top of page

Phân biệt ý nghĩa của các thuật ngữ liên quan đến COVID-19

Translated from JOHNS HOPKINS- Bloomberg School of Public Health article Clarifying COVID-19 Terminology


Efficacy so với effectiveness, quarantine so với isolation, và các thuật ngữ dễ nhầm lẫn trong vốn từ liên quan đến COVID-19.


Linsay Smith Rogers, ngày 23 tháng 11, 2020

Hình ảnh: các thuật ngữ thường dùng trong dịch COVID-19.


Bài báo này đã được Tiến sĩ Rachel WestGigi Gronvall tai trung tâm an ninh y tế Center for Health Security phê duyệt.


Đại dịch COVID-19 đã mang đến một loạt các thuật ngữ mới vào trong các cuộc trò chuyện hàng ngày. Một vài trong số đó thường có nghĩa gần giống nhau khiến cho công chúng hiểu các khái niệm quan trọng này một cách lẫn lộn.


Xin liệt kê dưới đây một số thuật ngữ thường được dùng nhầm hoặc hiểu sai.


1. Efficacy và Effectiveness:


Hai từ này đều có nghĩa ‘hiệu quả' và thường được dùng thay thế cho nhau trong đánh giá hiệu quả của vaccine COVID-19 trong các thử nghiệm lâm sàng. Thật ra nó có điểm khác nhau cơ bản là:


Efficacy nói về hiệu quả của vaccine trong thử nghiệm lâm sàng. Đây là hiệu quả vaccine có được trong điều kiện tối ưu bởi vì các thử nghiệm luôn được kiểm soát chặt chẽ hơn là khi vaccine dùng trong thực tế cuộc sống.


Effectiveness đánh giá hiệu quả của vaccine trong ‘thế giới thực’, xem nó có đạt được thành công như mong đợi khi tiêm chủng đại trà hay không. Effectiveness sẽ cho biết khả năng bảo vệ của vaccine trong điều kiện thực tế. Nó bao gồm các điều kiện như vaccine được dùng trong các trường hợp ưu tiên, và dùng cho một nhóm dân nào đó gồm những người có vấn đề về sức khoẻ hoặc có những yếu tố khác. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng vaccine bảo vệ khỏi bệnh tật trên nhóm người đó.


Nguồn: NIH

2. Quarantine và Isolation:


Trong khi thuật ngữ quarantine trở nên đồng nghĩa với lệnh ‘hãy ở nhà', cả hai từ quarantine và isolation đều chỉ hành động cô lập hay cách ly, được thực hiện khi một người biết mình bị phơi nhiễm với COVID-19.


Quarantine là ‘cách ly và giới hạn di chuyển đối với người bị phơi nhiễm với một căn bệnh nào đó để xem trong thời gian tới họ có bị bệnh hay không’. Trong trường hợp COVID-19, điều này có nghĩa là một người đã có tiếp xúc với một ca COVID-19 đã được xác nhận, nhưng người này lại chưa có biểu hiện triệu chứng nào. Người đó sẽ phải ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác ngoài những thành viên trực tiếp trong nhà của họ trong vòng 14 ngày sau khi đã tiếp xúc người bệnh hoặc nghi ngờ tiếp xúc người bệnh như trong trường hợp đi lại chỗ đông người.


Isolation ‘cách ly người bệnh có thể lây nhiễm khỏi người không bị bệnh’. Đối với COVID-19, isolation thường mang nghĩa là một người đã được chẩn đoán bị COVID-19 và phải bị cách ly (isolating) để không lây cho những người khác. Isolation cũng phải được thực hiện giữa các thành viên sống cùng một nhà. Người bệnh có triệu chứng hoặc có chẩn đoán dương tính sẽ bị cách ly khỏi các thành viên còn lại trong nhà.


Vài ghi chú quan trọng:


Nếu có nhiều người trong một nhà cùng dương tính với COVID-19, họ có thể được cách ly cùng với nhau.


Nếu chỉ có 1 thành viên trong nhà bị COVID-19, người đó sẽ bị cô lập khỏi những thành viên khác trong nhà, và các thành viên trong nhà (không phải người bệnh) đều phải quarantine trong vòng 14 ngày.


Nguồn: HHS


3. Asymptomatic và Presymptomatic:


COVID-19 có biểu hiện bệnh ở một phổ rất rộng từ không có triệu chứng gì đến bệnh nặng phải nhập viện. Nhưng có một sự khác biệt lớn giữa người bị COVID-19 không triệu chứng - asymptomatic và người bị COVID trước khi có triệu chứng - presymptomatic.


Asymptomatic là những người có chẩn đoán dương tính với COVID-19 nhưng ‘thiếu các triệu chứng cho thấy đang bị nhiễm SARS-CoV-2’. Những người này có thể không có biểu hiện triệu chứng nào trong suốt giai đoạn nhiễm virus.


Nhưng một số người có thể biểu hiện một số triệu chứng vài ngày sau khi chẩn đoán dương tính. Những người như vậy sẽ được phân loại vào presymptomatic tại thời điểm được xét nghiệm; vì cuối cùng thì họ cũng đã có triệu chứng bệnh.


Nguồn: NIH


4. Epidemic và Pandemic và Endemic:


Khác biệt giữa epidemic và pandemic là ở cấp độ.


