top of page

Những gì đang xảy ra ở các bang Cộng hòa

Translated from The Atlantic's article Watch What’s Happening in Red States


Tại những bang mà đảng Cộng hoà chiếm ưu thế, cuộc sống người dân Mỹ đang thay đổi một cách chóng mặt.


By Ronald Brownstein, on 03-06-2021, 01:00:00

Mọi chuyện không chỉ dừng lại ở quyền bầu cử.

Năm nay, cả nước đổ dồn chú ý vào lượng dự luật đồ sộ nhằm hạn chế khả năng tiếp cận phiếu bầu tại các bang “đỏ.” Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu của kế hoạch tái tạo đất nước qua làn sóng lập pháp theo tư tưởng bảo thủ. Chính quyền thiên Cộng hòa của các bang Florida, Tennessee, Georgia, Texas, Arizona, Iowa, và Montana đã nhiều năm phát huy tham vọng chính trị bảo thủ, và chính tham vọng này cũng phản ánh chiếc vòng kim cô của Donald Trump vẫn đang thắt chặt quanh đảng Cộng hòa.

Chính khách Cộng hòa của các bang này cùng nhiều bang khác đã điên cuồng làm việc như thể họ đang biên tập một chương trình giờ vàng cho đài Fox News. Họ thôi quảng bá cho các chính sách từng làm nên thương hiệu Cộng hòa như chống tăng thuế, cắt giảm ngân sách, và thu nhỏ tầm ảnh hưởng của nhà nước liên bang. Thay vào đó, họ dồn sức vào các vấn đề xã hội nóng hổi phản ánh những mối quan tâm hàng đầu về văn hóa và chủng tộc của nhóm ủng hộ Trump như quyền phá thai, quyền sở hữu súng, và giới hạn quyền biểu tình công cộng.

Bước ngoặt đột ngột này thể hiện sự phản ứng dữ dội đầy chủ đích với việc Nhà Trắng lẫn Quốc hội đều do đảng Dân chủ kiểm soát. Jessica Anderson là giám đốc điều hành của Heritage Action for America (tạm dịch: Bảo tồn Truyền thống Mỹ), một trong những tổ chức bảo thủ cấp cơ sở tiêu biểu nhất cả nước. Cô cho biết, các cử tri hữu khuynh nhận thấy họ hiện không có khả năng để tuyên truyền lý tưởng một cách thành công trên tầm quốc gia, vậy nên họ dồn hết sức vào các bang đỏ. Tuy nhiên, đây cũng là quyết tâm thu hút sự chú ý về các vấn đề văn hóa xã hội mà Trump đã nhấn mạnh sau khi giới lãnh đạo Quốc hội phía Cộng hòa thường phớt lờ chúng nhằm nhường chỗ cho các ưu tiên kinh tế như cắt giảm và kiểm soát thuế. “Có thể nói, những thành tựu đạt được trên tầm bang là đòn phản pháo gửi đến đảng Cộng hòa vì đã làm ngơ trước các vấn đề nhức nhối này,” cô chia sẻ. “Trump đã nói rằng chúng quan trọng.”

Xu hướng hữu khuynh của các bang Cộng hòa cũng lan tới một vài vấn đề kinh tế: đã có hơn 20 bang bác bỏ quyết định gia tăng trợ cấp thất nghiệp, một phần trong kế hoạch kích cầu kinh tế của Tổng thống Biden mà Quốc hội đã thông qua đầu năm nay. Nhưng những vấn đề xã hội và chủng tộc do Trump biến thành thương hiệu của đảng Cộng hòa đã áp đảo các phiên họp lập pháp của hết bang này đến bang nọ. Các chủ đề gặt hát được nhiều thành công nhất gồm có:

  • 6 bang, gồm cả Tennessee, Montana, Iowa, và Texas, đã chính thức cho phép người sở hữu súng mang vũ khí mà không cần giấy phép.

  • Texas, South Carolina, Idaho, và Oklahoma nghiêm cấm phá thai khi thai có dấu hiệu nhịp tim, tức khoảng 6 tuần tuổi (nhiều phụ nữ còn chưa biết họ đang mang thai tại thời điểm này); Texas, Oklahoma, và Arkansas cũng đã gần như nghiêm cấm phá thai. Arizona đã thông qua một dự luật cực kỳ gắt gao, trong đó cấm cả phá thai trong những trường hợp mắc bệnh di truyền.

