top of page

Nhiều thế hệ người Mỹ gốc Á chịu oan ức từ chính đất nước mình

Translated from National Geographic article America’s long history of scapegoating its Asian citizens.


Khi giới cầm quyền gọi COVID-19 là “virus Trung Quốc”, lịch sử phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á được chính quyền hậu thuẫn hàng thập kỷ trước dường như được nhắc lại.


Nina Strochlic, ngày 02 tháng 09, 2020

Danny Satow (nhân vật trong bài) đứng bên ông, Eisaku “Ace” Hiromura, từng chiến đấu trong đơn vị lính Mỹ gốc Nhật thời Thế chiến thứ hai, và bà, Haruka “Alice” Kikuchi, từng bị giam cầm trong trại tập trung người Nhật tại California suốt cuộc chiến đó.


Hôm ấy, Danny Satow đang đi bộ về nhà sau khi dạo quanh khu cô sống trên Federal Way, ở ngoại ô phía Nam Seattle, thì bị một vật nặng đập mạnh vào ngực. Một chiếc xe hơi vút qua, vang lên lời miệt thị chủng tộc với người gốc Hoa. Chiếc xe nhanh chóng biến mất vào luồng giao thông tấp nập, còn Danny cúi xuống và cầm lên chai nước lớn cả lít vừa ném vào cô. Vùng xương đòn đau điếng, nhưng cô tự trấn an bản thân. Đứng lặng bên đường, cô thầm mong tìm thấy được sức mạnh như bà mình.


Lớn lên ở New York, Danny không mấy khi cảm thấy bị kỳ thị vì gốc gác Nhật Bản của mình. Nhưng trong căn nhà cô sống cùng ông bà ở Brooklyn, chuyện quá khứ bao trùm tâm trí cô. Ông Eisaku “Ace” Hiromura gần như không nhắc đến những gì trải qua trong Thế chiến thứ hai, mặc dù những tấm huân chương treo trên tường đã nói hộ thời gian chiến đấu trong Trung đoàn Bộ binh 442, một đơn vị đầy chiến công gồm những người lính Mỹ gốc Nhật Bản thế hệ thứ hai. Còn người bà Haruka “Alice” Kikuchi luôn hút hồn Danny với những câu chuyện thời còn đôi mươi, đi nhảy đầm nơi những buổi tụ tập ở Đường đua Tanforan, California, cũng chính nơi này bà cùng gần 7,800 người Mỹ gốc Nhật khác bị chính quyền Mỹ giam cầm. Bà cùng bảy người anh chị em phải xếp phản ngủ trong chuồng ngựa.


Bà bảo Danny rằng sự giam cầm đó là một sai lầm, nhưng không tỏ ra căm giận. Chúng ta phải tiến bộ lên, bà Alice vẫn nói.


Vậy nên khi bị chai nước ném vào người và nghe thấy những lời phỉ báng, Danny, cô y sĩ 33 tuổi, nghĩ về cách mà tinh thần trầm tĩnh và lạc quan đã giúp bà mình thọ đến 101 tuổi. Cô lại bước đi. Chỉ còn cách nhà bốn khu phố, nhưng cô bật khóc trước khi kịp đi đến cuối đường.


TÓM TẮT LỊCH SỬ PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC ĐỐI VỚI NGƯỜI GỐC Á TẠI MỸ

Trong những tháng đầu xuất hiện đại dịch coronavirus, hàng ngàn người châu Á sống tại Mỹ bỗng trở thành mục tiêu quấy rối và công kích. Những vụ việc liên quan đến phân biệt chủng tộc bắt đầu khi những ca bệnh đầu tiên lây lan khắp Trung Quốc tháng 12 năm ngoái, trong khi thông tin lệch lạc đầy rẫy khắp nơi. Khi dịch bệnh tìm được đường đến Hoa Kỳ, Tổng thống Trump lặp đi lặp lại cụm từ “Virus Tàu” hoặc “Cúm Tàu” để chỉ COVID-19, và công khai ủng hộ một giả thuyết đã bị bác bỏ rằng virus này xuất phát từ một phòng thí nghiệm tại Trung Quốc. Đến tháng 4, một cuộc khảo sát của IPSOS cho thấy cứ mười người Mỹ sẽ có ba người đổ cho dịch bệnh là lỗi cho Trung Quốc hoặc người dân Trung Quốc.


