top of page

Sự tàn bạo của cảnh sát là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng

Updated: Jun 13, 2020

Xuống đường biểu tình giữa cơn đại dịch là một rủi ro. Nhưng hiện trạng bạo lực của cảnh sát cũng vậy.


Brian Resnick, ngày 9 tháng 6, 2020


Translated from Vox Article “Police brutality is a public health crisis."


Cảnh sát New York đánh người biểu tình bằng dùi cui, ngày 30 tháng 5|Mostafa Bassim/Anadolu Agency via Getty Images


Những cuộc khủng hoảng ở Mỹ đang bùng nổ, chồng lấn lên nhau. Giữa cơn đại dịch coronavirus, nhiều đám đông người biểu tình xuống đường phản đối sự tàn bạo của cảnh sát sau cái chết của George Floyd ở bang Minnesota và các nạn nhân khác của bạo lực chủng tộc.

Hai câu chuyện này có liên quan với nhau: Chúng đều phản ánh mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng. Mối liên hệ là sự phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống.

"Sự phân biệt chủng tộc sâu xa mang tính hệ thống đã cho phép cảnh sát dùng bạo lực với người Mỹ da đen. Sự phân biệt chủng tộc này cũng là lý do người Mỹ da đen có tỷ lệ tử vong cao hơn [người Mỹ da trắng] trong [đại dịch] COVID-19", Maimuna Majumder (nhà dịch tễ học của ĐH Harvard, đang nghiên cứu cách đối phó với Covid-19) nói với Vox.

"Tại Mỹ, 1 trong 1000 đàn ông và trẻ em nam người da đen có thể bị giết bởi cảnh sát", cô nói. "Với tôi, điều này thể hiện rõ sự tàn bạo của cảnh sát là một vấn đề sức khỏe cộng đồng; bất cứ điều gì gây ra tỷ lệ tử vong cao như vậy là một vấn đề sức khỏe cộng đồng".


Một nghiên cứu tháng 8 năm 2019 tại PNAS kết luận "cứ 1000 đàn ông da đen thì có 1 người có thể bị giết bởi cảnh sát." Với đàn ông da trắng con số này là 1 cho mỗi 2500 người.|PNAS

Trong cơn khủng hoảng Covid-19, cộng đồng người da đen và những cộng đồng người da màu khác phải chịu nhiều mất mát hơn [người da trắng]. Giáo sư Luật Ruqaiijah Yearby và Seema Mohapatra giải thích chi tiết hơn trong Journal of Law and Bioscience (Tập sang Luật và Sinh học)

Người Mỹ gốc Phi chỉ chiếm 12% dân số ở Hạt Washtenaw, bang Michigan, nhưng lại chiếm tận 46% tổng số ca nhiễm COVID-19. Ở thành phố Chicago, bang Illinois, người Mỹ gốc Phi chiếm 29% dân số, nhưng trong tổng số ca chết vì COVID-19 mà có ghi nhận sắc tộc, họ chiếm đến 70%. Washington có 13% là người Mỹ gốc nói tiếng Tây Ban Nha/châu Mỹ Latinh, nhưng họ lại chiếm đến 31% số ca nhiễm COVID-19. Ở Iowa, người Mỹ gốc nói tiếng Tây Ban Nha/châu Mỹ Latinh chiếm 6% dân số nhưng tới 20% số ca nhiễm COVID-19.
Tỉ lệ tử vong do COVID-19 của người Mỹ gốc Phi cũng cao hơn phần trăm dân số của họ ở những thành phố và bang có sự phân chia dân sư theo chủng tộc như Milwaukee, Wisconsin (66% tử vong, 41% dân số), Illinois (43% tử vong, 28% nhiễm, 15% dân số), và Louisiana (46% tử vong, 36% dân số).
Sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm và tử vong do COVID-19 giữa các chủng tộc và sắc tộc là do sự phân biệt chủng tộc trong quá khứ và hiện tại. Hệ quả là sự chênh lệch về [mức độ] phơi nhiễm, nguy cơ mắc bệnh, và [chất lượng] điều trị.

Yearby và Mohapatra nhận xét rằng nhiều chủng tộc và sắc tộc thiểu số đã bị xếp loại là "những người lao động thiết yếu", và không thể làm việc tại nhà, nghỉ việc, hoặc được nghỉ phép có lương. Phân biệt chủng tộc trong chính sách nhà ở kéo dài rất nhiều năm đã khiến người màu sống trong khác khu nhà ở đông đúc hơn và thường ô nhiễm hơn so với người da trắng. Hậu quả là họ chịu nguy cơ cao hơn khi có dịch bệnh xảy ra. Và khi bị bệnh, họ cũng khó tiếp cận và có khả năng chi trả cho chăm sóc y tế.

Các cuộc biểu tình rầm rộ không làm giảm gánh nặng của Covid-19 lên các cộng đồng này ngay lập tức và có nguy cơ làm cho tình hình tồi tệ hơn. "Các cuộc biểu tình sẽ làm tăng nguy cơ truyền nhiễm," Majumder cho biết. Nhưng ngay cả như vậy thì cô và nhiều chuyên gia y tế khác cho rằng các cuộc biểu tình là cần thiết. (Đọc thêm ở đây để biết cách giảm nguy cơ lây lan Covid-19 khi đi biểu tình).


