top of page

Sự nguy hiểm trong luận điệu chống Trung Quốc của Hoa Kỳ

Translated from Vox's article The danger of anti-China rhetoric

By Li Zhou, on 05-08-2021


“Mỗi khi Hoa Kỳ và châu Á có tranh chấp là chúng tôi lại bị vạ lây.”


Quốc hội hiện đang cân nhắc một số dự luật nhằm nâng cao vị thế của ngành công nghệ và khoa học Mỹ nhằm cạnh tranh với số tiền chính phủ Trung Quốc đổ vào hai lĩnh vực này.


Các dự luật này sẽ bơm hàng tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển trong những năm tới, đồng thời buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho các hành vi vi phạm nhân quyền xảy ra trong nước họ. Các dự luật vẫn chưa được thông tại bất cứ viện nào, nhưng điều này dự tính sẽ sớm xảy ra trong những tháng sắp tới - và các dự luật này cho thấy Quốc hội sẽ bắt đầu tập trung đối đầu trực tiếp với chính phủ Trung Quốc.


Từ trước đến nay, cả hai đảng chính trị (của Mỹ) đã có sự quan tâm lớn đến việc chống lại những bước tiến của chính phủ Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, cách các nhà lập pháp định hình tầm quan trọng trong việc kiềm chế chính phủ Trung Quốc - từ việc đề xuất các đạo luật nhằm cấm các sinh viên Trung Quốc qua học các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) ở Mỹ đến các lời nhận xét gọi [Trung Quốc] là “mối đe dọa hiện hữu” đối với Mỹ - đã khiến các nhà hoạt động và chuyên gia chính sách đối ngoại không khỏi cau mày. Họ lo ngại rằng những phát ngôn cùng với bầu không khí như thế này sẽ tiếp tục thổi bùng lên tâm lí bài châu Á vốn đang ở mức cao. Mặc dù đồng ý rằng [chúng ta] cần tập trung mạnh mẽ hơn vào sự phát triển khoa học và ngành công nghệ của Mỹ để đảm bảo một tương lai kinh tế vững chắc cho đất nước - và việc bắt chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho hành động của họ là cũng quan trọng, đặc biệt là các vấn đề nhân quyền như việc giam giữ hàng loạt người thiểu số Duy Ngô Nhĩ - nhưng các nhà lập pháp [Hoa Kỳ] cần phải cực kỳ cẩn thận khi đề cập về việc cạnh tranh với Trung Quốc để họ không tạo điều kiện cho tư tưởng bài ngoại lên ngôi (xenophobia). Sự bài ngoại này, một phần do luận điệu chống Trung Quốc của cựu Tổng thống Donald Trump và các nhà lập pháp đảng Cộng hòa vào đầu đại dịch đã gây ra rất nhiều tác hại. Ví dụ như, cách ông Trump liên tục sử dụng từ “China virus” ("virus Tàu") được cho là có liên quan đến sự gia tăng trong thái độ bài Á hồi năm ngoái. Kể từ mùa xuân năm 2020, tổ chức Stop AAPI Hate đã nhận được hơn 6.600 báo cáo về các vụ kỳ thị người châu Á, từ những lời xúc phạm đến tấn công hành hung, theo trang web của tổ chức này cho biết. Sự gia tăng đột biến này một lần nữa cho thấy mức căng thẳng giữa chính phủ Hoa Kỳ và các nước châu Á có thể dẫn đến thái độ căm thù đối với người Mỹ gốc Á. Xu hướng đó cũng phơi bày rõ ràng trong các xung đột trước đây, bao gồm cả những năm 1950, các khu phố Tàu bị tấn công trong thời Chiến tranh Triều Tiên và khi những người Mỹ gốc Nhật bị buộc vào trại tập trung chỉ vì nguồn gốc của họ. Russell Jeung, giáo sư nghiên cứu về cộng đồng Người Mỹ gốc Á tại Đại học tiểu bang San Francisco, cho biết: “Những luận điệu chống Trung Quốc khiến nỗi sợ về hiểm họa da vàng đối với người châu Á ở Mỹ gia tăng, đồng thời cũng dẫn đến các chính sách kì thị và những vụ tấn công vì lí do sắc tộc. Những tư tưởng lệch lạc về phương Đông, coi phương Đông như những nơi xa lạ, trắc trở và nguy hiểm - đã định hình cả chính sách đối ngoại lẫn cách chúng ta bị đối xử trong nước.”

