Translated from Bloomberg Businessweek's article Asian Americans Are Ready for a Hero
Từ “thiểu số gương mẫu” tới thiểu số vô hình và nay là thiểu số bị truy đuổi, chúng ta đang cần một thế hệ những nhà lãnh đạo văn hóa và chính trị.
By Karl Taro Greenfeld, on 26-03-2021, 17:00:00
Từ “thiểu số gương mẫu” tới thiểu số vô hình và nay là thiểu số bị truy đuổi, chúng ta đang cần một thế hệ những nhà lãnh đạo văn hóa và chính trị. Hãy nghĩ tới một vận động viên. Một diễn viên. Một chính trị gia. Hẳn bạn sẽ hình dung ra một người đàn ông da trắng. Hoặc một người da đen, hay Latin. Tôi đoán trong đầu bạn sẽ không bật ra một người gốc Á. Ít nhất với tôi thì không, và tôi là một biên kịch người Mỹ gốc Á kiếm sống bằng nghề tưởng tượng ra các nhân vật. Người gốc Á chúng ta chưa có nhiều nhân vật tầm cỡ quốc gia trong truyền thông cũng như chính trị. Thậm chí có thể nói là hoàn toàn không có ai. Tuy một phần của cộng đồng người gốc Á, cụ thể là người Nam Á, đã đạt được thành công kinh tế nhất định so với các nhóm thiểu số khác, nhưng rất ít người gốc Á nói chung có cơ hội đạt được chức vụ lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp. Về mặt chính trị, văn hóa, và kinh tế, người gốc Á gần như vô hình khỏi những vị trí quyết định. Chưa có một Martin Luther King, Malcolm X hay Barack Obama gốc Á nào. Ở California, Arizona và hàng loạt bang khác, Cesar Chavez Day là một ngày lễ cấp tiểu bang chính thức. Ai là biểu tượng người Mỹ gốc Á sừng sững đáng để cả đất nước nhớ tôn vinh? Không hề có lấy một Jay-Z hay Beyoncé của người châu Á, tương tự với Bad Bunny hay Selena [Gomez]. Chúng ta đã liên tục chứng kiến sự thiếu hụt các diễn viên gốc Phi tại giải Oscars. Trong khi đó, trong lịch sử chỉ mới có một người gốc Á được đề cử hạng mục diễn viên xuất sắc nhất, Steven Yeun cho vai diễn trong phim Minari, bộ phim được đạo diễn bởi một người Mỹ gốc Á, một trong hai đề cử hiếm hoi trong lịch sử dành cho những đạo diễn gốc Á. Sự vắng bóng những khuôn mặt gốc Á có khả năng lưu lại dấu ấn trong tiềm thức chung của người Mỹ trong văn hóa đại chúng và đấu trường chính trị đồng nghĩa với việc chúng ta chỉ được nhìn nhận như một chủng tộc toàn những quản lí trung cấp, có vai trò hỗ trợ về mặt kĩ thuật hay đưa ra lời khuyên về tài chính cho những nhà lãnh đạo da trắng, da đen, và Latin (nhưng chủ yếu vẫn là người da trắng). Quả thật có một chức vụ cao cấp mà người châu Á thường đảm nhiệm: Giám đốc công nghệ. Chúng ta đã đến với hiện tại “có miếng mà lại không có tiếng” này bằng cách nào? Làm sao từ cộng đồng “thiểu số gương mẫu” chúng ta lại trở thành thiểu số vô hình và cuối cùng là thiểu số bị truy đuổi? "Thiểu số gương mẫu" là một khái niệm hạ cấp mang nhãn tôn kính lần đầu được sử dụng vào những năm 80 để chỉ những người Mỹ gốc Nhật nhưng sau được sử dụng cho người gốc Á nói chung. Ban đầu chúng ta chấp nhận nó như một sự công nhận về những thành tựu kinh tế và giáo dục. Nhưng rồi chúng ta sớm nhận ra ẩn ý coi thường đằng sau: Chúng ta “gương mẫu” vì chúng ta chịu nghe lời, luôn khiêm nhường và chắc chắn không chống trả. Ta tới chỗ làm, thực hiện công việc với mức lương kém hơn những đồng nghiệp da trắng, và chẳng phàn nàn khi việc nặng về tay mình. Nó là cái vỗ vai thân thương của người da trắng dành cho ta, khen ngợi ta vì luôn bị động trước nạn phân biệt chủng tộc vẫn đang tiếp diễn. Nhưng cái nhãn đó cũng góp phần tạo nên sự chia rẽ giữa người châu Á và các cộng đồng thiểu số khác - như thể thành công về mặt kinh tế, vốn không dễ dàng như truyền thông thường khiến bạn hình dung, có thể khiến sự phân biệt chủng tộc biến mất và thôi ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta. Trong các phong trào biểu tình những năm 1960, người gốc Á, gốc Phi và gốc Latin đã cùng nhau đứng lên và đấu tranh. Richard Aoki đã tham gia Black Panthers và lên tới chức nguyên soái, tham gia phát biểu cùng Bobby Seale và Huey Newton trong những cuộc biểu tình. Những phong trào đa sắc tộc như Free Speech và Students for a Democratic Society yêu cầu phải có các chương trình nghiên cứu văn hoá cho từng chủng tộc đã bị các nguồn lịch sử chính thống bỏ qua. Nhưng những mục tiêu giữa người gốc Á và gốc Phi, đã từng song hành, rồi cũng rẽ nhánh, một phần cũng chính từ quan niệm thiểu số gương mẫu trên. Sự bất hoà giữa các nhóm thiểu số đã luôn có lợi cho tầng lớp thống trị. Nước Mỹ thế kỉ 21 đã áp dụng truyền thống này vào việc tạo ra sự cạnh tranh giữa các sắc tộc để giành lấy vị trí hiếm hoi trong các cơ sở giáo dục dành riêng học sinh có năng lực. Từ hệ thống của University of California tới các trường chuyên chọn trong thành phố New York, đề xuất thay đổi tiêu chuẩn tuyển sinh từ các kỳ thi chuẩn hoá sang các đánh giá bao gồm yếu tố sắc tộc sẽ làm giảm thiểu số lượng học sinh châu Á nhập học. Với những người gốc Á vốn đã quen với việc dựa vào kết quả các kỳ thi để mở đường vào các trường danh giá của Mỹ, ảnh hưởng của những chính sách này, ít nhất là tại New York và California, đang đẩy họ vào cuộc đấu tranh cho lợi ích của mình với người gốc Phi và Latin. Vì sao các cộng đồng khác lại không thể nghi ngờ nhóm thiểu số yêu thích của người da trắng? Wesley Yang, nhà luận học và tác giả cuốn sách The Soul of Yellow Folk (tạm dịch “Hồn người Da Vàng”) cho rằng khi thế hệ cha mẹ gốc Á chống trả, họ bị coi là “truyền nhân của tư tưởng da trắng thượng đẳng, dù họ đang đấu tranh cho châu Á thượng đẳng." Kết quả là rất nhiều người gốc Á trở nên thờ ơ trước những phong trào đấu tranh công lý dù chưa đạt được quyền bình đẳng như người Mỹ da trắng. Kết quả xuất sắc trong học thuật đã trở thành cái cớ người Mỹ trắng vin vào để nói rằng nền giáo dục này vẫn dựa vào thành tích chứ không phải tầng lớp. “Họ lí luận rằng nếu học sinh châu Á có thể thành công trong hệ thống này, thì chắc hẳn nó vẫn công bằng” Lok Siu, giảng viên khoa Á-Mỹ học (Asian-American studies) tại UC Berkeley nói. Và rồi, chúng ta bước vào năm 2020 với một đại dịch do virus lây truyền từ động vật sang người tại châu Á. Luồng dư luận thù ghét người châu Á, một phần bị kích động bởi cựu thủ tướng Mỹ, đã gây ra rất nhiều vụ miệt thị và tấn công nhắm vào người gốc Á, một số được thực hiện bởi người da đen. “Cộng