top of page

Phụ nữ gốc Á “dám” yêu người khác màu da? Hãy chuẩn bị nhận “gạch đá” từ chính cộng đồng mình

By Kylie Cheung, on 18-01-2022, 00:00:00

Nhóm MRAsians (tạm dịch: “Nhóm ủng hộ cho quyền nam giới Châu Á”) từ lâu đã bạo dạng xem phụ nữ gốc Á đang hẹn hò hoặc có mối quan hệ đa chủng tộc là những thủ phạm số một thúc đẩy nạn phân biệt chủng tộc đối với người Châu Á. Sunisa Lee là một vận động viên thể dục dụng cụ vừa giành được huy chương vàng Olympic. Cô là người Mỹ gốc Hmong, sinh viên năm nhất đại học Auburn, đang yêu. Điều đáng nói chính là có rất nhiều người sẵn sàng nhảy vào bình phẩm về mối quan hệ của cô. Đối với bất kỳ người phụ nữ da màu nào, đặc biệt chắc chắn đối với phụ nữ gốc Á, lý do của hiện tượng này rất đơn giản: Lee đang có một mối quan hệ đa sắc tộc với bạn trai của cô, Jaylin Smith. Anh là người Da Đen và cũng là một vận động viên đang học tại đại học USC.

Vào cuối tháng 12, Lee đã đăng tải vài bức hình của họ lên trang mạng Instagram và vấp phải vô số bình luận mang đầy hàm ý thù ghét. Lee đã chặn tính năng bình luận trên bài đăng này. Khi một người hâm mộ đăng tải một TikTok video ủng hộ cô với nội dung: “Tôi biết rằng một vài cá nhân trong cộng đồng Hmong chắc chắn sẽ đánh giá Sunisa chỉ với lý do bạn trai cô ấy là người Da Đen. TÌNH YÊU đơn giản chỉ là TÌNH YÊU, cho dù bạn thuộc chủng tộc hay giới tính nào đi chăng nữa.” Lee trả lời với một bình luận: “Điều này làm tôi rất vui. Tôi đã nhận được quá nhiều sự phẫn nộ [emoji biểu cảm khóc] Họ chỉ muốn ủng hộ tôi khi điều đó có lợi cho họ và chẳng bao giờ là vì hạnh phúc của riêng tôi. Cảm ơn bạn!” Bình luận trả lời của Lee ngụ ý rằng phần lớn những lời căm ghét cô nhận được là từ chính cộng đồng của cô. Rất nhiều phụ nữ gốc Á thường bị đàn ông gốc Á buộc tội rằng họ “ghét bản thân” hoặc là “kẻ phản bội chính sắc tộc của mình” nếu họ hẹn hò với đàn ông không thuộc sắc tộc Châu Á. Một vài trong những kẻ hung hăng, kì thị nhất tới từ một nhóm mới nổi có tên “MRAsians”, hay còn có tên gọi “Nhân quyền cho đàn ông gốc Á”. Những kẻ này thường tụ tập trên những nhóm chủ đề Reddit liên quan đến văn hoá và cộng đồng Châu Á. Mục đích thiết yếu của họ là đấu tranh chống lại vấn đề rất thực tế là phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng Châu Á, nhưng nó đang trở thành hành vi thường xuyên bắt nạt phụ nữ gốc Á cáo buộc những người phụ nữ này thà chọn hẹn hò đàn ông Da Trắng hoặc thuộc cộng đồng sắc tộc khác thay vì họ. Rất nhiều tài khoản người dùng Reddit với động cơ độc hại dưới nhóm r/AsianMasculinity đã bị kích động bởi lời bình luận của cô dưới đoạn TikTok nhắc trên, ví von những quan điểm quen thuộc của MRAsian về việc phụ nữ gốc Á không ủng hộ đàn ông Châu Á. Về cách MRAsians công kích phụ nữ gốc Á và cộng đồng Phi nhị giới. Eileen Huang, một nhà tổ chức digital, nhà giáo dục, và TikToker về các vấn đề liên quan đến cộng đồng AAPI, và là một sinh viên năm ba tại đại học Yale thường là một đối tượng điển hình của các chiến dịch quấy rối online từ MRAsians. Những bài viết và đăng tải trên mạng xã hội của Huang bắt đầu được lan truyền phổ biến vào năm 2020. Bạn thường tập trung vào những vấn đề như chống phân biệt chủng tộc nhắm vào cộng đồng gốc Á, chống chủ nghĩa đế quốc và chống nạn phân biệt đối với người Da Đen trong cộng đồng người Châu Á. Huang là một người non-binary (phi giới), cho biết rằng lý do bạn ấy biết đến MRAsians là do khi họ bắt đầu “quấy rối, đe doạ tiết lộ thông tin cá nhân, gửi tin nhắn đe doạ cưỡng hiếp, bạo loạn tình dục” đồng thời dẫn dắt những chiến dịch online với mục đích tra tấn tâm lý của Huang. Huang chia sẻ với Jezebel: “Họ không có hứng thú phản biện với những vấn đề tôi chia sẻ, hoặc các việc làm và hoạt động ủng hộ mà tôi thực hiện. Điều đầu tiên tôi để ý là họ sẽ chụp màn hình những lần tôi chụp hình chung với người da trắng, bạn tôi hoặc người yêu cũ, và lập luận: ”Ồ, nhìn cô ấy xem kìa, làm sao cô lại chỉ trích về quyền tối cao của người da trắng trong khi từng ngủ hoặc muốn ngủ với những người đàn ông da trắng?" Các tấm ảnh chụp màn hình tràn lan trên những trang Instagram giả mạo với mục đích muốn mạo danh Huang, và ở trên trang Reddit dưới những chủ đề về văn hoá gốc Á nơi những kẻ quấy rối Huang hay tụ tập.