Những người biểu tình tại thành phố New York vào ngày 4 tháng 4, năm 2021 để yêu cầu chấm dứt các tấn công bạo lực xảy ra với người gốc Á. (Spencer Platt/Getty Images) Trong tình hình hiện nay, điều quan trọng là các nhà lập pháp tiếp tục lên án chính phủ Trung Quốc, tăng cường các nguồn lực của nước Mỹ, nhưng cũng đồng thời cần phải chú ý tới những nguy cơ có thể tiếp tay cho tư tưởng kì thị chủng tộc. Những nỗ lực để thúc đẩy sự tăng trưởng của Hoa Kỳ không nên gây tổn hại đến cộng đồng người Mỹ gốc Á. Giáo sư Jeung chia sẻ: “Đó là một sự cân bằng mong manh khi mà [chúng ta] vừa phải chú tâm để buộc Trung Quốc có trách nhiệm với những chính sách của mình, nhưng đồng thời cũng không xúc phạm người dân nước họ, vừa phải quan tâm đến quan hệ Mỹ-Trung và tình hình chia rẽ sắc tộc trong nước”. Cả hai đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà đồng thời đẩy mạnh việc “cạnh tranh với Trung Quốc” Việc đề ra biện pháp cạnh tranh với chính quyền Trung Quốc đã trở thành một trong những vấn đề nhận được sự đồng thuận của lưỡng viện trong những tháng gần đây. Luật Đổi Mới và Cạnh Tranh (Innovation and Competition Act) đã được thông qua với số lượng ủng hộ áp đảo ở Thượng viện vào mùa xuân vừa rồi và là một trong những ưu tiên hàng đầu của Lãnh đạo Khối Đa số Chuck Schumer. Tổng thống Joe Biden đã tán dương hành động này và cho rằng đây là một bước đầu tư cho các thế hệ tiếp nối. Đạo luật này tập trung vào cách nước Mỹ có thể duy trì lợi thế cạnh tranh nói chung, đồng thời nêu lên tầm quan trọng của việc đối phó với sự phát triển và bùng nổ công nghệ của Trung Quốc nói riêng. Ngân sách 200 tỉ USD được dành cho chi phí nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, hợp chất bán dẫn và robot. Mặc dù việc tập trung đơn thuần vào nghiên cứu và phát triển không phải là vấn đề, tuy nhiên đạo luật ủng hộ nghiên cứu đổi mới này sẽ trở nên đáng quan ngại nếu nó được đính kèm cái tên “chống Trung Quốc” và việc lặp đi lặp lại khẩu hiệu này sẽ làm các nhà lập pháp gốc Á khó xử, khi mà nó có dấu hiệu nhắm vào tư tưởng bài ngoại như cách cụm từ “virus Trung Quốc” đã được lan truyền trước đây. Dân biểu đảng Dân chủ bang California, đồng thời là chủ tịch Congressional Asian Pacific American Caucus (CAPAC) Judy Chu cho biết: “[Các nhà lập pháp] gọi đó là Dự luật Trung Quốc làm tôi cảm thấy không ổn, đây là luận điệu của thời Chiến tranh Lạnh … và cảm giác cứ như nó đang miêu tả Trung Quốc là kẻ thù chủ chốt số một." Những phát biểu nặng kí từ phía cả hai đảng liên quan tới dự luật này có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực và gia tăng tình trạng kì thị người gốc Á. Thượng nghị sĩ Todd Young (đảng Cộng hòa - Indiana) từng phát biểu rằng: “Nếu [Biden] quyết chọn biện pháp cứng rắn đối với Trung Quốc cùng với chính quyền của ông, tôi hy vọng sẽ được làm việc cùng ông ấy để bảo đảm rằng chúng ta không ngừng đổi mới, cạnh tranh và phát triển vượt tầm Trung quốc, đồng thời ngăn chặn nguồn lực cần thiết đã giúp chính quyền này bành trướng hải quân nước sâu.” Thượng nghị sĩ Schumer (đảng DC - New York) chia sẻ trong một bài phỏng vấn với tờ Washington Post rằng “Tôi đã chứng kiến Trung Quốc lợi dụng chúng ta, một cách hợp pháp và cả phi pháp, trong suốt nhiều năm.” Những tuyên bố trên phản ánh một khuynh hướng lâu đời của các nhà lập pháp mỗi khi bàn về Trung Quốc. Mối đe dọa cho Hoa Kỳ thường được mặc định là “Trung Quốc” hoặc “tụi Trung Quốc,” một cách nói vô cùng đại khái, đánh đồng chính quyền Trung Quốc với người Trung Quốc. Luận điệu này ngụ ý rằng không phải chỉ chính quyền Trung Quốc, mà tất cả người Trung Quốc, thậm chí là ngay cả người thuộc cộng đồng hải ngoại trong nhiều trường hợp, đều là mối nguy hại cho người dân Mỹ. Theo báo cáo từ dự án Justice is Global của tổ chức vận động People's Action, những cách thức dùng để chỉ trích chính quyền Trung Quốc trên rất có khả năng khơi dậy tinh thần chống người châu Á ở trong nước. Điển hình như các phát biểu gây kích động về việc Trung Quốc là một mối đe dọa kinh tế có thể kích thích tâm lý thù hằn châu Á, lấy tình trạng mất việc cá nhân mà quy tội người Mỹ gốc Á. Các phương sách chính trị gây tranh cãi gần đây không chỉ có dự luật quốc hội.

