top of page

Quan điểm: Là một sinh viên Harvard gốc Á, tôi không đồng tình về vụ kiện chống chính sách hỗ trợ.

By Benjamin Chang, on 04-02-2022, 00:00:00

Benjamin Chang là chủ tịch của Hiệp hội người Mỹ gốc Á Harvard-Radcliffe và là sinh viên của trường Đại học Harvard. Tôi có một thông điệp muốn gửi đến những cá nhân phản đối affirmative action (chính sách hỗ trợ thiểu số), dưới tư cách là chủ tịch của Hội người Mỹ gốc Á tại trường Harvard và người con trai của một gia đình nhập cư: Đừng lợi dụng cộng đồng gốc Á nhằm thúc đẩy động cơ chính trị của riêng bạn. Vào tháng 1, Toà án Tối Cao quyết định xem xét lại vụ kiện có tên Students for Fair Admissions Inc. v. President and Fellows of Harvard College (tạm dịch: Nhóm Sinh viên Ủng hộ Tuyển sinh Công bằng v. Chủ tịch và Hội viên Đại học Harvard), khi các nguyên đơn tìm cách ngăn chặn các trường đại học tuyển sinh dựa trên tiêu chí sắc tộc. Vụ kiện này có thể đe doạ tương lai của chính sách hỗ trợ (affirmative action) và ảnh hưởng đến nền giáo dục Đại học tại Mỹ nếu toà án phán quyết theo hướng có lợi cho nguyên đơn. SFAA (Sinh viên Ủng hộ Tuyển sinh Công bằng) do chiến lược gia pháp lý đảng bảo thủ Edward Blum dẫn dắt dưới danh nghĩa sẽ đứng lên đòi quyền cho người Mỹ gốc Á, lập luận rằng chính sách hỗ trợ chỉ xem xét một số cộng đồng thiểu số nhất định. Nhưng tổ chức này không đại diện cho cộng đồng chúng ta. Trên thực tế, cộng đồng sinh viên gốc Á tại Harvard ủng hộ mạnh mẽ quá trình tuyển sinh có cân nhắc yếu tố sắc tộc. 10 tổ chức sinh viên gốc Á đã nộp bản bày tỏ tóm tắt cho Harvard khi Toà án Quận Massachusetts xem xét vụ kiện vào năm 2018. Chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình, đưa ra hàng loạt phát biểu, và nói lên sự thật mà chúng ta cho là đúng đắn dưới mọi hình thức. Tuy thế, SFFA lại luôn khẳng định họ là đại diện cho cộng đồng chúng ta. Một sự thật phũ phàng rằng Blum chủ yếu kiếm tiền bằng cách áp chế các cộng đồng thiểu số thông qua các vụ kiện đòi quyền bầu cử và đa dạng văn hoá trong hệ thống giáo dục. Với vụ kiện này, Blum và tổ chức SFFA muốn lợi dụng mơ ước của cộng đồng nhập cư gốc Á làm mồi nhử để tiếp tay cho vấn đề bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục Mỹ. Đối với Blum, nỗ lực này bắt nguồn từ vụ kiện Fisher v. University of Texas (tạm dịch: Fisher v. Đại học Texas), một vụ kiện về chính sách hỗ trợ mà ông đã thua. Sau đó, ông đã thẳng thắn tuyên bố rằng ông “cần các nguyên đơn Châu Á.” Ông đang chia rẽ các cộng đồng thiểu số bằng cách lợi dụng các thân chủ gốc Á làm bình phong cho động cơ làm hại các cộng đồng da màu và đẩy họ chống lại nhau. Đây là một chiến thuật thường thấy nhằm trầm trọng hoá tình trạng bất bình đẳng chủng tộc. Tôi hiểu tầm quan trọng của vụ kiện này và sức ảnh hưởng của nó đối với cộng đồng Châu Á. Học vấn từ lâu đã là đại diện cho địa vị xã hội trong nền văn hoá của chúng ta. Các gia đình có nguồn gốc nhập cư, kể cả gia đình của tôi, ví các trường đại học hàng đầu là chiếc chìa khoá mở đến Giấc mơ Mỹ. Đối với nhiều người, việc tuyển sinh có xét yếu tố sắc tộc được xem là một rào cản giữa các sinh viên gốc Á xứng đáng và trường đại học danh tiếng mà họ mơ ước. Vậy thì tại sao tôi lại ủng hộ chính sách hỗ trợ? Sứ mệnh của cả Harvard và hệ thống giáo dục bậc cao là đào tạo thế hệ lãnh đạo tiếp nối cho xã hội chúng