top of page

Phải xóa tận gốc bạo lực nhắm vào người châu Á vì luật chống thù hằn không phải là giải pháp đúng


Bạo lực chống lại người châu Á đã thu hút sự chú ý trên toàn quốc vào mùa xuân năm nay khi sáu người phụ nữ châu Á thiệt mạng từ một loạt các vụ xả súng ở Atlanta và sau khi bốn thành viên trong số những người thiệt mạng từ một vụ xả súng khác ở Indianapolis là người Sikh.

By Jason Wu, James McMaster, on 28-04-2021, 03:00:00

Bạo lực chống lại người châu Á đã thu hút sự chú ý trên toàn quốc vào mùa xuân năm nay khi sáu người phụ nữ châu Á thiệt mạng từ một loạt các vụ xả súng ở Atlanta và sau khi bốn thành viên trong số những người thiệt mạng từ một vụ xả súng khác ở Indianapolis là người Sikh. Ngoài ra, các cuộc tấn công tàn bạo nhằm vào những người lớn tuổi gốc Đông Á và Đông Nam Á vẫn đang tiếp tục diễn ra trên khắp cả nước. Vẫn chưa rõ khi nào hoặc liệu các cuộc tấn công này sẽ chấm dứt. Để đáp lại sự gia tăng của tình trạng bạo lực này, cộng đồng người Mỹ gốc Á và các đồng minh của họ đã tổ chức các cuộc biểu tình và sử dụng hashtag (dấu thang) “#StopAsianHate” ( #NgưngThùÁ ). Mặc dù khẩu hiệu này đã có ảnh hưởng quan trọng trong việc thu hút sự chú ý đến nạn bạo lực nhắm vào người châu Á và che giấu các hashtag khác có thể gây tổn hại cho các phong trào đấu tranh cho người Da đen chẳng hạn như “#AsianLivesMatter”, nhưng từ “thù hằn” lại chẩn đoán sai vấn đề mà cộng đồng người Mỹ gốc Á đang phải đối mặt . Cách nhìn sự việc qua ống kính của sự "thù hằn" định vị nạn phân biệt chủng tộc trong phản ứng cảm xúc cực đoan của các cá nhân, điều này che khuất thực tế rằng sự phân biệt chủng tộc là một vấn đề cấu trúc. Đây là lý do tại sao ngay sau vụ nổ súng ở Atlanta, chủ đề thảo luận chính là liệu hành động của người bắn súng có "động cơ chủng tộc" hay không, trong khi chủ đề cần thảo luận chính lẽ ra phải là về các cấu trúc xem người da trắng là thượng đẳng trong sự bất bình đẳng chủng tộc và những cảm xúc đã góp phần tạo ra cả kẻ tấn công lẫn vụ tấn công. Điều đáng lo ngại thứ hai của hashtag “#StopAsianHate” là khẩu hiệu này đề xuất một giải pháp vốn sẽ thất bại: luật chống tội thù hằn. Và, trên thực tế, một cuộc bỏ phiếu gần đây ở Thượng viện đã thông qua với tỷ lệ 94–1 Đạo luật tội phạm thù hằn COVID-19 do Thượng nghị sĩ Hawaii Mazie K. Hirono và Dân biểu New York Grace Meng đề xuất. Luật này sẽ tăng cường sự can thiệp của cơ quan thực thi pháp luật đối với các cuộc tấn công nhắm vào người châu Á liên quan đến COVID-19 và tạo ra một vị trí trong Bộ Tư pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xem xét các trường hợp như vậy một cách nhanh chóng. Điều này nên khiến chúng ta do dự. Nhiều người tin rằng việc xem hành vi bạo lực như là một tội ác thù hận có thể ngăn cản con người thực hiện những hành vi gây hại dựa trên thành kiến, nhưng không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy điều đó cả. Luật chống tội thù hằn chỉ đính kèm các hình phạt bổ sung đối với các hành vi đã được hình sự hóa - hành hung, quấy rối, phá hoại, giết người. Theo định nghĩa, chúng mang tính phản ứng vì chúng chỉ được áp dụng sau khi thiệt hại đã xảy ra. Khi đòi công lý thông qua khung hình của “tội ác thù hận”, người Mỹ gốc Á có nguy cơ đặt bản thân mình và các cộng đồng bị thiệt thòi khác, đặc biệt là các cộng đồng Da đen, trước nguy cơ bạo lực cao hơn - không phải từ những kẻ tấn công đường phố hoặc những kẻ xả súng hàng loạt, mà là từ nhà nước được xây dựng dựa trên hệ thống tư pháp hình sự. Và, như luật gia, nhà văn hoạt động chuyển giới và giáo viên Dean Spade lập luận, "Luật chống tội thù hằn củng cố và hợp pháp hóa hệ thống trừng phạt tội phạm, một hệ thống nhắm vào chính những người mà các luật này được cho là được thông qua để bảo vệ." Các phong trào nhằm xóa bạo lực đối với người da màu như các cuộc nổi dậy do người Da đen lãnh đạo đã dậy sóng trên toàn quốc sau vụ giết hại George Floyd và Breonna Taylor, đã lên tiếng một cách mạnh mẽ rằng chúng ta sẽ không giành được sự an toàn, trách nhiệm giải trình và công lý