đồng người châu Á đã trở thành nguồn gốc của tội lỗi," Milind Singh viết trên tờ báo của trường mình, Princeton Spokesman. "Cộng đồng đó sao có thể tồn tại ở nơi mà người ta bị đánh giữa đường vì một chuyện xảy ra phía bên kia trái đất." Theo Stop AAPI Hate, một tổ chức theo dõi hành vi phân biệt với người Mỹ gốc Á, cho tới tháng Ba năm 2020 đã có 3,800 trường hợp như vậy. Viện nghiên cứu về Thù ghét và Sự quá khích (The Center for the Study of Hate and Extremism) tại California State University, San Bernardino, báo cáo số lượng các vụ phạm tội liên quan tới thù ghét với người gốc Á tăng đến 149% trong năm 2020 so với năm 2019. Ngày 17/3, trong ví dụ kinh hoàng nhất về hiện tượng bạo lực nhắm tới người châu Á tại Mỹ trong nhiều năm qua, tám người, bao gồm sáu phụ nữ, bị sát hại bởi một người đàn ông da trắng. Hầu hết các sự cố nhỏ hơn đều không được báo cáo. Ngay cả trong cuộc sống của tôi, trong lần giãn cách xã hội đầu tiên, tôi đã bị một người đàn ông da trắng trên xe đạp điện đi theo qua vài dãy nhà nơi tôi ở tại vùng ngoại ô chủ yếu là người da trắng ở Los Angeles. Anh ta đi theo tôi trong quãng đường ngắn và nói rằng tôi đã đi nhầm chỗ. Tôi phớt lờ anh ta, cho rằng anh ta đã nhầm tôi với người khác. Sau đó, anh ta cắt ngang tôi trên vỉa hè, và chỉ khi tôi hỏi anh ta, bằng thứ tiếng Anh không có ngữ điệu của mình, "Anh đang làm gì vậy?" anh ta dường như nhận ra tôi không phải là người anh ta nghĩ và bỏ đi. Mãi cho đến khi tôi về nhà và nói với vợ chuyện gì đã xảy ra và toàn bộ trải nghiệm bối rối như thế nào, tôi mới nhận ra mình đã bị quấy rối phân biệt chủng tộc. Cô ấy đã chỉ ra sự thật hiển nhiên. Tôi không bị cảnh sát đánh đập. Tôi cũng không bị bắn vào lưng. Tôi chưa từng trải qua bất cứ điều gì như nỗi kinh hoàng mà những người Mỹ gốc Phi trẻ phải đối mặt khi đối phó với cơ quan thực thi pháp luật. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình gặp nguy hiểm nghiêm trọng về thể chất khi giao tiếp với cảnh sát và tôi nhận ra đó là một dạng đặc ân. Nhưng đáng nhẽ ta không cần chờ một vụ thảm sát người Mỹ gốc Á để nhận ra chính mình cũng là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc. Siu nói: “Bất kể bạn là ai, ngay cả khi bạn là giám đốc điều hành hay quản lý, bạn vẫn có thể phải đương đầu với bạo lực vì mình là người gốc Á. “Vì vậy, bất kể bạn đạt được thành công đến đâu, bạn vẫn được xem là người Mỹ gốc Á.” Vào khoảng thời gian diễn ra các cuộc biểu tình đòi công bằng xã hội về vụ sát hại George Floyd, mối quan hệ mới mẻ dần xuất hiện xung quanh thuật ngữ Bipoc — thường chỉ người da đen, người bản địa và người da màu — về vấn dề là thuật ngữ này thật sự bao hàm những ai. Tôi luôn cho rằng người châu Á được bao gồm trong "poc" ("person of color" hay người da màu). Tại sao lại không? Suy cho cùng, chúng ta là “da màu” nếu bạn phân biệt sắc tố da. Nhưng sự phát triển từ nguyên thể của Bipoc trong mùa hè để tập trung đặc biệt vào con cháu của nô lệ và nạn nhân của chủ nghĩa thực dân Âu Mỹ, nghĩa là thuật ngữ này loại trừ một vài nhóm cụ thể, trong số đó có một số người Mỹ gốc Á. Lý do