giữa COVID-19 và đái tháo đường. Công trình được thực hiện bởi hai nhóm nghiên cứu độc lập, được tài trợ bởi NIH. Một nhóm do Peter Jackson, Khoa Y đại học Stanford, Palo Alto, CA, đứng đầu; nhóm còn lại do Shuibing Chen, Khoa Y Weill của đại học Cornell, New York, đảm trách. Tôi thật ra là đồng tác giả của công trình nghiên cứu của nhóm Chen, vì một số nghiên cứu được của họ được thực hiện tại phòng lab của tôi tại Viện Nghiên Cứu Bộ Gen Người Quốc Gia trực thuộc NIH, Bethesda, MD.

Cả hai công trình đều xác nhận hiện tượng tế bào beta tuyến tụy bị nhiễm trong các mẫu mô được lấy ra khi giải phẫu tử thi. Nghiên cứu của nhóm của Jackson còn gợi ý thêm rằng coronavirus có thể thích nhiễm vào tế bào beta sản xuất insulin hơn. Điều này hợp lý về mặt sinh học. Tế bào beta và các loại tế bào khác của tuyến tụy biểu hiện thụ thể ACE2, men TMPRSS2, và neuropilin 1 (NRP1) trên bề mặt. Những thụ thể này giúp SARS-CoV2 dễ gắn vào để xâm nhập vào tế bào của người. Thật vậy, nhóm của Chen phát hiện ra dấu vết của coronavirus ở cả tế bào beta sản xuất insulin và nhiều loại tế bào khác trong tuyến tụy khi nghiên cứu mô bệnh từ khám nghiệm tử thi. Những khám phá mới này cũng cho thấy coronavirus làm thay đổi chức năng của tiểu đảo tụy - mô tụy chứa tế bào beta. Báo cáo của hai nhóm đưa ra bằng chứng cho việc SARS-CoV2 khiến cho sản xuất và tiết xuất insulin từ tiểu đảo tụy vào máu giảm. Nhóm của Jackson cũng chỉ ra nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng chết tế bào beta là do bị nhiễm virus. May mắn thay, họ cũng cho thấy điều này có thể tránh được bằng cách khoá lại thụ thể NRP1, không cho virus gắn vào. Ngoài việc mất các tế bào beta, số phận của những tế bào sống sót còn lại cũng bị thay đổi do virus. Nhóm của Chen tiến hành phân tích đơn bào để có cái nhìn kỹ hơn về sự thay đổi bộ gene của tế bào tuyến tụy sau khi bị nhiễm SARS-CoV2. Những nghiên cứu này phát hiện hiện tượng các tế bào beta trải qua quá trình tái biệt hóa. Trong đó, tế bào bắt đầu giảm sản xuất insulin và tăng sản xuất glucagon, một loại hormon làm ly giải glycogen trong gan thành đường. Chúng cũng bắt đầu sản xuất trypsin 1, một loại men tiêu hóa. Quan trọng là, quá trình biệt hóa có thể bị đảo ngược bởi một protein, gọi là trans-ISRIB, khiến cho đáp ứng của tế bào với stress bị giảm. Hậu quả của sự tái biệt hóa tế bào beta này thì vẫn chưa rõ, nhưng có thể dự đoán là vấn đề thiếu hụt insulin sẽ trầm trọng hơn và dẫn đến đường huyết có thể tăng cao. Cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu bằng cách nào mà SARS-CoV2 có thể tiếp cận được tuyến tụy, và hệ miễn dịch đóng vai trò gì vào tổn thương này. Nhưng trên hết là, công trình nghiên cứu này cung cấp thêm một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo vệ bản thân, gia đình, và cộng đồng trước COVID-19 bằng cách tiêm ngừa nếu bạn chưa làm — và hãy động viên người thân của bạn làm theo.

Người dịch: Adelia Duong & Nhan Tran

Biên tập: Chau Tran

Comments


bottom of page