Trump từng tuyên bố ở Good Morning America vào năm 2015, “Khi nhắc tới Trung Quốc, [chúng ta phải nhớ] đây là những tay ác chiến về mặt đàm phán. Họ muốn dồn đối phương tới đường cùng, họ muốn đối phương phải khuất phục." Cả Biden cũng từng bị chỉ trích vì đã miêu tả Trump là một người “luồn cúi trước Trung Quốc” trong một quảng cáo tranh cử. Các nhà vận động cũng đã chỉ ra những phát biểu trước đây của Giám đốc FBI Christopher Wray. Ông Wray nói rằng những thách thức đến từ Trung Quốc là vấn nạn “của toàn xã hội”, như thể ông ám chỉ rằng người Trung Quốc nói chung là nguyên do cho mọi mối đe dọa an ninh quốc gia.

“Nếu chúng ta cứ liên tục dùng từ ‘Trung Quốc’ thay vì nêu đích danh đảng phái, chủ đề, hay hành động, thì chúng ta chỉ đang dựng nên một kẻ thù đồng dạng chung chung,” theo lời của Aryani Ong, người đồng sáng lập của Asian American Federal Employees for Nondiscrimination (tạm dịch: Nhân viên Liên bang Mỹ gốc Á chống Kỳ thị). “Tôi thấy lo cho những người Mỹ gốc Á, những tổn hại họ phải chịu, khốn đốn trước phản ứng tiêu cực của công chúng đối với bất cứ cái gì liên quan đến Trung Quốc. Chúng ta đã chứng kiến tư tưởng thù địch cùng bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á tăng cao trong thời dịch Covid.” Trên phương diện chính trị và truyền thông, đôi khi người ta gọi tên quốc gia để đại diện cho chính sách của các nhà cầm quyền nước đó. Nhưng trong trường hợp của Trung Quốc, người Mỹ gốc Á và người nhập cư châu Á đã phải hứng chịu bạo lực, bị tước quyền, bị gán ghép với các tranh chấp giữa Hoa Kỳ-châu Á trong suốt lịch sử. Cũng chính bởi sự phổ biến của cái khuôn mẫu “kẻ ngoại bang muôn đời”, rằng tất cả người châu Á sống ở Mỹ mà lòng trung thành đều hướng về quốc gia khác, mà ý tưởng bài xích Trung Quốc có thể dễ dàng kích động tâm lý bài ngoại trong nước. Trong bản hướng dẫn mà Congressional Asian Pacific American Caucus (tạm dịch: Hội đồng Châu Á Thái Bình Dương của Quốc hội) đưa cho các nhà lập pháp, họ thẳng thừng chỉ ra vấn đề trong luận điệu của những dự luật giải quyết cạnh tranh. Họ viết, “Tuy hành động của một chính quyền thường được nhắc đến dưới danh nghĩa quốc gia, nhưng hiện nay sự căm thù người châu Á ngày càng gia tăng. Hành động này, nếu tiếp diễn, có thể sẽ nung nấu tâm lý bài ngoại và tinh thần thù hằn." “Người dân sẽ ngầm hiểu lệch đi rằng người Trung Quốc và người Mỹ gốc Hoa là những kẻ thù của Hoa Kỳ, đang lăm le làm hại chúng ta.” Để tránh gây hiểu lầm, CAPAC khuyến nghị sự cụ thể: ví dụ, sử dụng những từ như “chính quyền Trung Quốc,” hoặc “Bắc Kinh" thay vì “Trung Quốc”.