Người Mỹ gốc Á bỗng trải nghiệm một sự căng thẳng khác lạ trong cuộc sống thường ngày. Cửa hàng, cửa hiệu và tài sản của người gốc Á bị bôi bẩn bằng những hình tượng và lời lẽ xúc phạm. Trên cả nước, nhiều người vô tội bị hành hung, bị lăng mạ, bị xa lánh. Không có số liệu chính thức nào ghi lại số vụ việc đã diễn ra, nhưng khoảng cuối tháng 3, Nghị sĩ Judy Chu bang California ước tính có khoảng 100 trường hợp người Mỹ gốc Á bị quấy rối mỗi ngày.


Nỗi lo sợ này không phải quá lạ lẫm. Trong khoảng một thế kỷ rưỡi qua, nước Mỹ đã đặt ra nhiều luật lệ và chính sách xuất phát từ sự phân biệt đối xử với các nhóm sắc tộc, từ Đạo luật Bài trừ người Hoa đến quyết định giam cầm người Nhật trong Thế chiến thứ hai. Các nhà sử học và nhà hoạt động nhân quyền lo ngại rằng những luận điệu chính trị và hành vi quấy rối nhắm đến người châu Á cũng tương đồng với các thời điểm đen tối trong lịch sử Hoa Kỳ, khi ngay cả chính quyền cũng hậu thuẫn sự phân biệt chủng tộc.


CUỘC CHIẾN CHỐNG THÔNG TIN SAI LỆCH

Khoảng giữa tháng 2, khi mới chỉ có một trường hợp duy nhất được xác định nhiễm coronavirus ở Los Angeles, một học sinh 16 tuổi đã bị bạn đồng môn tố là mang virus từ Trung Quốc đến trường. Cậu đáp lại rằng mình không phải người Trung Quốc, và bị bạn đấm lên đầu 20 lần. Cậu học trò phải nhập viện cấp cứu sau đó.


Bà Manjusha Kulkarni tỏ ra hết sức bất ngờ. Với tư cách giám đốc Hội đồng Kế hoạch và Chính sách Châu Á Thái Bình Dương (A3PCON), một hiệp hội các tổ chức đại diện cho 1.5 triệu người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương tại Los Angeles, bà hiểu biết sâu sắc về nạn phân biệt chủng tộc nhắm đến người châu Á tại Mỹ. Vậy nên bà cũng ngạc nhiên vì sự bất ngờ của chính mình. Theo bà, so với người Mỹ gốc Phi và Mỹ Latin, người gốc Á ít gặp phải bạo lực phân biệt chủng tộc lộ liễu hơn. (Trên thực tế, định kiến “nhóm thiểu số kiểu mẫu” còn gây mất đoàn kết giữa người Mỹ gốc Á với các nhóm thiểu số khác.) Lần này đặc biệt lại là nơi trường học và khi đó dịch bệnh còn chưa lan khắp Los Angeles.


“Vậy nó nói lên điều gì?” Kulkarni nói. “Vấn nạn này phát tán còn nhanh hơn cả dịch bệnh.”


Khi số vụ quấy rối người gốc Á gia tăng, A3PCON yêu cầu Văn phòng Gám đốc Tư pháp California thu thập dữ liệu. Bị từ chối, tổ chức này tự thiết lập một hệ thống tiếp nhận phản ánh. Chỉ trong hai tuần kể từ khi vào guồng hoạt động ngày 19/3, hệ thống theo dõi Stop AAPI Hate tracker (tạm dịch: Ngưng Thù hận với Người Châu Á và các Đảo Thái Bình Dương) đã nhận được gần 700 lần phản ánh. Trên khắp cả nước, nhiều người nói họ bị phỉ nhổ khi đi chợ, bị lăng mạ khi chạy bộ thể dục, bị miệt thị khi đứng xếp hàng. (Đến tháng 8, hệ thống đã ghi nhận hơn 2,600 vụ việc.)