Cảnh sát bắt giữ người dân khi họ xuống đường biểu tình tại Atlanta, Georgia, ngày 30 tháng 5|Elijah Nouvelage/Getty Images


Đối đầu giữa cảnh sát trang bị dùi cui, đạn cao su và người biểu tình chống bạo lực cảnh sát ở Long Beach, California, ngày 31 tháng 5|Apu Gomes/AFP via Getty Images


"Chúng tôi không thể so sánh trực tiếp hai bi kịch này, nhưng chúng đều là những cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ở quy mô rất lớn", cô nhận xét. "Và với người da đen, chúng còn có liên hệ với nhau. Với tôi, những cuộc biểu tình này là về phân biệt chủng tộc mang tính thể chế." Và sự phân biệt chủng tộc này tạo điều kiện cho sự tiếp diễn của bạo lực cảnh sát, cũng như nó [sự phân biệt chủng tộc] đã tạo điều kiện cho bệnh tật lây lan.

Nhiều nhà dịch tễ học, bác sĩ, và các nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm cũng lên tiếng bảo vệ các cuộc biểu tình hiện nay, nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa hậu quả nặng nề của Covid-19 ở cộng đồng người da đen và quá khứ phân biệt chủng tộc:


"Cái nào sẽ gây tác hại lớn hơn cho xã hội? Chấn thương [tinh thần] hiện tại và xuyên suốt nhiều thế hệ, bởi bạo lực cảnh sát, hay là rủi ro do Covid-19?" Jaime Slaughter-Acey, nhà dịch tễ học tại ĐH Minnesota, đặt vấn đề. "Việc nhiều người xuống đường biểu tình bất chấp nguy cơ bị nhiễm Covid-19, chứng tỏ rằng bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc còn đáng sợ hơn nhiều." Mặc dù vậy, Slaughter-Acey cũng lo rằng Covid-19 sẽ lây lan trong các cuộc biểu tình và "lại gây hậu quả nặng nề hơn lên cộng đồng người da đen [so với người da trắng]".

Những nguyên nhân làm cho nhiều cộng đồng thiểu số có nguy cơ cao trong cơn đại dịch, cũng khiến họ có nguy cơ bị bạo lực cảnh sát. Nhiều năm bị từ chối các cơ hội thăng tiến về kinh tế, không được xã hội coi trọng, sự phân biệt chủng tộc mang tính thể chế, đã dẫn đến hai hậu quả trên.

"Cho dù bạn nhìn nó thế nào thì hệ thống tư pháp hình sự của Mỹ đều có thành kiến với người Mỹ da đen, và họ có nhiều khả năng phải chịu hình phạt tàn bạo từ nhà nước hơn người Mỹ da trắng," Dylan Scott của Vox viết. Tương tự như vậy, gần như với tất cả chỉ số trong sức khỏe cộng đồng, người Mỹ da đen đối mặt với rủi ro lớn hơn nhiều. Họ chịu gánh nặng của bệnh tim, đái tháo đường, hen, và béo phì nhiều hơn.

Phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống cũng làm cho hậu quả của đại dịch Covid-19 tệ hơn, vì nó tạo sự ngờ vực với các tổ chức nhà nước. ProPublica gần đây điều tra 100 ca tử vong do Covid-19 đầu tiên ở Chicago. Bảy mươi ca tử vong là người Mỹ gốc Phi, và ProPublica phỏng vấn gia đình của 20 người trong số họ.

"Mặc dù nhiều người bệnh có các bệnh lý khiến họ đặc biệt dễ bị nhiễm virus, không phải lúc nào họ cũng nhận được sự hướng dẫn cụ thể và phù hợp cách tìm kiếm sự chữa trị, " ProPublica tóm tắt. "Họ sống gần các bệnh viện mà họ không tin tưởng và [các bệnh viện này] cũng không có sự chuẩn bị phù hợp để điều trị các ca bệnh COVID-19."

Những người này đã không đến các bệnh viện cộng đồng "vì họ không nghĩ là họ sẽ được điều trị," Slaughter-Acey nói. "Và điều này cũng tương tự với bạo lực cảnh sát. Người Mỹ da đen ít gọi cảnh sát, ngay cả trong tình huống cần sự hỗ trợ của cảnh sát, vì nỗi sợ bị kỳ thị hoặc bị nghi là hung thủ."

Hiện nay, trên tin tức tràn ngập những hình ảnh của các cuộc tụ họp đông người vào thời điểm mà sự cách ly xã hội vẫn nên được thực hiện. Điều này có thể làm lan truyền Covid-19 và thực sự đáng quan tâm. Nhưng sự lo lắng này có thể tồn tại bên cạnh mối quan ngại về bạo lực [cảnh sát] và cái chết mà cộng đồng người da đen phải đối mặt, cho dù có dịch bệnh hay không.

Để đối mặt với sự phân biệt chủng tộc đã khiến người Mỹ da đen chết nhiều hơn dưới tay cảnh sát, ta phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc đã khiến cộng đồng này có nguy cơ tử vong cao hơn vì covid-19. Có những chính sách và ý tưởng có thể được thực hiện để giúp giảm bạo lực cảnh sát. Ngoài ra còn có các chính sách và ý tưởng có thể giảm bớt gánh nặng của coronavirus lên cộng đồng người da đen và các cộng đồng người thiểu số khác (Yearby và Mohapatra thảo luận thêm trong bài nghiên cứu của họ).

Tuy nhiên, ít nhất là trong hiện tại, các cuộc biểu tình có mục đích tương tự như đối phó với cơn đại dịch: giảm số người chết.


Translated by Nhan Nguyen

Comments


bottom of page