Giám đốc Michael Swaine của chương trình Đông Á tại Viện Nghiên cứu Quincy cho biết, đây là vấn đề đang được các chuyên gia trong giới thảo luận. Ông còn bày tỏ sự quan ngại của bản thân về chuyện các nhà lâp pháp thường xuyên lạm dụng các cụm từ như “mối đe dọa hiện hữu” để mô tả Trung Quốc, qua đó ít nhiều gieo rắc tư tưởng “không đội trời chung”.

“Đã có không ít các chuyên gia về Trung Quốc lo ngại vấn đề này,” ông nói với Vox. "Theo họ, một số lời tuyên bố từ các viên chức chính quyền Mỹ đã kích thích hoặc dẫn đến các vụ tấn công mang tính bài xích người châu Á và những vấn đề tương tự tại Hoa Kỳ." Ngoài nguy cơ cổ xúy bạo lực ra, những phát ngôn vơ đũa cả nắm này đơn giản là không cần thiết. Như trong bài viết trước đây trên Vox của Jerusalem Demsas, nếu mục đích là để thu hút sự ủng hộ của người dân cho các chính sách như Luật Đổi Mới và Cạnh Tranh thì không cần phải dùng chiến thuật kiểu này. Demsas chỉ ra rằng, theo một cuộc thăm dò dư luận do tổ chức Data for Progress thực hiện, dù các nhà lập pháp có cố gắng tô vẽ dự luật này như một khoản đầu tư nhằm cạnh tranh với Trung Quốc đi chăng nữa, nó cũng không mấy ảnh hưởng tới thái độ của công chúng.

Sự xung đột hay cạnh tranh với các nước châu Á trong lịch sử luôn châm ngòi cho làn sóng bài ngoại Trong lịch sử, có nhiều ví dụ cho thấy mỗi khi có xung đột hay cạnh tranh với các quốc gia châu Á là nước Mỹ lại bùng nổ với tinh thần bài ngoại hoặc chống châu Á.

Vào năm 1982, giữa cuộc cạnh tranh trong lĩnh vưc sản xuất với Nhật Bản ngày một nóng, hai công nhân làm việc ở xưởng sản xuất xe ở Detroit đã đánh đập và giết chết người thợ máy 27 tuổi Vincent Chin, một người Mỹ gốc Hoa, vì cho rằng anh này đã chiếm công việc của họ. Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, những kẻ phá hoại khi biết rằng Trung Quốc liên kết với Triều Tiên đã cố tình nhắm vào các tiểu thương ở gần các khu phố người Hoa trên khắp nước Mỹ. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, người Mỹ gốc Nhật đã bị chính phủ Mỹ giam giữ ở các trại tập trung ngay sau cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng. Và sau cuộc khủng bộ ngày 11 tháng 9, cộng đồng người Mỹ gốc Nam Á đã trở thành một trong số những mục tiêu bị nhắm đến chỉ vì ngoại hình của họ.

