top of page

Sự khác biệt của làn sóng phân biệt chủng tộc người châu Á hiện nay

Translated from The Atlantic's article Why This Wave of Anti-Asian Racism Feels Different

Tác giả Cathy Park Hong nhìn nhận đợt bùng nổ bạo lực gần đây là bước ngoặt cho cộng đồng người Mỹ gốc Á.


By Morgan Ome, on 17-03-2021, 13:00:00

Ảnh: Dayna Smith / The Washington Post / Getty; Ringo Chiu / AFP / Getty “Cái nhục nhã của làm người Châu Á ở đất nước này đã và vẫn đang tiếp tục thiếu sự nhìn nhận đầy đủ,” nhà thơ và nhà bình luận Cathy Park Hong viết trong cuốn Minor Feelings: An Asian American Reckoning (tạm dịch: Xúc cảm Thiểu số: Nhìn nhận lại từ góc độ người Mỹ gốc Á). Hong, 44 tuổi, là con gái một gia đình người tị nạn Hàn Quốc và lớn lên ở Los Angeles. Minor Feelings là cuốn sách phi giả tưởng đầu tay của bà, pha lẫn hồi ký và phê bình văn hoá. Những bài luận của bà khai phá những sang chấn chủng tộc đầy đau thương và thường vô hình mà người Mỹ gốc Á phải trải qua - những sang chấn mà năm vừa rồi đã trở nên nhức nhối khôn cùng, khi tin tức về phân biệt chủng tộc và bạo lực đối với người châu Á tăng mạnh. Ngày hôm qua, một tay súng đã giết tám người, trong đó có sáu người là phụ nữ gốc Á tại các cửa hiệu massage tại Atlanta. Hong chia sẻ với tôi qua email rằng bà rất cảm kích sự đồng cảm từ các nhóm ngoài cộng đồng người Mỹ gốc Á, và đồng thời bày tỏ lo ngại rằng cảnh sát và giới bình luận sẽ coi nhẹ tầm quan trọng của sự kiện này. “Tôi đã thấy giới truyền thông cố “tẩy trắng” vụ việc rồi,” bà viết. “Họ nói rằng động cơ không liên quan đến chủng tộc, tin vào lời cảnh sát hơn lời những người phụ nữ này.” Đầu năm nay, một số vụ tấn công người châu Á cao tuổi tại Vùng Vịnh San Francisco đã được quay lại và phát tán rộng rãi. Một nạn nhân, cụ Vicha Ratanapakdee 84 tuổi, đã qua đời do chấn thương. Dù chính quyền trong nhiều vụ việc chưa xác định - hoặc chưa dám nói - rằng chúng có động cơ chủng tộc, mẫu số chung của hiện tượng bạo lực này rất rõ ràng. Tính từ tháng Ba 2020, khoảng 3,800 vụ phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương đã được trình báo với nhóm Stop AAPI Hate (Dừng Sự thù ghét Người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương). Thứ Năm vừa rồi, Tổng thống Joe Biden đã lên án “những tội ác thù ghét tàn ác đối với người Mỹ gốc Á, những người đã bị tấn công, quấy rối, đổ tội, và đem ra làm bình phong” - một hành động đối lập với người tiền nhiệm của ông, người đã gọi đại dịch COVID-19 là “virus Trung Quốc" và “kung flu.” Tác phẩm của Hong cho ta thấy vị trí khác thường của người Mỹ gốc Á trong hệ thống thứ bậc chủng tộc của nước Mỹ. Nhà khoa học chính trị Claire Jean Kim đã miêu tả mối tương quan này là “tam giác chủng tộc”: Không phải da đen cũng không phải da trắng, người châu Á vừa bị rập khuôn thành nhóm thiểu số gương mẫu vừa bị coi là mãi mãi ngoại lai, và qua đó chia rẽ người da đen và da trắng. Nhưng với những vụ tấn công trực tiếp dường như đang trên đà tăng lên khắp cả nước, những người Mỹ gốc Á đang kêu gọi chú ý tới nạn