Cho rằng những vụ việc này chỉ diễn ra đơn lẻ là sai lầm. Bà Kulkarni nói, muốn nuôi thù hận lớn thành chính sách quốc gia, việc đầu tiên là nhà cầm quyền khơi lên nỗi lo sợ trong dân chúng. Rồi pha vào sự cổ xúy từ truyền thông. Cuối cùng là văn hóa đại chúng lan truyền những định kiến xấu.


“Phải có cả một hệ thống như thế đấy, nhưng hiện tại lại rất dễ làm khi đã tồn tại sẵn định kiến, để đẩy cả nước Mỹ quay về thời trước,” bà Kulkarni chia sẻ. “Chúng ta phải tranh đấu liên tục, bởi lẽ những hình ảnh hay dụ pháp mang màu kỳ thị chủng tộc đã là một phần nước Mỹ, một phần của chất Mỹ.”


LỊCH SỬ BÀI TRỪ

Trong khoảng một thế kỷ rưỡi qua, Hoa Kỳ đã chính danh hóa sự phân biệt đối xử với các nhóm sắc tộc thiểu số bằng luật lệ và chính sách. Trong thập niên 1880, “hiểm họa da vàng” - nỗi lo sợ một cuộc xâm lăng của người châu Á và sự bất bình đối với lao động giá rẻ từ Trung Quốc - đã dẫn đến Đạo luật Bài trừ người Hoa, cấm cả người nhập cư mới và cũ trở thành công dân Mỹ. Sang đến đầu thế kỷ 20, sự gia tăng người nhập cư Ấn Độ làm dấy lên “hiểm họa bánh mật,” mối lo ngại mà một tờ báo Washington ngày đó mô tả là “bầy lũ Ấn Độ xâm lược nước ta.” Đến năm 1917, sau nhiều thập kỷ chịu áp lực lớn từ những trào lưu chống nhập cư như “100 phần trăm Hoa Kỳ chủ nghĩa,” Đạo luật Khu vực Cấm vận Á Châu ngăn chặn phần lớn người nhập cư từ Ấn Độ nói riêng và châu Á nói chung. Mãi đến khi Đạo luật Nhập cư năm 1965 được thi hành, rào cản dựa trên sắc tộc mới được dỡ bỏ.

Khi tin tức về COVID-19 bắt đầu lan truyền hồi tháng Giêng, Karlin Chan nghe đồn rằng cư dân khu Hoa Kiều đang bị quấy rối. Ông bắt đầu đi tuần khu mình ở nhằm giúp trấn an người dân. Ông cập nhật những cuộc đi tuần lên mạng xã hội và dần có hàng chục người tham gia cùng ông.

ẢNH: HEATHER STEN, NATIONAL GEOGRAPHIC


Thế chiến thứ hai như bão tố ập đến với người Mỹ gốc Nhật dẫn tới sự giam giữ tập trung hàng loạt. Giới báo chí, như tờ Los Angeles Times, lên tiếng ủng hộ chính sách này, cùng lúc đó, hệ thống tuyên truyền ủng hộ chiến tranh mô tả người châu Á là khôn ngoan và thâm hiểm. Một bức truyện tranh Dr. Seuss vẽ hình những hàng dài người Mỹ gốc Nhật xếp hàng trên Bờ Tây lần lượt nhặt lấy một khối thuốc nổ. “Đợi tín hiệu từ quê nhà…” dòng chú thích viết. Ngày 19/2/1942, Tổng thống Franklin Roosevelt ra lệnh giam giữ hơn 120,000 người Mỹ gốc Nhật trong các trại tập trung.


Trong thập niên 1980, những cộng đồng gốc Á tại Hoa Kỳ bắt đầu vận động đấu tranh vì quyền công dân của mình. Phong trào nổi lên sau một vụ án mạng: năm 1982, một người Mỹ gốc Hoa tên Vincent Chin bị hai người đàn ông da trắng đánh đập đến chết chỉ vài ngày trước khi làm lễ cưới. Hai tên này đổ lên đầu anh sự bất bình đối với nền công nghiệp xe hơi hùng mạnh thời bấy giờ của Nhật Bản, trong bối cảnh nước Mỹ đang dần mất đi việc làm trong các ngành sản xuất.


