Carla K. Johnson, Matt Sedensky, và Candice Choi
Ngày 22 tháng 7, 2020
Translated from AP News article Silent spread of virus keeps scientists grasping for clues.
Bà Jessie Cornwell, cư dân của Viện Dưỡng lão Ida Culver House Ravenna, bên phải, tạo dáng cho bức ảnh chụp cùng Mục sư Jane Pauw, tại Seattle vào ngày 21 tháng 5, 2020. Bà Jessie Cornwell đã dương tính với xét nghiệm coronavirus nhưng chưa bao giờ phát bệnh, và có thể đã lây cho Mục sư Pauw (sau này có những triệu chứng của COVID-19) khi đi cùng xe tới buổi học Kinh Thánh với Mục sư Pauw. (Nguồn: AP Photo/ Elaine Thompson)
Một trong những bí ẩn lớn nhất về coronavirus là sự tăng vọt nhanh chóng đáng kinh ngạc trên toàn cầu.
Đại dịch coronavirus đầu tiên bùng lên ở Trung Quốc và chỉ trong vòng 3 tháng, đã lây lan trên khắp các châu lục trừ Nam cực, khiến cuộc sống thường nhật của hàng triệu người bị ngưng trệ. Đằng sau sự lây lan nhanh chóng là thứ mà ban đầu các nhà khoa học đã không ngờ tới, gây khó khăn cho các Cơ quan Y tế và làm cho các nỗ lực sớm trong phòng chống dịch bệnh bị suy yếu -- coronavirus chủng mới này có thể bị lây lan từ những người tưởng chừng như khoẻ mạnh.
Trong lúc công nhân quay trở lại cơ quan làm việc, trẻ em chuẩn bị trở lại trường vào năm học mới, và mọi người đang khát khao quay trở lại cuộc sống bình thường chỉ để đi mua sắm hay đi ăn nhà hàng, giới khoa học chỉ ra một thực trạng nguy hiểm hiện tại: Nếu những người tưởng chừng như khoẻ mạnh có thể lây lan dịch bệnh thì việc kiểm soát dịch bệnh có thể là việc bất khả thi.
Tiến sĩ Eric Topol, Trưởng Viện Nghiên cứu Dịch thuật Scripps cho biết: “Nó có thể là kẻ sát nhân và 40% số người nhiễm thậm chí còn không biết họ đã bị nhiễm.” Ông nói thêm: “Chúng ta phải ngưng phủ nhận nó bởi nó rất thật.”
Các nhà nghiên cứu đã tiết lộ rằng sự lây lan thầm lặng bởi con virus này có khả năng truyền từ người này sang người khác, dù có triệu chứng hay không. Nhưng hiện tại vẫn chưa có câu trả lời cho vai trò của những người có vẻ khỏe mạnh trong việc làm làm tăng số lượng ca bệnh-- câu hỏi hàng đầu trong các kế hoạch khoa học ở thời điểm hiện tại.
coronavirus nhỏ bé nhưng lợi hại vì có thể xâm nhập vào tế bào cơ thể, “làm ổ", và sản sinh ra hàng chục ngàn bản sao của nó trong duy nhất một ngày. Mức độ virus trong cơ thể đã tăng vọt trước khi bạn đổ ho lần đầu tiên do lây nhiễm. Một điều khiến các nhà khoa học kinh ngạc là khoảng 4 trong 10 người bị nhiễm coronavirus không hề biểu hiện triệu chứng nào.
“Để kiểm soát dịch bệnh, để thực sự ngăn việc coronavirus quay lại, chúng ta sẽ phải đối mặt với vấn đề này,” Tiến sĩ Rein Houben, người chịu trách nhiệm theo dõi tiến triển của bệnh dịch tại Khoa Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London cho hay.
Thiệt hại thảm khốc với hơn 580,000 ca tử vong toàn cầu từ bệnh dịch COVID-19 đã dần nhạt nhoà khi các thành phố quyết định dỡ bỏ các lệnh cấm. Tuy nhiên, sự biến chuyển khôn lường của chủng virus này vẫn khiến các nhà khoa học, những người đang quan sát các cộng đồng bắt đầu quay lại hoạt động, phải trăn trở, tự hỏi liệu chuyện gì sẽ xảy ra nếu không phát hiện những "nguồn lan truyền virus” âm thầm trước khi quá muộn.
