top of page

Sự phản bội của Biden đối với người dân Afghanistan sẽ sống trong ô nhục

Translated from The Atlantic's article Biden’s Betrayal of Afghans Will Live in Infamy


Việc bỏ rơi những người Afghanistan đã từng giúp đỡ, trông cậy và đặt mạng sống của họ vào tay chúng ta là một sự xấu hổ cuối cùng, không thể bào chữa mà chúng ta có thể tránh được.


By George Packer, on 15-08-2021, 00:00:00

Việc bỏ rơi những người Afghanistan đã từng giúp đỡ, trông cậy và đặt mạng sống của họ vào tay chúng ta là một sự xấu hổ cuối cùng, không thể bào chữa mà chúng ta có thể tránh được.

Có rất nhiều điều đáng trách cho sự thất bại kéo dài 20 năm ở Afghanistan - đủ để lấp đầy cả một thư viện sách. Có lẽ nỗ lực tái thiết đất nước đã thất bại ngay từ đầu. Nhưng việc bỏ rơi những người Afghanistan đã từng giúp đỡ, trông cậy và đặt mạng sống của họ vào tay chúng ta là một sự xấu hổ cuối cùng, không thể bào chữa mà chúng ta có thể tránh được. Chính quyền Biden đã không chú ý đến những cảnh báo về Afghanistan, không hành động khẩn cấp - và sự thất bại của việc này đã khiến hàng chục nghìn người Afghanistan phải chịu số phận khủng khiếp. Sự phản bội này sẽ sống trong ô nhục. Gánh nặng của sự xấu hổ này đè nặng lên Tổng thống Joe Biden.

