Translated from The Washington Post's article The Trump team and Fox News alleged dead voters. Most cases were either debunked or actually involved Republicans. By Aaron Blake, on 24-10-2021
Sau cuộc bầu cử 2020, Tổng thống Trump cùng những đồng minh thân cận đã cật lực tuyên truyền đủ mọi loại thuyết âm mưu. Và hiếm có thuyết âm mưu nào lại lan truyền mạnh mẽ bằng ý tưởng người chết đội mồ sống dậy để ngáng đường Trump tái đắc cử. So với nhiều lời khẳng định mơ hồ khác, những cáo buộc này thường chi tiết hơn hẳn — chúng có kèm theo tên tuổi của những người được cho là đã khuất mà vẫn tham dự bầu cử. Nhờ đó mà người ta có thể dễ dàng kiểm chứng. Gần một năm sau, dạng cáo buộc trên đã trở thành tài liệu nghiên cứu — và mô hình xã hội thu nhỏ — về phi vụ lố bịch này. Trong hầu hết các trường hợp mà Trump và đồng minh đưa ra, không hề có chuyện ai đó giả danh người chết để đi bầu, điều này đã được chứng minh. Và trong các trường hợp mà người chết thực sự có ghi nhận bầu cử, thủ phạm gian lận phiếu bầu chẳng phải là thế lực gì đó muốn trợ giúp Tổng thống Biden, mà chỉ là một đảng viên Cộng hòa. Vào hôm đầu năm, tờ báo bảo thủ Daily Signal liệt kê một vài cái tên đã được điểm qua. Đội ngũ tranh cử của Trump đã nêu tên bốn người ở Pennsylvania và bốn người ở Georgia trong một chuỗi tin tức mang tên “Nạn nhân của vụ Gian lận Bầu cử.” Đảng Cộng hòa ở Nevada nêu thêm hai người nữa trong bang, khẳng định một trong hai là bằng chứng “thép” cho thấy sự bất thường [của lần bầu cử này]. Sau đó, Tucker Carlson phía Fox News nghiễm nhiên thêm vào một cái tên nữa rồi đem tất cả lên một chuyên mục thời sự về việc người chết đi bỏ phiểu. Ông tuyên bố: “Những gì chúng tôi sắp nói với quý vị là hoàn toàn chính xác. Đây không phải là giả thiết. Nó thật sự xảy ra, và chúng tôi có cách chứng minh.” Tuy nhiên, trong số 11 cái tên được nhắc tới này, không có cái tên nào liên quan đến chuyện lợi dụng danh tính để bỏ phiếu cho Biden. Đa số đều đã được kiểm chứng là không liên quan, hoặc là có dính líu tới phía cáo buộc. Ví dụ gần đây nhất là chuyện một người đàn ông ở Nevada tuyên bố ai đó đã đi bầu dưới danh nghĩa người vợ Rosemarie Hartle quá cố của ông. Thông tin này được hàng loạt kênh báo chí bảo thủ nhiệt liệt hưởng ứng. Đây chính là trường hợp với bằng chứng “thép” cho thấy sự bất thường mà đảng Cộng hòa Nevada đã nhắc đến. Chúng tôi mới được biết vào tầm tuần trước rằng vụ này có khả năng là gian lận thật, nhưng thủ phạm trong cáo buộc gian lận này là một đảng viên Cộng hòa có quan hệ với chiến dịch vận động của Trump. Đối tượng Donald Kirk Hartle đã bị buộc tội bầu cử dưới danh nghĩa người vợ quá cố. Tình huống gần như đúc cũng xảy ra với một cái tên ở Pennsylvania mà đội ngũ Trump từng điểm qua, Elizabeth Bartman. Không lâu sau khi thông tin này nổi lên, con trai bà Bartman là ông Bruce thừa nhận mình đã đăng ký và bỏ phiếu dưới tên người mẹ quá cố để giúp Trump. Ông này đã nhận tội. Tương tự với hai vụ khác ở Pennsylvania. Đảng viên Cộng hòa Francis Fiore Presto đã bị buộc tội đi xin phiếu và bầu cử giùm người vợ đã khuất Judy Presto. Gia đình bà Denise Ondick thì lại quả quyết rằng bà đã điền phiếu bầu của mình trước khi qua đời không lâu trước ngày bầu cử. Một thành viên gia đình khẳng định mẹ họ đã định bầu cho Trump. Những cái tên khác mà đội ngũ của Trump và đảng Cộng hòa Nevada nhắc tới: - Joe Frazier (Pennsylvania): Luật sư Rudolph W. Giuliani của Trump khẳng định có người đã bầu cử dưới danh nghĩa võ sĩ quyền anh nổi tiếng, nhưng tin đồn này đã bị vạch trần. Tòa án New York đã dẫn chứng lời khẳng định vô căn cứ trên khi đình chỉ giấy phép hành nghề của Giuliani. - Linda Kesler (Georgia): Hội đồng bầu cử tiểu bang xác nhận người bỏ phiếu không phải là Linda Kesler đã mất vào năm 2003, mà là Lynda Kesler vẫn còn sống và có địa chỉ nhà, mã bưu điện và ngày sinh hoàn toàn khác. - James Blalock (Georgia): Số là người vợ góa của ông bầu cử dưới danh nghĩa Bà James E. Blalock Jr. - Deborah Jean Christiansen (Georgia): Đây là trường hợp trùng tên nhưng khác người, khác quận cư trú và ngày sinh. Còn ba trường hợp khác của John H. Granahan (Pennsylvania), Fred Stokes Jr. (Nevada) và Edward Skwiot(Georgia) thì vẫn chưa có bằng chứng về sự gian lận hay có ai bị kết tội. Trong trường hợp của Stokes thì có một người tên Fred Stokes III được đăng ký thường trú tại cùng địa chỉ.