Sau sự kiện 11/9, người gốc Ấn, Hồi giáo và Sikhs, phần đông đến từ Nam Á, ghi nhận những vụ án có tính trả đũa ở Mỹ. Trong số những nạn nhân đầu tiên bị sát hại có một chủ trạm xăng dầu người Sikh tên Balbir Singh Sodhi ở bang Arizona, và Vasudev Patel và Waqar Hasan, hai người gốc Nam Á ở bang Texas.


“Thời đó và bây giờ có điểm y hệt nhau,” bà Kulkarni nói. “Chính là những luận điệu phân biệt chủng tộc giới chính trị gia vẫn hay sử dụng dần dà chuyển thành những chính sách đầy nhức nhối.”


Hiện nay, Chính quyền Trump vẫn tiếp tục đổ lỗi bùng phát dịch bệnh cho Trung Quốc.


Một bản ghi nhớ dài 57 trang từ Ủy ban Thượng viện Quốc gia Đảng Cộng hòa gợi ý một luận điểm giúp giới chính trị gia biện hộ rằng gọi COVID-19 là “Virus Tàu” không có ý xúc phạm chủng tộc. Tháng 7, Trump tuyên bố chính quyền Trung Quốc “chịu hoàn toàn trách nhiệm cho việc che giấu virus và đi lây lan ra khắp thế giới.” Tổ chức Y tế Thế giới phải lên tiếng cảnh báo về việc liên hệ các loại bệnh tật với một địa phương cụ thể, nhằm tránh gây ra định kiến và kỳ thị.


Tuy nhiên, sự đổ vạ này, theo ý bà Kulkarni, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người dân Mỹ. Nếu không có sự kỳ thị sắc tộc âm ỉ từ bên trong, bà nói thêm, làm sao hệ thống theo dõi của bà lại ghi nhận nhiều vụ quấy rối đến vậy dù chỉ mới ngay những tuần đầu tiên của đại dịch?


Phần đông những vụ việc được hệ thống Stop AAPI Hate ghi nhận không đủ cấu thành tội phạm. Nhiều khả năng chúng sẽ không bị kiện lên tòa. Cách duy nhất để phản công là bằng giáo dục và chính sách công.


“Khi hạt đã được gieo xuống đất rồi thì có loại bỏ được hoàn toàn không?” Kulkarni hỏi. “Không. Ta phải thường xuyên xới đất. Ta phải nỗ lực gieo mầm một cái gì đó tốt đẹp hơn.”


NHÓM DÂN PHÒNG MỚI

Ba lần một tuần, cứ vào 2 giờ chiều, một nhóm nhỏ mặc áo polo cam in hashtag “#Chinatownblockwatch” lại tụ tập ở giao lộ đường Mott và Bayard, trung tâm khu phố Hoa tại Manhattan. Các tình nguyện viên sẵn sàng di chuyển từ những nơi xa như Queens hay Brooklyn, sau đó dành khoảng hai giờ lang thang trong những ngõ hẻm ngoằn ngoèo, băng qua những tiệm bánh hay sạp hàng Trung Quốc, phóng tầm nhìn ra những con ngõ nhỏ, đảm bảo sự hiện diện của mình được biết đến.


Họ mang đến một thông điệp đơn giản: Chúng tôi đang quan sát đấy.


Vào tháng Giêng, khi những tin tức về COVID-19 lan như cỏ dại, Karlin Chan bắt đầu nghe được tin đồn về những cư dân sinh sống tại Khu phố Hoa bị quấy rối. Chẳng lâu sau, hàng quán đóng kín cửa và đường xá vắng lặng. Ông Chan, một nhà hoạt động nhân quyền toàn thời gian đứng ra ủng hộ các nạn nhân, đã lớn lên ở New York và nằm lòng những con phố nơi đây. Ông phát biểu: “Tôi có những nguyên tắc nghiêm ngặt để giữ vững lập trường của mình.” Rồi ông bắt đầu đi tuần tra. Sau khi đăng lên mạng xã hội, một vài người bạn của ông tham gia cùng. Sau đó, ngày càng có nhiều người gia nhập.


