top of page

Tác động tàn nhẫn của việc trục xuất người Mỹ gốc Đông Nam Á

Translated from THE SOUTHEAST ASIA RESOURCE ACTION CENTER: FACT SHEET's article The Devastating Impact of Deportation on Southeast Asian Americans

Những người Đông Nam Á chạy trốn khỏi Campuchia, Lào, Việt Nam cuối những năm 1970 đầu những năm 1980 đã trở thành cộng đồng tị nạn lớn nhất từng định cư ở Hoa Kỳ.


By THE SOUTHEAST ASIA RESOURCE ACTION CENTER: FACT SHEET, on 16-03-2021, 01:00:0

MỘT CỘNG ĐỒNG NGƯỜI TỊ NẠN Những người Đông Nam Á chạy trốn khỏi Campuchia, Lào, Việt Nam cuối những năm 1970 đầu những năm 1980 đã trở thành cộng đồng tị nạn lớn nhất từng định cư ở Hoa Kỳ. Là những người tị nạn của những cuộc chiến tranh và ném bom dài hàng thập kỷ, cùng với một trong những cuộc thảm sát tồi tệ nhất thế kỷ 20, cộng đồng người Mỹ Đông Nam Á (SEAAs) đã gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình tái định cư ban đầu, với tỷ lệ nghèo đói cao, rối loạn hậu chấn tâm lý, cùng với kết quả học tập kém. Thế hệ trẻ lớn lên ở những khu dân cư nghèo khó, đôi khi trượt dốc trên con đường học vấn, trở thành một phần của băng đẳng và phạm tội để tồn tại. Ngày nay, hơn 2.7 triệu người SEAA đang sống ở Hoa Kỳ, nhưng ít nhất 16,000 thành viên cộng đồng này đã nhận được lệnh trục xuất, hơn 13,000 người trong số đó vì lý do những tội trạng cũ ghi trong hồ sơ của họ (chiếm 80% trong tổng số lệnh trục xuất SEAA, so với 29% tổng tất cả người nhập cư nhận lệnh trục xuất). Rất nhiều trong số họ đặt chân đến đây khi còn rất nhỏ, được nuôi lớn như một người Mỹ. Một số lượng không nhỏ những người bị trục xuất được sinh ra trong trại tị nạn, và chưa từng đặt chân lên “đất mẹ.” 14,000 GIA ĐÌNH ĐANG SỐNG TRONG BẤP BÊNH Do những di chứng của Cuộc Chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ chỉ có thể thiết lập thỏa thuận hồi hương với Campuchia vào năm 2002 và với Việt Nam vào năm 2008, mặc dù chỉ những người nhập cư sau năm 95 mới bị trục xuất về Việt Nam. Giữa Hoa Kỳ và Lào vẫn chưa có một thỏa thuận chính thức. Bởi vậy, ít nhất 1,500 người vẫn còn ở lại Mỹ chờ bị trục xuất về Cambodia, 4,200 về Lào, và tới 8,400 về Việt Nam: tổng ít nhất 14,000 người đang sống trong bấp bênh không biết khi nào mình sẽ phải khăn gói rời đi. Bởi vì có nhiều người SEAA với lệnh trục xuất cuối cùng không thực sự bị trục xuất ngay lập tức, họ thường tiếp tục và tái thiết cuộc sống của mình. Họ lập gia đình và bắt đầu kinh doanh, trở lại trường học, và tham gia vào cộng đồng. Có thể sẽ mất hàng ngày, hàng tháng, thậm chí đến hàng thập kỷ trước khi họ thực sự phải rời đi. Điều đó là một gánh nặng tâm lý thực sự, cũng như thử thách kinh tế, cho các cá nhân và gia đình không biết liệu ngày mai có phải là ngày cuối họ ở trên đất Mỹ hay không.

Người dịch: Duong Nguyen

Biên tập: Tung Nguyen

Comentários


bottom of page