Gần đây nhất trong giữa đại dịch, số vụ tấn công kỳ thị chống người gốc Châu Á được báo cáo đã tăng vọt. Một phần nguyên nhân tới từ những ngôn từ mà TT Donald Trump và những quan chức đảng Cộng hòa khác đã sử dụng, ví dụ những câu như “China virus” (virus Tàu) và “Kung Flu” (Cúm “Kung fu”). Chỉ với những cụm từ này, người Mỹ gốc Á bị biến thành đối tượng bị đổ lỗi cho đại dich Covid.

Trong một bài xã luận của tờ Washington Post, giáo sư khoa học chính trị Janelle Wong của Đại học Maryland và nhà văn Việt Thanh Nguyễn lập luận rằng: “Khi các quan chức bày tỏ lo ngại về Trung Quốc hoặc các nước châu Á khác, trong đầu người dân Mỹ ngay lập tức hiện lên những câu hỏi mục ruỗng mang tính kì thị sắc tộc nhắm vào sự trung thành, sự hoà nhập của 20 triệu người Mỹ gốc Á." “Đa số dân Mỹ không có kỹ năng phân biệt giữa những người có nguồn gốc từ châu Á khác nhau, và kết quả là mỗi khi Trung Quốc trở thành tiêu , người Mỹ gốc Á nói chung cũng dính chấu.”

Sự nhầm lẫn này là kết quả trực tiếp của thứ niềm tin rằng tất cả người Mỹ gốc Á sẽ mãi là những kẻ ngoại tộc, và được nuôi dưỡng bởi thói quen đánh đồng tất cả những người gốc Á.

“Mỗi khi Hoa Kỳ và châu Á có tranh chấp là chúng tôi lại bị vạ lây,” bà Ong bày tỏ.

Những mối quan ngại này đã xuất hiện sau những cáo buộc mà các nhà khoa học Mỹ gốc Hoa phải đối mặt trong những thập kỷ gần đây khi sự cạnh tranh trong ngành công nghệ khoa học STEM giữa hai nước ngày càng gia tăng. Vào năm 1999, nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa Wen Ho Lee đã bị chính phủ Hoa Kỳ bắt giữ, ông chỉ được thả sau khi ông nhận tội mình xử lý sai dữ liệu, và rõ ràng là không có đủ bằng chứng để chứng minh cho các cáo buộc khác. Vào năm 2014, nhà thủy văn học Sherry Chen đã bị bắt vì lý do tương tự và cũng thấy các cáo buộc sau đó được giảm xuống. Đó là một nhắc nhở rằng không chỉ công dân thường, mà cả chính phủ Hoa Kỳ vẫn đưa ra những giả định tiêu cực về nhiều người gốc Á. “Đất nước của chúng ta ... có một lịch sử dài và tồi tệ về những phân biệt đối xử nhắm vào với người Mỹ gốc Hoa. Điều này bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19, khi có nhiều vụ thảm sát người Mỹ gốc Hoa và nhiều luật chống nhập cư phân biệt đối xử đã được thông qua nhắm mục tiêu vào cộng đồng Trung Quốc,” Đại biểu Jamie Raskin (Đảng Dân chủ - Maryland) cho biết tại một hội nghị bàn tròn gần đây xem xét những hình thái phân biệt đối xử chống người châu Á. “Di sản lịch sử đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay và thật đáng tiếc, hiển hiện rõ nét qua việc các nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa trở thành mục tiêu bị soi mói. Các nhà lập pháp cùng với nhiều người Mỹ khác nên thay đổi cái cách mà họ nói về Trung Quốc Đã có những bằng chứng rõ ràng, cả cũ lẫn mới, về những tác động to lớn gây ra bởi cái cách mà các nhà lập pháp nói về Trung Quốc. Việc gán cho Trung Quốc cái mác kẻ thù một cách chung chung có thể dẫn tới tình trạng bạo lực, kì thị, và thậm chí là thương vong vô ích. Cựu chánh văn phòng của Sáng hội về Chính sách đối ngoại NextGen, bà Carolina Chang chia sẻ: “Tôi nghĩ lời khuyên có ý nghĩa nhất đó là hãy tránh dùng những luận điệu vơ đũa cả nắm. Chỉ cần mọi người lưu ý giọng điệu, nội dung, cách truyền tải từ ngữ khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến Trung Quốc." Hãy bắt đầu bằng cách tránh sử dụng các từ ngữ chung chung, mà thay vào đó chỉ đích danh chính quyền hay một nguyên thủ quốc gia cụ thể, ví dụ Chủ tịch Tập Cận Bình.

