top of page

Người Mỹ gốc Á với trình độ giáo dục thấp ảnh hưởng nặng nề bởi thất nghiệp do đại dịch

Brian Cheung, ngày 8 tháng 10, 2020


Cô Kang Vanchiasong mất công việc trong dây chuyền sản xuất tại một công ty thiết bị y tế ở Georgia vào tháng Năm. Để mưu sinh, cô bắt đầu bán sả trồng từ trang trại của mình ở Jefferson qua trang Amazon (AMZN) sau khi chợ nông sản địa phương bị buộc phải đóng cửa do đại dịch.


Nhập cư tại Hoa Kỳ từ Lào 45 năm trước, cô Vanchiasong đại diện phản ảnh một trong những cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch: người Mỹ gốc Á chỉ tốt nghiệp hết cấp ba.


Cô Vanchiasong, 63 tuổi, nói với tờ Yahoo Finance: “Tôi không biết là bây giờ những người thất nghiệp có thể làm gì khác nữa. Nhờ có trang trại của mình nên tôi mới có thể mưu sinh.”


Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Dự Trữ Liên bang Chicago cho thấy 77% đàn ông và 56% phụ nữ châu Á với trình độ học vấn từ trung học trở xuống vẫn có công việc trước khi đại dịch bùng phát.


Trong tâm điểm của đại dịch, cơ hội việc làm của những nhóm người này lần lượt giảm xuống còn 46% và 32%, và con số này còn tệ hơn so với các nhóm người khác có cùng trình độ học vấn.

Công ty Chicago Fed đã sử dụng vi dữ liệu từ Cuộc điều tra dân số hiện nay của Cục điều tra dân số và phát hiện rằng đàn ông và phụ nữ châu Á không có bằng đại học chịu thiệt hại nặng nề nhất vì thất nghiệp trong đại dịch. (Nguồn: David Foster/ Yahoo Finance)


Ông Luojia Hu, nhà kinh tế cấp cao từ Chicago Fed, nói với tờ Yahoo Finance: “Có sự chênh lệch nặng nề giữa các nhóm, bao gồm tất cả các nhóm người thiểu số, nhưng người Mỹ gốc Á không có bằng đại học là nhóm phải chịu tổn thất nặng nề nhất.”


Đối với những người lao động như cô Vanchiasong, vấn đề đáng chú ý hiện nay là những câu hỏi về nguyên nhân khiến cho cộng đồng người Mỹ gốc Á lại chịu ảnh hưởng nghiêm trọng đến như vậy, và hệ luỵ trong nhiều năm tiếp theo.


Phân tích tình trạng thất nghiệp của người châu Á


Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Chín của người Mỹ gốc Á là 8.9%, thấp hơn so với người da Trắng nhưng cao hơn so với người da Đen và người gốc Tây Ban Nha với tỷ lệ lần lượt là 12,1% và 10,3%.


Tuy nhiên, theo nghiên cứu từ Chicago Fed, có thể tỷ lệ thất nghiệp cao của người Mỹ gốc Á đang che đi sự suy thoái hoá của nền kinh tế mà người lao động có trình độ học vấn và kỹ năng thấp đang phải gánh chịu.


Cô Kang Vanchiasong làm việc tại trang trại của mình ở Jefferson, Georgia. Ảnh: Zepha Gerber


Báo cáo từ công ty tư vấn McKinsey cho biết người Mỹ gốc Á là nhóm người có sự chênh lệch thu nhập cao nhất cả nước. 10% số người có thu nhập cao nhất kiếm được gấp 10,7 lần tổng số tiền thu nhập từ nhóm 10% thấp nhất.


Bà Emily Yueh, đối tác của công ty McKinsey, cũng nhấn mạnh thêm rằng cộng đồng người Mỹ gốc Á không phải ai cũng giống nhau: “Nhiều khi lời đồn lại lặp lại như thế này: Chúng ta không cần lo cho người châu Á đâu, bởi họ đều rất giỏi và học tại các trường Ivy League.”


Báo cáo từ McKinsey còn cho biết thêm rằng người Đông Nam Á và người đến từ các quốc đảo Thái Bình Dương hiếm khi có bằng tốt nghiệp cấp ba và phải chịu tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với người Đông Á.



