Translated from The Atlantic article The Capitol Rioters Weren’t ‘Low Class’
Các chủ doanh nghiệp, nhà môi giới bất động sản và các nhân viên dịch vụ đã tham gia bạo loạn không phải chỉ vì bất mãn về kinh tế, mà là vì niềm tin vào quyền cai trị bất khả xâm phạm của họ.
Adam Serwer , ngày 13 tháng 1, 2021
Họ là chủ doanh nghiệp, giám đốc điều hành, nhà lập pháp tiểu bang, cảnh sát, thành viên dịch vụ tích cực và đã nghỉ hưu, nhà môi giới bất động sản, những ông bố thất nghiệp, và, tôi đoán rằng có cả Proud Boys.
Đám đông đã đột nhập Điện Capitol vào tuần trước theo lời hô hào của Tổng thống Donald Trump, hy vọng lật ngược kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, có đầy đủ những tố chất người ta có thể gọi là “những người đáng kính”. Họ khiến hàng chục sĩ quan Cảnh sát Capitol bị thương, la hét “hãy treo cổ Mike Pence!” Họ đe dọa giết Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, và dựng giá treo cổ bên ngoài tòa nhà. Một số là những kẻ cực đoan sử dụng đám đông làm vỏ bọc, nhưng khi chính quyền liên bang ra cáo trạng, phần lớn trong số những người bị nêu tên dường như là người Mỹ bình thường. Và không có gì đáng ngạc nhiên về điều đó.
Mặc dù bất kỳ đám đông nào có quy mô đều nhất định phải có những người đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng không ngạc nhiên lắm khi các tầng lớp trung lưu lại là những nhân tố chính trong cuộc bạo loạn hôm ấy.
Quan điểm cho rằng bạo lực chính trị chỉ đơn giản xuất hiện do sự tuyệt vọng về kinh tế, thay vì ý thức hệ, là một quan điểm tự an ủi. Nhưng quan điểm ấy sai. Trong suốt lịch sử Hoa Kỳ, bạo lực chính trị thường được hướng dẫn, khởi xướng và gây ra bởi những người có tiếng nói thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu có học. Niềm tin rằng chỉ những người nghèo khổ mới tham gia vào bạo lực chính trị - đặc biệt là bạo lực chính trị của phe cánh hữu - là một quan niệm sai lầm thường được nuôi dưỡng bởi chính giới tinh hoa, những người hưởng lợi từ bạo lực đó.
Các thành viên trong cuộc bạo loạn tấn công Điện Capitol, những kẻ đánh chết một sĩ quan cảnh sát vào tuần trước không hề tuyệt vọng. Họ ở đó vì họ tin rằng họ đã bị tước bỏ quyền cai trị bất khả xâm phạm một cách vô cớ. Họ tin rằng không chỉ vì ông trùm bất động sản thế hệ thứ ba đã kích động họ, mà còn vì Ivy Leaguers giàu có đã khuyến khích họ nghĩ rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp.
Có rất nhiều tiền lệ cho điều này. Khi Ku Klux Klan hình thành trong quá trình Tái thiết, theo nhà sử học Eric Foner, ban lãnh đạo “bao gồm các chủ đồn điền, thương gia, luật sư và thậm chí cả các bộ trưởng. “Những công dân đáng kính nhất đang tham gia vào việc đó,” một thành viên của Văn phòng Georgia Freedmen báo cáo, “ tôi không biết những người như vậy đáng kính chỗ nào.”
Những người đáng kính có thể rất nguy hiểm. Tổng thống Ulysses S. Grant đã đáp lại sự phẫn nộ của KKK ở miền Nam Tái thiết bằng cách cử quân đội đến để tiêu diệt Klan và Bộ Tư pháp mới thành lập để truy tố nó. Vào thời điểm ấy, nỗ lực đã thành công.
Tuy nhiên, các cánh bán quân sự của Đảng Dân chủ, quyết tâm tước quyền của cử tri Da đen và khôi phục quyền tối cao của người da trắng, đã tự tái thiết. Chỉ có điều lần này họ bỏ mặt nạ ra thì mọi người mới thấy họ đáng kính như thế nào. Hoạt động một cách công khai, họ đã thành công hơn nhiều so với trước đây khi khoác lên mình những bộ trang phục và mặt nạ ngớ ngẩn, mang những cái tên như Liên đoàn Trắng và Áo đỏ. Họ khủng bố, giết hại và đe dọa các cử tri Da đen và các đồng minh Đảng Cộng hòa da trắng của họ để loại những người đó khỏi chính thể và đem người Da đen trở lại tình trạng gần như là nô lệ.