Các hành khách không có dấu hiệu ho hen có thể qua mắt các kiểm tra của sân bay. Công nhân không có dấu hiệu nóng sốt không thể bị phát hiện bởi các đợt kiểm tra thân nhiệt. Những người không cảm thấy uể oải hay đau nhức mình mẩy có thể tới dự các buổi họp bàn công việc.
Và dịch bệnh có thể một lần nữa bùng trở lại.
NHỮNG MANH MỐI ĐẦU TIÊN
Vào khoảng tháng 1, đã có dấu hiệu cho thấy những cá nhân có thể đã mang trong mình chủng virus này dù không xuất hiện triệu chứng cụ thể. Một bé trai 10 tuổi ở Trung Quốc đã đi tới Wuhan mà không xuất hiện bất cứ dấu hiệu nào nhưng lại có kết quả xét nghiệm dương tính cùng với 6 thành viên khác trong gia đình của em, với triệu chứng ho và sốt. Một ca nhiễm “rắc rối hơn" từ nước Đức: Một hành khách đi công tác từ Trung Quốc, không có triệu chứng bệnh và dường như hoàn toàn khỏe mạnh, đã lây lan virus tới các đồng nghiệp ở Munich.
Nhiều nhà khoa học vẫn cho rằng các thông tin trên không thuyết phục. Vài người đặt ra câu hỏi liệu người hành khách đi công tác từ Trung Quốc kia có thực sự không có bất cứ triệu chứng nào. Họ cũng cho rằng cô ta có thể có những dấu hiệu nhẹ, không đáng kể nhưng lại cho là do bị lệch múi giờ.
Khái niệm mà con người lây lan bệnh dịch chưa bao giờ là điều dễ dàng để hiểu và chấp nhận, từ bệnh viêm tủy xám hay bệnh bại liệt của trẻ em (polio) của giữa thế kỷ 20 tại Mỹ, cho đến sự lây lan của HIV trong nhiều thập kỷ sau đó.
Vào thời điểm chuyển giao sang thế kỷ 20, một đầu bếp dường như khoẻ mạnh tên Mary Mallon đã trở thành trở thành người “siêu lây nhiễm" (super spreader) và để lại "đường mòn tử thần" vì đã mang trong mình ký sinh thương hàn (typhoid). Mary Fallon đã thu hút sự chú ý của công chúng, rồi họ cưỡng chế cô đi cách ly tại hòn đảo nằm trên sông Đông có tên North Brother. Thời gian trôi qua, “Typhoid Mary" - Mary thương hàn - vẫn là ví dụ tiêu biểu cho sự lây lan thầm lặng.
Khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, các quan chức y tế đã tin rằng nó sẽ giống như các chủng coronavirus khác, và người ta sẽ dễ trở thành nguồn lây lan nhất khi biểu hiện các triệu chứng như ho và sốt, nếu không thì rất hiếm khi lây truyền.
Bà Lauren Ancel Meyers - Chuyên gia Nghiên cứu về Mô hình Dịch bệnh tại Đại học Texas ở Austin cho biết: “Chúng tôi đã nghĩ rằng loại này (coronavirus chủng mới) sẽ cũng như SARS: với thời gian ủ bệnh dài và nhưng lại không có sự truyền nhiễm trong thời gian đó.”
Tại các sân bay trên khắp nước Mỹ, những hành khách trở về từ các điểm nóng, bao gồm cả Trung Quốc, và nếu không có triệu chứng, họ đều được cho đi.
“Chúng tôi lúc ấy đã trấn an bản thân và cả công chúng rằng việc tiếp xúc với người không biểu hiện triệu chứng là không có rủi ro,” Tiến sĩ Jeff Duchin tại Quận hạt King, tiểu bang Washington cho biết. Nơi đây trở thành ổ dịch coronavirus lớn đầu tiên của nước Mỹ, bùng nổ tại Viện Dưỡng lão Life Care.
Đằng sau những gì được thông báo đến công chúng, các nhà khoa học và chuyên gia như bà Meyers đã báo cáo những phát hiện đáng báo động với các quan chức y tế.
Bà Meyers đã tập trung một nhóm sinh viên nhằm mục đích lùng sục trên mạng Internet những trang web của các sơ y tế Trung Quốc hòng tìm ra ngày khởi phát triệu chứng trong các tình huống mà đã nắm thông tin để tìm ra ai đã lây bệnh cho ai.