Khan, một thông dịch viên người Afghanistan mà tôi đã viết đến lần đầu vào tháng 3, đang trên đường trốn khỏi Afghanistan cùng vợ và con trai nhỏ. Ba chiếc đồng hồ đang chạy đua. Đồng hồ đầu tiên là người vợ anh ấy đang mang thai. Cô ấy đã 34 tuần, hai tuần nữa thì cô ấy sẽ không còn được phép lên chuyến bay ra khỏi Afghanistan nữa. Chiếc đồng hồ thứ hai là vé máy bay và visa đến Hoa Kỳ . Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng thì Khan cũng vừa nhận được ngày hôm qua, Visa Nhập cư Đặc biệt với tư cách là một trong số hàng nghìn người Afghanistan đã làm việc cho quân đội Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, trong bối cảnh hoảng loạn chung của những người Afghanistan cố gắng rời khỏi đất nước, giá vé đến châu Âu và Mỹ đã tăng gấp đôi, từ 800 đô la lên 1.600 đô la, và vé máy bay đang hết nhanh. Một đại lý du lịch nói với Khan rằng không có vé nào cho đến cuối tháng 8, nhưng sáng hôm qua, Julie Kornfeld, một luật sư thiện nguyện của Khan, thuộc Dự án Hỗ trợ Người tị nạn Quốc tế, đã tìm cách đặt vé cho anh ta trên chuyến bay Turkish Airlines vào thứ Ba. Chiếc đồng hồ thứ ba là quân Taliban. Trong tuần qua, mọi thành phố ngoại trừ Kabul đều rơi vào tay quân nổi dậy. Cách đây vài ngày, các nguồn tin tình báo Mỹ dự đoán rằng Kabul có thể mất ngay trong tháng tới. Sáng nay, quân Taliban đang ở cổng thành, chuẩn bị tiến vào thủ đô và nắm toàn quyền. “Tôi nghĩ khi họ vào Kabul, đầu tiên họ sẽ chặn sân bay, vì họ không muốn chúng tôi trốn thoát,” Khan nói với tôi qua điện thoại từ Kabul. Có lẽ ngay khi anh ấy có được mọi thứ cần thiết để cứu bản thân và gia đình, thì đã quá muộn. Trong những ngày gần đây, Kabul đã trở thành điểm trốn chạy cuối cùng của người Afghanistan, những người lo sợ cho tính mạng của mình dưới sự trở lại của Taliban. Mọi tỉnh lỵ đã thất thủ trước cuộc tấn công của quân nổi dây; các sân bay trong khu vực đã đóng cửa; đường đến Kabul và các biên giới đang bị kiểm soát bởi các trạm kiểm tra của Taliban; các lực lượng an ninh của chính phủ đang trong tình trạng sụp đổ trên khắp đất nước. Mỹ đã cử vài nghìn thuỷ quân lục chiến đến hỗ trợ việc di tản nhân viên đại sứ quán, ngay cả khi những quan chức này đang phải giải quyết hàng đống hồ sơ xin thị thực và yêu cầu từ thông dịch viên và những người khác có liên hệ với Mỹ. Hôm nay, chính phủ Hoa Kỳ tập trung vào việc cứu chính mình hơn là cứu những người Afghanistan đã trông cậy mình. Đối với nhiều người trong số họ, thời gian không còn nhiều. Đối với một số người khác: thời gian đã hết. Tất cả những điều này đều có thể thấy trước - tất cả đều được dự đoán trước. Trong nhiều tháng, các thành viên Quốc hội và những người tranh đấu trong các tổ chức tị nạn, cựu chiến binh và nhân quyền đã thúc giục chính quyền Biden khẩn cấp di tản các đồng minh Afghanistan của Mỹ. Những cảnh báo thảm khốc đã xuất hiện nhiều tháng trời trên báo chí. Câu trả lời của chính quyền chưa bao giờ là đầy đủ: Chúng tôi đang chờ Quốc hội sắp xếp hợp lý quy trình đăng ký. Một nửa số phiên dịch viên mà chúng tôi đã cấp thị thực không muốn rời đi. Chúng tôi không muốn người dân Afghanistan hoảng sợ và khiến chính phủ ở Kabul sụp đổ. Việc sơ tán đến một lãnh thổ của Hoa Kỳ như Guam có thể dẫn đến các vấn đề pháp lý, vì vậy chúng tôi đang tìm kiếm các đơn vị chủ quản là quốc gia thứ ba trong khu vực. Hầu hết các thông dịch viên đều ở Kabul, và Kabul sẽ không thể bị mất trong ít nhất sáu tháng.

Một số trong những câu trả lời này có thể là chân thành. Còn lại tất cả đều không liên quan, giả dối hoặc chỉ tự lừa dối bản thân. Trong khi một số quan chức trong Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc và bản thân Nhà Trắng lặng lẽ thúc đẩy các biện pháp khẩn cấp hơn để có thể ngăn chặn thảm họa, thì bị Biden phản đối - như thể ông không muốn cho phép Afghanistan cản trở các ưu tiên của mình, như thể ông đã xong với Afghanistan vào giờ phút ông tuyên bố rút tất cả các lực lượng còn lại của Hoa Kỳ. Sự khó khăn này đang làm bối rối một tổng thống đã dành nhiều năm ở Thượng viện trừng làm việc thay mặt cho các nạn nhân diệt chủng và những người tị nạn chiến tranh; người đã từng hứa với một nữ sinh Afghanistan rằng ông bảo đảm Hoa Kỳ sẽ không bỏ rơi cô ấy; người quan tâm sâu sắc đến phúc lợi của quân đội Mỹ. Các cựu chiến binh, với mệnh lệnh không bỏ lại ai trên chiến trường, là một trong những người hỗ trợ các thông dịch viên Afghanistan nhiệt tình nhất. Một sĩ quan đã nghỉ hưu tham gia vào các cuộc thảo luận với quan chức chính quyền cao cấp nói với tôi rằng Cơ quan Cựu chiến binh có kế hoạch tư vấn cho các cựu chiến binh Afghanistan, những người sẽ trải qua nỗi đau mất mát đồng đội Afghanistan vì bị Taliban chặt đầu. Người sĩ quan đã nghỉ hưu phải vất vả để có thể hiểu được sự phản đối của Biden. “Nếu Beau, con trai ông ấy vẫn còn sống đến ngày hôm nay, chắc anh ấy có thể nói cho ông hiểu được,” người cựu chiến binh nói với tôi. “Tôi không biết có ai khác có thể làm được điều đó. Tôi thực sự đã nghĩ, làm thế nào để có thể gửi tin nhắn cho đệ nhất phu nhân? Bà và Michelle đều rất gắn bó với các gia đình quân nhân và các vấn đề cựu chiến binh. Tôi nghĩ rằng bà ấy có thể truyền tải thông điệp theo cách mà tổng thống có thể dễ hiểu được hơn”.