Những người nghiêng về phía Trump sẽ nhìn vào danh sách trên và chú ý đến các trường hợp đã bị buộc tội giả mạo. Và đó là sự thật!
Nhưng ngay cả khi chúng ta không bàn tới chuyện thủ phạm của các trường hợp có gian lận đều là đảng viên Cộng hòa và người ủng hộ Trump chứ không phải là đảng viên Dân chủ, thì đây vẫn không phải là sự gian lận có hệ thống, mà chỉ là một vài cá nhân lợi dụng tình huống bất thường xung quanh cái chết gần đây của người thân. Hành động trên tuy sai trái, nhưng nó chỉ thực sự ảnh hưởng đến các kết quả bầu cử vô cùng suýt soát. Loại vấn đề này chỉ nghiêm trọng nếu như ai đó hoặc địa điểm bầu cử nào đó lên kế hoạch mạo danh hàng loạt người chết để đi bầu cho ứng cử viên này hay ứng cử viên nọ. Tiếp cận gia đình người đã khuất nhằm thuyết phục họ phạm trọng tội là một nước cờ hết sức mạo hiểm và phiền toái. Trên hết, vụ việc này cho thấy đây chỉ là trường hợp cá biệt về vài cá nhân làm chuyện dở hơi — có thể là vì họ nghe theo tin đồn vô căn cứ là phe của họ đang bị những chiến thuật kiểu này đe dọa. ("Thân chủ của tôi đã quyết định làm điều dại dột trong cơn bốc đồng chính trị," Samuel Stretton, luật sư của Bruce Bartman, nói. “Và ông ấy vô cùng hối hận về điều đó.”) Và hơn thế nữa, tình huống này còn chỉ ra bản chất rồ dại đằng sau động thái tung hô độ tin cậy của những “bằng chứng” trên. Theo nhóm Trump và đồng minh thì có hàng nghìn cử tri quá cố từ nhiều tiểu bang bị mạo danh, nhưng khi bọn họ nêu đích danh người thật, thì vì lý do nào đó mà nó lại chẳng như họ nói. Không chỉ chương trình của Carlson hay đảng Cộng hòa Nevada, mà chính đội ngũ tranh cử của Trump cũng từng liên tục hô hào đây là bằng chứng gian lận chắc chắn. “Đây là bằng chứng rõ ràng,” cố vấn Corey Lewandowski của Trump tuyên bố về vụ Ondick, “và nếu quý vị tự đi tìm hiểu, từ báo đài, tôi dám cá là quý vị sẽ thấy thêm nhiều ví dụ nữa.” Trong phần tin ngày 11 tháng 11, Carlson đề cập đến bảy cái tên, khẳng định rằng những cáo buộc của ông ta là “chính xác” và “không phải là giả thiết.” Hầu hết những cái tên này đã được chứng minh là không có liên quan, hoặc nếu có thì đối tượng tình nghi gian lận là người ủng hộ Trump. (Bản tin này của Carlson hiện có kèm theo đính chính, rằng chương trình “vừa biết tin là trong số những cử tri đã chết mà đài nhận được, thực ra có vài người vẫn còn sống” — cứ như là bọn họ không có khả năng kiểm chứng các thông tin này trước khi quả quyết về độ tin cậy của chúng.) Gần một năm sau, cơ bản là đội ngũ của Trump không có cáo buộc gian lận bầu cử nào ra trò. Tuy nhiên, cáo buộc người chết đi bầu hữu ích ở chỗ nó hữu danh vô thực. Và thậm chí, nếu ta xét những ví dụ mà chính đội ngũ chiến dịch của Trump đã cung cấp, nó chỉ ra việc Trump là bên hưởng lợi từ gian lận hơn là người bị hại. Giá mà các cáo buộc khác cũng đặc thù thế này.
Người dịch: An Nguyen, Linh Nguyen & Trang Ly
Biên tập: Vũ Yên & Bảo Trân
Comments