Theo nhà sử học Justin Nystrom, “thợ mộc, dân buôn và thợ thiếc [thuộc Liên đoàn Trắng], cũng như những người lao động và công nhân bốc xếp”, nhưng “phổ biến hơn là những người chuyên nghiệp đến từ Factor's Row: thư ký, kế toán, xí nghiệp đường và bông gòn, cán bộ đo lường, và luật sư. ” Ở Nam Carolina, một thủ lĩnh của hội Áo đỏ, Benjamin Tillman, sinh ra trong một gia đình sở hữu nô lệ giàu có. Nhà sử học Steven Hahn viết: "Những người của ông ấy phần lớn là" những địa chủ nổi bật trong các các hiệp hội nông nghiệp địa phương, Granges và các câu lạc bộ chính trị bảo thủ ". Các dân quân cực đoan người da trắng đã tàn sát người Da đen và lật đổ chính phủ Wilmington, Bắc Carolina, vào năm 1898 được mô tả là “những công dân da trắng có uy tín” trong các tài liệu đương thời.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tầng lớp trên của các tổ chức cực đoan của người da trắng đã nhận thức được rằng những lời xúc phạm mà các tờ báo miền Bắc đưa ra thật ra là từ những người da trắng thuộc tầng lớp thấp hơn, điều này chỉ làm tăng tính cấp thiết cho dự án chính trị của họ: khôi phục sự cai trị của người da trắng ưu tú, làm cho những đam mê được cho là của các tầng lớp da trắng thấp hơn bị kiềm chế, và sự tham nhũng được cho là của người Da đen và các đồng minh da trắng của họ bị trừng phạt. Tuy nhiên, trên thực tế, khi những người lao động da đen và da trắng thành lập các liên minh - chẳng hạn như hội những người đổi mới ở Virginia - thì đó là cách hiệu quả nhất để lật đổ những người theo chủ nghĩa da trắng tối thượng.
Nhà sử học Stephen Kantrowitz viết trong cuốn tiểu sử về Tillman: “Họ sử dụng ngôn ngữ của 'đám đông' để đánh lạc hướng và tự ngăn cách họ khỏi những hành động bạo lực mà họ tuyên truyền, " tuyên bố rằng những cuộc tấn công này được thực hiện bởi những người da trắng đáng khinh, điều đó đồng nghĩa với việc chỉ những người da trắng đáng kính mới có thể bảo vệ những người miền Nam da đen." Tillman nhấn mạnh, Hội Áo đỏ, “ thuộc về tầng lớp mà người trong hội không có hành vi xúc phạm kiểu đó”. Với tư cách là một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, Tillman sẽ khoe khoang rằng đã “bắn người da đen và gian lận phiếu bầu.”
Sau khi đảng Cộng hòa rút lui khỏi công cuộc Tái thiết, nói rõ rằng họ sẽ không bảo vệ quyền của người Da đen cũng như ngăn cản đảng Dân chủ vi phạm điều đó, những người đàn ông đáng kính, những người đã lật đổ công cuộc Tái thiết đã cởi mở hơn rất nhiều về hành động của họ. Họ trở thành thị trưởng, thống đốc, dân biểu và thượng nghị sĩ. Họ dựng tượng đài cho Quân đội Liên minh miền Nam và người đã dũng cảm trong việc bảo vệ chế độ nô lệ, vừa để kỷ niệm thành tích của họ vừa để ngăn cản những người miền Nam da đen tiếp tục suy nghĩ về bình đẳng chính trị với người da trắng. Họ nói với thế giới rằng những gì họ đã làm là chủ nghĩa anh hùng chứ không phải khủng bố, và nhân danh hòa giải và thống nhất, những người da trắng ở miền Bắc đã phải đồng thuận.
Đến năm 1909, một thập kỷ sau vụ thảm sát ở Wilmington truyền cảm hứng cho một làn sóng luật Jim Crow mới trên khắp miền Nam, Tổng thống Đảng Cộng hòa William Howard Taft ca ngợi Đảng Dân chủ vì đã loại trừ “một phần tử ngu dốt, vô trách nhiệm” - tức là cử tri Da đen - khỏi chính trị. Những người đáng kính một lần nữa lại được cầm quyền.
Tất nhiên, chính thành công của họ trong việc nắm quyền và tước quyền của các đối thủ chính trị đã cho phép họ duy trì được sự tôn trọng của mình. Nếu họ thất bại, nếu cuộc thử nghiệm ngắn ngủi của miền Nam trong nền dân chủ đa chủng tộc thành công, họ sẽ bị coi là những kẻ cướp, sát thủ và khủng bố đúng như bản chất của chính họ. Không sợ bị trừng phạt là điều làm cho việc giết người và khủng bố trở nên đáng nể. Rốt cuộc, nếu những việc làm này thực sự là tội ác, họ sẽ bị trừng phạt.
Theo dõi đám đông lục soát Điện Capitol vào tuần trước, Trump được cho là ban đầu rất nhiệt tình với cuộc bạo động, nhưng sau đó lại thấy ghê tởm bởi “điều mà ông ấy coi là cảnh tượng‘ thấp kém ’của những người mặc trang phục rách rưới lục tung Điện Capitol”.
Bây giờ chúng ta biết sự thật. Họ không phải là "tầng lớp thấp." Họ là những người đáng kính trọng. Họ hầu như luôn luôn như vậy.
Người dịch (Lược dịch/Phỏng dịch): Quân Lý
Biên tập: L. Tạ
Commentaires