một phần là thành công về kinh tế và giáo dục của chúng ta có nghĩa là chúng ta không còn bị áp bức đủ, theo một số quan điểm. Tôi bắt đầu chú ý đến những người phát ngôn cho các phong trào công bằng xã hội và thậm chí cả những người nổi tiếng kêu gọi công lý cho người Mỹ da đen và người Latin nhưng rõ ràng họ đã loại trừ người châu Á ra khỏi sự quan tâm của họ. Nhà khoa học chính trị Claire Jean Kim gọi quá trình này là “tam giác chủng tộc,” một sự tiến hóa ngấm ngầm dẫn đến việc người Mỹ gốc Á vừa là “Da trắng” vừa là “người da màu khác.” Và có lẽ đúng là như vậy, nhu cầu công bằng xã hội của chúng ta dường như không quá cấp thiết so với các đồng bào thiểu số khác. Chúng ta đã không bị bắn trên đường phố — dù sao thì cũng không quá thường xuyên. Nhưng đó không thể là tiêu chuẩn của sự hòa nhập. Trải nghiệm của riêng tôi về sự phân biệt đối xử nhìn chung là tinh tế hơn, không gây nguy hiểm về thể chất. Lấy một ví dụ khác: Trong một lần bất đồng với nhà sản xuất chương trình truyền hình mà tôi đang viết kịch bản, nhà sản xuất đã nói với tôi rằng tôi nên hài lòng với những ghi nhận mà tôi có được vì tôi là một “affirmative action hire” (tạm dịch là được nhận vì là chính sách ưu tiên các thành phần thiệt thòi), và điều này không hề đúng. Ngành viết kịch bản truyền hình không có khái niệm “ưu tiên các thành phần thiệt thòi” này và trong khi các hãng phim có các chương trình thúc đẩy sự đa dạng chủng tộc trong đội ngũ biên kịch, tôi không phải là người thụ hưởng chương trình như vậy. Cảm giác như thể nhà sản xuất chỉ đơn giản là nhắc nhở tôi rằng tôi khác biệt, kém hơn, và do đó nên biết ơn với những gì tôi có, ngay cả khi nó ít hơn những gì tôi xứng đáng hưởng. Tôi đã cố gắng hiểu rõ về cuộc trao đổi đó và cho đến ngày nay, tôi vẫn không hiểu tại sao nhà sản xuất, một người bạn của tôi, lại quyết định đối xử với tôi theo cách đó. Nhưng tôi bắt đầu nghi ngờ rằng khi tôi không thể tìm ra lý do tại sao điều gì đó tiêu cực lại xảy ra với tôi một cách vô lý, thì đó thực sự có thể chính là sự phân biệt chủng tộc. Người châu Á, như người Mỹ gốc Phi và người Latin, vẫn phải làm việc chăm chỉ hơn để thăng tiến và tăng lương so với người Mỹ da trắng. Chúng ta cũng đang là một phần của cuộc đấu tranh này và các sự kiện gần đây là lời nhắc nhở rõ ràng cho việc đó. Chúng ta muốn trở thành một phần của cuộc thảo luận này mà không bị cáo buộc chiếm đoạt nền tảng của chủng tộc khác, như thường xảy ra trên mạng xã hội khi người Mỹ gốc Á cố gắng tham gia vào các cuộc thảo luận xung quanh Black Lives Matter. Điều đó cũng có nghĩa là người Mỹ gốc Á không nên lầm tưởng những lời khen ngợi của người Mỹ da trắng và cho rằng điều đó có nghĩa là chúng ta là những người hưởng lợi từ thực trạng hiện nay. Vì khi nói đến những thứ có tính chất quyết định, chúng ta không hề là những người hưởng lợi. Chúng ta có di sản lịch sử của riêng mình, từ những người lao động Trung Quốc được đưa đến đây vào thế kỷ 19, những người sống trong điều kiện tương tự như chế độ chiếm hữu nô lệ và bị từ chối hầu như mọi quyền con người, bao gồm cả quyền sinh sản, cho đến