MRAsians dùng lập luận này nhắm vào mọi phụ nữ gốc Á và những người thuộc cộng đồng phi nhị nguyên giới (nd-là một phổ của bản dạng giới mà không hoàn toàn là nam hay nữ) mà họ gặp phải, dù những người này có bạn trai da trắng hay không, bởi theo Huang “trên thực tế nếu bạn khiêu khích những cá nhân thuộc nhóm MRAsians, đây là cách họ sẽ dùng để tấn công bạn, việc bạn đang hẹn hò với ai là không quan trọng.” Tôi cũng đã từng nằm trong hàng ngũ phụ nữ gốc Á và những bạn phi nhị nguyên giới được MRAsians gán cho một người bạn trai da trắng tưởng tượng. Vào mùa hè năm trước, tôi có viết một bài báo tự hỏi tại sao Shang-Chi lại là nhân vật chính trong bộ phim Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings trong khi em gái của nhân vật này lại đỉnh hơn về mọt mặt. Một MRAsian đã chia sẻ bài báo trong một video TikTok được lan truyền rộng rãi, và tràn ngập tài khoản online của tôi là những thông điệp phản cảm cụ thể cho rằng tôi là “một con điếm của đàn ông da trắng,” và rằng tôi có một người bạn trai da trắng mà chính tôi cũng không biết là có tồn tại. (Mặc dù vậy, Sebastian Stan, nếu anh có đang đọc những dòng này, người đó có thể là anh đó!) Trải nghiệm đó rất khó chịu và ban đầu làm tôi rất rối, khiến tôi phải tạm thời đặt các tài khoản mạng xã hội của mình ở chế độ riêng tư và tắt mọi chế độ bình luận, yêu cầu trao đổi tin nhắn trong khi riêng tôi cố gắng lọc lại tất cả những bài đăng của mình để tìm bất kỳ điều gì có thể báo hiệu cho những kẻ quấy rối đó rằng tôi đang bí mật che giấu một cách đầy xấu hổ một người bạn trai da trắng.

