Translated from The New York Times, BBC News's article US-Canada heatwave and the effects of climate change
Biến đổi khí hậu đã khiến miền Tây Hoa Kỳ rơi vào đợt hạn hán khốc liệt nhất trong 2 thập kỷ qua. Thêm vào đó, đợt nắng nóng kỷ lục này lại càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
By Sanam Yar-NYT, The Visual Journalism Team-BBC, on 02-07-2021, 05:00:00
Biến đổi khí hậu đã khiến miền Tây Hoa Kỳ rơi vào đợt hạn hán khốc liệt nhất trong 2 thập kỷ qua. Thêm vào đó, đợt nắng nóng kỷ lục này lại càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ở Arizona và Nevada, trời nóng đến mức các bác sĩ cảnh báo mọi người rằng họ có thể bị bỏng cấp độ ba do nhựa đường. Cháy rừng liên tục hoành hành ở Montana và Utah. Lưới điện ở Texas gần như quá tải khiến các nhà chức trách phải yêu cầu người dân dùng điện tiết kiệm để tránh sập nguồn điện. Mực nước ở Hồ Mead, nơi cung cấp nước cho hàng triệu người, đang ở mức thấp nhất kể từ những năm 1930. Tại một hồ nước ở California, nước cạn đến mức các quan chức đã phát hiện ra mảnh vỡ máy bay sau một vụ tai nạn năm 1986.
Đó mới chỉ là ở Hoa Kỳ. Các chuyên gia cho rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng khi các quốc gia - và các công ty - không hạn chế được lượng khí thải làm hành tinh nóng lên. Các quốc gia nhỏ hơn thường phải chịu thời tiết khắc nghiệt do sự ô nhiễm từ các quốc gia lớn mạnh khác . Bernard Ferguson viết: “Hầu hết các loại khí này đến từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Nga và các nước phát triển khác. Tuy nhiên, những hòn đảo như Bahamas, quê của Ferguson, “lại đang hứng chịu trực tiếp tác hại của cuộc khủng hoảng khí hậu.”
Đâu là nguyên nhân của nắng nóng cực đoan tại Mỹ và Canada hiện nay?
“Vòm nhiệt”-một núi không khí nóng tràn về một khu vực rộng lớn chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiệt độ cao kéo dài.
Khi các khối khí nóng định bay lên, hệ thống áp suất cao sẽ đẩy chúng về mặt đất. Khối khí nóng trở nên dày hơn với nhiệt độ cao hơn khi bị nén chặt. Các chuyên gia cho biết thay đổi khí hậu có thể làm các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, để biết rằng các hiện tượng thời tiết ấy và vấn đề nóng lên toàn cầu có liên quan gì đến nhau không thì vẫn còn rất phức tạp. Tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu? Nhiệt độ đã giảm bớt ở các khu vực ven biển của Canada và tây bắc Hoa Kỳ nhưng vẫn chưa thuyên giảm trong các vùng nội địa.
Đợt nắng nóng hiện đang di chuyển về phía đông qua các tỉnh Prairie của Canada - Alberta và Saskatchewan. Các vùng của Manitoba đang trong tình trạng cảnh báo nhiệt độ cao.
Khối không khí nóng này tồn tại rất lâu vì nó làm chuyển hướng mạnh mẽ dòng phản lực - một dòng không khí chảy nhanh trong bầu khí quyển Trái đất - về phía bắc và xung quanh chính nó. Chính điều này sẽ giữ cho vòm nhiệt đứng yên tại chỗ.
Các vấn đề khí hậu cực đoan ở phương Tây và trên toàn cầu là bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn còn những lý do để hy vọng. Đâu là giải pháp? Ezra Klein của tạp chí Times, khi nói về vấn đề thời tiết, đã nói chuyện với các chuyên gia để so sánh tiến bộ chính trị ở Hoa Kỳ với quy mô của cuộc khủng hoảng. Saul Griffith, một nhà khoa học và là người sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận, cho biết: “Nền chính trị của chúng ta phát triển song song với nhiên liệu hóa thạch trong một thế kỷ, và do đó, một phần lớn các các quản lý của chúng ta vẫn đều dựa trên nhiên liệu hóa thạch." Ở Úc, Griffith cho biết, một kilowatt giờ năng lượng do các tấm pin mặt trời trên mái nhà tạo ra có giá bằng một phần ba so với năng lượng từ lưới điện Hoa Kỳ. Ông nói thêm: “Chúng ta có thể tạo ra một nguồn năng lượng rẻ hơn trong lai nhưng để làm được thì cần đến nhà nước, thiết bị hiện đại và nguồn vốn." Các thành phố đang ứng phó theo những cách khác: Tucson- Arizona là công ty hàng đầu quốc gia về tái chế nước thải để dùng cho tưới tiêu và chữa cháy. Các quận ở California đang đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng để dự trữ nước cho những đợt hạn hán trong tương lai. Một câu chuyện mang tính toàn cầu hơn được viết bởi Aurora Almendral. Câu chuyện tập trung vào giảm thiểu lượng khí thải carbon trong ngành vận chuyển. Tàu chở hàng là một trong những cỗ máy lớn nhất trên hành tinh và việc vận chuyển tạo ra 2,9% lượng khí thải carbon-dioxide toàn cầu - gần bằng toàn bộ Nam Mỹ. Một số chuyên gia tin rằng sử dụng gió thông qua các cánh buồm hiện đại có thể giảm đáng kể con số đó. Các công ty khác đang phát triển các kỹ thuật sản xuất thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng carbon vào vật liệu xây dựng, nhiên liệu, chất dẻo và thậm chí cả thức ăn cho cá. Jon Gertner viết: “Bạn có thể thức dậy vào buổi sáng trên một tấm nệm làm từ CO2 tái chế. Bạn có thể lái chiếc ô tô của mình - với các bộ phận làm từ khói CO2 - trên những con đường làm từ bê tông đóng rắn bằng CO2. Và vào cuối ngày, bạn có thể nhâm nhi vodka theo kỹ nghệ carbon trong khi chế biến bữa tối với thực phẩm được trồng trong nhà kính đầy các CO2 tái chế." Tham khảo thêm: Khi các đám cháy rừng bùng lên khắp miền Tây, chúng ta thường quan tâm sự tàn phá trước mắt. Nhưng hậu quả mà chúng gây ra cho nguồn cung cấp nước mới là hậu quả lâu dài trong nhiều năm.
Ý kiến: Farhad Manjoo, biên tập viên báo Times cho rằng “Cách chúng ta quản lý nguồn nước của mình đã không còn phù hợp, kém hiệu quả, thiếu sự đồng bộ và đối với nhiều người là không công bằng”
Người dịch: Pham Khanh Linh
Biên tập: Chau Tran
Comentarios