Trong tháng qua, khoảng 1.200 thông dịch viên và các thành viên gia đình đã được di tản trên các chuyến bay từ Kabul đến Fort Lee, Virginia — nhưng visa nhập cảnh của họ đã được chấp thuận. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kabul đã bắt đầu xúc tiến để giải quyết hàng nghìn đơn đăng ký nhập cảnh còn lại. Nhưng trong hoàn cảnhkhông có bất kỳ tổ chức sơ tán nào của chính phủ Hoa Kỳ, những người Mỹ trong các tổ chức xã hội dân sự vẫn cố gắng cứu các cộng sự người Afghanistan của họ. Các tổ chức và các nhà tài trợ có quan hệ tốt đã và đang đàm phán với các quốc gia như Albania và Qatar để nhận các chuyến bay thuê chở đầy hành khách Afghanistan - các nhà lãnh đạo nữ quyền, các nhà hoạt động nhân quyền, giáo viên, nhà báo, nhân viên hành chính - trên cơ sở tạm thời. Các nhà báo đang nhận được những lời kêu gọi tuyệt vọng từ những người có thẩm quyền cũ - chỉ để thấy rằng chương trình tị nạn P2, được chính quyền tạo ra để tái định cư những người Afghanistan đã làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận và truyền thông Hoa Kỳ và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, chỉ tồn tại trên giấy tờ chứ không ở đâu khác. Tháng trước, Trường Cao đẳng Bard và Mạng lưới Đại học Xã hội Mở đã gửi đi lời kêu gọi đến những sinh viên tốt nghiệp từ Afghanistan các chương trình của Mỹ tại Afghanistan và khu vực. Ngay lập tức 120 câu trả lời đã được gửi về. “Tôi có một học sinh phải nghỉ học vào mùa hè này vì “quân Taliban bao vây thị trấn của chúng tôi.” Cô ấy nói với tôi rằng bài báo cuối cùng của cô sẽ bị trễ vì một quả bom đã làm nổ tung ngôi nhà của cô ấy,” Jonathan Becker, giám đốc điều hành cao cấp tại cả hai cơ sở này , đã nói với tôi. "Đây là một bi kịch lịch sử." Sau khi đọc Bản tường thuật của Thurston Clarke về những nỗ lực của cá nhân người Mỹ để cứu các đồng minh Việt Nam của họ trước khi Sài Gòn thất thủ năm 1975, Becker nhận ra rằng thời gian còn lại rất ít. Trong những ngày gần đây, Bard và Open Society đã kêu gọi các trường đại học trong khu vực tiếp nhận những người Afghanistan sơ tán, đồng thời các tổ chức và thành viên hội đồng quản trị phải trả tới 400.000 USD để thuê các chuyến bay ra khỏi Afghanistan. “Trong nhiều trường hợp, chúng tôi có các cơ sở để chứa họ. Becker nói. "Đó không phải là vấn đề. Thách thức là thời gian để kịp đưa mọi người thoát khỏi và cấp thị thực cho họ vào các quốc gia đó ”.

