Translated from Politico's article Senate faces a new post-tragedy quagmire as anti-Asian hate crimes rise
Trong khi các nhà lập pháp của cả hai đảng đều lên án hành vi sai trái sau những sự kiện đau buồn, một lần nữa, họ lại thoái thác việc ban hành đạo luật giải quyết vấn đề.
By Nicholas Wu, Marianne Levine, on 28-03-2021, 03:00:00
Trong khi các nhà lập pháp của cả hai đảng đều lên án hành vi sai trái sau những sự kiện đau buồn, một lần nữa, họ lại thoái thác việc ban hành đạo luật giải quyết vấn đề.
Các Thượng nghị sĩ (TNS) đảng Dân chủ thề ước sẽ nhanh chóng hành động để ngăn chặn sự gia tăng tội ác vì thù ghét (hate crime) đối với người Mỹ gốc Á. Nhưng nỗ lực lập pháp ít ỏi của họ hiện đang lâm vào tình trạng tê liệt chính trị như Quốc hội đã mắc phải sau những thảm kịch quốc gia trước đây.
Khi quốc gia vẫn đang lao đao vì vụ xả súng ở Atlanta khiến tám người thiệt mạng, trong đó có sáu phụ nữ gốc Á, Tổng thống Joe Biden đã ủng hộ hai dự luật nhằm cải thiện thủ tục trình báo tội ác vì thù ghét. Vào thứ Năm, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer cho biết một trong các dự luật sẽ là ưu tiên hàng đầu cho tháng tới. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một đảng viên Cộng hòa nào ủng hộ dự luận này.
Không như quyền nhập cư hoặc quyền bầu cử, tội ác vì thù ghét không có nhiều cạm bẫy chính trị rõ rệt - và các vụ bạo lực phân biệt đối xử người Mỹ gốc Á gia tăng trong đại dịch coronavirus đã nâng vấn đề lên thành mối quan tâm quốc gia. Tuy nhiên, Quốc hội vẫn đang đối mặt với một tình trạng bất lực tương tự như với vấn đề bạo lực súng đã có từ lâu: Trong khi các nhà lập pháp của cả hai đảng đều lên án hành vi sai trái sau những sự kiện đau buồn, một lần nữa, họ lại thoái thác việc ban hành đạo luật giải quyết vấn đề.
Biện pháp giải quyết tội ác vì thù ghét được TNS Schumer ủng hộ sẽ tạo ra một thay đổi quy mô nhỏ nhưng tiềm năng lớn vì nó sẽ bổ nhiệm một nhà chỉ đạo ở Bộ Tư pháp chuyên tập trung vào vấn đề này. Dù vậy, các thành viên Đảng Cộng hòa đã bày tỏ hoài nghi về sự cần thiết của luật bổ sung trong khi cho biết rằng họ vẫn chưa xem xét lại dự luật của Đảng Dân chủ.
TNS Lindsey Graham (R-S.C.) phát biểu: “Chúng ta đã có một dự luật về tội ác vì thù ghét rồi. Hãy nhắm vào những người làm hại người khác vì sắc tộc của họ. Nhốt họ vào tù. Chúng ta đã ra luật rồi."
Khi Thượng viện trở lại sau hai tuần nghỉ, họ sẽ bỏ phiếu về đề xuất của TNS đảng Dân chủ Mazie Hirono của Hawaii nhằm chỉ định một quan chức của Bộ Tư Pháp để giúp đẩy nhanh quá trình xem xét các tội ác vì thù ghét liên quan đến Covid. Dự luật cũng sẽ thắt chặt hướng dẫn cấp tiểu bang và địa phương về cách trình báo tội ác vì thù ghét, và yêu cầu các cơ quan liên bang cung cấp cơ chế chung để tránh ngôn ngữ phân biệt chủng tộc khi mô tả đại dịch Covid-19.
Dự luật thứ hai có thể được xem xét tại Thượng viện, được TNS Richard Blumenthal (D-C.T.) tài trợ chính, sẽ thiết lập các khoản trợ cấp giúp chính quyền tiểu bang và địa phương cải thiện cách trình báo tội ác vì thù ghét. Biện pháp đó đã được Hạ viện thông qua hai lần trong kỳ Quốc hội vừa qua, tuy nhiên bị chững lại ở Điện Capitol vì thiếu sự ủng hộ từ đảng Cộng hòa.
Cũng tại Hạ viện, Dân biểu Young Kim (R-Calif.), một trong hai đảng viên Cộng hòa người Mỹ gốc Á đương chức trong Quốc hội, đã lên sơ bộ kế hoạch cho một nghị quyết lưỡng đảng không ràng buộc (một kiến nghị bằng văn bản được thông qua bởi một cơ quan có thẩm quyền và sẽ không tiến triển thành dự luật - ND) để lên án tội ác vì thù ghét trong một bài quan điểm vào thứ Sáu. Kim viết rằng bà đang thảo luận với các đồng nghiệp về công đoạn lưu trữ các vụ tội ác vì thù ghét, nhưng "chúng ta không thể lập pháp chống lại sự thù ghét trong trái tim và tâm trí mọi người." Hạ viện đã thông qua một biện pháp không ràng buộc tương tự để lên án thái độ kỳ thị người châu Á vào năm ngoái.