Trong khoảng thời gian từ 21/1 đến ngày 8/2, nhóm này đã phát hiện ra một số trường hợp mà người đã bị nhiễm bệnh, đã mang virus về nhà nhưng không có triệu chứng cho đến khi lây nhiễm cho người trong gia đình. Ví dụ, một người phụ nữ Trung Quốc sống trong thành phố cùng với một vài trường hợp có dấu hiệu nhiễm bệnh sau khi chồng cô ta trở về sau chuyến đi đến một thành phố có ổ dịch lớn. Anh ta không biểu hiện triệu chứng của bệnh dịch cho đến về sau.
“Khi chúng tôi xem xét các dữ liệu, chúng tôi đã thốt lên, ‘Ôi toang, chuyện này không thể nào là sự thật được,’” Bà Meyers nói. “Chúng tôi thực sự sốc.”
Phát hiện hơn 50 trường hợp như vậy, bà Meyers lập tức báo cáo phân tích của mình với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) -- vào ngày 20/2, lúc 1:18 sáng, theo ghi chú của bà. CDC đã phản hồi bà một vài giờ sau đó với nhiều câu hỏi.
Bà Meyers và CDC trao đổi qua email một cách tích cực, xem lại những gì có thể đứng sau các con số. Thực sự, virus đã lây lan nhanh với tốc độ kinh ngạc và trước cả khi nguồn lây lan có những triệu chứng của coronavirus?
LÂY LAN TẠI BỮA TIỆC RƯỢU
Cô Rebecca Frasure, người đã phơi nhiễm coronavirus khi tham gia chuyến du thuyền Diamond Princess, ngồi trên giường khi đến Nhật Bản vào cuối tháng 2, phẫn nộ khi bị giữ lại trong bệnh viện mặc dù cô không có triệu chứng gì.
“Sức khoẻ tôi hoàn toàn bình thường trừ việc tôi có con virus trong cơ thể thôi,” cô Frasure nói khi đang chờ được xuất viện.
Nếu như không làm thí nghiệm quy mô rộng rãi và thường xuyên, không biết có bao nhiêu người có thể bị phơi nhiễm mà không có triệu chứng. Du thuyền Diamond Princess, bị nán lại ở cảng Yokohama, Nhật Bản vào thời điểm coronavirus đã bùng nổ trên đó, lôi kéo các nhà nghiên cứu vào cuộc.
Sau khi một hành khách trên tàu phát bệnh, chỉ có những hành khách với các biểu hiện của bệnh dịch coronavirus được xét nghiệm.
Tiến sĩ Houben và nhóm nghiên cứu của mình tại London đã bắt tay vào xây dựng một mô hình toán học để ước tính số người bị nhiễm mà không biểu hiện triệu chứng bị bỏ sót. Sau 4 tuần, mô hình của nhóm nghiên cứu cho thấy 3 trong 4 người bị nhiễm bệnh trên du thuyền Diamond Princess không có triệu chứng.
Điều đó có thực sự như vậy không? Ban đầu, các nhà nghiên cứu lo lắng rằng họ có thể đã làm sai gì đó trong các nghiên cứu của mình. Họ tiếp tục hoàn thiện mô hình, chỉ đạo một sinh viên cao học xác định bất kỳ lỗi nào trong hệ thống.
“Kiểm tra chỗ này, kiểm tra chỗ kia,” Tiến sĩ Houben nói. “Không thể như thế. Không thể như thế. Không thể như thế.” [ý không phải lỗi hệ thống]
Họ bỏ ra nhiều tuần để đảm bảo sự rõ ràng và chính xác của hệ thống này. Quả thật, hệ thống đã đưa ra dữ liệu chính xác.
Họ đã có câu trả lời của mình: Những người phơi nhiễm nhưng không có triệu chứng “có thể có vai trò quan trọng với "đóng góp" đáng kể trong việc lây truyền bệnh dịch"
Ở tiểu bang Washington, những manh mối tương tự xuất hiện với Tiến sĩ Duchin trong lúc các một nhóm chuyên gia điều tra đã thăm dò sự bùng phát dịch bệnh tại Viện Dưỡng lão Life Care và phát hiện ra các nhân viên y tế đã lây truyền coronavirus sang các viện dưỡng lão khác. Nhóm điều tra này tin rằng ít nhất một số nhân viên đã đến các viện dưỡng lão để làm việc trong khi bị nhiễm bệnh nhưng trước khi có triệu chứng.
