top of page

Sự trỗi dậy của chất nam tính Á đông và những thiên kiến bủa vây đàn ông gốc Á tại Mỹ


Mới đây, Bernard Bach, một người New York gốc Việt Nam sinh tại Tennessee, đang đi bộ một mình dọc Quảng trường Thời đại lúc gần nửa đêm thì bị một người lạ thét vào mặt.


By Richard Morgan, on 21-06-2021, 13:00:00

Kevin Kreider trong Tập 1 phim “Bling Empire” của Netflix. Diễn viên kiêm người mẫu này chia sẻ, “Chúng ta đang quá bận cố làm người khác mà không thực sự chú tâm tới việc là chính mình.” (Ảnh: Netflix)

Mới đây, Bernard Bach, một người New York gốc Việt Nam sinh tại Tennessee, đang đi bộ một mình dọc Quảng trường Thời đại lúc gần nửa đêm thì bị một người lạ thét vào mặt. Trong bối cảnh tình trạng kỳ thị người châu Á tăng cao bởi nguồn gốc Trung Quốc của coronavirus, nhiều người châu Á trở thành nạn nhân của những lời thoá mạ, và thậm chí còn tệ hơn, ngay tại nơi công cộng. Nhưng kẻ lạ mặt mà Bach gặp lại có động cơ khác. “Cặp giò ngon quá!" cô ta hú lên. Trong một video quay lại khoảnh khắc đó mà anh đã đăng tải, Bach, 35 tuổi, đã phản hồi với một nụ cười nhếch mép, hiểu chuyện — nhưng nó không có nghĩa là anh thấy thoải mái. Trong một cuộc phỏng vấn, Bach chia sẻ: “Tôi vẫn luôn không thoải mái khi đón nhận những lời khen kiểu như vậy, vì tôi không biết liệu người ta có thật lòng không. Một trong những thứ kinh khủng nhất tôi nghe phải là, ‘Người châu Á mà anh cũng bảnh thật đấy.’ Tôi cố để không cảm thấy bị xúc phạm khi nghe những lời khen thiếu tế nhị như vậy, vì đôi lúc người ta vẫn đang học cách khen ngợi người khác.” Những lời khen thiếu tế nhị này phản ánh tình trạng căng thẳng mơ hồ trên diện rộng vốn đang bủa vây những người đàn ông Mỹ gốc Á trong năm vừa qua. Một mặt, ta được chứng kiến sự ghi nhận mang tính đột phá: Steven Yeun được đề cử giải Oscar và xuất hiện trên bìa tạp chí GQ; bắp tay và cơ cuồn cuộn của Simu Liu mang tới cảm giác đầy hứa hẹn về nhân vật siêu anh hùng châu Á đầu tiên của Marvel; màn trình diễn gây sốt của cầu thủ bóng rổ đội UCLA, Johny Juzang, trong vòng Final Four; sự thống trị nước Mỹ của những nhóm nhạc nam K-pop; Andrew Yang tranh cử chức thị trưởng; hay hình ảnh những múi cơ và bờ mông của Kevin Kreider xuất hiện khắp nơi trong bộ phim “Bling Empire.” Ở chiều ngược lại là những vụ tội ác vì thù ghét chống người gốc Á man rợ trên khắp cả nước. Người lớn tuổi gốc Á bị đánh đập, cùng các vụ xả súng hàng loạt nhắm vào người châu Á làm dịch vụ spa ở Atlanta, hay những nhân viên FedEx theo đạo Sikh. Nhưng ngoài ra, vẫn còn đó tình trạng bạo lực âm thầm diễn ra mỗi ngày mà xã hội không mấy để tâm. Hiện tượng này được Brian Keum, một giáo sư giảng dạy về phúc lợi xã hội tại trường UCLA, miêu tả là “sự phủ nhận liên tục từ việc bị coi nhẹlàm lơ.” Ví dụ, điều này cũng diễn ra ở nơi làm việc, như khi người Mỹ gốc Á khó leo lên những vị trí lãnh đạo, hay trong bối cảnh chính trị, họ thậm chí còn ít khi được đề cập tới trong các cuộc thăm dò.

Fan hâm mộ bóng rổ người Mỹ gốc Á tìm được cảm hứng từ trận đấu của Johnny Juzang trong giải đấu bóng rổ nam của NCAA. (Ảnh: Sarah Stier/Getty Images)

Sự hiện diện nổi bật hơn của người gốc Á, cộng với tình trạng bạo lực có xu hướng gia tâng trong thời gian gần đây đã thắt lại thành chiếc nút trong tâm trí nhiều người đàn ông Mỹ gốc Á, những người vốn tự ý thức được “thiên kiến [về đàn ông châu Á] là nhu nhược, ẻo lả, thiếu hấp dẫn, không phù hợp với hình mẫu nam tính Da trắng chủ đaọ ở Hoa Kỳ,” Keum - người chuyên nghiên cứu vấn đề hình ảnh cơ thể và sức khoẻ tâm lý của đàn ông Mỹ gốc Á - chia sẻ.