Ông Chan tin rằng những vụ việc quấy rối nhiều khả năng vượt quá số được ghi nhận, đặc biệt sau khi ông có thời gian xem qua báo cáo những năm trước đó về những tội ác xuất phát từ kỳ thị trong thành phố. Theo ông, những người nhập cư thường không biết làm sao báo án, hoặc gặp rào cản ngôn ngữ. Một vài người chọn cách tránh khỏi tầm nhìn của những nhà chức trách. Ông Chan xung phong giúp ở mọi công đoạn: cổ vũ người dân báo cáo với cảnh sát, hộ tống họ đến sở cảnh sát, và kiểm tra những vụ việc chưa được báo cáo mà bản thân nghe ngóng được. Theo ông, nếu không có tài liệu đối chứng, sẽ không có tài nguyên hay động lực để giải quyết nạn phân biệt chủng tộc.

Ông Chan nói: “Người Hoa luôn bị bài trừ một cách có hệ thống, dù chính thức hay không, và cơn đại dịch này chỉ dấy lên chuyện đã có từ lâu. Khi người ta muốn đổ lỗi, họ đổ lên người Hoa chúng tôi. Chúng tôi chỉ được cho ăn nhờ ở đậu chứ chưa bao giờ thực sự được chào đón.”


Hình ảnh những tình nguyện viên áo cam của ông Chan khiến người ta liên tưởng đến cái thời mà hàng xóm phải để mắt trông chừng lẫn nhau. Vào những năm 1980, nhóm chống tội phạm tự phát mang tên Guardian Angels từng tuần tra khắp những ga tàu ngầm và khu phố sầm uất nhất ở New York. Ông dự định tiếp tục cuộc tuần tra, và mong nó trở thành một phần cố định của khu phố Hoa.


“Khi bắt đầu thấy được sự ảnh hưởng lên nền kinh tế [của COVID], chúng ta sẽ còn thấy nhiều vụ quấy rối hơn nữa. Sự tuyệt vọng sẽ biến thành nỗi uất hận, và họ sẽ đổ hết lên người chúng ta,” ông Chan nhận xét.


LỊCH SỬ LẶP LẠI

Nước Mỹ luôn chậm chạp nhận ra lịch sử chống người châu Á của bản thân. Mãi đến năm 1988, chính phủ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan mới xin lỗi và đền bù cho những nạn nhân sống sót trong những trại giam giữ người Nhật. Năm 2018, quyết định tống giam của Tòa án tối cao [thời Thế chiến thứ hai] mới bị bãi bỏ, và California vừa lên tiếng xin lỗi về vai trò của mình vào đầu năm nay. Năm 2011, Thượng viện Hoa Kỳ chính thức lên tiếng xin lỗi về Đạo luật Bài trừ người Hoa, nối gót là Hạ viện một năm sau đó.

Nhưng toàn bộ quãng đường lịch sử đó không nằm trong chương trình giáo dục ở hệ thống trường công. Theo Adrian De Leon, phó giáo sư nghiên cứu về Hoa Kỳ học và Dân tộc học tại Đại học Nam California, “Một phần của vấn đề chính là một cơ số người nói việc này không thể nào xảy ra ở đất Mỹ được. Phần còn lại, thuộc các cộng đồng phải chịu đựng những bất công trên, biết rằng điều đó hoàn toàn có thể. Chính sự cố tình ngó lơ lịch sử này đã cho phép chủ nghĩa dân tộc bản xứ, phân biệt chủng tộc, và bạo lực đương thời được sinh sôi.”


Trong bối cảnh chính trị hiện tại, De Leon lại một lần nữa nghe đầy tai những định kiến chủng tộc đã kéo dài hàng trăm năm. Trước Đạo luật Bài trừ người Hoa, báo chí và các chính trị gia hay nhắm vào điều kiện sống kém vệ sinh ở những khu phố Hoa và mô tả viễn cảnh người nhập cư tràn ngập đường phố Mỹ. Những luận điểm trên được dùng để biện minh cho hành vi bài trừ, trong khi trên thực tế, những khu phố của dân nhập cư hay thiếu vệ sinh vì nơi đó thiếu thốn dịch vụ công. Ông De Leon phát biểu: “Những nhà nhân quyền ‘bản địa’ da trắng kia sẽ gán sự ô uế vào chính những người Hoa, và nói họ là mối hại cho quốc gia.”


