top of page

Suy ngẫm về nhân quyền dưới thời tổng thống Biden

Translated from Columbia Daily Spectator's article Rethinking human rights under the Biden administration


Biden không nên áp dụng chính sách nhân quyền ưu tiên một quyền đơn nhất, nhưng ông cũng không nên tiếp tục quay lại các chính sách thời Obama.

By JIHOON KO, MATTHEW RUPPERT |, on 26-02-2021, 03:00:00

Biden không nên áp dụng chính sách nhân quyền ưu tiên một quyền đơn nhất, nhưng ông cũng không nên tiếp tục quay lại các chính sách thời Obama. Thay vào đó, đối với bất kể khía cạnh cụ thể nào trong các chính sách của mình, Biden cần có quan điểm toàn diện về quyền con người, thừa nhận rằng tất cả các quyền con người đều có mối liên hệ với nhau và đều đáng được bảo vệ. Điều quan trọng là, đó là trách nhiệm của chúng ta để đảm bảo rằng điều này sẽ xảy ra. “Nhân quyền” là một thuật ngữ thường xuất hiện trong diễn ngôn trong khuôn viên các trường đại học. Tuy nhiên, trong bốn năm qua, thuật ngữ này có lẽ được sử dụng thường xuyên nhất liên quan đến chính quyền Trump, vì nhiều sinh viên đã bất mãn trước những vi phạm nhân quyền một cách thường xuyên và trắng trợn của họ. Giờ đây, sau lễ nhậm chức của Joe Biden, nhiều người trong chúng ta đang thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, chúng ta không thể đột nhiên ngừng quan tâm đến nhân quyền khi Trump không còn là tổng thống nữa, chúng ta cũng không thể nghĩ rằng việc lạm dụng nhân quyền sẽ tự nhiên chấm dứt dưới thời chính quyền Biden. Chính quyền Biden có cơ hội thiết lập một lập trường mới về nhân quyền. Câu hỏi bây giờ là diện mạo của nó sẽ như thế nào. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, chính phủ đã áp dụng cách tiếp cận thứ bậc đối với nhân quyền, với tự do tôn giáo được đặt lên hàng đầu. Lập luận của chính quyền này là khi tự do tôn giáo gia tăng nó sẽ tác động tích cực đến các quyền khác. Ý tưởng cho rằng nhân quyền sẽ nảy nở từ việc hình thành một loại tự do đơn nhất không phải là mới, nhưng nó rất nguy hiểm. Trong Chiến tranh Lạnh, việc tập trung hoàn toàn vào thị trường tự do đã khiến Hoa Kỳ ủng hộ chế độ quân sự bạo lực, đàn áp ở Chile nhằm lật đổ chính phủ xã hội chủ nghĩa được người dân bầu lên một cách dân chủ. Không có gì ngạc nhiên khi việc chính quyền Trump tập trung vào một quyền đơn nhất đã mang lại kết quả thảm hại. Việc thúc đẩy độc nhất quyền tự do tôn giáo của chính quyền đã làm gia tăng sự phân biệt đối xử đối với các thành viên của cộng đồng LGBTQ và tước bỏ một loạt các quyền của họ. Như lịch sử đã chứng minh, việc ưu tiên dành cho một quyền tự do đơn nhất là một thiếu sót không thể phủ nhận được. Quyền con người phải được bảo vệ trên mọi mặt; chứ không theo hiệu ứng nhỏ giọt. Việc đặc biệt nhấn mạnh vào một quyền đơn nhất chắc chắn sẽ dẫn đến vi phạm những quyền khác — một kết quả mà các tác giả của Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền đã đề cập khi đưa vào Điều 30 để nhấn mạnh rằng chúng ta không thúc đẩy một quyền đơn nhất nào trong khi làm tổn hại đến một quyền khác. Chính quyền Biden có cơ hội sửa chữa những thất bại trong quá khứ của đất nước chúng ta trong việc bảo vệ nhân quyền. Điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua các chính sách dựa trên cam kết về một quan điểm toàn diện về quyền con người. Một cam kết như vậy sẽ mang đến sự thay đổi cốt lõi trong cách tiếp cận của chính phủ đối với các vấn đề như quan hệ quốc tế và chính sách nhập cư. Như Biden đã chứng minh hết lần này đến lần khác, ông đã cố thủ vững chắc trong “political establishment” (tạm dịch là “hiện lập chính trị”, chỉ một nhóm nhỏ những người có quyền lực trong xã hội thường theo đường lối chính trị trung tính), vốn hiếm khi ủng hộ những thay đổi xã hội lớn mang tính nền tảng. Trong một ví dụ đặc biệt đáng lo ngại, Biden đã điều chỉnh dự luật tội phạm năm 1994 mở rộng đáng kể việc giam giữ hàng loạt. Mặt khác, Biden