Keun giải thích rằng những thiên kiến này có từ giữa thế kỉ 19, khi đàn ông Trung Quốc di cư sang Hoa Kỳ bị bắt làm những công việc như giặt là, nấu bếp, và gia nhân nhằm trả đũa cho việc họ quá hiệu quả trong lĩnh vực đào mỏ và xây dựng (dần dần họ cũng bị cấm làm những công việc này). Hậu quả của những thiên kiến này vẫn còn tồn tại trong thế kỷ 21, có thể thấy qua những thói quen hẹn hò trực tuyến mang tính phân biệt chủng tộc, trong đó người Mỹ gốc Á là nhóm nam ít được kết đôi (match) nhất. Trong quá trình nghiên cứu về đàn ông Mỹ gốc Á, Keum cho biết tát cả những người được hỏi đều nói rằng họ không thể chịu được nỗi nhục này.

Bowen Yang, diễn viên “Saturday Night Live,” kêu gọi nước Mỹ hãy “bùng lên” và “làm nhiều hơn” trước nạn tội ác thù ghét người Châu Á. Ngồi cạnh anh là đồng nghiệp Colin Jost. (Ảnh: Will Heath/NBC) Phản ứng từ những nhân vật tiếng tăm trên cả nước đối với những cuộc tấn công bài xích người Châu Á đều quyết đoán và mạnh mẽ, ví dụ như diễn viên Bowen Yang của “Saturday Night Live” đã kêu gọi mọi người hãy “bùng lên” và lời thề sẽ "nuôi lửa giận" của Phil Yu trên trang web có tầm ảnh hưởng lớn của anh, Angry Asian Man (Người Đàn Ông Châu Á Giận Dữ - ND). “Bạn thường thấy một số người đàn ông Châu Á bị áp lực rằng họ phải bù đắp thêm cả về mặt hành vi lẫn ngoại hình để trở nên nam tính hơn, vạm vỡ hơn, có vẻ ngoài hoàn hảo hơn những người xung quanh, chỉ để chứng tỏ rằng đàn ông Mỹ gốc Á cũng có thể được như vậy," Jeff Yang, 53 tuổi, chia sẻ. Ông là đồng tác giả cuốn “Rise: A Pop History of Asian America from the Nineties to Now” (Vùng Dậy: Lịch Sử Đại Chúng Về Nước Mỹ Gốc Á Từ Những Năm 90 Đến Nay - ND) cùng Yu, và cũng là cha của Hudson Yang, nam diễn viên chính trong loạt phim “Fresh Off the Boat” của ABC. “Đối tượng cụ thể ở đây là người Mỹ gốc Á," Yang nói. “Đây là phản ứng xuất phát từ hiện tượng bị gạt ra bên lề và tẩy trắng vô cùng phức tạp mà đàn ông Mỹ gốc Á, ở một khía cạnh nào đó, phải chịu đựng - và cả sự hoạt hoá châm biến nữa.” Ông nói thêm: “Bạn đang không cố gắng cảm thấy tốt hơn vì bản thân mình. Rốt cuộc, bạn lại đang tìm vuốt ve cái tôi của bản thân bằng cách nâng cao hình ảnh của mình trong mắt người khác.” Một sự chuyển dịch trong kết cấu dân số đang trên đà đưa tới sự biến chuyển trong quan niệm xã hội. Vào năm 2019, trong khi độ tuổi trung bình của người Mỹ nói chung là 36 tuổi, với cộng đồng gốc Á sinh ra tại Hoa Kỳ, con số này lại là 19 tuổi. Yang nói điều này dẫn tới một thế hệ người Mỹ gốc Á bước vào tuổi trưởng thành trùng với thời điểm đại dịch, giống như cậu thanh niên 17 tuổi Hudson. “Thằng bé đang ở ngay điểm giao thoa của những thay đổi lớn lao, mà dưới nhiều góc độ, đang tiếp thêm sức mạnh cho cánh đàn ông gốc Á," ông Yang nhận định. Số liệu thực tế cho thấy, thiên kiến cho rằng người Mỹ gốc Á không giỏi thể thao vẫn đang hiện diện. Và điều này khiến vấn đề phức tạp hơn. Ví dụ, dù 23 triệu dân gốc Á chiếm khoảng 6% dân số Hoa Kỳ, sắc dân này chỉ đóng góp 1.8% số vận động viên cho NCAA. Một nghiên cứu năm 2015 về hoạt động thể chất của từng nhóm chủng tộc ở Los Angeles và New York, được công bố trên tạp chí Annals of Epidemiology (Biên niên sử Dịch tễ học - ND), cho thấy người Mỹ gốc Á là nhóm lười vận động nhất.