Epidemic xảy ra khi số ca bệnh tăng đột biến trong một cộng đồng hoặc một khu vực giới hạn ví dụ trong một quốc gia. Epidemic có thể trở thành pandemic nếu nó vượt biên giới ra vài nước khác nữa hoặc lan ra những châu lục khác.


Endemic là những căn bệnh thường lưu hành trong một vùng dân cư hoặc vùng địa lý nhất định. Ví dụ bệnh cúm là endemic lây lan do virus trong nước Mỹ. Sau này, người ta cho là khi vaccine đã được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng thì COVID-19 cũng sẽ trở thành endemic.


Nguồn: CDC


5. Outbreak và Cluster:


Epidemic và outbreak là hai thuật ngữ hay được sử dụng để thay thế cho nhau, mặc dù outbreak thường dùng để xác định dịch trong một vùng địa lý nhỏ hơn và cụ thể.


Cluster để chỉ một outbreak ở cấp độ nhỏ. Một cluster xảy ra trong khoảng thời gian cụ thể, trong một khu vực xác định. Ví dụ, cluster là một ổ dịch bùng lên ở trong nhà giam hoặc các cơ sở chăm sóc y tế dài hạn trong một giai đoạn nào đó. Cluster cũng để nói ổ dịch bùng lên trong White House vào tháng Chín.


Nguồn: CDC


6. Community Spread và Transmission:


Transmission - sự lây nhiễm thường diễn tả cách virus SARS-CoV-2 truyền từ người sang người. Từ này thường dùng kèm với các từ như tiếp xúc (contact) hay vật bị nhiễm virus (fomite), giọt dịch tiết nhỏ (droplet), và vận chuyển qua không khí (airborne).


Community transmission và community spread là các từ có nghĩa tương tự mô tả việc một loại bệnh đang lây lan trong một quần thể nhất định mà không có nguồn gốc rõ ràng và có nguy cơ trở thành dịch. Với COVID-19, khả năng lây truyền trong cộng đồng cao làm phức tạp thêm các nỗ lực ngăn ngừa lây lan như việc truy vết tiếp xúc.


Nguồn: CDC, WebMD


7. Death rate và Mortality rate:


Death rate là tỉ lệ chết nói chung. Khi chia nhỏ để phân biệt thì ta sẽ có hai con số chuyên biệt: case fatality rate và mortality rate.


Case fatality rate, viết tắt là CFR, là tỉ lệ người chết trong tổng số ca bệnh được xác nhận. Đây là con số cụ thể, như ‘trong 100 người được chẩn đoán bị COVID-19, có 1 người chết.’


Mortality rate là tỉ lệ chết khái quát trên một quần thể lớn. Con số này sẽ thường là ‘trong một quần thể có 100,000 dân, sẽ có 10 người chết vì một bệnh cụ thể nào đó.’ Nó là số ca tử vong trên tổng số dân.


8. Hospitalization and ICU rates và Capacity:


Hospital and intensive care unit capacity (sức chứa của khoa cấp cứu và bệnh viện) là con số thống kê mô tả sự quá tải của bệnh COVID-19 trong một cộng đồng nhất định. Tỉ lệ này được diễn tả bằng phần trăm: số lượng giường bệnh đã sử dụng trên tổng số giường bệnh đang có. Lưu ý quan trọng là hospital capacity không chỉ là giường bệnh, mà còn là thống kê về số lượng nhân viên y tế có đủ để phục vụ bệnh nhân hay không.


Hospitalization rates để chỉ số người trong một khu vực cụ thể nhập viện sau khi được chẩn đoán COVID-19. Tỉ lệ nhập viện sẽ được so sánh trên tổng số dân trong khu vực đó như trong quận, tiểu bang, hoặc quốc gia.


Nguồn: CDC, CDC

9. Ventilator và Respirator:

Cả hai thứ này đều bị thiếu hụt nguồn cung cấp nhưng không giống nhau.

Ventilator là máy trợ thở dùng trong bệnh viện để thổi khí vào đường thở của bệnh nhân.

Respirator là những dụng cụ bảo vệ an toàn cá nhân hay PPE, được đeo vào mũi, miệng hay cả mặt để ngăn hít phải những phần tử trong không khí, hơi gas. Khẩu trang N95 được các nhân viên y tế sử dụng trong các cơ sở y tế nhưng không được khuyến khích dùng cho dân thường vì nguồn cung thiếu hụt.

Nguồn: NIH, CDC

10. Positivity rate và Prevalence:

Positivity rate là tỉ lệ dương tính cho biết có bao nhiêu kết quả dương tính trong tổng số các xét nghiệm chẩn đoán được làm. Nó là chỉ dấu cho biết năng lực các xét nghiệm có đủ chưa, hay các trường hợp không triệu chứng hoặc bệnh nhẹ đã được xét nghiệm đầy đủ.

Prevalence là con số nói lên có bao nhiêu người đã bị COVID-19 trong khoản thời gian nhất định. Đây là số trường hợp dương tính thực sự trên tổng số dân. Prevalence sẽ giúp các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách hiểu được bức tranh toàn cảnh của sự lan truyền COVID-19 trong một khu vực hoặc một cộng đồng nhất định.

Lindsay Smith Rogers là nhà hoạch định nội dung của trường Johns Hopkins Bloomberg School of Public Health, tại văn phòng Truyền thông và tiếp thị, và là nhà sản xuất Public Health On Call podcast.


Người dịch: Châu Trần

コメント


bottom of page