  • 10 tiểu bang đã ban hành tổng cộng khoảng 24 dự luật nhắm tới người chuyển giới, trong đó 7 tiểu bang đưa ra dự luật tước quyền tham gia thi đấu thể thao học đường của các vận động viên chuyển giới. Tại Hoa Kỳ, “năm 2021 đã chính thức vượt mặt năm 2015 để trở thành năm hiến pháp bài xích cộng đồng LGBTQ khốc liệt nhất trong lịch sử gần đây,” theo kết luận từ Human Rights Campaign (tạm dịch: Chiến Dịch Nhân Quyền), một nhóm vận động LGBTQ. “Đến lúc này, số lượng luật bài xích LGBTQ ra đời năm nay còn nhiều hơn cả ba năm trước cộng lại.”

  • Tới giữa tháng 5, “14 tiểu bang đã thi hành 22 đạo luật mới gồm những điều khoản gây khó khăn cản trở cho người Mỹ khi đi bầu cử,” chưa kể đến nhiều đạo luật nữa còn đang chờ thông qua, theo nghiên cứu của Trung tâm Công lý Brennan tại trường Luật đại học New York. “Cứ đà này,” tổ chức nhận xét, “tốc độ lập pháp cản trở quyền bỏ phiếu của Hoa Kỳ sẽ còn vượt xa cường độ của năm 2011.” Dự là sẽ có thêm nhiều tiểu bang đỏ gia nhập phong trào này: Tuần vừa rồi, khi các đảng viên Dân chủ của Nghị viện tiểu bang đã đình công nhằm ngăn cản một dự luật giới hạn quyền bầu cử của Texas, Thống đốc Greg Abbot thông báo sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt để ký kết dự luật này trong năm nay.

  • Florida, Oklahoma, Texas, và khoảng 6 tiểu bang khác gia tăng hình phạt cho những người cản trở giao thông hoặc gây tổn thất tài sản khi biểu tình. Một vài bang trong số này cũng đồng thời tiến hành bảo vệ về mặt dân sự lẫn hình sự cho những người cố tình lái xe đâm vào người đi biểu tình, theo một ghi chép của International Center for Not-for-Profit Law (tạm dịch: Trung tâm Pháp luật Phi lợi nhuận Quốc tế).

  • Tennessee, Oklahoma, và Texas nghiêm cấm các trường công lập giáo dục về “lý thuyết chủng tộc phê phán" (critical race theory), một học thuyết xoay quanh phân biệt chủng tộc như một đặc tính cố hữu của lịch sử Hoa Kỳ từ thời lập quốc cho đến hiện tại. Thống đốc Florida Ron DeSantis đang tiến hành nghiêm cấm nội dung này qua một điều luật mới từ hội đồng giáo dục.

  • Florida, Georgia, và Texas đều có luật phạt những chính quyền địa phương cắt giảm ngân sách cho sở cảnh sát của mình. Một trong những phương sách được thông qua ở Texas quy định rằng nếu quận hạt muốn cắt giảm ngân sách cho cảnh sát, đầu tiên phải được cử tri đồng thuận trong một cuộc trưng cầu dân ý. Có điều, đạo luật này chỉ áp dụng cho các quận hạt với dân số trên một triệu người, những nơi hầu hết thiên về Dân chủ.

  • Năm vừa qua, không ít thống đốc từ các bang đỏ đã ký sắc lệnh hoặc luật nghiêm cấm chính quyền địa phương bắt người dân đeo khẩu trang hoặc giới hạn thời gian hoạt động của các doanh nghiệp trong vùng; FloridaTennessee cấm chính quyền lẫn doanh nghiệp địa phương yêu cầu người dân xuất trình bằng chứng tiêm ngừa COVID-19. Những luật hạn chế bầu cử đã được thông qua ở Georgia và đang chờ thông qua ở Texas sẽ cấm những phương sách nhằm gia tăng số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu tại các thành phố đông đúc nhất bang là Atlanta (Georgia) và Houston (Texas).