Sự hỗn loạn mà nguồn cơn là do chính quyền Biden chậm trễ đã tạo nên nhiều chuyện trớ trêu. Hakim là một phiên dịch viên cho các lực lượng chiến đấu của NATO. Lần nộp đơn xin visa đầu tiên của anh, cũng giống rất nhiều người khác, đã bị từ chối vì những lý do quan liêu sai lệch. Lần thứ hai, anh bị mắc kẹt trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan nhiều năm trời vì anh phải tìm bộ phận nhân sự của nhà thầu quân sự đã tuyển dụng anh, mà nhà thầu này đã thay tên đổi chủ vài lần. Tháng Sáu vừa rồi, khu vực anh ở bị Taliban tấn công. Anh phải chạy loạn với vợ và ba con nhỏ tới thủ phủ của tỉnh, nơi gia đình anh lánh nạn trong lúc chờ tin từ Mỹ. “Tôi lúc nào cũng nghĩ về chuyện này cả. Tôi tự hỏi mình sẽ nuôi sống gia đình tôi thế nào, nuôi sống con tôi thế nào.”, anh nói với tôi vào tháng Sáu. “Tôi làm gì có tiền, tôi cạn túi rồi. Nếu tôi có tiền, tôi có thể đã đưa gia đình sang Ấn Độ hay Kabul hay một nước nào đó khác, và tôi sẽ tiếp tục con đường của mình.” Anh đã nuôi râu, xoá sạch dữ liệu trong điện thoại, ổ nhớ, và giấu tất cả thông tin quan trọng trên một website. Anh đã tự làm cho mình không thể nhận diện được.

Trường hợp của Hakim không có mấy kết quả. Cuối cùng thì anh cũng nhận được lời hồi đáp từ nhà thầu cũ, với sự giúp đỡ từ một đại tá trong Lục Quân Hoa Kỳ, và bộ phận nhân sự đã xác nhận rằng anh đã làm việc cho họ. Buớc tiếp theo là cần Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Kabul xác nhận điều này. Thế rồi tuần rồi, thủ phủ tỉnh nơi anh trốn rơi vào tay Taliban. Phiến quân tràn vào trung tâm thành phố. Trên đường đi chợ, Hakim thấy bọn chúng vây những tên bị nghi là kẻ cướp rồi trét than lên mặt . “Bây giờ là bôi đen mặt, có thể sẽ có chặt tay nữa” Hakim nói. “Chúng sẽ làm mấy điều tàn ác kia thôi. Chúng có thay đổi đâu. 20 năm trước chúng cũng vậy. Bọn đấy không thay đổi bao giờ.” Vì sân bay giờ đã đóng cửa, lựa chọn duy nhất bây giờ của Hakim là đi đường bộ tới Kabul, cách lãnh thổ bị Taliban chiếm đóng hàng trăm dặm. Ngay cả khi anh tới được đó, đơn xin visa của anh vẫn còn một chặng đường chông gai phía trước. Nếu như người Mỹ tháo chạy và Kabul thất thủ, cơ hội đơn của anh được chấp nhận rất mong manh. Nếu lần xin visa đầu tiên của Hakim được quyết định một cách đúng đắn, anh và gia đình đã có cơ hội thoát ra nước ngoài. Ngay cả khi không còn cơ hội, anh vẫn giục tôi hãy liên lạc Đại sứ quán ở Kabul. “Xin hãy nói cho Đại sứ quán Mỹ rằng, “đây là mã số hồ sơ (case number) của Hakim. Anh ta đang ở trong tình trạng rất, rất khẩn thiết. Lá thư đề nghị (recommendation letter) của anh ta đã được chấp nhận.” Tôi sẽ tìm cách tới Kabul. Tôi biết là không có chuyến bay nào, tôi sẽ đi xe bus. Tôi sẽ đặt mạng sống mình vào thế nguy, vì gia đình tôi đang gặp nguy khốn Tôi sẽ đi Kabul bằng mọi cách. Tôi sẽ nói dối rằng mình đi Pakistan để trị bệnh hay gì đó…” Giọng Hakim tới đây trầm lắng một cách kỳ lạ. “Dù gì tôi sẽ phải tìm được đường ra.”