phân biệt chủng tộc họ đang phải đối mặt. Tuần trước, tôi đã trò chuyện kỹ hơn với Hong trước vụ xả súng tại khu vực Atlanta. Chúng tôi bàn luận những lí do khiến các báo cáo về bạo lực và thù ghét đã khích động đông đảo người Mỹ gốc Á thuộc các dân tộc khác nhau đến vậy trong năm vừa qua. Cuộc phỏng vấn đã được hiệu đính để súc tích và gãy gọn hơn. Morgan Ome: Phân biệt chủng tộc với người Mỹ gốc Á không phải hiện tượng mới. Nhưng gần đây có vẻ nhiều người Mỹ gốc Á đang lên tiếng và biểu tình hơn hẳn. Tại sao lại như vậy? Cathy Park Hong: Một vài năm trước, David Dao, một bác sĩ người Việt, đã bị tấn công và lôi khỏi một chuyến bay của hàng United Airlines. Tôi nhớ là giới truyền thông không nói gì tới danh tính của ông. Câu chuyện chỉ là một người đàn ông trung lưu bị lôi khỏi máy bay. Nhưng khi tôi thấy tin này, tôi đã nghĩ, Tôi dám cá ông ấy sẽ không bị đối xử như vậy nếu là người da trắng. Nhưng khi ấy chẳng ai nói vậy cả. Bây giờ nhiều thứ đã thay đổi. Rất khó để xác định cụ thể lí do. Một phần là vì Donald Trump. Mọi người đã thẳng thắn hơn nhiều về vấn đề chủng tộc và cấu trúc bất bình đẳng chủng tộc ở đất nước này. Và nó dẫn đến nhiều người Mỹ gốc Á lên tiếng. Khi Black Lives Matter [nổi lên] vào năm 2014 - sau vụ Ferguson - tôi đã thấy người Mỹ gốc Á tổ chức và đoàn kết nhiều hơn. Và mùa hè năm ngoái, mọi người đã thực sự thấm được tinh thần của những cuộc biểu tình Black Lives Matter và thảo luận về công lý xã hội. Hiện nay, do nạn phân biệt chủng tộc với người châu Á đang diễn ra, người Mỹ gốc Á cũng được thúc đẩy để lên tiếng và tập hợp mạnh mẽ hơn - từ việc viết bình luận trên The New York Times tới việc tổ chức các đội hộ tống người già tại Phố Trung Hoa ở Oakland. Ome: Trước giờ đã có khoảnh khắc nào như thế này chưa? Hiện tượng tương tự gần nhất mà tôi có thể nghĩ ra là vụ giết hại Vincent Chin năm 1982, dẫn tới phản ứng kịch liệt từ cộng đồng người Mỹ gốc Trung và Nhật. Một số ví dụ lịch sử khác, như trại tập trung người Nhật trong Thế chiến II, đã không thuyết phục người châu Á biểu tình trên diện rộng. Loạt vụ đập phá các cửa hàng của người Hàn trong đợt bạo loạn Los Angeles (L.A.) cũng không khiến nhiều người không phải gốc Hàn đứng lên bảo vệ cộng đồng người Hàn. Hong: Thực vậy. Ta không thấy những người châu Á khác đứng lên ủng hộ cộng đồng người Hàn sau đợt bạo loạn L.A. Sự khác biệt bây giờ là tất cả những người bị tấn công đều bị quy về làm một. Dù kẻ tấn công có tưởng đây là người Trung, nhiều lúc nạn nhân lại là người Philippines hay Việt hay Hàn. Một trong những triệu chứng của nạn phân biệt chủng tộc là ta bị quy về làm một. Một sự kiện tương đồng là sau vụ 11/9, khi người Hồi giáo bị tấn công và ngược đãi. Hoặc khi Trump trở thành tổng thống, người ta bắt đầu bàn tán về việc bắt giữ người Hồi giáo. Người Mỹ tấn công người Hồi giáo hoặc những người trông hơi giống Hồi giáo, trong đó có người Ấn theo đạo Hindu, hay người Ấn theo đạo Sikh - bất cứ ai trông da nâu. Tôi tin rằng hiện tượng ấy đã khích động cộng đồng người Nam Á và Hồi