Sunisa Lee không có một người bạn trai da trắng tưởng tượng. Tuy nhiên chuyện tình cảm với một người bạn trai Da Đen đã gây sự chú ý khiến mọi cá nhân MRAsian trồi lên từ mọi ngóc ngách khắp internet. Huang cho biết những chỉ trích công kích Lee và chuyện tình cảm của cô bắt nguồn từ tư tưởng phân biệt người Da Đen, một tư tưởng lan truyền phổ biến ở những cá nhân MRAsian và trong rất nhiều cộng đồng gốc Á nói chung. Giống như mọi khía cạnh khác trong hệ thống tư tưởng của MRAsians, Huang tin rằng tư tưởng phân biệt người Da Đen ít nhất một phần xuất phát từ sự tự ti của các cá nhân MRAsians với mong muốn được kề cận chủ nghĩa thượng đẳng da trắng. Huang trích dẫn những bình luận trên các diễn đàn MRAsian Reddit và mạng truyền thông xã hội: "Họ đặt định kiến rằng đàn ông Da Đen nam tính quá mức, hung hăng, nóng bỏng hơn, và đó là những đặc điểm họ mong muốn có được. Các cá nhân này sẽ tự nhủ rằng những người thù ghét và tấn công cộng đồng Châu Á nhiều nhất là những người Da Đen. Họ thờ ơ và quên rằng chủ nghĩa da trắng thượng đẳng mới chính là gốc rễ nguyên nhân của vấn nạn này. Cuộc chiến sai lầm của MRAsians trong việc đấu tranh chống lại chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Huang cho rằng các cá nhân MRAsian “ngó lơ” chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, nhưng rất nhiều trong số họ tin rằng họ đang đấu tranh chống lại thứ chủ nghĩa này một cách tích cực bằng cách chuyển mục tiêu quấy rối sang phụ nữ gốc Á, đặc biệt là những phụ nữ có người yêu không phải là người châu Á, bởi họ coi đây là một sự kết hợp đầy tội lỗi. Jenn Fang là một nhà hoạt động nữ quyền người Mỹ gốc Á và cũng là người sáng lập trang blog nữ quyền nổi tiếng Reappropriate vào năm 2002. Bản thân cô cũng từng là nạn nhân của chiến dịch quấy rối online từ những người đàn ông gốc Á tin vào thuyết phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính của nhóm MRAsian. Và giống trường hợp của Huang, cô nhận thấy rằng những kẻ quấy rối này xem những phụ nữ gốc Á ủng hộ nữ quyền như cô mới chính là những kẻ đàn áp, chứ không phải những định chế theo thuyết da trắng thượng đẳng, vốn thực sự bài Á. Theo Fang, MRAsians tin rằng đàn ông châu Á và phụ nữ châu Á “cần phải thực hành tính chân nguyên chính trị thông qua cuộc sống cá nhân của họ, đặc biệt là đời sống tình dục,” vì MRAsians coi “đàn ông Châu Á như bị nhu nhược hoá trong xã hội Mỹ.” Cô cho biết điều này tạo nên trách nhiệm cho phụ nữ Châu Á phải “quảng bá hình ảnh đàn ông Châu Á như những người bạn tình xứng đáng, và đó cũng chính là thứ đáng để nữ giới gốc Á đấu tranh nhất” Vì vậy bất kỳ người phụ nữ gốc Á nào không tỏ ra sự hứng thú tình dục đối với đàn ông Châu Á sẽ bị cho là “giả trân”, “là một kẻ phản bội." Vào năm ngoái, MRAsians đã nắm lấy cơ hội để trở nên nổi tiếng trên hơn trên mạng khi tình trạng bạo lực nhắm vào người dân gốc Á ngày một tăng cao ở Mỹ cuối cùng cũng thu hút sự chú ý toàn quốc. Giới truyền thông dòng chính cũng phần nào tiếp tay cho những hội nhóm như thế này: Việc đưa tin về nạn phân biệt chủng tộc đối với người gốc Á hiếm khi thậm chí là không bao giờ cân nhắc khía cạnh áp bức mà phụ nữ Châu Á phải đối mặt dưới trướng quyền da trắng tối cao và chế độ gia trưởng. Thay vào đó, nó tập trung vào bề nổi của tảng băng và những lời phàn nàn từ những người gốc Á có quyền thế hơn trong xã hội nhằm tối giản