Trường hợp của anh Khan may mắn hơn một chút. Sau nhiều năm vất vả, đơn xin của anh có triển vọng hơn đơn của Hakim, và tháng Bảy vừa rồi anh đã xếp hẹn phỏng vấn với Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Kabul. Khi tỉnh của anh rơi vào tay Taliban, anh và vợ cùng con trai nhỏ đi trên một xe taxi cứu thương, an toàn hơn và đắt hơn taxi bình thường. Câu chuyện giả của gia đình nghe rất hợp lý: vợ anh cần chăm sóc y tế sau khi mang thai. Khan cất hết tài liệu của mình, những bằng chứng mình đã làm việc cho người Mỹ ở Afghanistan, trong chiếc áo Burqa của vợ. Anh xoá sạch dữ liệu điện thoại, vì Taliban được biết là còn tra xét cả đến lịch sử tìm kiếm trên Google nữa.

Trên đường tới Kabul, chiếc xe cứu thương phải đi qua hai chốt gác của phiến quân. Trạm đầu tiên xe được đi qua, nhưng trạm thứ hai thì bị chặn lại. Phiến quân nhìn thoáng qua xe rồi cho anh tiếp tục hành trình, nhưng Khan thấy chúng tra hỏi hành khách của những xe khác. “Những người chúng hỏi tầm độ tuổi 20 tới 35, râu ria được tỉa gọn,” anh kể. “Tôi nghĩ chúng đang tìm những người hoạt động với Mỹ. Chúng biết được người ta sẽ đi tới Kabul để phỏng vấn, chữa trị hay di tản. Chúng đang tìm kiếm người nào nhìn có vẻ hiện đại."

Khan và gia đình tới được Kabul và tìm một nơi để ở. Họ thay đổi địa chỉ liên tục vì không tin vào những người xung quanh. Căn phòng của họ ở trung tâm Kabul, gần khu ngoại giao đoàn kiên cố, có vẻ an toàn; hàng xóm của Khan có cả người tị nạn khỏi Taliban khắp cả nước. Rồi một ngày nọ, hai tiếng nổ lớn cất lên, tiếp sao đó là hàng giờ đồng hồ xả súng: vì phiến quân đang tấn công nhà của vị bộ trưởng Quốc Phòng. Cuộc phỏng vấn với viên lãnh sự ngày 29 tháng Bảy diễn ra êm xuôi, nhưng Khan vẫn không biết những bước cuối cùng – bao gồm khám sức khoẻ và việc cấp visa – sẽ diễn ra thế nào. Dân Afghan phải chờ hàng tuần, thậm chí là hàng tháng để có kết quả. Khan và gia đình không thể ở thủ đô thêm vài tuần nữa, nhưng việc đi đi lại lại từ Kabul và quê anh với tình trạng Taliban chiếm lãnh thổ mỗi ngày, là điều không thể nghĩ tới được.