giáo. Giờ chuyện tương tự đang xảy ra. Cộng đồng người Đông Á, Đông Nam Á, và Nam Á đang tích cực hoạt động hơn. Nhóm nào đang bị nhắm tới không quan trọng. Ome: Cô có thấy điểm tương đồng nào giữa thời hiện tại so với thời sau đợt bạo loạn L.A. không? Hong: Như đợt bạo loạn L.A., vẫn có sự phân hóa kinh tế giữa người lao động Mỹ gốc Phi và gốc Á. Nhiều người Da Đen thù ghét người di cư Hàn Quốc vì đã tới khu của họ và mở những hàng quán mà chính họ không mở được vì bị hạn chế bởi “lằn ranh đỏ.” Đồng thời, những người di cư Hàn này cũng rất chật vật. Họ không có bảo hiểm. Nhưng họ lại cao hơn một bậc [trên thang kinh tế so với cư dân Da Đen]. Vẫn còn nhiều thù hận từ đợt bạo loạn L.A., và cả hồi ức về Latasha Harlins đã bị một người dân di cư Hàn giết hại. Một góc nhìn rất phức tạp và khó bàn thời nay là khi một người Da Đen hoặc da nâu hành hung hay tấn công người châu Á cao tuổi, như vụ việc cụ người Thái Vicha Ratanapakdee. Có sự khác biệt rất lớn giữa cách người Mỹ gốc Á thế hệ hai hoặc trẻ hơn và người di cư châu Á tiếp cận vấn đề chủng tộc. Nhiều người Mỹ gốc Á trẻ tuổi rất ý thức về thái độ thù ghét Da Đen trong cộng đồng châu Á và giới cảnh sát. Với những người di cư châu Á lớn tuổi hơn, những tội ác này có thể sẽ khẳng định lại thái độ thù ghét Da Đen và đẩy họ về cánh hữu. Nỗi lo sợ của tôi là những tội ác này đang chia rẽ sâu sắc hơn cộng đồng người da đen và người Mỹ gốc Á, và rằng người da trắng sẽ không chịu nhận trách nhiệm. Mỗi khi tôi chia sẻ trên mạng xã hội là, “Những cuộc tấn công này mang triệu chứng của bệnh da trắng thượng đẳng,” người da trắng lại nói, “Tại sao lại nói da trắng thượng đẳng khi người da trắng đâu có thực thi tội ác này?” Claire Jean Kim có một lý thuyết tam giác chủng tộc rất tuyệt về mối quan hệ giữa người da đen, châu Á, và da trắng. Ta thấy nó được phơi bày trong vụ bạo loạn L.A., và tôi thấy điều tương tự đang xảy ra bây giờ. Ome: Vậy chúng ta bước tiếp như thế nào? Hong: Tôi không muốn phức tạp hoá vấn đề. Có hai cách để nói về chuyện này. Riêng hành động bạo lực đã là sai rồi. Không thể tha thứ được. Tôi nghĩ nhiều người Mỹ gốc Á chưa bao giờ nói về điều này, nên người da trắng vẫn không tin rằng người Mỹ gốc Á có gặp phân biệt chủng tộc. Vì chúng tôi vô hình, sự phân biệt chủng tộc với chúng tôi cũng vô hình. Vậy nên việc nhiều người đang lên tiếng là rất quan trọng, để cho thấy rằng: “Thực ra, nạn phân biệt vẫn diễn ra, và gần đây đang tăng cao. Nhưng đồng thời, nó cũng đã tiếp diễn từ rất lâu rồi. Chỉ là chúng tôi chưa thực sự đề cập đến nó. Và giờ chúng tôi đang nói về nó đây, và bạn phải chú ý đấy.” Nhưng mọi thứ bắt đầu trở nên phức tạp hơn khi đoạn video về một cuộc tấn công bỗng lan truyền nhanh chóng và chúng ta bắt đầu bàn bạc về các giải pháp ngoài việc lan truyền vấn đề này. Một phần lí do có gia tăng mạnh trong bạo lực với người châu Á là vì mọi người đang rất giận dữ và tuyệt vọng. Tôi không có ý biện hộ chuyện này. Tôi chỉ muốn nghĩ ra lý do tại sao điều này lại đang xảy đến với người châu Á. Hôm nay, tôi