ta. Nỗ lực này đòi hỏi một đội ngũ sinh viên với sự đa dạng ở mọi khía cạnh, bao gồm giới, tư tưởng và tất nhiên cả chủng tộc. Trong suốt ba năm qua, Harvard đã khẳng định cho tôi thấy một hình thức học tập mà chỉ có thể phát triển ở một môi trường sinh viên với đầy sự đa dạng sắc tộc. Cơ hội trò chuyện với bạn cùng phòng của tôi về nạn phân biệt chủng tộc mà bạn ấy phải đối mặt ở Mississippi đã dạy cho tôi nhiều bài học về trải nghiệm của cộng đồng Da Đen hơn những gì tôi đã được dạy trên lớp. Những lần nói chuyện đêm khuya với các bạn cùng lớp về quê nhà của mình đã thay đổi cách nghĩ của tôi về vùng Trung Đông. Lắng nghe những câu chuyện của một người bạn về những ca làm việc tại nhà hàng của gia đình bạn ấy gợi lòng cảm kích sâu sắc của chính tôi đối với những khó khăn của cha mẹ mình, người đã chạy nhiều việc trong suốt tháng năm đại học để phụ giúp gia đình. Và giữa làn sóng bạo lực chống cộng đồng Châu Á năm ngoái, tôi đã có cơ hội chia sẻ với bạn bè trải nghiệm là người gốc Á ở chính đất nước mà nhiều lúc tôi cảm thấy bản thân không được đón nhận. Những cuộc trò chuyện như vậy rất cần thiết cho một xã hội lành mạnh. Những va chạm này sẽ dạy chúng ta sự đồng cảm và cho chúng ta thấy rằng các mối quan hệ chỉ có thể được vun đắp khi ta biết đón nhận, thay vì che giấu, những điểm khác biệt của mình. Nền văn hoá được vun đắp bằng sự đa dạng sắc tộc là nền móng cho nền giáo dục ở Harvard - cho bất kì nền giáo dục tốt nào - và sẽ rất khó để phát triển nếu không có một cộng đồng đại diện đúng sự đa sắc tộc của đất nước. Đúng là sẽ còn rất nhiều việc ta cần phải làm để khiến Harvard trở thành một môi trường công bằng hơn. Các số liệu cho thấy các ứng viên người Mỹ gốc Á nói chung sở hữu thành tích học tập cao hơn nhưng lại phải nhận hình phạt không công bằng ở hạng mục định tính “đánh giá cá nhân.” Các sinh viên kế thừa vẫn chiếm một tỷ lệ không cân đối trong tổng số sinh viên ở trường. Một cuộc khảo sát của tờ Crimson, nhật báo do sinh viên Harvard biên soạn, cho thấy rằng hơn 30% số sinh viên sẽ tốt nghiệp vào năm 2025 có người thân từng theo học ở Harvard. Một nghiên cứu khác của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, qua phân tích dữ liệu tuyển sinh từ năm 2009 đến năm 2014, đã phát hiện rằng con em của các giảng viên tại trường có tỉ lệ trúng tuyển 46.7%, cao hơn 7 lần tỷ lệ trúng tuyển của các ứng cử viên không có cha mẹ là giảng viên tại trường. Những tiêu chí xét tuyển kể trên nghiêng về phía có lợi cho giới giàu có và người Da Trắng, ngày càng thể chế hoá hành vi ưu tiên giới thượng lưu qua nhiều thế hệ. Bất kể kết quả của SFFA v. Harvard, Harvard có nghĩa vụ phải khắc phục những bất bình đẳng này. Trong khi đó, các quyết định của Toà án Tối cao liên quan đến chính sách hỗ trợ sẽ có tác động vượt xa hơn cả Harvard, ảnh hưởng đến các giá trị giáo dục và xã hội của cả các thế hệ kế tiếp. Với hành động tấn công chính sách hỗ trợ, SFFA đang cố gắng cướp đi những cơ hội quý báu để con em chúng ta có thể học và hiểu về thế giới và về nhau. Chúng tôi không thể nhắm mắt cho qua hành động này. Vì vậy, hãy lãm ơn: Ngừng lợi dụng những người như tôi làm các công cụ chính trị để công kích các cộng đồng da màu khác. Các người không phải tiếng nói đại diện cho chúng tôi.


Người dịch: Phuong Anh

Biên tập: Ren Dinh

コメント


bottom of page