top of page

Nội tình khu dân cư có số người gốc Á tăng nhanh nhất ở New York

By Nicole Hong, on 18-10-2021, 10:00:00

Nhìn từ bờ sông thành phố Long Island (phía Tây của quận Queens) là đường chân trời khu Mahattan sầm uất. Nơi đây cũng là một mô hình vi mô của sự chuyển đổi dân số: sự bùng nổ dân cư gốc Á đã khiến nhóm sắc tộc này trở thành nhóm có số dân tăng nhanh nhất trên cả nước cũng như tại thành phố này. Theo như số liệu của cục thống kê từ tháng 8, cư dân gốc Á là nguyên tố chính thúc đẩy tỉ lệ gia tăng 7.7% tổng số dân New York từ năm 2010, trái ngược với dự đoán của những nhà nhân khẩu học rằng dân số đang giảm dần. Trên toàn nước Mỹ, người gốc Á – gần 20 triệu người đến từ hơn 20 quốc gia – đang chuyển đến những thành phố lớn như Los Angeles và Houston, nhưng cũng tăng nhanh ở các bang như North Dakota và Indiana. Ở West Virginia, dân số gốc Á vẫn gia tăng kể cả khi tổng số dân trên toàn bang giảm. Số liệu từ tổng cục thống kê cũng cho thấy rằng trong những khu dân cư ở thành phố New York, thành phố Long Island có số người gốc Á tăng với tốc độ nhanh nhất, gấp 5 lần từ năm 2010. Gần 11,00 người châu Á sống ở đây chiếm gần 34% tổng số dân của khu dân cư này. Từ khu Bensonhurst ở Brooklyn đến khu Parkchester ở Bronx, số dân gốc Á tăng mạnh đã làm thay đổi hoàn toàn những khu dân cư này: từ khả năng thay đổi thị trường nhà tại New York, đến những doanh nghiệp nhỏ và đại diện chính trị. Vào tháng 6 vừa qua, số lượng kỷ lục 6 ứng viên người Mỹ gốc Á thắng cử vào những vị trí chủ chốt trong hội đồng thành phố, bao gồm cả những vị trí đại diện cho Long Island. Số dân gốc Á ở thành phố New York đã tăng hơn 345,000 người từ năm 2010, chiếm 15.6% số dân của thành phố, theo dữ liệu thống kê, và chiếm hơn nửa số dân gia tăng trong thập kỷ qua. Nhóm dân gốc Á là nhóm chủng tộc duy nhất có số dân tăng trong cả 5 quận. Vào những năm gần đây, thành phố Long Island đã từ một khu công nghiệp lớn – nơi cư trú của nghệ sĩ mới vào nghề và người nhập cư gốc Ý từ lâu – trở thành khu đất với đầy những căn hộ cao cấp gần biển. Nó trở thành tâm điểm vào năm 2019 sau khi Amazon thông báo, tuy sau đó rút khỏi kế hoạch để chuyển trụ sở chính thứ 2 đến đây. Một phần sự gia tăng dân số là do sự gia tăng số học sinh và sinh viên từ Trung Quốc và Hàn Quốc, những người có hoàn cảnh khác hoàn toàn so với những công nhân làm việc ở nhà hàng hay y tá thăm khám sức khỏe tại nhà mà đã sống hàng thập kỷ ở những vùng như khu Chinatown của Mahattan và đang thay đổi bộ mặt của những khu Chinatowns này ở phía Nam Brooklyn. Những người mới chuyển tới Long Island bị thu hút bở những tòa căn hộ cao cấp, thường thì chỉ cách Midtown Manhattan một trạm tàu nhưng rẻ hơn nhiều. Jike Zhang, một kỹ sư phần mềm 28 tuổi di cư từ Trung Quốc đến New York năm 2015 để học tiếp bậc cao học, chia sẻ rằng “Tôi đã chuyển đến đây và chưa từng hối tiếc quyết định của mình.” Cô Zhang đã chuyển đến Long Island từ năm 2018 sau khi tìm khu nhà với một sân bóng rổ. Cô chơi bóng rổ vài lần một tuần, một cách để làm bạn với những người trẻ Trung Quốc khác trong tòa và gần đây mua một căn hộ chung cư một phòng ngủ ở gần đó. Trong số cư dân gốc Á sống ở Long Island, số dân đông nhất thuộc về nhóm người Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, theo dữ liệu thống kê năm 2019. Thành phố Long Island đã thu hút ngày càng nhiều những người Mỹ gốc Á thuộc thế hệ thứ hai hay thứ ba đang trong độ tuổi lập gia đình khi họ tìm kiếm khu dân cư yên tĩnh gần biển. Số