Joe Taslim, diễn viên đóng vai nhân vật phản diện Sub-Zero trong “Mortal Kombat,” khiến một nhân viên ngân hàng như William Leung nhận ra rằng sức khoẻ dẻo dai không phải là thứ ngoài tầm với. Anh nói rằng Taslim cho thấy “bạn không cần phải trông như một người mẫu có múi bụng như chiếc ván giặt, hay một mẫu nam của Abercrombie & Fitch, thì mới khoẻ mạnh và dẻo dai.” (Ảnh: Warner Bros/Moviestore/Shutterstock) Nhưng sự hiện diện bùng nổ này đã đem lại một “phạm vi thoả hiệp” cho William Leung, 27 tuổi, một nhân viên ngân hàng ở Salem, N.H., và cũng là người di cư từ Hong Kong từ thuở mới lọt lòng. Anh viện dẫn trường hợp của Joe Taslim, một diễn viên Indonesia thủ vai Sub-Zero trong bộ phim “Mortal Kombat.” “Tôi đang xem một video về anh ấy,” Leung nói. “Cơ thể anh ấy không cuồn cuộn cơ bắp, nhưng anh vô cùng dẻo dai. Anh ấy có thể làm bất cứ động tác nhào lộn nào.” Điều này khiến Leung cảm thấy bớt áp lực hơn. “Tôi vẫn luôn khá mập mạp, hoặc luôn nghĩ mình kiểu chắc nịch hoặc hơi vạm vỡ. Nhưng anh ấy đã minh chứng rằng không cần phải trông như một người mẫu có múi bụng như chiếc ván giặt, hay một người mẫu Abercrombie & Fitch, mới khoẻ mạnh và dẻo dai. Đó chính là sự thoả hiệp. Không cần có múi. Một cái bụng phẳng thế là đủ rồi.” Isaac Kimes, 37 tuổi, một luật sư người Mỹ gốc Hàn sinh tại Seattle hiện đang sống ở Nashville, cũng nói rằng anh đã trở nên thoải mái với cơ thể gọn gàng của mình: “Tôi không thấy e ngại khi chia sẻ về việc này nữa… Khi đại dịch kết thúc, tôi sẽ khoe rằng, coi nè, tôi đã giữ dáng đó! Và tôi sẽ nói về điều đó nhiều hơn trước đây.” Anh cũng nói thêm rằng trước đây anh đã từng có cảm giác “phải tỏ ra khiêm tốn vì mình là một người gốc Á."

Keum nói, không dễ để vượt qua sự hổ thẹn do thiên kiến sắc tộc như những gì Kimes và Leung đang làm. “Chẳng có lúc nào - dù là trong chính cộng đồng của họ hay ở bên ngoài - để chia sẻ về nỗi hổ thẹn khi nghe thấy, ví dụ nhé, bạn tôi nói một câu kì thị chủng tộc kiểu như là dương vật tôi nhỏ vì tôi là người Châu Á,” ông nói. “Tưởng tượng lớn lên là một cậu bé châu Á xem. Bạn phải nói sao với bố mẹ về chuyện đó? Nó rất lệch pha. Và sự hổ thẹn đi kèm nữa, thật sự rất khó nói.” Keum nói rằng, vắng bóng những phương thức giải toả lành mạnh, đàn ông Mỹ gốc Á tự mình chiến đấu với nỗi hổ thẹn, đôi lúc bằng việc lạm dụng chất kích thích, suy nghĩ tự sát, hành vi hung hãn hoặc nguy hiểm. Tuy nhiên, những mạng lưới hỗ trợ sức khoẻ tinh thần dành cho người châu Á mới đang dần xuất hiện. Và một số đàn ông gốc Á coi bản thân là đại sứ cho khả năng thể thao của người châu Á. “Mỗi ngày tôi đều xuất hiện trong nhà một ai đó,” Sam Yo, 42 tuổi, chia sẻ. Anh là một huấn luyện viên Peloton có tiếng. “Tôi biết rằng gương mặt Châu Á đầu tiên mà con họ nhìn thấy có thể là gương mặt của tôi, và tôi đang trong tư thế tập luyện.” Yo nói rằng một người hâm mộ của anh ở California đã viết, “'Tôi thích tập thể dục với Sam vì tôi thấy bản thân mình trong anh ấy.' Thật là khó tin vì tôi chưa bao giờ gặp anh ấy, nhưng tôi lại đang có sức ảnh hưởng lên sức khoẻ của anh ấy.” Thế nhưng, việc chia sẻ thành quả tập luyện thể thao không phải lúc nào cũng mang tới kết quả như kỳ vọng: Sau khi Kumail Nanjiani, 43 tuổi, một diễn viên người Mỹ gốc Pakistan, đăng ảnh luyện tập tăng cơ cho một vai diễn lên Twitter, một cuộc khẩu chiến giữa những người ủng hộ và anti-fan của anh đã nổ ra. Brandon Briones, 27 tuổi, một huấn luyện viên đấm bốc kiêm thể hình cá nhân gốc Philippines sinh ra ở New Jersey đang làm việc tại Plano, Texas, biết rằng vẫn còn tồn tại những sự mù quáng mang tính cục bộ (đôi lúc khi đang tập thể dục, anh đeo tai nghe nhưng không bật nhạc để nghe lời lăng mạ từ những người tập gym cùng anh). Và, anh nói, một số khách của anh còn tự nhiễm vào đầu những tư tưởng kì thị.