Các chính sách bài trừ và bạo lực diễn ra thường bắt rễ từ mối đe dọa sẽ có một đế quốc toàn cầu đối địch, theo nhận định của ông De Leon. Trước khi Thế chiến thứ hai diễn ra, Hoa Kỳ nhận thấy lợi ích của mình ở khu Thái Bình Dương bị lung lay. Ông nói, về mặt chính trị thì “chính phủ Hoa Kỳ xem một siêu cường châu Á nào đang trỗi dậy là hiểm họa thì người dân gốc đó sẽ bị nhìn nhận y như thế”.


Và các sự kiện gần đây, theo ông, đang đi vào hình mẫu quen thuộc đó một cách đáng lo.


“Tác dụng của lịch sử chính là để chúng ta học hỏi từ những sai lầm. Nhưng thực tế méo mó vặn vẹo chúng ta đang chứng kiến lại chính là Hoa Kỳ dẫm vào vết xe đổ thời thế kỷ 19 và 20.”


BỊ CHÍNH ĐẤT NƯỚC MÌNH CHỐI BỎ

Suốt hai tuần, Danny Satow đã không rời khỏi tư gia của mình ở Federal Way, Washington.


“Tôi cảm thấy khá hổ thẹn bởi mình chỉ khóc lóc chạy về nhà. Trải nghiệm của tôi so với thời ông bà mình thật quá nhỏ bé. Tôi cảm thấy lẽ ra mình nên vượt qua nó chứ không phải ở đây vật vã,” Satow bộc bạch.


Khi được bạn bè hỏi, cô cho biết mình không ghi lại biển số xe. Theo những gì cô nhớ lại, khi tâm sự cùng những người bạn gốc Á của mình, họ cũng cảm thấy “kinh hãi”. “Họ thấy sợ khi phải rời nhà đi làm.” Những cái nhìn chằm chằm và đe dọa vu vơ họ vốn mặc kệ nay lại thấy đáng sợ. Cô ấy không muốn nhắc đến nó nhiều, nhưng những người bạn đã hối thúc cô đăng điều đó lên Facebook. Với tag “cảm thấy lo lắng,” Satow kể lại sự việc kèm lời nhắn: “Hãy ủng hộ những người bị nhắm đến, dù ngoài đời hay trực tuyến. Đôi khi khó mà chống trả khi bị tấn công. Hãy giúp đỡ để mọi người đều được an toàn.” Cô cũng đã nộp bản tường trình lên AAPI.


Trước đại dịch, cứ cách vài tuần, Danny sẽ đến thăm ông bà mình ở viện dưỡng lão tại Vancouver, Washington. Nhưng hiện tại toàn bang đang bị phong tỏa. Vụ việc xảy ra vào Lễ Phục sinh - cũng là sinh nhật ông của cô. Cô phải tự đấu tranh có nên nói cho ông mình điều đã xảy ra không. Có khiến họ buồn không? Liệu khi đặt cạnh những trải nghiệm thời chiến của ông bà, trải nghiệm của cô có đáng là gì? Cuối cùng, cô quyết định giữ im lặng.


Gia đình cô đã sinh sống ở Mỹ suốt bốn thế hệ, và ba trong số đó đã là công dân Hoa Kỳ từ nhỏ. Gần 80 năm đã trôi qua kể từ ngày ông cô phải đấu tranh để được chấp nhận tại đất nước đã trừng phạt mình chỉ vì mình gốc Á. Cô nghĩ đến hình ảnh ông mình rời quê nhà Portland, Oregon, để tham chiến cho Hoa Kỳ khi cả gia đình bị đưa vào trại giam giữ. “Họ coi mình là công dân Mỹ, nhưng phải chiến đấu bên cạnh những người coi họ là kẻ thù,” Danny cảm thán.


Người dịch: Tom Nguyen & Dương Nguyễn

Biên tập: K. Tran

Comments


bottom of page