lượng những gia đình này tăng nhanh đã khiến trường học gần quá tải và biến giáo dục thành một vấn đề chính trị nóng hổi. David Oh, 43 tuổi, đã chuyển đến Long Island từ 2010 từ Manhattan, nơi mà ông làm trong ngành tài chính bởi lúc đó ông đã kết hôn và mong muốn sống ở một nơi yên tĩnh hơn. Giống như nhiều bậc cha mẹ sống trong vùng, ông Oh lớn lên ở Queens, nơi mà mẹ của ông vẫn còn đang sinh sống. Ông muốn một khu dân cư mà 2 con nhỏ của ông có thể đến Chinatown ở Flushing. Ông Oh, người Mỹ lai gốc Hàn và Trung nói “Bọn trẻ sẽ không lớn lên mà cảm thấy xấu hổ về gốc gác của mình, cảm thấy như thể chúng kém hơn so với những bạn người Mỹ khác hay cảm thấy chúng không phải là người Mỹ.” Những doanh nghiệp địa phương đang chạy đua để đáp ứng nhu cầu của sự thay đổi dân số này. Dọc theo đại lộ Jackson, một hành lang thương mại chính, những biển hiệu quảng cáo những cửa hàng sắp khai trương: Dun Huang, một chuỗi cửa hàng mỹ làm tay; Paris Baguette, chuỗi tiệm bánh Hàn Quốc; và Mito, quầy sushi Nhật. Sự tăng mạnh trong số cư dân gốc Á ở New York đã giúp đẩy mạnh số dân của thành phố này gần 8% kể từ 2010. Rất nhiều chủ doanh nghiệp địa phương là những người nhập cư trẻ như Nigel Huang, 27 tuổi, người kinh doanh một cửa hàng trà sữa tên Teazzi ở tầng trệt của tòa chung cư nơi anh sống. Anh Huang lớn lên ở Trung Quốc trước khi học đại học và cao học ở Mỹ. Anh nhận thấy gia tăng nhu cầu đồ ăn và đồ uống Châu Á. Anh và bạn thường phải đợi gần 2 tiếng để đợi đồ ăn Trung Quốc được giao từ Flushing. Huang nói thêm"Lí do nhiều người Á muốn lập doanh nghiệp ở đây là vì họ thấy tiềm năng của khu vực đang phát triển này." Tuy nhiên, sự tăng mạnh trong số dân gốc Á ở khu này không chỉ là câu chuyện của sự phát triển điều kiện kinh tế của những người gốc Á mà còn phản ánh sự khác biệt về mặt kinh tế của những người gốc Á tại New York, nhóm dân cư có khoảng cách thu nhập lớn nhất giữa những nhóm sắc tộc. Dân cư gốc Á cũng đang tăng nhanh ở một khu vực khác của thành phố Long Island: Queensbridge, khu phức hợp nhà dân cư công cộng lớn nhất nước Mỹ. Theo một hồ sơ toà án mới nhất, số dân cư Châu Á ở đây chỉ chiếm 11% tổng số hộ thuê ở khu phức hợp này vào năm 2019. Theo lời của những người ủng hộ quyền thuê nhà, lượng người nhập cư đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Bangladesh chuyển đến sinh sống ở đây sau khi họ không còn đủ khả năng chi trả để sinh sống ở những khu vực như Lower Manhattan hoặc Astoria ở quận Queens. Một nhà tổ chức vận động cho nhóm người thuê nhà gốc Chây Á ở Queensbridge tên Alina Shen cho biết: “Lãnh đạo tầng lớp lao động gốc Á đã đấu tranh chống lại xu hướng nâng cấp sang trọng đã đẩy họ ra khỏi mái ấm mà họ từng ở trước đây.” Thử thách làm đại diện cho một khu vực cử tri rộng lớn có khả năng sẽ thuộc về Julie Won, một ứng cử viên đảng Dân chủ dự kiến sẽ thắng cử vị trí trong Hội đồng Thành phố đại diện cho thành phố Long Island vào tháng tới, cũng như ở Astoria, Sunnyside và Woodside vùng quận Queens. Cô Won, một nhà tư vấn 31 tuổi ở lĩnh vực công nghệ nói rằng cô đã cố gắng tránh làm những hành động khiến tô đậm những định kiến về hình ảnh nhóm thiểu số kiểu mẫu người Mỹ gốc Á trong chiến dịch vận động tranh cử của mình. Cô chia sẻ với cử tri về quá trình di cư từ Hàn Quốc lúc nhỏ và lớn lên trong cảnh nghèo khó ở Queens, phải chứng kiến mẹ của cô chà chân cho người khác trong các tiệm làm móng. Sau chiến thắng của mình trong cuộc bầu cử sơ bộ, cô Won nhận thấy mình được một lượng