top of page

Sahra Nguyễn với ước mơ định nghĩa lại cà phê Việt


“Tôi muốn cho mọi người thấy rằng Việt Nam còn có nhiều hơn là cà phê uống liền.”

By Bettina Makalintal, on 08-04-2019, 10:00:00

“Tôi muốn cho mọi người thấy rằng Việt Nam còn có nhiều hơn là cà phê uống liền.” “Giây phút cà phê Việt đặt chân lên đất Hoa Kỳ, nó đã không còn là cà phê Việt nữa,” Sahra Nguyễn nhớ như in lời cô nghe được từ một chuyến viếng thăm Việt Nam. Thị trường cà phê đặc sản đang sốt, cô cho biết sau khi vừa trở về từ một chuyến đi khác. Vậy mà ở Mỹ, cô nói, văn hóa cà phê Việt vẫn chưa được tỏ bày: nơi đây, những hạt cà phê Việt cho ra những loại cà phê phối trộn vô danh trong khi nét đặc trưng, cá tính của nó bị bỏ quên. Có bố mẹ là người tị nạn từ cả hai miền bắc và nam Việt Nam, Sahra lớn lên tại Dorchester, Massachusetts, một khu dân cư phía nam Boston có đông người Việt trú ngụ. Ấy thế mà cô vẫn không khỏi ngạc nhiên khi được biết rằng Việt Nam là nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. “Phản ứng của tôi là, sao trước giờ mình không biết gì hết? Ai tôi nói chuyện cũng có phản ứng kiểu, Việt Nam thật đó hả? Tui chưa bao giờ nghe luôn đó," Sahra cho hay. Sản lượng cà phê mỗi năm của Việt Nam là 3.6 tỷ lbs hàng năm, và hầu hết được xuất khẩu. Nhưng theo Sahra quan sát, nhiều người uống cà phê không biết rằng mình đang nhâm nhi cà phê Việt; khi nói đến cà phê Việt, người ta liên tưởng tới thứ cà phê rang đậm vị có tí sữa đặc điểm xuyết - không ai nghĩ tới các loại hạt cà phê đặc sản, trứ danh. Cà phê của Việt Nam chưa bao giờ có tiền lệ được sản xuất hay quảng bá theo hướng phô trương thanh thế: thay vào đó, nó bị trộn vào cà phê hòa tan hoặc các gói hỗn hợp bán sỉ. Không như đại đa số loại hạt cà phê đặc sản, phần lớn hạt cà phê Việt là hạt robusta, một giống cà phê có giá thành thấp hơn giống arabica phổ biến nhưng thỉnh thoảng chất lượng cũng được đánh giá là thua kém. Dù quảng cáo theo kiểu gì các nhà sản xuất cà phê Việt vẫn thu lợi về mặt kinh tế từ hạt cà phê của mình, nhưng Sahra lại bảo, “Chả ai biết tới nó, đúng không? Xét trên ngưỡng cảm xúc, cá nhân, và văn hóa, tôi thấy xót vô cùng - thật không công bằng tí nào.” Với cô, cà phê Việt Nam cần được tôn vinh hơn bao giờ hết: không chỉ để đa dạng hóa thị trường cà phê Mỹ, nhưng còn là để khôi phục niềm kiêu hãnh của một sản phẩm mà tới giờ phút này vẫn còn bị gạt ra ngoài lề bởi thị hiếu đặc sản của làng cà phê Mỹ chính thống. Năm 2018, cô chính thức ra mắt Nguyen Coffee Supply (Nhà Cung cấp Cà phê Nguyễn), một công ty chuyên về trực tiếp thu mua hạt cà phê chưa rang ("nhân") từ nông dân tự do ở Việt Nam, nhập khẩu và rang tại Brooklyn. Công ty hiện nay chỉ bán cà phê qua mạng, nhưng tuần này, NCS sẽ mở một quán cà phê tên gọi Cafe Phin trong lòng nhà hàng Ăn Chơi ở Lower East Side. Và Sahra không phải đơn độc trong hành trình của cô: tại Philadelphia, một công ty cà