Sau đó, vào tháng 3, tại một viện dưỡng lão khác, quá nửa cư dân được xét nghiệm dương tính với coronavirus không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào cho dù hầu hết những người đó sẽ tiếp tục ủ bệnh và trở thành môi trường cho coronavirus phát triển trong cơ thể.
“Bệnh dịch này sẽ trở nên cực kì khó để kiểm soát,” Tiến sĩ Duchin nhớ lại đã từng suy nghĩ như thế.
Điều này nhấn mạnh sự cần thiết trong thay đổi trung tâm của sự chú ý và trong sự hiểu biết rằng bệnh dịch này không thể hoàn toàn được khống chế.
Cũng vào khoảng thời gian đó, các quan chức của tiểu bang Washington có biết đến một bữa tiệc rượu tại một căn hộ ở Seattle, nơi mà khoảng 40% khách tham dự được phỏng vấn sau đó bị nhiễm virus, mặc dù lúc buổi tiệc rượu diễn ra dường như không có ai bị nhiễm bệnh.
Elizabeth Schneider, 1 trong 30 người tham dự nhớ lại buổi tối hôm đó mang chủ đề tiệc chiều xung quanh ly cocktail chanh với một số khách mời mặc những chiếc áo Hawaii hoặc trang phục mang hơi hướng nhiệt đới. Chủ nhà đã thuê hẳn 1 người pha chế rượu để phục vụ đồ uống và chú ý đến thức ăn.
“Chúng tôi không thể tìm ra ai là người đã nhiễm bệnh khi ở bữa tiệc,” cô Schneider, người đã có các triệu chứng 3 ngày sau bữa tiệc trả lời. Sau bữa tiệc, cô tiếp tục tham gia các buổi xã giao vào cuối tuần, “Tôi chắc chắn có thể đã lây lan nó".
Cũng trong tuần đó, Kenneth Hunt đã cảm thấy không khỏe và phải nhập viện vì bệnh dịch coronavirus. Người hàng xóm, cũng là bạn của anh, cô Jessie Cornwell hồi tưởng lại lúc theo dõi các cuộc tranh luận Dân chủ với ông Hunt tại Viện Dưỡng lão nơi họ đang sống, Ida Culver House ở Seattle và cách họ ngồi ăn cùng nhau trong phòng ăn.
Không lâu sau đó, một cư dân thứ 2 của Viện Dưỡng lão Ida Culver House, sống trên tầng 2, cũng phát bệnh và được đưa đến bệnh viện. Việc này khiến cơ sở này phải khẩn thiết xin các quan chức y tế cho lệnh xét nghiệm tất cả cư dân và nhân viên.
Ông Hunt qua đời ngày 9/3, được biết đến như 1 trong những ca tử vong đầu tiên của COVID-19 trên nước Mỹ. 1 ngày sau, bà Cornwell, 82 tuổi, được xét nghiệm dương tính với coronavirus, cùng với 2 cư dân khác, họ đều bị cách ly.
Không ai trong số họ cho thấy bất kỳ triệu chứng nào.
Ở những nơi khác, khi nỗ lực xét nghiệm được mở rộng, tỉ lệ lớn người nhiễm bệnh không có triệu chứng đã xuất hiện, từ một khu dân cư ở San Francisco cho đến một chuyến bay vận chuyển ở Thái Bình Dương.
Một ổ dịch có liên quan đến một hộp đêm ở Hàn Quốc cho thấy hơn 30% các trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng. Tại một phòng hộ sinh ở New York, khoảng 88% trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus mà không biểu hiện triệu chứng.
Khi bà Cornwell biết được mình dương tính với coronavirus, bà lập tức nghĩ đến mục sư của mình là Jane Pauw, người đã đưa bà đến buổi học Kinh Thánh. Mục sư Pauw bị mất vị giác và khứu giác, kèm theo sốt cao và khó thở khi chỉ đi vài bước. Bà Cornwell thắc mắc liệu bà có thể là người đã lây cho Mục sư Pauw không. Bà báo cho mục sư của mình, người đã gọi điện thoại đến các phòng khám cho đến khi có người làm xét nghiệm cho cô.
Kết quả xét nghiệm trở lại với câu trả lời mà cô đã lo sợ: Cô cũng dương tính với coronavirus.