là một trong những chính trị gia lớn đầu tiên lên tiếng ủng hộ bình đẳng về hôn nhân, lập trường cho thấy Biden có khả năng chuyển đổi quan điểm của mình sang các chính sách mang tính cấp tiến. Tuy nhiên, hành động của ông ta cho đến nay không mang nhiều hứa hẹn. Với tư cách là một trường Đại học đã ủng hộ Biden một cách mạnh mẽ vào ngày bầu cử, chúng tôi có nghĩa vụ quy trách nhiệm cho chính quyền này — đặc biệt là về vấn đề nhân quyền. Mặc dù Biden đã ký một loạt lệnh hành pháp nhằm hủy bỏ những điều tồi tệ nhất trong các chính sách của chính quyền Trump, nhưng các hành động khác của ông cho thấy sự lưỡng lự tránh đi chệch khỏi hiện trạng. Về vấn đề nhập cư, chính quyền Biden gần đây đã mở lại một cơ sở giam giữ để giữ những thanh thiếu niên nhập cư không có người đi kèm. Hơn nữa, nỗ lực của chính quyền nhằm áp đặt lệnh tạm hoãn trục xuất đã bị tòa án liên bang ngăn chặn và việc trục xuất tiếp tục tiến diễn. Chắc chắn, những hành động này sẽ không mang lại những cải cách mạnh mẽ. Về mặt chính sách đối ngoại, Biden đã đưa vào Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng những cựu nhân viên từ thời chính quyền Obama, bao gồm một số người tham gia trực tiếp vào chương trình tấn công bằng máy bay không người lái đã giết chết hàng trăm dân thường. Nói chung, Biden dường như đang trở lại quan điểm trung lập hơn về nhân quyền theo quan điểm của chính quyền Obama. Nhưng để thực sự duy trì và bảo vệ quyền con người, việc quay trở lại như vậy là chưa đủ. Không thể phủ nhận rằng đường lối của chính quyền Obama về nhân quyền là đáng lo ngại. Trong nước, các nhóm hoạt động về nhập cư mệnh danh Obama là “tổng thống trục xuất” và ông đã tiến hành nhiều vụ trục xuất khỏi nội địa Hoa Kỳ hơn bất kỳ tổng thống nào khác trong lịch sử Hoa Kỳ. Những người chỉ trích cáo buộc rằng các chính sách của Obama chủ yếu nhắm vào những người phạm tội cấp thấp và những người không có tiền án thay vì chủ ý tập trung vào những tên tội phạm nguy hiểm. Trên bình diện quốc tế, thành tích của chính quyền Obama thậm chí còn tồi tệ hơn, bằng chứng là việc sử dụng thường xuyên các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khiến hàng trăm người dân thường bị thiệt mạng. Trong một ví dụ khác, họ cung cấp vũ khí cho liên minh do Ả Rập dẫn đầu đã ném bom dân thường ở Yemen. Mặc dù bề ngoài có vẻ tiến bộ hơn so với các chính quyền khác, nhưng chính quyền Obama chắc chắn không đặt vấn đề nhân quyền như một mối quan tâm hàng đầu. Một thực tế đáng lo ngại hiện nay chính là việc Biden dường như đang quay trở lại với đường lối chính sách như đã kể trên. Là một cộng đồng quốc tế đa dạng, Columbia không thể bằng lòng với việc trở lại nguyên trạng. Tóm lại, Biden không nên áp dụng chính sách nhân quyền ưu tiên một quyền đơn nhất, nhưng ông cũng không nên tiếp tục quay lại các chính sách thời Obama. Thay vào đó, đối với bất kể khía cạnh cụ thể nào trong các chính sách của mình, Biden cần có quan điểm toàn diện về quyền con người, thừa nhận rằng tất cả các quyền con người có mối liên hệ với nhau và đều đáng được bảo vệ. Điều quan trọng là, đó là trách nhiệm của chúng ta để đảm bảo rằng điều này sẽ xảy ra. Nhiều sinh viên Columbia đã ủng hộ Biden trong cuộc tổng tuyển cử, nhưng chúng ta không thể tự mãn vì ông ấy đã đắc cử. Mặc dù Biden là một cải tiến đáng kể từ Trump, chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy các chính sách mang tính cấp tiến. Sau bốn năm mệt mỏi dưới chính quyền Trump, cuối cùng chúng ta đã được trao cơ hội để tạo ra sự thay đổi thực sự trong lĩnh vực nhân quyền. Chúng ta phải nắm bắt nó. JiHoon Ko, CC ’22, và Matthew Ruppert, CC ’24, viết thay mặt cho Trung Tâm Quyền Con người ở Viện Roosevelt ở Columbia. Để phản hồi về bài báo này hoặc để gửi một bài viết cá nhân, vui lòng liên hệ với opinion@columbiaspectator.com.


Người dịch: Le Tran

Biên tập: Khanh Doan Nguyen

Comments


bottom of page