có cuộc trò chuyện với một phỏng vấn viên, người đó cho biết là một viên cảnh sát - người châu Á - nói rằng anh ta không tin [những vụ tấn công gần đây] là những tội danh thù ghét người châu Á. Ome: Viên cảnh sát này không tin rằng những vụ tấn công đó đều có động lực về mặt chủng tộc ư? Anh ấy giải thích như thế nào? Hong: Đúng rồi - rằng những vụ tấn công này chỉ là một phần của lượng tội phạm tăng cao. Tôi không đồng tình với anh ta. Có rất nhiều vụ việc trong đó nạn nhân còn không bị trộm cắp - họ bị tấn công mà không có lí do gì cả - và bị gọi bằng những biệt danh phân biệt chủng tộc. Tôi biết nhiều người sống ở Manhattan, trong đó có nhiều người là phụ nữ Mỹ gốc Á sống đơn thân, và họ rất sợ tự đi ra ngoài một mình, vì họ sẽ bị theo dõi, bị quấy rối, và bị gọi bằng đủ thứ miệt thị phân biệt chủng tộc. Thế nên đây chắc chắn không phải là một thứ ảo ảnh. Ome: Cô có nghĩ rằng những sự kiện năm vừa rồi đã ép buộc đất nước này nhìn nhận vấn đề phân biệt chủng tộc với người Mỹ gốc Á một cách nghiêm túc hơn không? Hong: Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Đây là một điều hết sức bình thường ở Mỹ, họ chỉ để ý đến phân biệt chủng tộc khi điều đó bỗng chốc nhận được rất nhiều sự chú ý, khi mà có một video lan truyền với tốc độ chóng mặt, hay khi một người nào đó bị giết. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu người Mỹ chỉ quên đi và nghĩ, Đến bản tin tiếp theo nào. Thật là tuyệt vì người da trắng và những người không có gốc Á khác đang nhận ra điều này, nhưng chúng ta không thể tin chắc rằng họ sẽ vẫn tiếp tục tập trung vào những điều đang xảy ra với người Mỹ gốc Á. Chúng ta cần tiếp tục nói cho họ nghe chúng ta là ai và vai trò của chúng ta trong đất nước này. Ome: Trong Minor Feelings, cô đã viết về sự khó khăn khi dùng từ chúng ta vì người Mỹ gốc Á rất đa dạng. Cô có còn nghĩ rằng người Mỹ gốc Á là một từ đại diện có ý nghĩa nữa hay không? Hong: Đây là tất cả những gì chúng ta có lúc này. Ome: Có lẽ tôi có thể nói rõ hơn. Cụm từ người Mỹ gốc Á được tạo ra vào năm 1968 bởi những nhà tổ chức sinh viên cấp tiến, những người mong muốn có một phong trào chủ nghĩa châu Á, chống lại phân biệt chủng tộc, chống lại chủ nghĩa đế quốc. Suy nghĩ của họ về việc là một người Mỹ gốc Á có phải chỉ là một lý tưởng? Hay đó là một liên minh dựa trên danh tính mà cô thấy đang được hình thành? Mọi người quên mất phần lịch sử đó. Tôi cũng vậy. Cụm người Mỹ gốc Á được sinh ra vì không có từ ngữ nào có thể diễn tả được chúng ta. Trước kia, chúng ta được gọi là người phương Đông, hoặc bằng quốc tịch của chúng ta. Điều tạo ra cái tên người Mỹ gốc Á là chiến tranh Việt Nam và phong trào Black Power. Hãy nhớ rằng, những nhà tổ chức người Mỹ gốc Á kia là thế hệ thứ hai, hay thậm chí là thế hệ thứ ba. Họ là người Philippines, người Trung Quốc, Nhật Bản. Khá nhiều người trong số họ đã từng có thành viên gia đình bị bỏ vào trong những trại tập trung. Họ là tầng lớp lao động. Vậy nên họ có rất nhiều lí do để giận dữ. Khoảng thời gian đó rất có sức ảnh hưởng, nhưng