Tâm thế tự tin trong lo sợ đã góp phần gia tăng số lượng pháp chế mang tính chia rẽ sâu sắc này. Nhiều người nghĩ rằng, các bộ phận lập pháp Cộng hoà trở nên táo bạo hơn sau khi nhận ra đảng Dân chủ vẫn chưa đạt được thành quả lập pháp cấp tiểu bang đáng kể nào trong đợt bầu cử năm 2020. Năm 2018, đảng viên Dân chủ thành công đáp trả Trump bằng cách thắng đậm tại mặt trận tiểu bang (nhất là tại các khu vực ngoại ô đô thị lớn với dân cư thuộc tầng lớp trung lưu trí thức), chiếm được quyền kiểm soát tại 6 cơ quan lập pháp cùng hơn 300 ghế trên toàn quốc. Tuy nhiên, năm vừa qua, dù nỗ lực đầu tư vào bầu cử cấp địa phương và chiến thắng của Biden cấp tổng thống, đảng vẫn thất bại trong việc chiếm thêm lợi thế. Còn đảng Cộng hòa không những lấy lại được gần nửa số ghế đã mất hai năm trước, mà còn chiếm quyền kiểm soát cơ quan lập pháp của 30 bang so với đảng Dân chủ chỉ có 18 bang (1 bang hòa và Nebraska là bang phi đảng phái).

Sự thất bại cấp tiểu bang năm 2020 của Dân chủ là sự khích lệ cho các nhà lập pháp Cộng hòa theo đuổi những kế hoạch gắt gao nhất. Texas có lẽ là một minh chứng điển hình. Sau khi đảng Dân chủ thắng một số ghế ở khu vực ngoại ô và thu hẹp khoảng cách với đảng Cộng hòa trong Nghị viện Bang Texas năm 2018, đảng Cộng hòa đang thoi thóp đã gần như gác lại các vấn đề xã hội và tập trung vào các vấn đề cơm áo như giáo dục trong nhiệm kỳ 2019. Khi đảng Dân chủ không thu được kết quả như cả hai bên đã trông chờ hồi tháng 11, đảng Cộng hòa lại quay về với những vấn đề văn hóa. “Mọi kỳ vọng thay đổi tại Texas đã không xảy ra, nên đảng Cộng hòa trở lại với tâm thế mới tự tin hơn,” James Henson, chủ trì của Dự án Chính trị Texas (Texas Politics Project) từ Đại học Texas tại Austin, nhận xét.

Henson cũng nói thêm, sự tự tin của phía Cộng hòa cũng được “củng cố” bởi trái ngọt thu được từ thành công thâu tóm cả thượng và hạ viên bang Texas năm 2020. Tại đây, cũng như hầu hết tất cả các bang đang chuyển đỏ vào năm nay, đảng Cộng hoà sẽ làm chủ quá trình cải tổ ranh giới địa hạt định kỳ 10 năm. Nắm quyền vẽ ranh giới quận hạt, đảng Cộng hòa đã bớt lo ngại rằng cử tri trong cuộc tổng tuyển cử sẽ phản ứng với những động thái của họ, kể cả cử tri ở những bang dao động. Giám đốc chính trị của Mạng lưới Tự do Texas (Texas Freedom Network, một tổ chức huy động thanh niên của bang) Carisa Lopez cho tôi biết, “Đối với các tổ chức cấp tiến … chúng tôi đã rất mệt mỏi vì [bên Cộng hòa] bủa vây mọi phía. Họ đã làm gần như tất cả mọi thứ trong khả năng của họ.”

Các nhà lập pháp Cộng hòa có vẻ đang hành động trong lo sợ rằng nhóm cử tri ủng hộ Trump (nông thôn, không bằng cấp đại học, da trắng cuồng tín Phúc Âm) sẽ trừng phạt họ trong cuộc bầu cử sơ bộ nếu họ không tay đôi gay gắt với phía Dân chủ cấp tiến, cụ thể là với những các vấn đề văn hóa và chủng tộc. “Các quận thường không có cạnh tranh gay gắt [trong tổng tuyển cử], nên chỉ có bầu cử sơ bộ là đáng quan ngại,” theo lời của giáo sư chính trị học John Geer của Đại học Vanderbilt ở Tennessee, một trong những bang đã ban hành nhiều luật bảo thủ khắt khe nhất năm nay. Theo đánh giá của Glenn Smith, một đảng viên Dân chủ kỳ cựu tại Texas, Phó Thống đốc Dan Patrick đã dùng tư tưởng bảo thủ quá khích để gây sức ép lên các nhà lập pháp năm nay. Ông đã thuyết phục họ rằng, bất kỳ thỏa hiệp nào cũng sẽ chọc tức “nhóm ủng hộ Trump, những người nghĩ rằng cuộc bầu cử đã bị cướp khỏi tay họ, đang tức điên và luôn có nhu cầu gây hấn.”