“Tôi có những khách hàng châu Á nói rằng họ muốn được như Black Panther,” anh nói. “Yêu cầu đó đặt tôi vào tình thế rất khó xử. Thành thực mà nói, tôi không có khách hàng châu Á nào thần tượng một người đàn ông châu Á. Luôn là một anh hùng Avenger hay một diễn viên Mỹ nổi tiếng, nhưng không bao giờ là một người đàn ông châu Á.” Anh nói đã từng thử khuyên nhủ khách rằng: “Bạn là bạn. Anh ta là anh ta. Chúng ta sẽ nâng cấp bản thân bạn."

Ban nhạc K-pop BTS đang vừa chiếm trọn lòng người hâm mộ Mỹ vừa thách thức những khái niệm về tính nam. “Nhãn dán về việc như thế nào mới là nam tính, là một khái niệm đã lỗi thời,” thành viên RM chia sẻ với tạp chí Rolling Stone. “Chúng tôi không có chủ đích gỡ bỏ nó. Nhưng nếu chúng tôi đang có ảnh hưởng tích cựu, thì đó là điều chúng tôi rất cảm kích.” (Ảnh: Dia Dipasupil/Getty Images))

Kreider, diễn viên 37 tuổi của “Bling Empire,” cũng đồng tình. “Chúng ta đang quá bận rộn để cố trở thành người khác mà không thực sự chú tâm tới việc là chính mình,” anh nói. “Chúng ta cần thêm rất nhiều người, thật nhiều chương trình TV và phim ảnh khác nhau để đại diện cho chúng ta, để chúng ta có thể được là bất kì ai: người bình thường, phi thường, siêu anh hùng, cầu thủ, vai chính lãng mạn, tất cả mọi thứ. Chúng ta có quá ít hình mẫu để tham khảo.”

Nhưng một số người đã tranh cãi rằng sự hiện diện vẫn là chưa đủ. “Nếu như bạn đưa người Châu Á lên TV hay tạp chí, điều đó cũng không thay đổi sự thật rằng 95% người Mỹ không coi mình thuộc nhóm người đó,” theo Pat Leong, 35 tuổi, một kỹ sư phần mềm chơi thể thao tại Washington, D.C. Anh là con trai của hai người di dân gốc Thái và Mã lai gốc Hoa (giờ anh ít đến phòng tập hơn vì sợ rằng sự hiện diện của người Châu Á sẽ mang tính khiêu khích và gây khích động). “Để nhóm người nhỏ bé ấy có chút tiếng nói hay sự hiện diện trên truyền thông, trong giới thể thao, tại Quốc hội hay bất kỳ nơi đâu, ta cần sự hỗ trợ của các đồng minh.”

Kreider lo lắng rằng tiến trình sức khoẻ sẽ có những bước lùi trong hè này. “Giờ đại dịch đã bớt nghiêm trọng, mọi người sẽ lại không còn chú ý tới sức khoẻ tinh thần nữa,” anh nói. “[Sức khoẻ] cần sự phản tư, tinh thần khoẻ mạnh, sự tự ý thức, và sự trợ giúp. Tôi thực hiện những điều này hàng ngày.” Anh nói thêm rằng người Mỹ gốc Á cũng cần phải tự vấn rất nhiều: “Chúng ta luôn ngước nhìn lên người Da trắng như những hình mẫu. Vì vậy, ta phải tự nhìn lại chính phần của mình.”

Nhưng Bach, với đôi bắp chân tuyệt mỹ của mình, coi mùa hè tới như một bước ngoặt đầy lạc quan. “Sau tất cả những gì xảy ra trong mùa dịch, tôi cảm thấy một chương mới sắp mở ra với mọi người,” anh nói. “Càng ngày tôi càng thấy tự tin hơn.”

Người dịch: Ren Dinh

Biên tập: Đông Phong & Bảo Trân



Comments


bottom of page