NHỮNG CÂU HỎI CHƯA ĐƯỢC TRẢ LỜI
Mũi và miệng là nơi thuận tiện cho coronavirus xâm nhập vào cơ thể. Sau khi vào bên trong, virus sẽ xâm chiếm lấy cơ quan trong tế bào để nhân bản chính nó, đồng thời đánh hạ hệ miễn dịch. Số lượng virus tăng vọt ở đường hô hấp trên (như thanh quản) dù không có triệu chứng trong những ngày đầu bị nhiễm bệnh. Nhiều nhà khoa học tin rằng, trong những ngày này, con người có thể lây lan virus cho nhau bằng cách nói chuyện, thở, ca hát, hoặc chạm lên các bề mặt.
Trong trường hợp thực sự không có triệu chứng, hệ thống miễn dịch “chiến thắng" trước khi người bị nhiễm cảm giác được họ bị bệnh.
Khi việc những người khoẻ mạnh có thể lây lan coronavirus được rõ ràng hơn, các cơ quan y tế của Mỹ đã chọn cách không chần chừ, không chờ đợi sự chắc chắn của khoa học. Theo báo cáo từ một email mà Liên minh Báo chí - Associated Press (AP) có được, trong một cuộc họp vào đầu tháng 3, các quan chức y tế hàng đầu của Mỹ cho biết họ tin rằng sự lây nhiễm virus có thể xảy ra trước khi mọi người biểu hiện các triệu chứng. Vài tuần sau đó, CDC khuyến nghị mọi người nên che chắn vùng mũi và miệng khi ở nơi công cộng bằng khẩu trang, khăn, thậm chí là áo.
Vài ngày sau đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã xuất bản một bài bản nghiên cứu nói rằng hầu hết bệnh nhân của dịch bệnh sẽ dễ lây lan nhất từ 2-3 ngày trước khi có các triệu chứng. Bằng chứng về dịch bệnh tiếp tục tăng lên, và CDC hiện giờ ước tình 40% sự lây truyền xảy ra trước khi người bị nhiễm bệnh cảm thấy được các triệu chứng. CDC khuyên rằng các quan chức y tế cộng đồng ở các tiểu bang đang dựa vào các mô hình toán học hãy sử dụng con số đó trong các thuật toán của họ.
Một nghiên cứu quy mô nhỏ ở Trung Quốc được công bố vào ngày 27/5 phát hiện mức độ virus trong bệnh nhân đã bị nhiễm nhưng không có triệu chứng hồi phục trong ít ngày hơn, trên trung bình, so với bệnh nhân có triệu chứng, 9 ngày so với 15 ngày. Nhưng lượng virus có trở nên ít đi.
Tuy nhiên, trong giới khoa học vẫn còn tồn tại những nghi ngờ, đáng chú ý nhất là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã đánh giá thấp tầm quan trọng của sự lây nhiễm vô triệu chứng trong đại dịch coronavirus. Trong nhiều tháng liền, WHO đã giữ vững quan điểm rằng sự lây lan không có triệu chứng không phải là một trong những nhân tố chủ chốt trong đại dịch này, nhưng đã bắt đầu thừa nhận khả năng này trong thời gian gần đây, đồng thời khuyến nghị mọi người nên đeo khẩu trang.
Các quan chức y tế của Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc vì sự chậm trễ trong việc báo cáo thông tin về sự lây lan thầm lặng của coronavirus. Tuy nhiên, Tiến sĩ Topol cho rằng nước Mỹ đã có thể thử áp dụng chương trình thử nghiệm riêng với bộ gene của coronavirus.
Đây không phải là vấn đề nhỏ: Nếu tường tận được những hiểu biết khoa học sớm hơn đã có thể cứu được bao nhiêu sinh mạng.
Tiến sĩ Topol thất vọng: “Chúng tôi đã chậm trễ trên mọi phương diện ở nước Mỹ,” ông tiếp, “và tôi phải nói là điều này thật đáng xấu hổ.”
___________________
Các tác giả của Liên minh Báo chí - Associated Press (AP) Maria Cheng tại London, và Victoria Milko tại Jakarta, Indonesia, đã đóng góp cho bài báo này.
___________________
Chuyên mục Khoa học và Sức khoẻ của Liên minh Báo chí - Associated Press (AP) nhận sự hỗ trợ từ Viện Giáo dục Khoa học Howard Hughes. AP hoàn toàn chịu trách nhiệm cho tất cả nội dung.
Translation by Helen Nguyen
Copy edits by Cookie Duong
Comments