Gia đình anh quyết định ở lại Kabul và được sự hỗ trợ từ International Refugee Assistance Project (tạm dịch Dự Án Hỗ Trợ Người Tị Nạn Quốc Tế). Tôi cũng đã giúp anh 1000USD và liên lạc văn phòng của Dân biểu Hạ Viện Jason Crow, một đảng viên Dân Chủ từ Colorado và cũng là một cựu binh Lục Quân, người đang dẫn đầu Quốc Hội trong việc giải cứu phiên dịch viên Afghanistan. Trợ lý của Crow tiếp tục vụ của Khan và việc vợ anh mang bầu để gây chú ý tới Bộ Ngoại Giao. Trong cái rủi lại có cái may: Taliban đã giết anh rể Khan – một phiên dịch viên khác – tháng Một vừa rồi, và vụ này đã giúp Khan được một số người ở Mỹ biết tới, và vì sự hỗn loạn ở Afghanistan và bộ máy quan liêu Mỹ – mọi chuyện diễn ra nhan chóng. Việc khám sức khoẻ đã xong và kết quả được Đại sứ quán gửi tới với thời gian kỷ lục. Khan được thông báo rằng anh hãy chờ một email chấp thuận visa. Nhưng email đó không tới. Anh và gia đình quay về lánh nạn. Đầu tháng Tám năm nay, tỉnh này sang tỉnh khác rơi vào tay Taliban. Bỗng chợt nhân ra rằng sự sụp đổ của Kabul không còn xa xôi như ta nghĩ. “Mọi người đều đang rất lo sợ. Nếu có cách rời đi thì đã không có ai chờ đợi ở đây rồi.” Khan nói tôi thứ sáu vừa rồi từ căn phòng thuê của anh. Khan tới văn phòng du lịch, đang rất ồn ào và huyên náo, chỉ để nhận được tin rằng anh không thể mua được vé máy bay mà không có tiền hay visa. “Anh mà không mua vé bây giờ thì sẽ không còn đâu. Người người đang đi, nhà nhà đang đi, giá lại lên cao lắm đấy.”, người bán vé nói với anh. Thứ bảy, Khan đi tới Đại sứ quán Hoa Kỳ, trình diện giấy tờ cho lính canh, và được vào bên trong mà không cần hẹn trước. Trong phòng lãnh sự – dù là cuối tuần nhưng vẫn mở cửa và còn rất đông người nữa – anh được trao hộ chiếu của gia đình với con dấu visa. Mọi chuyện đã xong xuôi từ thứ tư nhưng Đại sứ quán đã tắc trách quên gửi cho Khan một email xác nhận. Ở văn phòng du lịch Khan mới biết được rằng không còn ghế ở bất cứ chuyến bay nào trước ngày 27 tháng Tám cả. Tới lúc đó thì vợ anh không thể bay được, chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani đã tháo chạy, người Mỹ đã di tản, và Kabul đã thất thủ vào tay Taliban. Nhưng vào sáng thứ bảy hôm đó ở Mỹ, Julie Kornfield, luật sư thiện nguyện, cũng là tư vấn viên cho Khan, đã tìm thấy ba ghế máy bay của hãng Turkish Airlines và một tổ chức có tên Miles4Migrants đã chi trả toàn bộ chi phí. Khan và gia đình rời Afghanistan vào thứ Ba và tới Houston, TX vào thứ Năm. Với visa Mỹ và vé máy bay trên tay, Khan nói tôi rằng ngày thứ Bảy, 14 tháng Tám năm 2021 và ngày hạnh phúc nhất đời anh. Anh gửi tôi video quay ở căn phòng trọ, đứa con trai 3 tuổi của anh nhảy một điệu ăn mừng truyền thống của Afghanistan. Hôm nay, ngày Chủ nhật, quân Taliban đã tới được Kabul. Tổng thống Ashraf Ghani đã tháo chạy qua Tajikistan. Các viên chức Mỹ đang đốt các tài liệu nhạy cảm và di tản đại sứ quán. Tất cả cơ sở ngoại giao phương Tây đều bị bỏ lại. Khu phố nơi Khan thuê trọ giờ trở thành một nơi rất nguy hiểm, và anh với gia đình đã phải đi bộ sáu dặm để tới một nơi ẩn náu mới. Anh phải tìm một nơi xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu của hãng hàng không. Anh phải tìm cách đưa gia đình mình tới sân bay. Anh chỉ cần hai ngày nữa thôi.

Người dịch: Sam Tran & Michael Le

Biên tập: Michael Le


コメント


bottom of page