nếu dựa vào sự trợ giúp của cảnh sát, công tố viên và nhà tù. Người Mỹ gốc Á không được quên bài học này. Gần đây hơn, vụ cảnh sát đã giết Christian HallAngelo Quinto là lời nhắc nhở rằng bạo lực của hệ thống pháp luật hình sự cũng là bạo lực chống châu Á. Thay vì đổ nhiều nguồn lực hơn vào việc hình sự hóa, người Mỹ gốc Á nên thúc đẩy việc đầu tư nhiều hơn vào các dịch vụ tích cực ở cấp cơ sở cộng đồng, và các tổ chức chuyên phục vụ những người Mỹ gốc Á dễ bị tổn thương nhất do bạo lực giữa các cá nhân và cấu trúc gây ra. Hàng tỷ đô la được chi cho công tác giám sát và giam giữ có ích lợi gì khi không có sự hỗ trợ của nhà nước cho các gia đình nạn nhân? Ví dụ, gia đình của các nạn nhân trong vụ xả súng ở Atlanta không nhận được sự trợ giúp nào của chính phủ và thay vào đó đã phải kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng để chi trả cho chí phí chăm sóc sức khỏe, chi phí tang lễ và nguồn thu nhập bị mất. Trong một vụ tấn công khác, bà Nancy Toh, 83 tuổi, người châu Á, đã bị đánh bất tỉnh và chảy rất nhiều máu khi tỉnh lại. Toh cho biết bà sợ đến bệnh viện vì không đủ tiền để tra cho chí phí y tế. Các luật chống tội thù hằn không thể đáp ứng những nhu cầu này vì chúng không hề đoái hoài đến những điều này. Khi các cuộc tấn công như thế này tiếp tục diễn ra và khi nhận thức lan rộng hơn, có một sự chia rẽ rõ ràng trong phản ứng của phong trào người Mỹ gốc Á đang nổi lên. Có những người kêu gọi việc trừng phạt nhiều hơn và hình sự hóa nhiều hơn là một giải pháp cho các cuộc tấn công đang diễn ra, và trong khi đó những tổ chức khác như Red Canary Song, AAPI Women Lead, Asian American Feminist Collective, và Asians 4 Abolition - những nhóm người đang dốc sức tập trung vào những nguyên nhân sâu xa của bạo lực mà người Mỹ gốc Á lớn tuổi, phụ nữ, người hành nghề mại dâm, người chuyển giới da màu và những người khác đang phải đối mặt. Các tổ chức theo chủ nghĩa xóa bỏ bạo lực nhắm vào người da màu này là những gương mẫu cho chúng ta thấy cách xây dựng tình đoàn kết giữa các cộng đồng bị thiệt thòi và chống lại hệ thống trừng phạt hình sự. Và, điều cốt yếu là họ làm điều này với niềm tin rằng nhà nước không thể giải quyết vấn đề bạo lực chống người châu Á bởi vì họ là một phần cơ bản của vấn đề đó, thường xuyên gây ra bạo lực đối với người châu Á không chỉ thông qua việc kiểm soát, trục xuất và bỏ bê mang tính cơ cấu trong nước, mà còn thông qua bạo lực mang tính đế quốc ở nước ngoài. Các tổ chức này nhận ra rằng cách tiếp cận cũ hình sự hóa và giam giữ đã không và sẽ không thể chữa lành những tổn thương, bạo lực và tổn hại mà các cộng đồng người Mỹ gốc Á đang phải đương đầu. Như nhà hoạt động chính trị cấp tiến người Mỹ Angela Davis đã nói, "Các nhà tù không làm các vấn đề xã hội biến mất, chúng làm con người biến mất." Và điều này chỉ làm cho các cộng đồng đã bị tước quyền mất ổn định hơn. Nếu không có một sự phân tích chính trị sâu sắc về hệ thống tư pháp hình sự của chúng ta, chúng ta sẽ chỉ còn lại một nền chính trị mang tính phản ứng làm giảm tầm quan trọng của các vấn đề chính trị phức tạp xuống thành một cuộc chiến giữa “yêu” và “ghét”. Chúng ta chỉ sắp xếp lại tình hình nguyên trạng. Nói một cách đau đớn là người Mỹ gốc Á phải làm tốt hơn bởi vì nếu không thì người của chúng ta sẽ tiếp tục bị giết. Dylan Rodriguez, một thành viên sáng lập của tổ chức theo chủ nghĩa xóa bỏ bạo lực Critical Resistance, khuyến khích tất cả chúng ta tham gia vào “các hoạt động tập thể để nổi dậy, đoàn kết, sáng tạo và hỗ trợ lẫn nhau, không chú trọng vào việc lên án các thủ phạm riêng lẻ (Da đen, Da nâu, v.v.) và xây dựng cơ sở hạ tầng có trách nhiệm giải trình với các cộng đồng, tổ chức và phong trào đấu tranh giải phóng khác ”. Đây là một lời khuyên hay, nhưng nó không phải là công việc dễ dàng, và nó đòi hỏi tất cả chúng ta phải làm phần việc của mình. Như nhà hoạt động cách mạng người Mỹ gốc Á Grace Lee Boggs từng nói, “Đã đến lúc chúng ta phải hình dung lại mọi thứ”.


Người dịch: Khang Ton

Biên tập: Le Tran


Comments


bottom of page