Đại biểu Don Beyer (Đảng Dân Chủ - Virginia) cùng Uỷ ban người Mỹ gốc Châu Á Thái Bình Dương của Quốc hội chia sẻ với các phóng viên về Dự luật chống bạo lực và thù ghét Covid-19 vào ngày 18 tháng 5. Samuel Corum/Bloomberg via Getty Images. CAPAC đã đề xuất ý tưởng đúng đắn này trong bản hướng dẫn của mình.

CAPAC công bố bản hướng dẫn liên quan đến vấn đề này cho các nhà lập pháp. Một nguồn tin thân cận với TNS Schumer cho hay đội ngũ của ông đã cân nhắc cẩn thận về cách truyền tải mỗi khi đề cập đến dự luật hay vấn đề này. Họ cũng tập trung vào việc chỉ ra bất cứ chi tiết gây quan ngại nào trong các bản thông cáo báo chí và bài phát biểu. Văn phòng của ông cũng đang làm việc với các phóng viên và cơ quan truyền thông nhằm khuyến khích họ tránh dùng cụm từ “Dự luật Trung Quốc” mỗi khi miêu tả dự luật này. Một số nhà hoạt động và nhà lập pháp cấp tiến, bao gồm Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Đảng viên Độc Lập-Vermont) nhận thấy cách miêu tả mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc như một phần của cuộc cạnh tranh một mất một còn này sẽ tạo nên một tư duy đối lập rắc rối khi nó không phản ánh được sự hợp tác của hai nước trong việc đối phó với nạn biến đổi khí hậu cũng như những vấn đề toàn cầu cấp bách khác.

Vào mùa xuân vừa qua, một nhóm các nhà hoạt động đã viết trong một bức thư rằng: "Nếu chính phủ Mỹ không nhanh chóng thay đổi đường lối, nỗ lực thúc đẩy được cả hai đảng ủng hộ này sẽ là một bàn đạp nguy hiểm cho một cuộc Chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc khi nó có nguy cơ kích thích những kẻ cực đoan từ cả hai phía. Nó sẽ là nguồn nhiên liệu thúc đẩy bạo lực chủ yếu nhắm đến cộng đồng người Mỹ gốc Châu Á Thái Bình Dương thay vì cùng nhau nhìn nhận các mối đe doạ đang tồn tại trong thế kỷ này mà chúng ta cần cùng nhau đối diện. Chúng ta còn phải chờ xem liệu các nhà lập pháp có áp dụng các khuyến nghị từ CAPAC và thay đổi cách tiếp cận của họ trong việc miêu tả vấn đề cạnh tranh với chính phủ Trung Quốc hay không, tuy nhiên tiếp tục lên án những luận điệu như thế này đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc ngăn các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đổ dầu vào ngọn lửa bài ngoại, trong bối cảnh những dự luật cạnh tranh với Trung Quốc đang được Quốc hội xem xét thông qua. Bà Chang cho biết: “Tôi vẫn không khỏi lo ngại bởi trong tương lai, đây sẽ vẫn là một thách thức với nước Mỹ, và tất cả chúng ta cần tìm ra một hướng đi chung khi đề cập tới vấn đề Trung Quốc.”


Người dịch: Que Do & Phuong Anh & Quyen Tran

Biên tập: Đông Phong

Comentarios


bottom of page