top of page

Nguyên nhân đằng sau làn sóng "bỏ việc hàng loạt" của dân Mỹ

Translated from Jacobin's article Why Are US Workers Quitting Their Jobs in Droves?

By Alex N. Press, on 25-01-2022, 00:00:00

Một bài báo gần đây của tờ New York Times đã điều tra về vấn đề lý do tại sao nhân viên cùng một nơi làm việc có xu hướng bỏ việc đồng loạt. Khi nếu chỉ hỏi những nhân viên văn phòng da trắng, thông tin có được sẽ không đầy đủ. Mới đây, tờ New York Times đã đăng một bài báo đề cập tới cái gọi là “trào lưu bỏ việc”, dùng để chỉ hiện tượng một người bỏ việc tạo ra một hiệu ứng kiểu domino trong công sở khiến người khác nối bước theo sau. Đây là một hiện tượng có thật. Khi đồng nghiệp của bạn quyết định rằng sẽ bỏ việc, điều này cũng sẽ khiến bạn bị dao động và cân nhắc xem có nên bỏ việc hay không. Thật đáng tiếc là bài báo lại có đoạn mở bài như sau: “Đang có một “đại dịch” hoàn hành chốn công sở. Triệu chứng của nó chỉ xuất hiện trước hai tuần. Nó lây lan một cách lộ liễu trong thời gian thực. Và không có nhiều vị lãnh đạo biết cách “tiêm ngừa” cho đội ngũ của mình để có thể chống lại con virus ‘nghỉ việc’ này." Trước thực tế là đang có một loại virus chết người vẫn đang lây lan trong lực lượng lao động, đặc biệt là những người làm việc tại các nhà máy lớn sản xuất thực phẩm, cung cấp dịch vụ, hậu cần và các công việc chăm sóc sức khỏe cực khổ nhưng lại bị trả lương thấp, thì đoạn mở bài vụng về này theo một cách nào đó thực sự nhẫn tâm. Tác giả bài báo chẳng thèm phỏng vấn bất kì ai làm việc trong những lĩnh vực này, một sự thiếu sót không những chỉ thể hiện sự vô cảm mà còn mang tới một bài học về những vùng tối trong góc nhìn của tờ báo: nếu bạn cho là thành phần độc giả của mình là giới làm việc văn phòng, và điều đó đúng với tờ New York Times- bạn có thể ngộ nhận rằng những vấn đề nảy sinh trong cái "bong bóng" xã hội đó mang tính đại diện cho toàn xã hội, trong khi có lẽ chúng chỉ là một phần nhỏ của một bức tranh toàn cảnh đen tối hơn nhiều. Mọi nhân vật được phỏng vấn trong bài báo này đều là nhân viên văn phòng; nhiều người trong số họ đã bỏ việc để theo đuổi công việc riêng của mình. Chúng tôi gặp gỡ một nhân viên tiếp thị kỹ thuật số đã nghỉ việc để tập trung vào công việc “huấn luyện”, một cựu nhân viên của một công ty khởi nghiệp về công nghệ tại Thung lũng Silicon khác cũng bắt đầu đi huấn luyện người khác- cụ thể là dạy cái gì thì tôi không biết- và một nhân viên tại một trường thuộc quận Cam, California, đã nghỉ việc để làm công việc tự do chuyên về tiếp thị mạng xã hội. Mọi thứ trông đều ổn, nhưng do thiếu ngữ cảnh, nên bạn có thể nghĩ rằng đây là một bài báo điển hình viết về những câu chuyện thời đại dịch. Bài báo đề cập tới một thống kê quan trọng, có hơn 4,5 triệu người Mỹ đã tự nguyện bỏ việc vào tháng 11 năm 2021, một con số kỉ lục. Nhưng bài báo đã không chỉ ra được lĩnh vực nào người ta bỏ việc nhiều nhất, cũng như phân tích một cách sơ sài về phần hai câu chuyện về “Cuộc đại nghỉ việc”, khi mà người ta kiếm công việc khác. Đúng là có một số người nghỉ việc và chọn công việc kinh doanh, nhưng số này thì khá ít. Dữ liệu mới nhất của Bộ lao động cho thấy lĩnh vực mà số người xin thôi việc nhiều nhất đó là dịch vụ lưu trú và thực phẩm; dịch vụ chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội; và lĩnh vực về vận tải, nhà kho và tiện ích. Đây chính là những lĩnh vực có “một đại dịch” đang “lây lan trong lực lượng lao động” (như những gì tác giả bài báo