Báo cáo từ công ty tư vấn McKinsey trích dẫn dữ liệu từ Cục điều tra dân số Mỹ (ước tính trong vòng một năm của Cuộc khảo sát cộng đồng của Mỹ năm 2018) trong việc miêu tả sự khác nhau trong nhân khẩu học giữa các nhóm người Mỹ gốc Á nhỏ. (Nguồn: McKinsey)


Thoạt nhìn qua, rất dễ để dẫn đến kết luận rằng tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng trong đại dịch có liên quan đến đông đảo số người châu Á làm trong các địa điểm có rủi ro lây nhiễm cao như nhà hàng – nơi cung cấp việc làm cho người lao động với trình độ học vấn thấp.


Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ Chicago Fed vẫn nhận thấy những điểm khác biệt lớn ngay cả khi họ đã kiểm soát những biến số về nghề nghiệp và công nghiệp, cho thấy rằng còn có những yếu tố khác làm ảnh hưởng đến tình trạng này.


Sự sụt giảm trong các hoạt động kinh doanh tại các cộng đồng châu Á có thể góp phần lý giải tình trạng này. Ký ức về virus SARS năm 2002 cùng với nỗi lo về chủ nghĩa bài ngoại đã khiến cho các cộng đồng như khu phố Tàu tại New York phải đóng cửa ngay cả trước khi lệnh giãn cách xã hội có hiệu lực trên cả nước.


Tái đào tạo công việc


Ông Jay Powell, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang đã đưa ra cảnh báo rằng “tình trạng thất nghiệp kéo dài có thể gây tổn thất nặng nề hoặc chấm dứt hoàn toàn sự nghiệp của người lao động, bởi kỹ năng của họ không còn giá trị nữa.”


Đối với tình trạng các doanh nghiệp nhỏ buộc phải đóng cửa vĩnh viễn, tâm điểm của mối lo ngại nằm ở việc người lao động với trình độ giáo dục thấp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi tìm kiếm công việc mới, ngay cả khi một vaccine được ban hành.


Người dân đeo khẩu trang đi qua một cửa hàng đóng cửa tại khu phố Tàu ở Manhattan khi đại dịch nổ ra ở New York, Mỹ, ngày 18 tháng 3, 2020. REUTERS/ Mike Segar


Dự án Nguồn nhân lực khu phố Tàu, tổ chức phi lợi nhuận từ New York, đã cung cấp các khóa dạy tiếng Anh cùng huấn luyện việc làm nhằm tập trung giúp đỡ người mới nhập cư và những người lao động có thu nhập thấp.


Từ khi đại dịch nổ ra, tập đoàn CMP đã chuyển nguồn lực tái đào tạo việc làm sang việc giúp người không có công việc nộp đơn xin bảo hiểm thất nghiệp. Ông Hong Lee, giám đốc điều hành tập đoàn CMP, cho biết rằng ông hy vọng người lao động có thể quay lại làm việc.


Vào ngày 24 tháng 9, công ty CMP đã tổ chức một hội chợ việc làm online, trong đó có các tin tuyển dụng cho công việc yêu cầu kỹ năng thấp. Hội chợ cũng thu hút 350 người tham dự và 16 nhà tuyển dụng, thấp hơn so với lượng tham dự hội chợ vào năm ngoái với 500 người và 35 nhà tuyển dụng.


Lee nói với Yahoo Finance rằng “người lao động đang dần quay trở lại [với công việc]. Nhưng số người này vẫn không là gì so với sự gia tăng đột biến trong số lượng người bị mất việc."


Tại Georgia, cô Vanchiasong mưu sinh nhờ công việc bán sả của mình cùng bảo hiểm thất nghiệp từ chính phủ với 600 đô la mỗi tuần. Cô cũng cho biết sự hỗ trợ này “đã giúp tôi rất nhiều”.


Vào tháng Bảy, đúng vào thời gian khoản tiền thưởng 600 đô la từ chính phủ hết hiệu lực, chủ của cô Vanchiasong đã gọi cô quay lại với công việc. Thế nhưng, cô nhớ lại nỗi sợ của mình khi cảm thấy hoang mang và vô định về việc liệu công ty sẽ liên lạc lại với mình hay không.


Cô cho biết: “Tôi hầu như tin vào những gì mà Chúa đã định ra. Vì vậy, tôi đã cầu nguyện rất nhiều về điều đó.”


Người dịch: Ha Vi Nguyen

Biên tập: Calum Nguyen

Commentaires


bottom of page