những công nhân, nông dân Philippines ở California, và người Mỹ gốc Nhật trong trại tập trung ở thế kỷ 20. Mẹ tôi, Fumiko Kometani, là người Nhật Bản. Khi bà di cư đến Mỹ vào năm 1960, bản thân bà cũng không biết về lịch sử đó. Khi tôi hỏi bà ấy sẽ làm gì nếu bà biết, mẹ tôi nói rằng bà sẽ không bao giờ đến Mỹ. Chúng ta đã đi từ thiểu số kiểu mẫu thành thiểu số bị lãng quên. Điều gì có thể nâng tầm quốc gia của chúng ta? Có lẽ thế hệ người Mỹ gốc Á tiếp theo này sẽ đảm nhận những vị trí quản lý cấp cao trong doanh nghiệp cũng như trong văn hóa và khiến chúng ta không thể bị bỏ qua. Hiện tại, chúng ta không có các đại diện lãnh đạo văn hóa và chính trị để có thể yêu cầu, và thực sự có được chỗ ngồi tại bàn thảo luận với một bên là người Mỹ da trắng và bên kia là các nhà lãnh đạo da đen, người Latin, và người bản địa. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Atlantic, tác giả Cathy Park Hong đã đưa ra quan điểm rằng “bởi vì chúng ta vô hình, nên sự phân biệt chủng tộc chống lại chúng ta cũng vô hình.” Một phần giải pháp: lãnh đạo văn hóa và chính trị ở tầm Jay-Z hoặc Obama, những nhân vật quốc gia có tính cách tuyệt vời và thật sự thu hút. (Kamala Harris, chúng tôi đang nói tới bà đấy.) Tôi đã là một nhà báo và tiểu thuyết gia trong nhiều thập kỷ trước khi trở thành một nhà biên kịch truyền hình. Ba trong số bốn chương trình gần đây nhất mà tôi đã làm việc lấy bối cảnh ở châu Á. Tuy nhiên, cả ba người dẫn chương trình đều là những người đàn ông da trắng rất tài năng. (Tôi lo rằng ngay cả việc chỉ ra điều này thôi có thể khiến tôi mất việc.) Hãy tưởng tượng ba chương trình được đặt trong bối cảnh cộng đồng da đen. Liệu các mạng lưới, công ty sản xuất, và quan trọng hơn là cộng đồng da đen, sẽ để việc đó trôi qua mà không cần bình luận? Cho đến khi điều này được thay đổi, cho đến khi những người dẫn chương trình, ngôi sao điện ảnh và các nhà lãnh đạo chính trị cũng là người Mỹ gốc Á, chúng ta sẽ tiếp tục bị vỗ đầu như một thiểu số kiểu mẫu hoặc bị loại khỏi phong trào công bằng xã hội vì đã đủ đặc quyền. Chắc chắn rồi, chúng tôi có Awkwafina, Jeremy Lin, Eddie Huang, và họ đều là những ngôi sao theo đúng nghĩa của họ. Nhưng ôi thôi phần lớn nước Mỹ còn chưa bao giờ nghe nói về bất kỳ người nào trong số họ. Sẽ cần một anh hùng chính trị và văn hóa thực sự, một người đã sải bước khắp thế giới như siêu sao châu Á vĩ đại nhất, Godzilla, để kích chính động cộng đồng của chúng ta và yêu cầu sự chú ý từ cộng đồng lớn hơn ở Mỹ. Tôi tin rằng người ấy sẽ xuất hiện. Hiện tại, ở đâu đó trên mảnh đất này, một trùm truyền thông người Mỹ gốc Á đang huy động vốn hoặc đang leo thang tiến chức trong một doanh nghiệp. Chính trị gia tương lai, đạo diễn điện ảnh, và ngôi sao nhạc pop đang viết hoặc mơ về dự án sẽ biến họ trở thành những nhân vật có tầm ảnh hưởng vĩ đại, những người sẽ là hiện thân của sự thay đổi mà chúng ta đang rất cần. Tất nhiên họ sẽ không làm vấn đề của ta biến mất một cách kì diệu. Nhưng họ có thể giúp chúng ta không thể bị phớt lờ nữa.
Người dịch: Phuong Dang & Linh K Pham
Biên tập: Derek Phan
Commentaires