Những thống đốc trước đó của cả hai đảng phái thường chú trọng sự chuyên nghiệp trong giải quyết vấn đề, "nói không với bè phái." Khi ấy, các lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng hòa còn hạn chế tuyên truyền tư tưởng chính trị hay bắt ép biểu quyết về các vấn đề xã hội gây tranh cãi. Nhưng ngày nay, nhiều thống đốc dường như đang cảm nhận được áp lực tương tự về thách thức tiềm tàng trong đợt bầu cử sơ bộ. Cũng có vài thống đốc, điển hình là DeSantis của Florida, đang tìm sự ủng hộ từ phe Trump cho cơ hội tranh cử tổng thống năm 2024. (Như là để khoe mẽ dự định đó, DeSantis đã ký kết đạo luật cấm nữ sinh chuyển giới tham gia thi đấu học đường tại một trường đạo Thiên Chúa tư nhân vào ngày 1 tháng 6, ngày đầu tiên của tháng tự hào LGBTQ.)

Một số yếu tố khác có thể khuyến khích xu hướng lấn sâu vào cánh hữu của các bang đỏ. Anderson, thuộc Tổ chức Hành động Di sản (Heritage Action), lưu ý rằng các quy định và hạn chế của chính quyền bang và địa phương trong gian đoạn giãn cách xã hội do COVID-19 đã khiến nhiều nhà hoạt động bảo thủ kết luận “chính trị địa phương và bang có lẽ tác động nhiều lên cuộc sống hàng ngày của họ hơn là chính sách liên bang.” Những người khác mà tôi đã nói chuyện chỉ ra rằng những người bảo thủ đang tự tin hơn rằng các chính sách xã hội khắt khe cấp bang sẽ chống lại được các thách thức tư pháp, vì đảng Cộng hòa hiện chiếm đa số 6-3 trong Tòa án Tối cao. Ví dụ, các dự luật khắt khe nhất về phá thai được thông qua trong năm nay sẽ buộc Tòa án phải vô hiệu hoá quyền phá thai trên toàn quốc được thiết lập sau vụ kiện Roe v. Wade. Những người bảo thủ hy vọng điều này sẽ xảy ra trong một vụ việc liên quan lệnh cấm phá thai sau 15 tuần đã được thông qua trước đó ở Mississippi. Các nhóm như Hành động Di sản và Hội đồng Trao đổi Lập pháp Mỹ cũng đang đẩy mạnh nỗ lực khuyến khích các bang do Đảng Cộng hòa kiểm soát cùng theo đuổi một chương trình nghị sự bảo thủ. Ví dụ, Hành động Di sản đã công bố các nguyên tắc thay đổi luật bầu cử Anderson nhận định rằng đã góp phần hướng dẫn viết điều luật hạn chế cử tri được thông qua vào đầu năm nay ở Georgia.

Chính sách cấp bang có thể trở nên mơ hồ vì tính phân mảnh của nó. Nhưng trong loạt động thái từ các bang đỏ này, có hai mô hình đang hiện lên rõ rệt. Một là ngay cả khi Trump không còn ở Nhà Trắng, phong cách chính trị hiếu chiến, hung hăng về những vấn đề văn hóa và chủng tộc của ông vẫn đang thống trị đảng Cộng hoà. Đáng chú ý, ở một số bang, các hạn chế về quyền bầu cử và các vấn đề xã hội (đặc biệt là các dự luật nhắm vào người chuyển giới) đang được tiến hành bất chấp sự phản đối công khai từ cộng đồng doanh nghiệp từng là nền tảng của đảng Cộng hoà.

Donald Kettl, một giáo sư chính sách công tại Đại học Texas ở Austin và đã nghiên cứu lâu năm về chủ nghĩa liên bang và chính trị tiểu bang, cho biết: “Ta đã tưởng rằng một khi Trump rời đi, Đảng Cộng hòa sẽ trở lại 'bình thường.' Hoá ra đó là một cú đánh cược tồi tệ." Ông nói tiếp: "Tất cả những năng lược giận dữ, một phần do kinh tế, một phần do xã hội, vốn đã tồn tại từ trước, và giờ chúng vẫn còn cháy bỏng, vẫn còn lớn mạnh và vẫn đang trong quá trình cố gắng chuyển hoá Đảng Cộng hòa."


Người dịch: Quyen Tran

Biên tập: Ren Dinh


Comments


bottom of page