ủng hộ lớn từ nhóm cử tri da trắng, cũng như cử tri Tibet, Nepal và Bengal sau khi cô tuyển dụng các nhà vận động bầu cử tập trung vào những cộng đồng này. Tuy nhiên, lượng ủng hộ từ các cử tri gốc Trung Quốc và Hàn Quốc lại thấp hơn so với dự kiến. Cô cho biết để thúc đẩy tinh thần tham gia tích cực của công dân, cô sẽ cần thuê một người thông thạo tiếng Quan Thoại để tiếp cận các chủ doanh nghiệp người Trung Quốc địa phương. Cô Won chia sẻ: “Vì xét cho cùng nếu họ không tin tưởng bạn, họ sẽ không tương tác với bạn đâu.” Elliot Park, một dân cư người Mỹ gốc Hàn đồng thời cũng là cử tri đã bỏ phiếu cho cô Won cho biết những vụ tấn công cộng đồng gốc Á do thù ghét xảy ra khắp thành phố trở thành một động lực thúc đẩy các hoạt động tham gia chính trị. Ông Park sở hữu doanh nghiệp gia đình Shine Electronics Co. đã hoạt động ở khu này từ năm 1984 cho biết: "Việc có một số lượng lớn dân cư Châu Á ở Long Island mang một cảm giác an toàn, mặc dù nhiều vụ tấn công đã xảy ra ở đây tại thành phố này. Ông Park, 43 tuổi, chia sẻ thêm: “Thật sự rất ít khi chúng tôi phải đối mặt với những vụ chống lại người gốc Á ở quanh khu này ngoại trừ ở khu vực tàu điện công cộng. Nhưng xảy ra trên đường phố á? Đừng có mơ khi sẽ có tầm 10 người gốc Á khác đứng sau bạn.” Ngoài vấn đề an toàn ở khu vực công cộng, vấn đề giáo dục cũng trở thành một vấn đề chính trị gây tranh cãi sôi nổi trong khu vực. Trường tiểu học công lập ở địa phương đã có một danh sách chờ ghi danh vào trường mẫu giáo dài trong nhiều năm do sự tăng trưởng số lượng các gia đình mới chuyển đến đến khu vực này. Natsuko Ikegami, một nhà môi giới bất động sản chuyển từ phía Đông Harlem đến sống ở thành phố Long Island vào năm 2017 cũng một phần do cô tin rằng đây là một cộng đồng phù hợp cho các gia đình. Cô cho biết những khách hàng người Mỹ gốc Á của mình thường chọn thành phố Long Island để con cái của họ có thể học ở một trường công lập có thành tích cao thay vì phải trả tiền học phí cho một trường tư thục. Cô Ikegami, người nhập cư đến Mỹ từ Nhật Bản vào những năm 90 chia sẻ: “Chất lượng giáo dục là rất quan trọng đối với nhiều bậc phụ huynh gốc Á. Có một câu nói trong ngôn ngữ của tôi rằng ba năm đời đầu của một đứa trẻ quyết định cả cuộc đời chúng.” Cảm giác trống vắng xen kẽ những khu dân cư này khi số đông các du học sinh đã bay về nước sở tại và những gia đình tái định cư ở vùng ngoại ô, khiến cho một số tòa nhà chuyển sang cho thuê miễn phí 4 tháng. Phí thuê nhà ở Long Island giờ đây cũng tăng nhanh về mức như trước đại dịch, một phần do các du học sinh trở lại trường học. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm phần nào với việc học sinh quay trở lại trường, April Jiang, 29 tuổi, một người nhập cư gốc Trung đang có ý định mở một cửa hàng gà rán phong cách Châu Á ở khu vực này vào tháng tới. Nhà hàng khác của cô ở Long Island, Yin Traditional Hot Pot, đã có một năm khó khăn khi thiếu đi học sinh Trung Quốc. Khi nhà hàng mở cửa vào đầu năm 2020, cô đã bỏ nhiều công sức vào việc nấu chuẩn vị đồ ăn Tứ Xuyên mà không quá lo lắng về việc liệu nước dùng quá cay hay lòng lợn có vẻ không thu hút khách. “Chúng tôi có suy tính liệu chúng tôi có phải cân bằng hương vị để nhiều người Mỹ tới đây ăn không, nhưng chúng tôi không cần làm vậy.” Cô Jiang nói, nhấn mạnh vào nhu cầu của du học sinh. “Hiện tại nhà hàng chúng tôi còn không phục vụ được hết khách hàng của mình.”


Người dịch: Phuong Anh & Linh Nguyen

Biên tập: Bảo Trân


Comments


bottom of page