phê đặc sản mới có tên Cà Phê Roasters cũng miệt mài rang hạt cà phê Việt và mở các điểm bán cà phê tự phát ngắn hạn (pop-up). Cà phê vốn dĩ không nằm trong chuyên môn của Sahra, vốn là một ký giả và nhà làm phim. Từ tuổi thiếu niên, cô đã tham gia hoạt động tổ chức cộng đồng cho người Mỹ gốc Á. Đến lúc lớn lên, cô đem hết tất cả đam mê nhiệt huyết đối với công lý xã hội cùng sự đại diện chính trị xã hội vào những thước phim tài liệu của mình. Nhưng đây chẳng phải lần đầu cô đột phá vào giới ẩm thực: năm 2014, cô cùng ba người chủ khác mở nhà hàng Lucy's Vietnamese Kitchen tại Brooklyn. Tất cả công trình ấy, bao gồm cả NCS, theo cô, đều được dẫn dắt bằng một tinh thần chung. “Tôi xem nó như là phần tiếp theo của chuyện kể đời mình”, cô thổ lộ. “Trên mạng điện tử và trong ngành cà phê, sở dĩ Việt Nam bị nhận định là có cà phê chất lượng kém cũng bởi vì người mình (ở Hoa Kỳ) vẫn chưa toàn tâm cổ vũ cho phong trào cà phê đặc sản bên đó,” Sahra nói với tôi. "Tôi muốn cho mọi người thấy rằng Việt Nam còn có nhiều hơn là cà phê hòa tan uống liền.” Ở thời điểm này, NCS cung cấp hai loại cà phê nguyên hạt: Courage (Can trường), chứa 100% hạt arabica đồng nguồn, và Loyalty (Trung nghĩa), một loại phối trộn cả hạt arabica và robusta 50-50. Theo Sahra, một phần của nhiệm vụ nâng tầm cà phê Việt Nam có nghĩa là làm việc với robusta. Theo Will Frith - một chuyên gia về cà phê đặc sản ở Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng Robusta có thể có tiếng xấu trong giới sành cà phê, nhưng nó vốn dĩ không phải là xấu. Theo như Frith nói với tôi, hạt Robusta bị mang tiếng vì có vị nhớt, dai, và cháy khét, chủ yếu do các quy định xuất khẩu đối với hạt robusta lỏng lẻo hơn quy định đối với hạt arabica, nên chúng thường được rang nhiều hơn, và ông nói: "Những gì mọi người biết về robusta là hương vị của những hạt bị rang hư.” Sahra lấy những hạt cà phê tươi, và sau khi NCS rang chúng, cô ấy nói rằng những hạt robusta cho ra những hạt cacao đậm và thơm hơn. Chúng được trồng ở hai trang trại riêng biệt, nhưng tất cả hạt cà phê của NCS đều đến từ một người nông dân ở Đà Lạt, Việt Nam. Chúng được thu mua trực tiếp không qua trung gian. Mặc dù NCS gọi anh là anh Tôn, nhưng Sahra gọi anh là anh Thiện - “anh trai Thiện.” Mặc dù anh là nông dân trồng cà phê thế hệ thứ tư, nhưng đây là lần đầu tiên anh xuất khẩu hạt cà phê tươi của mình. Trong khi doanh thu bán cà phê trong nước chiếm phần lớn công việc kinh doanh của anh, Sahra nói rằng xuất khẩu sang Mỹ vẫn chỉ là một giấc mơ của anh cho đến hôm nay. Làm việc cùng nhau trên NCS là một trải nghiệm đầy thách thức cho cả hai học hỏi. Sahra nói: “Rất khó để vượt qua quá trình này. Đó là một ngành công nghiệp lâu đời và cổ xưa. Có rất nhiều rào cản về mặt ngôn ngữ, quan liêu và văn hóa.” Sahra và anh Tôn làm tất cả các công việc kinh doanh của họ bằng tiếng Việt, hầu hết qua Facebook và email. Việc đưa cà