viết trong phần mở đầu). Đó chính là COVID-19. Dù mỗi người đều có những lý do riêng để bỏ việc, nhưng chúng ta cũng nắm được bức tranh tổng quát về động lực đứng đằng sau làn sóng “đào tẩu” sang những ngành nghề khác này. Trong ngành y tế, tình trạng thiếu nhân lực kéo dài bao lâu nay, đặc biệt là tại các cơ sở y tế tư nhân, đã bị đẩy lên đến đỉnh điểm khiến người lao động không còn khả năng tiếp tục làm việc. Thống kê cho thấy kể từ khi đại dịch bùng phát, cứ năm nhân viên y tế thì có một người nghỉ việc. Còn trong lĩnh vực thực phẩm và lưu trú, người ta bắt đầu nhận ra rằng không đáng để mạo hiểm tính mạng cho những công việc trả lương bèo bọt, nhưng lại chịu nguy cơ mắc COVID-19 cao. Cây viết David Dayen của tờ Prospect đã gọi hiện tượng này là “Cuộc tháo chạy vĩ đại”. Người lao động nghĩ rằng họ có thể tìm được những công việc đàng hoàng, ổn định hơn và với mức lương cao hơn- bất chấp thực tế rằng số tiền kiếm thêm được chỉ đủ đề bù vào tốc độ lạm phát. Vì thế họ quyết định nghỉ việc. Về cơ bản, đây là câu chuyện về những công việc nguy hiểm, nhục nhã, đãi ngộ tệ bạc, vốn bần cùng hoá người lao động suốt hàng thập kỉ qua, giờ càng trở nên tồi tệ trong bối cảnh đại dịch, và một viễn cảnh về một thứ gì đó tốt đẹp hơn, dù là chưa đủ. Đó là thứ mà tôi đã nghe được từ những người lao động trong hai năm qua. Đó là những người lao động làm việc tại nhà hàng đã nghỉ việc sau khi nhận ra rằng chủ của họ đã giấu bặt thông tin về các trường hợp bị nhiễm COVID-19 trong số các đồng nghiệp, hoặc chỉ đơn giản là nói không với công việc mà hiện giờ đòi hỏi phải thực hiện quy chuẩn về sức khỏe cộng đồng với mức lương dưới chuẩn. Các nhân viên y tế đã nghỉ việc vì họ cảm thấy rằng họ đang chủ động góp phần giết chết bệnh nhân của mình. Chỉ riêng các viện dưỡng lão của Mỹ đã mất đi 425.000 nhân viên kể từ khi bắt đầu đại dịch. Những người lao động này là tâm điểm của những đợt bùng phát COVID-19 sớm nhất, và cũng chết chóc nhất, một phần bởi vì mức lương thấp khiến họ phải làm việc tại nhiều cơ sở khác nhau, và điều này đã làm gia tăng tốc độ lây lan của virus. Một số người nghỉ việc để về hưu non, còn số khác chuyển sang làm cho những công ty như Amazon, nơi ít ra còn trả lương cao hơn. Dĩ nhiên bản thân nhân viên của Amazon cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tôi đã trò chuyện với rất nhiều người phải sống trong sự sợ hãi và khổ sở giữa đợt cao điểm của đại dịch khi mà công ty này không thông báo về những ca mắc COVID-19 tại chuỗi nhà kho, cũng như không cung cấp trang bị bảo hộ phù hợp. Ngay tại thời điểm này, có những nhà kho của Amazon chứng kiến hàng trăm ca xin nghỉ vì lí do mắc COVID. Những lí do này đứng đằng sau làn sóng bỏ việc tại Amazon, dù cho đây là nơi tuyển thêm nhiều nhân viên mới hơn bất kì công ty nào khác trên toàn nước Mỹ trong mùa đại dịch. Không phải bài báo nào cũng có thể bao quát hết mọi vấn đề. Tuy nhiên, nếu một bài báo có đoạn mở đầu đề cập tới một một loại virus theo nghĩa bóng, mà lại bỏ qua chính con virus thật vốn đang cướp đi sinh mạng của người lao động, một bài báo mà chỉ đặt ra câu hỏi về khía cạnh tâm lí học trong hành động bỏ việc của một bộ phận nhỏ người lao động, trong khi bỏ qua thực tế rằng phần lớn làn sóng nghỉ việc đó tới từ một nhóm người lao động khác, thì rõ ràng bài báo đó đã phụ lòng độc giả, và đáng nhận được một lời nhắc nhở nhẹ nhàng.

Người dịch: Phuong Anh & Kevin Do

Biên tập: Đông Phong

Comentários


bottom of page