rồi nó lại không được ghi lại trong lịch sử. Một phần lí do là vì những đặc điểm của việc di cư đến Mỹ. Sau cuối những năm 1960, có gia tăng lớn trong số người châu Á đến nhập cư từ nhiều quốc gia. Chúng ta trở nên đa dạng hơn rất nhiều: người Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ, Hàn Quốc, người tị nạn Campuchia và Việt Nam. Phần lớn giờ đã có con cái, và chúng tự coi mình là người Mỹ, nhưng chúng nhận ra rằng chúng vẫn có địa vị thấp kém hơn vì màu da của chúng, và vì giọng nói của chúng không có sức ảnh hưởng như người da trắng. Một phần của nhận thức và ý thức mới này là vì chúng ta đông hơn. Và cũng có thêm nhiều người trong chúng ta đã sống ở đây đủ lâu để yêu cầu được nhìn nhận như một phần của đất nước này. Còn nhiều hơn cả khi tôi còn ở độ tuổi 20 hay 30, thế hệ trẻ càng ngày càng quyết liệt, dấn thân, và tự hào hơn bao giờ hết về việc làm người Mỹ gốc Á. Giờ câu chuyện đã không còn là Chúng tôi mong muốn có thêm người châu Á trong Hollywood. Nó không chỉ là về chính trị đại diện, mà cũng là về việc đối mặt với sự bất bình đẳng trong tầng lớp giữa những người Mỹ gốc Á và cố gắng xây dựng sự đoàn kết với những người da màu khác.

Điều tôi muốn nói về người Mỹ gốc Á là nếu chúng ta ít nghĩ tới khái niệm người Mỹ gốc Á như là một danh tính, và thay vào đó là xem nó như một liên minh, thì có lẽ người châu Á sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi tự xưng là người Mỹ gốc Á, vì nó bao quát mọi quốc tịch, kinh tế, và sự khác biệt vùng miền. Ome: Trong sách của cô, cô đã viết, “Kể từ cuối những năm 60, khi các nhà hoạt động người Mỹ gốc Á biểu tình cùng với Black Panthers, đến giờ vẫn chưa có phong trào nào lớn đến mức chúng ta có thể tự gọi là của mình.” Tại sao cô lại nghĩ như vậy? Hong: Một số người phản đối điều đó và nói rằng kể từ đó đã có rất nhiều phong trào hoạt động. Tôi sẽ nói là các hoạt động đó còn rời rạt. Nhưng tôi nghĩ rằng việc xây dựng một cộng đồng đa văn hoá giữa người Mỹ gốc Á, và xây dựng cầu nối giữa các cộng đồng người châu Á, người Da Đen, người Latin và người Bản địa là một việc hết sức quan trọng. Và bây giờ, chúng ta vẫn chưa chạm tới điều đó. Nếu chúng ta muốn sửa chữa bất công còn tồn tại trong hệ thống này, cải tổ hệ thống tư pháp hình sự, và đưa hệ thống chăm sóc sức khoẻ đến cho tất cả mọi người, chúng ta cũng cần phải bàn tới danh tính chủng tộc của mình, vì mọi người đều cảm thấy gần gũi với điều đó. Bạn không thể nói như Andrew Yang, rằng mọi người đang tập trung quá nhiều vào danh tính. Nếu người da trắng đang dùng sai khái niệm danh tính hay chủng tộc để làm chúng ta đấu đá nhau, chúng ta cần phải lên tiếng về điều đó. Để có thể có được những gì chúng ta muốn, và cảm thấy tự hào [về việc sống ở Mỹ], và phản đối bạo lực, chúng ta cần phải xây dựng một cộng đồng chung. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải xây dựng một danh tính người Mỹ gốc Á mà bao hàm nhiều hơn là tình yêu cho trà sữa trân châu và K-pop. Ome: Cô nghĩ gì về một vài giải pháp được đề xuất gần đây về việc chống lại bạo lực với người châu Á? Tháng Tư vừa rồi, Andrew Yang đã cổ vũ người Mỹ gốc Á thể hiện tình yêu nước của họ. Năm nay, Tổng thống Biden đã cho ra một bản thư báo lên án sự phân biệt chủng tộc và ghét bỏ với người Mỹ gốc Á và người các đảo Thái Bình Dương. Trên mức độ cộng đồng, cần phải có lực lượng tuần tra quanh các khu dân cư và các biện pháp an ninh khác không dựa vào cảnh sát. Hong: Tôi không phải là một nhà tổ chức. Tôi không phải là một nhà hoạt động. Thế nên tôi không biết liệu tôi có thể nói với bạn chính xác những gì cần làm. Có lẽ chúng ta nên nhìn lại những gì đã xảy ra sau cuộc nổi loạn ở L.A., và nhìn cách mọi người cố gắng xây dựng lại cuộc sống, và xem xem điều đó đã thất bại như thế nào. Từng có một chiến dịch kêu gọi nguồn lực cho vùng Nam Trung tâm L.A.. Có nhiều người Mỹ gốc Hàn đã cầu cứu sự chú ý của mọi người khi hầu hết các doanh nghiệp của họ bị đốt cháy, và họ lại không có bảo hiểm. Sau đó người ta đã cố gắng xây dựng một cộng đồng đa chủng tộc. Nhưng rồi người ta lại bỏ dở nó. Đó thường là điều sẽ xảy ra: Mỗi khi có khủng hoảng, truyền thông và các nhà chính trị sẽ để tâm đến nó. Rồi họ lại bỏ mặc nó. Hiện giờ, chúng ta cần tiếp tục tập trung vào các tội ác thù ghét người châu Á. Nhưng tôi không nghĩ dựa vào cảnh sát là giải pháp. Yêu cầu có thêm cảnh sát sẽ không giải quyết tội phạm thù ghét người châu Á và các vụ việc mang tính thành kiến. Lí do là vì cảnh sát hiện giờ có tất cả tiền họ muốn và đã bị quân sự hoá, trong khi đó bạo lực chống người Mỹ gốc Á vẫn đang xảy ra. Ome: Ở khu phố người Hoa tại Oakland, không phải ai cũng thích việc tuần tra khu dân cư mà không có cảnh sát. Một số người muốn có thêm sự hiện diện của cảnh sát. Thế nên kể cả trong cùng một cộng đồng, khó mà có thể thuyết phục được tất cả mọi người. Hong: Nếu bạn là người có một cửa hàng hay là một nhân viên ở trong khu phố người Hoa, và bạn bị quấy rối, và ai đó nói với bạn, “Chúng ta cần phải dừng hỗ trợ tài chính cho cảnh sát để bảo vệ bạn," điều đó rõ ràng không ổn chút nào. Chúng ta phải tìm được cách để giao tiếp với nhau và với những người da màu khác trong các cộng đồng của chúng ta. Nhưng chúng ta cũng phải tìm ra cách để nói chuyện với bố mẹ và lắng nghe họ, vì họ là những người đang đối mặt với nhiều nguy hiểm nhất. Tôi muốn lắng nghe. Đó mới chính là chính sách mà tất cả chúng ta cần phải có bây giờ: lắng nghe những câu chuyện và sự khó khăn mà người di cư châu Á đang phải trải qua, và đồng thời lắng nghe những người Da Đen và Latin đang sống trong cùng khu dân cư. Ome: Có điều gì cô muốn nói thêm không? Hong: Dù tôi đôi khi tôi có vẻ còn hoài nghi, việc những vụ bạo lực chống lại người châu Á đang được ghi lại, và việc mọi người đang nói về nó, chính là một bước tiến. Vì điều đó trước giờ chưa xảy ra, cũng không xảy ra khi tôi còn nhỏ. Nhiều người Mỹ gốc Á đã có tiếng nói hơn, có tổ chức hơn, cấp tiến hơn, và tiến bộ hơn. Và chúng ta sẽ không lùi bước.


Người dịch: Ren Dinh & Adelia Duong

Biên tập: Derek Phan


Comments


bottom of page