phê Việt đến với Hoa Kỳ không đơn giản là chi phí và hậu cần vận chuyển, mà còn phải làm việc với FDA song song với việc tìm kiếm nhà môi giới hải quan. Giờ đây những hệ thống đó đã được triển khai, Sahra hy vọng nó sẽ mang đến những cơ hội mới cho anh Tôn. Theo ông Frith, bối cảnh cà phê đặc sản địa phương năng động ở các thành phố như Sài Gòn đã tạo ra mối quan tâm đủ lớn đối với hạt cà phê trong nước. Xuất khẩu có thể không phải là ưu tiên trước mắt đối với các nhà sản xuất nhỏ. Ông nói: “Nhu cầu nội địa đối với cà phê arabica đặc sản ở đây rất mạnh.” Vì so với việc mua cà phê đặc sản từ Ethiopia, “bạn không phải đối phó với những thứ như vận chuyển và hậu cần.” Thêm vào những thách thức mà NCS phải trải qua khi thiết lập hoạt động nhập khẩu, có thể thấy rõ ràng hơn tại sao chúng ta không thấy nhiều loại hạt cà phê đặc sản của Việt Nam ở Hoa Kỳ. Kể từ khoảng năm 2015, Frith đã nhận thấy sự “bùng nổ” quan tâm và sáng tạo trong lĩnh vực cà phê của Sài Gòn, với các công ty như La Việt và Workshop đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa và phát triển cà phê trong khu vực. Frith cho rằng mọi người nhanh chóng nắm bắt vì “họ thấy nó đủ khác biệt với những gì cha mẹ họ đang làm với tư cách đại diện cho cà phê. Và họ thực sự làm nó theo phong cách của họ.” Theo cả Frith và Sahra, bối cảnh đặc sản của Việt Nam rất trẻ trung và thú vị — và bây giờ, Frith nói, “về cơ bản bạn có thể tìm thấy bất kỳ loại trải nghiệm cà phê nào bạn muốn ở đây.” Theo Frith, sự “bùng nổ” của hạt cà phê có thể cải thiện kinh tế cho các nhà sản xuất cà phê Việt Nam - những người có thể theo đuổi cà phê đặc sản thay vì chỉ làm việc theo điều kiện hàng hóa của các công ty tiêu dùng lớn. Ông nói: “Những người đang trồng arabica bắt đầu nhận ra rằng có thể thoát khỏi mức giá của Sở giao dịch chứng khoán New York đối với mặt hàng cà phê bằng cách đa dạng hóa sản phẩm của họ. Anh Tôn đã nói với Sahra rằng mức giá mà NCS phải trả cao hơn những gì anh có thể nhận được từ người mua và công ty Việt Nam. Đối với Sahra, NCS không chỉ nâng cao giá trị của hạt cà phê mà còn cải thiện cuộc sống cho những người xung quanh họ thông qua sự minh bạch và trả công công bằng hơn. Bằng cách kết nối với mọi người, Sahra hy vọng sẽ thúc đẩy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng người Việt hải ngoại – kết quả của Chiến tranh Việt Nam, cũng là nơi kết nối những người tị nạn trên khắp thế giới, trong đó có cả cha mẹ cô. Cô nói: “Tôi luôn cảm nhận sự liên kết với Việt Nam bởi vì khi trưởng thành tôi đã quay lại đây. Tôi thực sự quan tâm đến việc sử dụng các nguồn lực và đặc quyền của mình với tư cách là người Hoa Kỳ, một công dân Hoa Kỳ có nền tảng văn hóa Việt Nam, để xem tôi có thể làm gì để kết nối một cộng đồng toàn cầu, xây dựng kết nối đó theo đúng bản chất và tự nhiên.”

Người dịch: An Nguyen & Quyen Tran

Biên tập: Khoa Le


Comments


bottom of page