hoá trên các mạng xã hội để cộng đồng Da Trắng dễ hiểu hơn. Những vụ bạo lực được đóng khung trong khuôn khổ của “tấn công bạo lực nhắm vào các cá nhân mà không hề bàn luận về sự áp bức có hệ thống, chủ nghĩa thực dân tái định cư, chủ nghĩa đế quốc quân sự, chế độ gia trưởng và chủ nghĩa kì thị người khuyết tật — bất kỳ thứ gì có thể giúp chúng ta hiểu thêm rằng các bất công xã hội đều có sự liên hệ với nhau,” Fang phát biểu. Theo Huang, những bản tin liên quan đến phong trào #StopAsianHate thường tập trung vào sự thiếu đại diện các gương mặt Châu Á ở Hollywood, hay chỉ chăm chăm vào những tội ác thù hận gây ra bởi những người Da Đen hay da màu khác. Các hành động mang ẩn ý phân biệt chủng tộc về vấn đề xung đột giữa cộng đồng Da Đen và cộng đồng Châu Á kêu gọi những phản ứng hành động mang tính pháp lý hơn. Cách đưa tin này đã tiêm nhiễm vào đầu công chúng những ấn tượng đậm mùi phân biệt chủng tộc về một cuộc đối đầu giữa cộng đồng gốc Á và người Da Đen, cũng như làm bùng lên những quan điểm độc hại về việc cần thêm nhiều những vụ tống giam. Vào tháng Ba năm ngoái, một gã da trắng xả súng, giết chết nhiều người tại một tiệm massage ở Atlanta bởi hắn cho rằng phụ nữ Châu Á là một thứ “cám dỗ tình dục”. Ngay cả sau khi vụ việc này diễn ra, những bản tin về tình trạng kì thị chống người gốc Á do các hãng thông tấn có uy tín thực hiện thường thiếu đi thông tin nền về tư tưởng kỳ thị nữ giới mà phụ nữ Châu Á phải hứng chịu hằng ngày, cũng như tình trạng bạo lực có hệ thống mà những người hành nghề mại dâm gốc Á phải trải nghiệm. Điều này dẫn đến việc toàn hệ thống thất bại trong việc điều tra hành vi tình dục hoá bản sắc phụ nữ Châu Á — một hành vi bắt nguồn từ hàng trăm năm trước bởi chủ nghĩa đế quốc Tây phương cũng như việc quân đội Mỹ nô lệ tình dục hoá phụ nữ Châu Á— và đồng thời góp phần thúc đẩy hành vi quy trách nhiệm cho nạn nhân và bôi đen danh tính của những nạn nhân gốc Á bị tấn công tình dục. Fang cho biết thêm: “Khoảng hai phần ba số người báo cáo tình trạng bạo lực nhắm vào người Châu Á là phụ nữ. Dù vậy, chúng ta vẫn chưa nhắc đến việc này ở phạm vi toàn quốc, về việc ai trong cộng đồng dễ bị hại nhất, các tổn hại về mặt vật chất tinh thần ra sao mỗi khi các hành vi thù hận được đề cập.” Khi các phương tiện truyền thông báo chí đưa tin về nạn phân biệt chủng tộc đối với người Châu Á mà bỏ qua việc chất vấn những sự áp bức ngày càng tăng cao mà phụ nữ Châu Á và những người phi nhị nguyên giới phải đối mặt, điều này đã cho phép MRAsians quấy rối họ mà không gặp phải quá nhiều sự phản kháng. Các cá nhân MRAsians xem hành vi quấy rối của mình không chỉ là hợp lẽ phải, mà còn là một hành động phản kháng. Đối với họ, phụ nữ châu Á có nhiều quyền lực hơn nam giới trong xã hội Mỹ, bởi cánh đàn ông da trắng mang trong mình ám ảnh tình dục với những người con gái gốc Á. MRAsians đã sai lầm khi “nhầm lẫn việc gợi dục với một người có chức, có quyền,” Huang nói. Và kết quả là cái miệng giếng về tình trạng kì thị Á châu mà những kẻ này nhìn thấy chỉ gói gọn trong việc đàn bà gốc Á không thèm lên giường với chúng, chỉ vì chúng là dân châu Á. Với những người này, chỉ riêng thực tế đó thôi đã đủ “khiến đàn ông Châu Á trở thành những người bị áp bức nhất trên hành tinh.” Còn những nguyên nhân khác như tình trạng bạo lực dai dẳng nhắm vào người gốc Á, hay việc cộng đồng gốc Á yếm thế bị