Trong tuần này, TNS Hirono thừa nhận rằng không có đảng viên Cộng hòa nào đã ký dự luật của bà. Nhưng bà và các đảng viên Dân chủ khác khẳng định họ sẽ không chịu thất bại trong việc xử lý tội ác vì thù ghét hoặc luật kiểm soát súng nữa.
Dân biểu Judy Chu (D-Calif.), Chủ tịch Hội kín Người Mỹ gốc Châu Á Thái Bình Dương, cho biết bà tin Quốc hội có khả năng thông qua đạo luật chống tội ác vì thù ghét vốn đã có hai dân biểu Đảng Cộng hòa tài trợ chính trong năm nay. Bà chỉ ra điểm khác biệt mấu chốt giữa các dự luật về tội ác vì thù ghét và súng: các nhóm như Hiệp hội Súng Quốc gia (NRA) thường cản trở tiến độ xử lý vấn đề thứ nhì, nhưng không phải vấn đề đầu tiên.
“Thật đáng buồn khi chúng ta có vẻ sẽ không nhận được bất kỳ phiếu bầu nào từ Đảng Cộng hòa,” Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth (D-Ill.) lên tiếng. "Tôi nghĩ tất cả chúng ta đã có thể đoàn kết chống lại sự thù ghét với bất kỳ nhóm dân Mỹ nào."
Các TNS đảng Cộng hòa hiện không ủng hộ luật chống tội ác vì thù ghét. Nhưng nhà lãnh đạo của họ đã lên tiếng chỉ trích các vụ phân biệt đối xử trong thời điểm dịch Covid. Lãnh đạo Thiểu số Mitch McConnell - đã kết hôn với Elaine Chao, người phụ nữ Mỹ gốc Á đầu tiên làm chức bộ trưởng Nội các - đã mô tả vụ xả súng ở Atlanta là "rất đỗi kinh khủng." Ông nói thêm rằng thành kiến về chủng tộc đối với người Mỹ gốc Á "chắc chắn đã thành ưu tiên hàng đầu của mọi người khi ta chứng kiến những vụ xả súng này," nhưng ông cũng chỉ trích kế hoạch đối phó "khó hiểu" của Hạ viện bằng cách nới rộng quyền kiểm tra lý lịch những người mua súng.
TNS Blumenthal, người đã lâu năm đấu tranh vì cải cách dự luật súng, cho rằng vụ xả súng ở Atlanta cho thấy không thể tách rời tội ác vì thù ghét và bạo lực súng.
“Cả hai hiện tượng này đều liên kết với nhau,” ông nói. “Nếu không có vũ khí, kẻ xả súng tại Atlanta sẽ trở thành một kẻ phân biệt chủng tộc và một kẻ thù ghét phụ nữ. Nhưng trang bị thêm một khẩu súng, hắn trở thành kẻ giết người hàng loạt."
Nhưng ngay cả trong những thời điểm sang chấn tập thể, cơ quan Thượng viện không được chuẩn bị để có thể phản ứng nhanh chóng. Sau vụ xả súng năm 2019 ở Ohio và Texas, các nhà lập pháp một lần nữa cố gắng khởi xướng các cuộc đàm phán cải cách dự luật súng nhưng chẳng đi đến đâu. (Tay súng ở Texas cuối cùng đã bị buộc tội tội ác vì thù ghét.) Và sau những vụ xả súng trong tháng vừa qua, Quốc hội vẫn không có hướng đi đến thỏa thuận về một dự luật súng nào dù là nhỏ nhất.
Các nhà vận động không chấp nhận sự bế tắc của Quốc hội. Gregg Orton, giám đốc quốc gia của Hội đồng Người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương Quốc gia, cho biết việc Quốc hội không hành động sẽ “duy trì thái độ rằng cộng đồng của chúng ta không được các nhà lập pháp coi trọng.” John Yang, chủ tịch của tổ chức Thúc đẩy Công lý cho Người Mỹ gốc Á đã phát biểu thẳng thắn hơn: “Đó sẽ là một cái tát vào mặt cộng đồng [châu Á].”
Lần đầu tiên trong hơn 30 năm, phiên điều của Hạ viện về hiện tượng thù ghét người châu Á đã diễn ra, đôi khi trở nên gay gắt khi các nhà lập pháp đảng Cộng hòa cảnh báo rằng luật chống tội ác vì thù ghét có thể vi phạm các biện pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Ngay cả khi Quốc hội không thông qua dự luật của TNS Hirono, chính quyền Biden có thể tự mình ban hành các điều khoản này. Nhưng bà vẫn muốn các nhà lập pháp hành động mạnh mẽ thay vì chỉ nói suông khi các vụ phân biệt đối xử ngày càng gia tăng.
TNS Hirono nói rằng, “Ta rất cần cơ quan lập pháp tuyên bố rằng, ‘Hiện tượng này không thể chấp nhận được. Và đây là những gì chúng ta phải làm để xử lý vấn đề.’"
Người dịch: Que Do
Biên tập: Ren Dinh
コメント