đẩy ra khỏi trung tâm các khu đô thị, thì chẳng có nghĩa lí gì cả. Cũng cần lưu ý rằng với quan niệm bao trùm về sự áp bức cũng như đặc quyền trong cộng đồng của những thành viên phong trào MRAsian, họ chẳng đời nào thừa nhận rằng mình bị cánh phụ nữ khước từ không phải bởi vì nguồn gốc châu Á, mà là bởi những lời than vãn ngứa tai, cũng như những hành vi ngược đãi của mình. Trải nghiệm chung của phụ nữ gốc Á và những người phi nhị nguyên giới Những lời chỉ trích của Huang nhắm vào những hành vi phân biệt đối với người Da Đen của người gốc Á cũng như những quan niệm gây tranh cãi khác nổi lên cùng lúc với sự gia tăng tình trạng bạo lực nhắm đến cộng đồng gốc Á. Và chúng nhanh chóng trở thành mục tiêu trả đũa của nhóm MRAsians. Họ đã lên kế hoạch tìm cách “cancel” Huang trên trang Reddit, ví dụ như: liên lạc trường Yale, đính báo cáo tài khoản của Huang trên Twitter với mục đích đình chỉ tài khoản của cô ấy, cố làm cho Huang bị sa thải khỏi vị trí thực tập của mình. Một tài khoản người dùng trên Reddit khẳng định rằng Huang là "kẻ có tội”. Trong mắt các MRAsians, Huang mới là kẻ thù đích thực, chứ không phải thứ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng vốn đã ăn sâu vào xã hội Mỹ. Huang cho rằng những lời công kích này giúp họ cảm thông với cơn mưa gạch đá từ công chúng mà Sunisa Lee đang phải đối mặt. Thậm chí ngay cả trước khi Lee công khai chuyện tình cảm của cô trên Instagram vào cuối tháng 12, nhà vô địch môn thể dục dụng cụ này đã mở lời về việc phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc chống người gốc Á. Vào tháng 11, cô chia sẻ với Popsugar rằng cô cùng với nhóm bạn nữ gốc Á của mình đã bị gọi với những cái tên kỳ thị lăng mạ và bị xịt hơi cay khi họ đi chơi vào một đêm. Lee kể lại: “Tôi không làm gì họ cả. Điều đó rất khó vì với danh tiếng tôi đang có, tôi không muốn làm bất cứ điều gì có thể khiến bản thân gặp rắc rối. Tôi cứ kệ thôi.” Những gì mà Sunisia Lee phải trải qua cho thấy rõ cái cách mà những người phụ nữ gốc Á vừa phải hứng chịu thái độ bài Á tới từ bên ngoài, vừa phải đối phó với những tư tưởng kì thị nữ giới ngay trong chính cộng đồng của mình. Giới "giai thẳng” gốc Á thường trở thành nạn nhân của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng theo nhiều cách thực tế và quan trọng khi mà thứ chủ nghĩa này phế bỏ và trừng phạt những biểu hiện nam tính phi da trắng. Hành vi phân biệt chủng tộc đối với những người da màu, hay mạ lị những người phụ nữ gốc Á — trong đó bao gồm cả nữ vận động viên Olympic nổi tiếng — có người yêu không phải gốc Á, chỉ làm rạn nứt thêm khối đoàn kết vốn cần thiết để đánh bại những kẻ theo thuyết da trắng thượng đẳng, và cả những kẻ áp bức theo chế độ phụ quyền. Sự quấy rối mà tôi phải trải qua sau khi viết về em gái của Shang-Chi cuối cùng cũng đã giảm bớt. Tôi cũng cảm thấy an lòng khi sát cánh với những người đồng nghiệp gốc Á khác cùng làm việc trong lĩnh vực truyền thông, những người cũng gặp phải các trải nghiệm thô thiển tương tự. Nhưng cho tới khi những người đàn ông đứng sau chiến dịch online MRAsian tự nhìn lại bản thân mình, hoặc có thể đọc một chút gì đó về sắc tộc và giới tính, họ sẽ phải tha thứ cho tôi vì đã dành thời gian cho người bạn trai da trắng tưởng tượng mà họ gán ghép, thay vì cho chính họ.


Người dịch: Phuong Anh

Biên tập: Bảo Trân & Đông Phong

Commentaires


bottom of page